Bật mí thú vị về kiến trúc “lỗ rồng tâm linh” của những tòa nhà cao tầng ở Hồng Kông

Đăng ngày:

Kiến trúc lỗ hổng độc đáo của những tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông khiến nhiều người không khỏi tò mò. Ý nghĩa đằng sau đó là gì?

Vịnh Repulse là khu chung cư cao cấp ở Hồng Kông nổi tiếng vì những lỗ hổng đặc biệt trong cách thiết kế. Không chỉ có vịnh Repulse, dọc theo bờ biển của Hồng Kông, bạn có thể thấy những kiến trúc tương tự ở Áp Lợi Châu (một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía Nam), làng Pok Fi Lam ở phía Tây, khu phức hợp Peak…

Một số người cho rằng những lỗ hổng này có ý nghĩa lịch sử và được làm ra vì mục đích phong thủy. Từ thời cổ đại ở Trung Quốc, lỗ hổng đóng vai trò như cửa ngõ cho “những con rồng tâm linh” nằm ở những ngọn đồi phía sau tòa tháp ngăn chặn con đường dẫn đến nước của rồng có thể mang lại bất hạnh cho dân địa phương. Nhưng trên thực tế, cách xây những lỗ hổng này không chỉ vì mục đích tâm linh mà còn có ý nghĩa khác.

Kiến trúc lỗ hổng là sản phẩm của tâm linh?

Được xây dựng bởi Công ty Khách sạn Hồng Kông và Thượng Hải vào năm 1986 với chi phí 38 triệu đô la, Vịnh Repulse là khu phức hợp dân cư hướng ra biển rộng 88.733 mét vuông với diện tích rộng 16 mét và cao 24 mét. Thiết kế khác thường đã đem đến giá trị thẩm mỹ cao cho tòa nhà. Martyn Sawyer, giám đốc sở hữu nhiều khách sạn ở Hồng Kông và Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là thiết kế đặc biệt đầu tiên ở Hồng Kông”.

Kiến trúc Hồng Kông 1

Vịnh Repulse với kiến trúc độc đáo nhất Hồng Kông. (Ảnh: Antonia Saba)

Ban đầu, những lỗ hổng là một điều kỳ lạ với những người dân địa phương vì họ chưa bao giờ thấy thiết kế giống như thế này trước đây. Mặc dù không được xây dựng với cảm hứng phong thủy hay lý thuyết “tinh thần rồng” nổi lên tại địa phương, nó vẫn giúp người Hồng Kông sống hòa bình với tòa nhà mới. Trước đây, công trình từng gây tranh cãi khi khách sạn của vịnh Repulse khai trương từ 1920 bị phá hủy nhường chỗ cho khu phức hợp này. Tuy nhiên, Ann Tsang, giám đốc sáng tạo Scotland chuyển đến Hồng Kông từ 1984 đã nói rằng: “Chúng ta mất một tòa nhà thuộc địa nhưng đổi lại một tòa nhà mang hơi thở của hiện đại và mang một khía cạnh huyền bí”.

Sawyer cho rằng câu chuyện về thần rồng đã trở thành “truyền thuyết địa phương”: “Những người dân địa phương tin rằng một gia đình rồng đã sống ở những ngọn đồi xung quanh. Rồng mẹ đã đưa con mình xuống biển để tắm mỗi sáng dưới làn nước trong xanh mát mẻ. Để không chặn đường ra vào của gia đình rồng và mang lại may mắn cho vùng đất này, những chiếc lỗ này đã được thiết kế để rồng có thể bay qua”.

Thiết kế lỗ hổng giúp tăng lợi ích tài chính

Câu chuyện về gia đình rồng được truyền miệng từ người này sang người khác và qua biết bao thế hệ. Nhưng thực tế, kiến trúc lỗ hổng lại có ý nghĩa ít thần thoại hơn. Vào những năm 1980, các nhà phát triển đã bắt đầu xây dựng các khối cao tầng được gọi là “tòa nhà có hiệu ứng tường” ở Hồng Kông. Hoyin Lee, một giáo sư về bảo tồn kiến trúc tại Đại học Hồng Kông xác định sự phát triển của City Garden ở quận North Point (hoàn thành vào năm 1986) là một trong những ví dụ cho “hiệu ứng tường” sớm nhất. Được biết, những khu chung cư được thiết kế tập hợp nhiều tòa nhà vào một lô đất để tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng, các kiến trúc sư lại đối mặt với một vấn đề khác. “Khi những tòa nhà được xây dựng san sát nhau, nhiều người dân phàn nàn vì không có lỗ thông gió”, kiến trúc sư Michael Chiang, người điều hành Michael Chiang và Associates Architects có trụ sở tại Hồng Kông cho biết. Năm 2005, Sở kế hoạch thành phố đã công bố một báo cáo cho “Nghiên cứu AVA” đề nghị thiết lập một bộ hướng dẫn thông gió cho các dự án bất động sản được chính phủ tài trợ. “Tuy nhiên, những hướng dẫn này không có hiệu lực pháp lý cho sự phát triển tư nhân”, ông Lee cho biết thêm. Nhiều thời gian sau, khi chính phủ cho phép xây dựng nhà nhiều hơn, nó đòi hỏi cần phải có khoảng cách hợp lý giữa các công trình. Song, chúng ta không có đủ không gian để làm được điều đó. Và cuối cùng, lỗ hổng đã được tạo ra để làm lỗ thông gió và tăng độ “mở” giữa các tòa nhà. Đó là lý do chúng tôi xây dựng nó”.

Kiến trúc Hồng Kông 5

Để giải quyết vấn đề thông gió, những lỗ hổng đã được tạo ra. (Ảnh: Hong Kong and Shanghai Hotels)

Kiến trúc Hồng Kông 6

(Ảnh: Getty Images)

Kiến trúc Hồng Kông 8

(Ảnh: Yom Lam/Alamy)

Ý nghĩa sắc thái và giá trị mỹ quan

Bên cạnh câu chuyện phong thủy và mục đích lợi nhuận, thiết kế lỗ hổng còn mang một giá trị khác. Những lỗ hổng có thể cung cấp lối vào cho ánh sáng, phản ánh sự phù hợp của tòa nhà với môi trường xung quanh nó hay tượng trưng cho một điều gì đó ý nghĩa hơn.

Thiết kế lỗ hổng ở khu liên hợp Chính phủ Trung ương tại Admiralty, nơi đã từng là trụ sở chính quyền của thành phố từ năm 2011 có ý nghĩa sắc thái hơn. Kiến trúc sư Rocco Yim, đồng sáng lập của Rocco Design Architects có trụ sở tại Hồng Kông, thiết kế khu phức hợp cho biết: “Nó không được thiết kế với suy nghĩ về tâm linh mà bằng ý định thiết kế đô thị của sự kết nối và sẻ chia”. Dù được thiết kế vì lý do gì thì kiến trúc lỗ hổng kỳ lạ của các tòa nhà ở Hồng Kông đã trở thành đặc điểm nổi bật của khu vực này.

Kiến trúc Hồng Kông 4

Thiết kế lỗ hổng ở khu liên hợp Chính phủ Trung ương tại Admiralty. (Ảnh: ITPhoto/Alamy)

Xem thêm:

Nghệ thuật kiến trúc đẹp kì vĩ qua phép màu của Panorama

Tìm về kỷ niệm với kiến trúc Đông Dương

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ CNN)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more