Le Duo – Hương sắc của âm nhạc
[Tạp chí ELLE tháng 8/2017] Một tối tháng Sáu, tôi đến với không gian âm nhạc của hai nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển. Khi họ bước ra, cả khán phòng đang ồn ào bỗng im phăng phắc, như thể tất cả đều nín thở, sợ rằng chỉ một tiếng động khẽ khàng cũng phá hỏng không khí linh thiêng này.
Tôi đã gặp Bảo và Trinh như thế. Sau buổi hòa nhạc “Hương mùa Hè” do France Alumni Vietnam và CUCA Vietnam đồng tổ chức, tôi xin hai anh chị một cái hẹn. Họ dẫn tôi bước vào thế giới âm nhạc đầy hương sắc của mình.
Chào anh chị, anh chị nói một chút về nhạc cổ điển nhé!
Định nghĩa về nhạc cổ điển thì rất sâu và rộng, nhưng nói đơn giản, nhạc cổ điển được tạo ra dựa trên một nền tảng tiêu chuẩn, liên tục phát triển trong 300-400 năm ở châu Âu và được chia làm nhiều giai đoạn. Các tác phẩm được viết ra thành văn bản, được lưu trữ, nghiên cứu và hệ thống hóa, cái sau nối tiếp cái trước, cái mới nối tiếp cái cũ, tất cả đều phát triển trên cùng một con đường. Nhạc cổ điển thường là những bản hòa tấu dài hơi, chia thành nhiều chương, khúc. Cũng có những bản nhạc ngắn vài phút, nhưng về kết cấu thì không thể thay đổi. Đó là một sự phối hợp có trình tự, lớp lang của từng nhạc cụ. Ngoài ra, nhạc cổ điển cũng cần chơi trong một không gian đặc trưng, một văn cảnh cụ thể nữa.
Nhạc cổ điển đã trải qua giai đoạn đỉnh cao ở châu Âu. Có phải từ lâu lắm rồi, không có những tác phẩm vĩ đại như thời của Bach, Mozart, Beethoven… ra đời nữa?
Chúng tôi không nghĩ vậy. Hiện nay, âm nhạc đang phát triển một cách chóng mặt. Nhiều người đã nắm được bí quyết để tạo ra tác phẩm lớn, họ có khả năng viết trong vòng một đêm. Trong số đó, không ít người viết những bản nhạc có giai điệu giống như thời Tiền cổ điển hay Lãng mạn, chẳng hạn như Jérôme Ducros. Nhưng cũng có nhiều người, để đánh dấu “chữ ký” của mình, họ bắt đầu tìm tòi, tạo ra những hiệu ứng đậm chất đương đại, giai điệu bị bẻ gãy với tiết tấu lạ lùng. Tristan Murail, Tôn Thất Tiết, hay bạn của Bảo – Andrea Mancianti là những ví dụ điển hình.
Anh chị có thường xuyên tổ chức concert ở Việt Nam?
Tổ chức concert ở Việt Nam rất khó khăn và phức tạp. Khó khăn lớn nhất là làm sao để mọi người biết và đến. Lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, chúng tôi không hề có khán giả. Chúng tôi thường tham gia hợp tấu với các nghệ sĩ quốc tế hơn là tổ chức concert riêng.
Tại sao biểu diễn nhạc cổ điển tại Việt Nam lại khó khăn như vậy?
Có lẽ là do vấn đề văn hóa. Thực tế thì nhạc cổ điển chưa bao giờ thịnh hành ở Việt Nam. Ở châu Âu, nhạc cổ điển là một phần của cuộc sống. Người ta nghe nhạc cổ điển từ khi mới sinh ra, có cả những concert dành riêng cho trẻ em. Người Việt Nam mình thì không có thói quen đó. Mọi người thường thích những bài hát có giai điệu dễ nhớ, lời dễ thuộc. Trong khi nhạc cổ điển thường không có lời, vừa dài lại vừa trừu tượng nên khá khó tiếp cận.
Hiện nay, có những nhóm bạn trẻ biểu diễn nhạc cổ điển ngoài đường phố, anh chị nghĩ như thế nào?
Chúng tôi rất vui mừng. Điều này chứng tỏ nhạc cổ điển đang hướng đến thế hệ trẻ. Họ đang mang âm nhạc đến với nhiều người hơn.
Trong buổi hòa nhạc “Hương mùa Hè”, anh chị có nhắc đến mối liên hệ giữa âm nhạc và mùi hương, điều đó có thật chứ?
Đúng là một số người có khả năng ngửi thấy mùi hương khi chơi nhạc. Đó thực sự là một món quà trời ban. Bảo có một cô bạn chơi piano, cô ấy ghi chú vào một số bản nhạc là “rất dậy mùi”. Nghe thú vị quá phải không? Đánh như thế nào cho dậy mùi? Điều đó thật bí ẩn. Còn Trinh thì nghĩ đó là do màu hòa âm. Có lần Trinh chơi một bản nhạc có màu hòa âm rất đẹp, và Trinh có thể ngửi được mùi của không khí sau cơn mưa, của lá cây, của đất, của hơi nước, rất tươi mới.
Bên cạnh mùi hương, còn có màu sắc nữa ư?
Đó không phải là màu sắc thường thấy. Đôi khi một bản nhạc sẽ mang lại ánh sáng lung linh, có khi là sương khói mờ ảo, thỉnh thoảng lại cho mình cảm giác được ôm ấp, ấm áp. Bảo rất thích chương Ondine trong bản Gaspard de la Nuit của Maurice Ravel do Ivo Pogorelich trình bày. Mỗi lần nghe, Bảo lại cảm nhận được không khí buổi tối, có mùi ẩm của sương, có cảm giác hơi se lạnh, có ánh sáng dịu dàng của trăng và hương cỏ lau nữa.
Âm nhạc thật kỳ diệu, đúng không?
Chúng tôi nghĩ, cái gì không cần thiết thì sẽ bị loại bỏ, đó là quy luật của tự nhiên. Nhạc cổ điển đã tồn tại hàng trăm năm nay, và đối với tôi, nó luôn luôn thú vị. Tôi vẫn nghe nhạc trẻ, vẫn dùng viola để chơi nhạc hiện đại đấy chứ, thậm chí nghe cả cải lương, nhạc cách mạng… Hãy thử tưởng tượng, nếu suốt đời chúng ta chỉ giải trí một kiểu, chỉ nghe một loại nhạc thì có chán không? Vậy tại sao mình không cho nhạc cổ điển một cơ hội? Âm nhạc sinh ra là để phục vụ chúng ta. Mọi thể loại, dù có đặc trưng khác nhau, nhưng đều là kết quả của sự sáng tạo và đem lại những giá trị tinh thần không thể đong đếm được.
Âm nhạc đã mang lại cho anh chị điều gì?
Âm nhạc cho chúng tôi một thế giới mộng tưởng và những cuộc phiêu lưu. Khi bạn yêu công việc của mình, bất cứ nghề nào cũng có thể là một cuộc phiêu lưu.
Cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện thú vị này.
Nhóm song tấu Le Duo gồm hai thành viên. Phạm Vũ Thiên Bảo là nghệ sĩ viola của dàn nhạc Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Anh tốt nghiệp thủ khoa bộ môn Viola bậc Cao học tại Nhạc viện Quốc gia Paris, sau đó là bậc “D.A.I” (Diplome artist interpret – bậc học tương đương với Tiến sĩ biểu diễn âm nhạc) tại Nhạc viện Quốc gia Paris. Trần Ngọc Nguyên Trinh là nghệ sĩ piano tài năng bước ra từ Nhạc viện Tchaikovsky Moscow (Nga), Nhạc viện Versailles và Nhạc viện Boulogne- Billancourt (Paris, Pháp).
Cả hai đều đạt được nhiều giải thưởng cao quý về nhạc cổ điển, cùng là giảng viên Nhạc viện TP.HCM và cùng lập ra nhóm song tấu Le Duo.
Đoàn Trúc – Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE