Lễ hội Việt Nam có còn thực sự mang ý nghĩa thuần phong mỹ tục?

Đăng ngày:

Liệu những lễ hội man rợ không mang tính giáo dục, không đề cao giá trị nhân văn có được coi là nét đẹp văn hóa của người Việt nữa hay không? Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại…

“Lễ hội cầu trâu, chém lợn là phản cảm, cần loại bỏ, thay thế”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay.

Đúng là chưa có cơ sở khoa học chính đáng cho thấy việc thờ cúng thần linh với sự chết chóc sẽ giúp đem lại cuộc sống phồn vinh, lợi lộc cho người dân. Nhưng xét về mặt văn hoá, việc cúng tế thần là một di sản đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu với đời sống tinh thần của họ. Hãy cùng ELLE tìm hiểu về một số phong tục man rợ đã có từ lâu đời tại Việt Nam.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

“Dù ai buôn đâu bán đâu

Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu”.

Được biết đến với cái tên dân dã “đấu ngưu”, đây là một phong tục đã có từ xa xưa với những câu ca dao cổ vẫn được lưu truyền theo năm tháng. Cho tới tận ngày nay, người dân vạn chài Đồ Sơn đã trải qua rất nhiều thế hệ để cố gắng lưu truyền di sản văn hoá phi vật thể quốc gia không dần mai một.

le hoi viet nam - elle

Càng hăng tiết, mình mẩy các chú trâu sẽ càng có nhiều thương tích. (Hình ảnh: Zing)

Hàng năm vào ngày chính hội, mồng 9 tháng 8 Âm lịch, lễ hội sẽ diễn ra theo hai phần: phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên các làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng. Sau đó là lễ rước nước, gắn với tục tế Thuỷ Thần. Sáng ngày chính hội, các chủ trâu sẽ xin phép Thành Hoàng đưa “Ông trâu” đi thi đấu.

le hoi viet nam - elle

Sau “cuộc chiến”, các chú trâu dù thằng thua cũng sẽ bị giật điện để lấy thịt. Theo quan niệm xưa, những con trâu khoẻ mạnh, dũng mãnh nhất thường sẽ được rước về đình làng để làm lễ cúng tế thần. (Hình ảnh: Zing)

Tuy nhiên gần đây, việc một con trâu từ chối thi đấu bất ngờ quay lại húc chủ tử vong đã khiến Bộ Văn hoá phải xem xét lại mức độ an toàn của lễ hội. Đây dường như là một lời cảnh tỉnh cho một hủ tục mang quá nhiều phần “hội” thay vì phần “lễ”.  Nhưng để có thể xoá bỏ hoàn toàn di sản mang tính tàn bạo này, có lẽ sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới có thể thành hiện thực.

Lễ hội chém lợn Bắc Ninh

Vào ngày mồng 6 Tết hàng năm, người dân ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đổ về sân đình để chứng kiến lễ rước và chém lợn tế thần truyền thống dịp đầu xuân. Để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất, người dân sẽ rước hai “ông lợn” đi vòng quanh làng rồi quay trở lại sân đình chém đứt làm đôi.

Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu… Vì vậy sau khi chém lợn, người dân hoặc du khách thường sẽ lấy tiền quẹt vào tiết lợn để cầu may. Lợn tế thánh được chia cho mọi người trong làng với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc.

le hoi viet nam - elle

Các tổ chức vì động vật như AnimalsAsia và PETA cũng đã phải vào cuộc lên tiếng kêu gọi mạnh mẽ để chấm dứt hoàn toàn hủ tục bạo lực này. (Hình ảnh: Báo Mới)

Có thể nói, đây là một trong những hủ tục man rợ tàn bạo nhất từ trước tới nay. Từ năm 2016, Ủy ban Nhân dân thành phố đã nghiêm khắc phê bình và cắt danh hiệu làng văn hoá Ném Thượng. Dù vậy, nghi thức chém lợn sẽ vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng được chuyển đến nơi kín đáo hơn.

Có lẽ người dân cũng đã dần nhận thức được, trong xã hội văn minh tiên tiến, những lễ hội man rợ cần phải nhanh chóng được loại bỏ. Điển hình là Lễ hội treo trâu Yên Bái và Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên.

Lễ hội treo trâu Yên Bái

Tục treo cổ con trâu trắng trên cây mít có tuổi đời trên 300 năm trước cửa đền để tế thần linh là tục lệ từ xa xưa được người dân truyền lại qua nhiều thế hệ. Thường sẽ được diễn ra vào lúc 0h ngày Mão đầu năm, mở đầu lễ hội đền Đông Cuông.

le hoi viet nam - elle

Một hình ảnh rất phản cảm, phi nhân tính dưới hàng trăm con mắt người dân. (Hình ảnh: Báo Mới)

Dân gian quan niệm tục lệ này rất linh thiêng, là một phần lịch sử để lại. Mặc dù vậy, việc treo cổ trâu đến chết là một hành động bạo lực man rợ và cực kỳ phi đạo đức. Chỉ cho tới khi hình ảnh được phát tán qua mạng xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái mới chính thức cấm nghi thức treo cổ trâu từ năm 2017.

Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên

Hàng năm cứ sau mỗi mùa rẫy, dân tộc ở Tây Nguyên lại tổ chức lễ hội đâm trâu nhằm tạ ơn trời, các vị thần đã cho mưa gió, phù hộ dân làng làm ăn được mùa, con cháu khoẻ mạnh. Trong nhịp trống, cồng chiêng, những chàng trai bắt đầu đâm trâu.

le hoi viet nam - elle

Thịt trâu được xẻ đều cho từng nhà trong buôn làng, còn lại sẽ dùng để nấu cỗ ăn uống chung tại nhà rông. Đầu trâu được gác lên một cây cột, sáng hôm sau sẽ làm lễ rước đầu trâu lên nhà rông, cặp sừng sẽ được giữ lại và treo trên vách.

Tuy nhiên trong các lễ ăn trâu trước đây, trước khi đâm chết con trâu, người ta thường làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, họ đâm từng nhát từng nhát một để con trâu giãy giụa đau đớn, mình đầy máu trong không khí nhảy múa, reo hò. Trước những biến tướng của hủ tục này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã quyết định loại bỏ để tránh những hình ảnh phản cảm, hệ luỵ không đáng có.

Nhóm thực hiện

Beth Phạm (Tạp Chí Phái Đẹp ELLE, tham khảo: vnexpress, wikipedia)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more