Nhìn lại hành trình làm mới nhạc Trịnh

Đăng ngày:

Công cuộc làm mới nhạc Trịnh Công Sơn vẫn luôn diễn ra trong suốt những năm vừa qua. Trong đó, cái tôi sáng tạo cùng cốt lõi nhạc Trịnh vẫn luôn được đặt cạnh nhau như cơ sở để đánh giá tính hiệu quả. Dù vẫn có không ít cuộc làm mới phần nào gây tranh cãi nhưng cũng không thể phủ nhận nỗ lực của những người đang cố gắng mang nhạc Trịnh đến gần hơn với đời sống hiện đại.  

Rõ ràng, hiệu quả của một dự án làm mới luôn khó đoán định, bởi khán giả luôn có tiêu chuẩn kép khi so sánh với tác phẩm gốc: phải mới nhưng không được khác, phải sáng tạo nhưng không được “đập phá đền đài” – một kiểu tiến thoái lưỡng nan của tình thế sáng tạo. Nhìn lại những dự án làm mới nhạc Trịnh, Thanh Phương có lẽ là nhà sản xuất giữ được “tinh thần Trịnh” nhiều nhất khi anh đơn thuần mang vào nhạc Trịnh cách thể hiện mới, thổi một hồn mới mà không quá phơi bày phong cách cá nhân.

Năm 2009, Hiền Thục ra mắt Portrait 17 và tạo nên một cơn sóng ngầm vì cô vốn dĩ không quá gắn bó với nhạc Trịnh. Hiền Thục cũng rất thông minh khi cô không hát những bài quen thuộc mà lại lựa chọn những sáng tác có phần lạ lẫm, ít được thể hiện. Tiếp nối thành công của album đầu tiên, 2 năm sau đó, cô cùng nhạc sĩ Thanh Phương tiếp tục trình làng dự án Thiên sứ cũng với công thức cũ và lại đạt được kết quả ngoài mong đợi. Không cố gắng đóng đinh bản thân vào bất kỳ khuôn mẫu nào, Hiền Thục chỉ đơn giản hát lại bằng cách nghĩ của mình. Kết quả là Môi hồng đào – bài hát lúc sinh thời được Trịnh Công Sơn cho là khó hát nhất – lại hay một cách kỳ lạ.

hành trình làm mới nhạc trịnh

Nhắc đến Thanh Phương, Hiền Thục mà bỏ qua Giang Trang cũng là một thiếu sót lớn. Được mệnh danh là người “thiền hóa” nhạc Trịnh, công thức Giang Trang mang đến cho người nghe nhạc là sự giản tiện. Mọi loại nhạc cụ trải dài từ Lênh đênh nhớ phố tới hai dự án Hạ huyền đều được xây dựng từ những thanh âm mộc, để cái chân thành, giản dị và mộc mạc của nhạc Trịnh trở về đúng với chính nó. Việc không gian L’Espace được lấp đầy trong đêm Nguyệt Hạ cũng đã cho thấy sự mến mộ của khán giả trước sự làm mới chuẩn mực mà vẫn ra “chất” nhạc Trịnh Công Sơn của Giang Trang.

Hiện đại hơn là cuộc kết hợp với âm nhạc điện tử của Võ Thiện Thanh hay gần đây nhất là Quốc Trung. “Phù thủy âm nhạc” Võ Thiện Thanh một lần nữa để lại dấu ấn khi kết hợp chill out với các ca khúc bất hủ, để trên nền âm thanh hiện đại, người ta phát hiện ra một chiều kích khác trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, không chỉ trường độ, cao độ mà còn ở cả độ sâu. Như thể, mỗi khi Nguyên Thảo cất lên Người hành hương trên đỉnh núi, người nghe lại thấy trước mắt buổi sáng mù sương ở xứ B’lao nơi ông viết thư cho cô Dao Ánh. Thành công của Võ Thiện Thanh nằm ở việc bổ sung cách cảm nhận cá nhân nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần nhạc Trịnh.

Mới đây nhất, Hà Lê lại mang rap, reggae, hip-hop, EDM vào nhạc Trịnh thông qua dự án Trịnh Contemporary trong năm vừa rồi. Sự thành công của Hà Lê xuất phát từ khả năng nắm bắt tốt tinh thần nhạc Trịnh, để từ đó diễn dịch và chuyển hóa nó thành một sản phẩm mới phù hợp với đối tượng người nghe. Ví dụ, từ một bài ca đậm tính cổ vũ cách mạng, Huế – Sài Gòn – Hà Nội nay lại mang hơi thở hippie trong kiểu reggae; hay việc nối dài concept qua mảng nghe – nhìn, ca khúc Mưa hồng được “điện ảnh hóa” trong một MV đa tầng đa nghĩa, chắc chắn đã khiến Trịnh Công Sơn hài lòng.

Một nỗ lực khác để mang nhạc Trịnh đến với giới trẻ không thể không nhắc đến là Miu Lê với nhạc phim Em là bà nội của anh. Dẫu chỉ là ca khúc phục vụ cho bộ phim nhưng Đức Trí và Miu Lê cũng đã góp phần mang đến đời sống mới cho nhạc Trịnh. Bằng chứng là khi bộ phim được trình chiếu, Còn tuổi nào cho em trở thành bài hát được nghe nhiều nhất trong thời gian dài, dù cách hát tuy có phần non nớt nhưng lại phù hợp với thế hệ trẻ.

Ngoài những sáng tạo được đánh giá cao, cũng có những cuộc làm mới vì quá chú trọng thể hiện phong cách cá nhân mà không nhận được sự ủng hộ của người nghe nhạc. Đơn cử là hai dự án của Lê Minh Sơn và Thanh Lam. Cả hai sở hữu nguồn năng lượng quá lớn, để cho cá tính lấn át hẳn tinh thần nhạc Trịnh. Hai dự án này, công bằng mà nói, vẫn hay với người say mê giọng hát Thanh Lam, nhưng lại thiếu đi xúc cảm của người yêu Trịnh, vì cái cốt cách, hương hồn đã không còn nữa.

Thử nghiệm hát lại nhạc Trịnh của Lệ Quyên cũng là một thất bại không thể không nhắc đến. Từ bản phối đậm chất pop phần nào mang hơi hướng bolero cho đến cách hát nặng nề, thê lương, tất cả khiến cho người nghe thấy ra sến sẩm, ủy mị. Khán giả cũng đã thể hiện sự thờ ơ tương tự với những đổi mới của Hồ Trung Dũng hay Đức Tuấn với cách hát có phần kịch tính, thiếu sự thấu cảm. Đồng Lan thì lại làm tốt những bài vui tươi cùng jazz Âu châu, nhưng khi trộn lẫn cùng những ca khúc nặng tính tự sự lại không phù hợp. Minh và Thịnh Suy – thế hệ nghệ sĩ indie mới – còn dịch hẳn Còn tuổi nào cho em sang tiếng Anh, thế nhưng, lối dịch sống sượng lại làm mất đi cái đa tầng nghĩa của nhạc Trịnh cùng với giọng hát còn nhiều yếu điểm.

nhạc trịnh công sơn sống mãi

Hôm nay, 1/4/2021, đánh dấu tròn 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, thế nhưng, trong suốt thời gian “ở trọ” trần gian, âm nhạc của ông đã, đang và sẽ luôn có một vị thế vô cùng quan trọng. Nói “đã” vì với Khánh Ly, Lệ Thu hay những giọng ca một thời vàng son, đó là ký ức không thể lãng quên. Nói “đang” vì công cuộc “thổi hồn năng lượng” vào trong nhạc Trịnh của Hồng Nhung hay cái lãnh đạm của Quang Dũng vẫn làm ta bồi hồi mỗi khi nhắc đến. Và nói “sẽ” vì những thể nghiệm vẫn luôn vận động, sáng tạo, tươi mới và đầy cảm hứng, dẫu cho có được đón nhận nồng nhiệt hay không. Âm nhạc của ông vẫn luôn còn đó và sẽ còn sống mãi trong những thế hệ mai sau. 

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more