Phương Hoài Nga – Tôi tự hào là nhà tâm lý học

Đăng ngày:

Phương Hoài Nga – chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý giáo dục – đã kiên định đi con đường mình chọn trong suốt hơn 15 năm với niềm tự hào là người đồng hành, kết nối để trẻ nhỏ được hưởng những cách giáo dục tốt nhất.

Chào Phương Hoài Nga, chị có thể giới thiệu một chút về mình?

Tôi là Thạc sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên, làm việc trong lĩnh vực Tâm lý giáo dục, làm nghề đã hơn 15 năm. Tôi may mắn được phụ huynh, giáo viên, các bạn học sinh tin tưởng và cho phép đồng hành trên những chặng đường đầy gian nan của quá trình phát triển và chuyển hóa bản thân bằng những nỗ lực vô cùng đáng ngưỡng mộ của họ. Tôi đặc biệt đam mê chủ đề làm cha mẹ đến mức hình như lúc nào tôi cũng như đang nói về những chủ đề này.

Tôi đã lập gia đình, làm mẹ của hai con: một chàng ngọt lịm với bao kỳ dị lộn cả ra ngoài, một nàng thơ với bao cương quyết lộn cả vào trong. Và tôi là một người may mắn khi mỗi ngày được cùng các thành viên trong gia đình hưởng lo lắng, căng thẳng, bình an, vui vẻ, và hạnh phúc.

trẻ em nhà tâm lý học

Tại sao trong rất nhiều ngành nghề, chị lại chọn trở thành một nhà tâm lý học?

Hồi có ý định thi vào ngành Tâm lý học, bố tôi đã vừa giận vừa thương con chọn ngành chưa biết nên hiểu ra sao. Ngành này ở Việt Nam cách đây 20 năm vẫn còn vô cùng mơ hồ. Khi phần đông bạn bè chọn kinh tế, tài chính, tôi lại quyết tâm thực sự với lựa chọn này. Vào học, tôi được nghe câu truyền khẩu trứ danh: “Tâm lý là cái gì? Nghe vừa Tâm Thần vừa Vô Lý”.

Đó cũng là năm đầu tiên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có Filière Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên thuộc khối Pháp ngữ. Sau đó tôi lại có cơ hội hoàn thành Cao học Quá trình xã hội hóa và nội tâm hóa của trẻ em và vị thành niên tại Pháp. Nhờ đó, tôi được đào tạo không chỉ về tham vấn trị liệu trẻ em, mà còn là sự phát triển toàn diện của trẻ em và vị thành niên, để có thể đồng hành với giáo dục, đặc biệt trong thời gian làm việc tại trường học.

Làm việc trong ngành hơn 15 năm, tôi có cơ hội được nhìn thật sâu vào tâm hồn con trẻ và thiếu niên, được thấy giáo viên bị đòi hỏi quá nhiều mà quá trình đào tạo thiếu rất nhiều thực tế; được thấy bố mẹ hoang mang cực độ mà dường như cả xã hội, thông qua kênh truyền thông từ chính thống đến cá nhân đều đổ lỗi nặng nề. Và tôi thấy mình cần phải làm gì đó cho tất cả những nhân vật chính ấy, thông qua các vai trò: quản lý trường học, chương trình phát triển con người và tâm lý học đường, đồng thời hỗ trợ sự hoàn thiện không ngừng của giáo viên và bố mẹ trở thành nhà giáo dục thực sự có hiểu biết về tâm lý trẻ và cũng có “nghề” để phát triển trẻ em.

Điều tuyệt vời nhất trong nghề nghiệp của tôi là thấy sự thay đổi, những vật lộn của từng cá nhân trong nỗ lực để trở nên tốt hơn mỗi ngày. Với từng đó thứ tôi nhận được, tôi thực sự tự hào với việc được gọi là nhà Tâm lý học.

trẻ em nhà tâm lý học trẻ em

Phương Hoài Nga là dịch giả và tham gia hiệu đính sách: “Cẩm nang “sống sót” dành cho cha mẹ có con 2-7 tuổi”; “Con tôi khác biệt”; “Hiểu hết về tâm lý học”.

Lập gia đình và có con, điều đó có cho Nga cái nhìn trực quan hơn cho những nghiên cứu về tâm lý trẻ em không? Và nó có thay đổi suy nghĩ của chị trước đây về những đứa trẻ không?

Trước đây, tôi có xu hướng bảo vệ trẻ em một cách cực đoan, và đòi hỏi cả thế giới, đặc biệt là thầy cô và bố mẹ cần phải thay đổi. Khi không được như mong muốn, tôi thấy mình như ôm lấy lũ trẻ mà giận cả thế giới.

Tôi bắt đầu tỉnh dần khi làm vợ, làm một thành viên của gia đình lớn hơn, và đặc biệt khi làm mẹ. Tất cả những gì biết trước đó với tư cách một người học và làm nghề về Tâm lý – giáo dục bỗng trở nên lý thuyết màu xám, trong khi con trẻ thì rõ là… xanh tươi.

Khi là chính mình trong các vai đó, tôi mới nhận ra cái khó của người làm cha mẹ và thầy cô. Bởi chính tôi cũng đã từng, và vẫn đang sống chung với những đứa trẻ hay khóc lóc, tranh cãi, nói bậy, không ăn rau, không tắm, không dọn đồ, không đi học đâu… trong gia đình. Bởi chính tôi cũng đã từng và vẫn đang giải quyết các sự vụ mất động lực học tập, bắt nạt học đường, bắt nạt công sở, mất phương hướng, căng thẳng, tự hại… trong công việc.

Đó là khi tôi nhìn mọi thứ rộng mở hơn, bao dung hơn. Sự hỗ trợ của tôi không dừng lại ở việc hỗ trợ trẻ em và vị thành niên, mà cả bố mẹ và thầy cô của chúng, và trên hết là hỗ trợ để các bên có thể sống chung hạnh phúc và làm việc được với nhau.

Phương Hoài Nga tại hội thảo

Chị có nhận định ra sao về trẻ em và môi trường mà chúng đang được nuôi dưỡng? Chị có lời nhắn nhủ gì tới những người mẹ trẻ trong việc quan tâm đến tâm lý con trẻ?

Trẻ em bây giờ lớn lên trong một thế giới với sự phát triển chóng mặt của công nghệ và tương lai khó đoán định. Điều này đòi hỏi chúng vừa làm chủ được công nghệ, lại phải hơn bao giờ hết có được những năng lực chỉ con người mới có, như: tư duy tổng thể, phản biện, sáng tạo; đặc biệt các đặc điểm cảm xúc và xã hội như giao tiếp và hợp tác; tính cách như bền chí và khả năng phục hồi… những đặc điểm phân biệt con người với máy móc.

Môi trường giáo dục tại gia hay nhà trường hiện nay tại Việt Nam đâu đó lại dịch chuyển từ cực đoan áp đặt sang buông lỏng, phát triển tự do rồi lại loay hoay với các nguyên tắc hay giá trị. Thông tin, các trường phái giáo dục quá đa dạng khiến bố mẹ thầy cô hoang mang, không biết sao cho đúng. Trong khi, mỗi con người, là các yếu tố về gien, môi trường sống, gia đình, hệ tư tưởng, xã hội… khiến chúng ta trở thành những cá thể riêng biệt. Điều đó đúng với tất cả chúng ta, và cả con chúng ta nữa. Vậy nên, bố mẹ và thầy cô hãy để khoa học về sự phát triển của trẻ em dẫn dắt hành trình này, vì tri thức khách quan luôn giúp chúng ta đưa ra những quyết định một cách tự tin nhất.

Bây giờ nói một chút về chị nhé. Bận rộn như vậy, chị làm gì để duy trì năng lượng tươi trẻ cho cuộc sống, vẹn toàn gia đình, công việc và chăm sóc bản thân?

Tôi cũng như mọi phụ nữ, việc phải tung hứng với bao vai trò trong cùng khoảng thời gian eo hẹp và năng lượng có hạn cũng là thách thức. Cũng lắm lúc thấy mệt nhoài mà lại cực đoan nghĩ, hay là bỏ quách cái này, cái kia đi cho xong. Vẫn là bài học cũ rích đó, “bỏ thì dễ, sống chung và cân bằng mới khó”. Tôi thấy mình may mắn, vì không chỉ bản thân thấy những gì mình làm là có ý nghĩa và đáng tự hào mà chồng, con và cả bố mẹ của tôi cũng đều thấy điều đó. Họ đã yêu thương, hiểu và ủng hộ tôi biết bao nhiêu để tôi vững bước với công cuộc là chính mình, đồng thời góp phần vào những điều nhỏ bé ý nghĩa.

phuong hoài nga

Có lẽ viết blog, dịch và viết sách hay tổ chức các chương trình nói chuyện về tâm lý trẻ là cách chị chia sẻ và truyền đi những năng lượng tích cực mình đang sở hữu? Hay còn có lý do nào khác?

Như đã nói ở trên, chúng ta cần được giúp đỡ và hỗ trợ nhau hơn là tìm cách đổ lỗi cho nhau, vì như vậy, người thiệt thòi nhất chính là người mà chúng ta nhân danh để bảo vệ: con trẻ. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, các bố mẹ phải trải qua hàng ngàn thử thách với con cái mà phần lớn trong các tình huống đó, họ cảm thấy bất lực và bối rối. Với ngần ấy thử thách, chỉ cần một vài lần vượt qua thành công cũng đã đủ khiến chúng ta mừng rỡ, cảm thấy vẫn còn hy vọng, tiếp thêm động lực cố gắng vì con.

Bên cạnh công việc của mình, tôi viết blog, dịch và viết sách, dẫn các hội thảo về làm cha mẹ hay tâm lý trẻ với mong muốn được cùng các bố mẹ chia sẻ về những lần đã thấy tia sáng lóe ra đó, để chúng ta có thể tiếp sức cho nhau, xốc lại tinh thần cho nhau mỗi khi lao đao mất phương hướng. Cho chính chúng ta và con cái của chúng ta.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more