Bốn tháng kể từ Revelations, Netflix giới thiệu phim lẻ gốc tiếp theo, Wall to Wall (tựa Việt: 84m²) với sự tham gia của các diễn viên thực lực: Kang Ha Neul, Yeom Hye Ran, Seo Hyun Woo. Trước khi phát sóng, tác phẩm đã nhanh chóng thu hút sự chú ý khi được chỉ đạo bởi Kim Tae Joon, người từng gây tiếng vang với Unlocked. 84m² tiếp tục là một tác phẩm kịch tính hóa những phiền toái trong cuộc sống của con người như Unlocked: Tiếng ồn liên tầng trong các căn hộ chung cư. Liệu bộ phim có khả năng đem đến cảm giác kinh hoàng như tác phẩm tiền nhiệm và giúp Kim Tae Joon củng cố tên tuổi nhà làm phim của những cơn ác mộng đời thực?
BÀI LIÊN QUAN
Xã hội thu nhỏ bên trong mỗi tòa chung cư
Câu chuyện bắt đầu khi Noh Woo Sung (Kang Ha Neul) – một nhân viên văn phòng xa quê sinh sống tại Seoul – dốc toàn bộ vốn liếng để mua một căn hộ tiêu chuẩn ở thành phố. Nhưng trái với kỳ vọng an cư rồi sẽ lạc nghiệp, anh rơi vào vòng lặp trầm uất: Tiền lãi vay chồng chất, nhà bất ngờ mất giá, bị huỷ hôn. Để gồng gánh phần lãi vượt mức lương nhân viên văn phòng, Woo Sung không dám sử dụng điện, điều hòa trong căn hộ, nhận công việc bán thời gian, giao hàng sau giờ tan sở đến khuya. Giấc ngủ ít ỏi với anh quý báu hơn cả, nhưng chính thứ này cũng trở nên xa xỉ khi hàng đêm đều có tiếng động không ngớt từ tầng trên.
Áp lực của Woo Sung không chỉ đến từ lối sinh hoạt ồn ào của những căn hộ trên đầu. Tầng dưới, tin rằng anh là thủ phạm, liên tục dán những tờ giấy ghi chú nhắc nhở Woo Sung nhỏ tiếng. Mọi chuyện tệ hơn khi các cư dân khác trong chung cư cũng bắt đầu nghi ngờ và cô lập anh.
Để minh oan, Woo Sung bắt đầu tìm kiếm nguồn gốc âm thanh. Anh gặp người đàn ông sống trên là Jin Ho (Seo Hyun Woo) và Eun Hwa (Yeom Hye Ran), đại diện cư dân sống ở tầng penthouse trên cùng. Tuy nhiên, Eun Hwa không muốn chuyện ồn ào này ảnh hưởng đến giá nhà trong bối cảnh tuyến đường sắt GTX sắp đi vào hoạt động, nên muốn dìm chuyện xuống. Từ đó, Woo Sung và Jin Ho bắt đầu hành trình tìm ra sự thật đằng sau tiếng ồn, cũng là hành trình đưa bộ phim lên đến cao trào.
84m² là bộ phim chứng minh khả năng của đạo diễn Kim Tae Joon trong việc khai thác đa diện vấn đề. Từ rắc rối chủ đạo là tiếng ồn liên tầng, bộ phim gửi thông điệp có giá trị tố cáo lối sống ích kỷ của mỗi cư dân, sự yếu kém quản lý của mỗi tòa chung cư, chất lượng ngày càng không tương xứng với giá cả bất động sản. Cũng qua việc Woo Sung cứ cố bám trụ lấy căn hộ phiền nhiễu với nỗi lo “Nếu bán đi rồi, nhà lại tăng giá thì sao?”, Kim Tae Joon lồng ghép những trăn trở về việc tiêu chuẩn của một ngôi nhà đang bị bóp méo bởi giá trị đầu tư và kích thước, thay vì ý nghĩa nguyên thủy là nơi để sống.
Nỗi bất an và tuyệt vọng đến từ thiết kế âm thanh, hình ảnh
Mong muốn để những khán giả đang ở chung cư, hay có trong mình mong ước sắm sửa một căn hộ cũng có thể cảm nhận được thông điệp của phim, tác phẩm không sử dụng những hình ảnh ẩn ý khiến người xem phải suy ngẫm. Đổi lại, phim lột tả trần trụi, dễ hiểu và có được những phân cảnh điên loạn nơi máy quay xoay vòng, cắt cảnh liên tục mô phỏng lại trạng thái rơi vào cơn ảo giác, tâm thần bất ổn của Noh Woo Sung sau nhiều đêm ngủ chập chờn vì tiếng ồn vây quanh không gian sống – một cảm xúc kinh hoàng mà người xem có thể trực tiếp hòa mình cùng nhân vật, bóp nghẹt họ với nỗi sợ dù trong cốt lõi, 84m² không phải là phim kinh dị.
Với chủ đề xoay quanh tiếng ồn, âm thanh trở thành yếu tố then chốt được đạo diễn Kim đặc biệt chú trọng. Những âm thanh quen thuộc trong đời sống hằng ngày như tiếng cười nói, tiếng kéo đồ, bước chân, tiếng đàn piano hay tiếng chó sủa… được đẩy lên mức gần như hỗn loạn trong phim, tạo nên một bầu không khí căng thẳng đè nén. Kết hợp với chuỗi bất hạnh không ngừng ập đến trong cuộc sống của nhân vật Noh Woo Sung, các nhân vật thiết lập cực đoan và ích kỷ, người xem có thể cảm thấy như bị rút cạn năng lượng khi theo dõi phim.
Tuy vậy, 84m² có sự tiết chế nhất định: tiếng ồn tuy gây khó chịu, nhưng vẫn nằm trong ranh giới chịu đựng được. Đan xen với những khung cảnh tối lặng là những khoảnh khắc Noh Woo Sung cảm nhận được những tia hy vọng cho cuộc sống, với sự thay đổi trong nhịp lẫn hình ảnh phim, góp phần làm dịu bớt không khí. Một cách điều tiết thông minh, đủ để giữ khán giả ở lại với mạch truyện mà không bị quá tải, và đồng thời giữ họ luôn trong trạng thái muốn thoát mà không được, tương tự như Noh Woo Sung trong căn hộ chung cư của anh.
Dễ hiểu nhưng không dễ đồng cảm
84m² có nửa đầu đầy hứa hẹn với một bầu không khí căng thẳng, nghi kỵ được xây dựng chắc tay. Trong hành trình điều tra và vén màn sự thật của Noh Woo Sung, bộ phim lý giải hiện tượng tiếng động giữa các tầng trong chung cư bằng xung đột lợi ích và lòng tham của con người.
Đáng tiếc, chính cú twist này lại trở thành điểm yếu chí mạng, mang đến cảm giác ức chế và hụt hẫng cho người xem. Phim bộc lộ rõ sự lúng túng trong cách gỡ nút thắt, với loạt tình tiết thiếu logic, sự phát triển nhân vật cố chấp đến phi lý, cường điệu. Điều này khiến phim đánh mất thứ đã làm nên sức hút ban đầu: sự kinh hoàng đến từ thực tế.
Là một phim giật gân pha yếu tố phá án, vén màn sự thật, 84m² bỏ lỡ cơ hội xây dựng Noh Woo Sung thành một người dẫn dắt hành trình khám phá sự thật một cách sắc sảo và hấp dẫn. Dù nhân vật này có những khoảnh khắc thể hiện sự nhạy bén, nhưng phim lại đẩy anh vào vai nạn nhân, triệt để bi kịch. Đây là một lựa chọn đáng tiếc, bởi khi nhân vật chính là người kể chuyện và đại diện cho cảm xúc người xem, thì việc khiến anh hoàn toàn bị động đã khiến khán giả khó lòng đồng cảm hay trân trọng hành trình của nhân vật.
Thêm vào đó, chủ đề mà phim khai thác – xung đột tầng lớp trong không gian chung cư, tiếng ồn liên tầng – không phải là điều gần gũi với tất cả khán giả, nhất là với những ai chưa từng sống trong môi trường này. Dẫu đây là một lựa chọn mới lạ so với những yếu tố dễ thắng chắc của dòng phim giật gân, nhưng cách triển khai rời rạc và twist kém hấp dẫn đã khiến 84m² không vượt qua được cái bóng của tác phẩm trước đó của đạo diễn Kim Tae Joon – Unlocked.
Phim hiện chỉ đạt 2,2/5 điểm trên Watcha Pedia (từ hơn 4.300 người dùng) và 3,7/10 điểm trên Naver – những con số thấp đến đáng ngạc nhiên, nhất là khi đến từ khán giả Hàn Quốc, nơi mà mô hình căn hộ chung cư vốn rất phổ biến. Điều đó phần nào phản ánh sự thất bại của bộ phim cả về mặt thương mại lẫn cảm xúc.
Sự tiếc nuối lớn nhất có lẽ nằm ở việc dàn diễn viên chính đã làm tròn vai đến xuất sắc. Kang Ha Neul thể hiện đầy thuyết phục bi kịch của một người trẻ mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần, tuyệt vọng níu giữ thứ duy nhất còn lại là căn nhà. Yeom Hye Ran tạo nên một Eun Hwa bí ẩn và khó lường. Trong khi đó, Seo Hyun Woo mang đến cảm giác “lạnh gáy” với vai Jin Ho – người hàng xóm mập mờ giữa giúp đỡ và đe dọa. Màn trình diễn bùng nổ của cả ba trong đoạn cao trào cuối cùng thực sự khiến người xem nghẹt thở. Tiếc thay, sự xuất sắc của họ không đủ để cứu vãn một kịch bản thiếu thuyết phục.
Nhóm thực hiện
Bài: Audrey