Ngay trước khi khởi chiếu vào ngày 14/7/2025, Anh Đào Hổ Phách đã gây bão truyền thông tại Trung Quốc. Theo số liệu từ Sina, tổng lượt đặt chỗ trên nền tảng Youku đã vượt ngưỡng 1,3 triệu vào ngày 8/7 và tiến sát 2 triệu chỉ vài ngày sau. Chỉ sau hai giờ lên sóng trên Youku, phim đạt hơn 6.000 điểm nhiệt, theo Tencent News, cho thấy mức độ hưởng ứng tích cực của khán giả đối với thể loại “healing drama”.
Tình bạn, tình yêu và những đoạn đứt gãy tuổi trẻ
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Vân Trụ, Anh Đào Hổ Phách xoay quanh nhóm bạn bốn người mang biệt danh “tứ nhân bang” và mối tình trong trẻo giữa hai nhân vật chính từng là thanh mai trúc mã. Trong đó, Lâm Kỳ Nhạc và Tưởng Kiều Tây là hai mảnh đời trái ngược, vô tình va vào nhau rồi trở thành chốn nương tựa qua những năm tháng nhiều biến động.
Lâm Kỳ Nhạc, biệt danh “Anh Đào” lớn lên giữa khu tập thể công nhân ở Quần Sơn, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và nhóm bạn cùng xóm. Cô là một người sống bằng trực cảm, biết lắng nghe và mang năng lượng tích cực. Trái ngược với cô là Tưởng Kiều Tây – cậu học trò xuất sắc sống trong cái bóng của một người anh đã khuất và kỳ vọng hà khắc từ gia đình. Tài giỏi, kỷ luật, lạnh lùng nhưng bên trong cậu là một tâm hồn khô cứng, khát khao thoát ra khỏi vai diễn hoàn hảo mà người lớn dựng sẵn. Gặp Lâm Kỳ Nhạc, lần đầu tiên cậu biết đến sự dịu dàng, niềm vui và một tình bạn chân thành không thể tìm thấy trong sách vở hay bảng điểm.
Thế nhưng, tưởng như mối gắn kết ấy đã đủ vững để đi cùng nhau qua tuổi trẻ, gia đình Tưởng Kiều Tây buộc phải chuyển nhà. Lâm Kỳ Nhạc và Tưởng Kiều Tây gặp lại nhau ở những ngày đầu cấp ba. Trong ba năm học chung, họ đi qua những mùa thi cử căng thẳng, và những lần đầu tiên đối diện với nỗi đau mất mát.
Anh Đào Hổ Phách khai thác mô-típ “mặt trời nhỏ” – “cậu trai lạnh lùng”, công thức tưởng chừng cũ kỹ nhưng vẫn hiệu quả khi được triển khai bằng tiết tấu nhanh, cảm xúc trong trẻo và sự kết hợp ăn ý giữa hai diễn viên chính. Nhân vật nữ chính tươi sáng, hoạt bát, như một làn gió phá vỡ không khí ngột ngạt mà nhân vật nam vốn sống trong kiểm soát và cô lập phải đối mặt. Cô là người đầu tiên kéo cậu ra khỏi bóng tối bằng những trải nghiệm đời thường: mùa Hè, bạn bè, và cả những xúc cảm ban sơ của tình yêu tuổi mới lớn.
Tình tiết phim không phức tạp, thậm chí quen thuộc từ cuộc gặp gỡ thời thơ ấu, chia ly không lời, đến tái ngộ ở trung học nhưng nhờ nhịp dựng ổn định và diễn xuất tiết chế, phim giữ được cảm xúc vui tươi nhưng cũng sâu lắng xuyên suốt các tập phim. Những va chạm trong đời sống học đường, các cuộc giận hờn vu vơ, ánh mắt mơ hồ giữa hành lang trường học… tất cả được lồng ghép tinh tế để khắc họa thứ cảm xúc “nửa vời” đặc trưng của mối tình đầu.
BÀI LIÊN QUAN
Khắc họa thanh xuân dưới ống kính hoài niệm
Dưới sự chỉ đạo của Trương Khai Trụ, người đứng sau thành công của Những đứa con nhà họ Kiều và Minh Lan truyện, Anh Đào Hổ Phách được chăm chút về mặt hình ảnh lẫn kết cấu cảm xúc.
Lấy bối cảnh Bắc Kinh trong giai đoạn chuyển mình từ thập niên 1990 đến đầu 2000, phim khéo léo tái hiện một thời kỳ đã xa qua những chi tiết đời thường: chiếc xe đạp Phượng Hoàng, sách giáo khoa bìa mềm, đôi vớ len giặt phai màu… Tất cả được phủ lên lớp màu ấm, ánh sáng tự nhiên và hiệu ứng quay kéo nét (focus pull).
Một trong những điểm mạnh đáng ghi nhận khác nằm ở việc kịch bản sử dụng tốt thủ pháp “chồng lớp ký ức”. Những đoạn hồi tưởng tuổi thơ với ánh sáng vàng ấm, không gian khu tập thể công trường Quần Sơn, tiếng radio và những vật dụng cũ kỹ thành công tái hiện không khí Bắc Kinh cuối thập niên 1990.
Không dừng lại ở chuyện tình giữa hai nhân vật chính, phim mở rộng ra những mối quan hệ gia đình, bè bạn và những va chạm của một xã hội đang thay đổi. Chính trong những biến chuyển ấy, nhân vật lớn lên bằng những đứt gãy nhỏ bé nhưng dai dẳng: lần đầu chia tay, lần đầu chịu tổn thương, lần đầu học cách im lặng. Các tuyến nhân vật phụ như Dư Tiều, Thái Phương Nguyên hay Đỗ Thượng góp phần tạo nên một bức tranh thanh xuân tràn ngập niềm vui, nỗi buồn, gợi mở những giá trị tập thể.
Yếu tố âm thanh cũng góp phần định hình không khí phim. Từ tiếng bước chân trên sân trường, tiếng radio vọng qua cửa sổ cho tới âm thanh của gió lùa giữa các dãy nhà cũ tất cả được xử lý khéo léo để giữ được chất “đời” mà không gây ồn ào. Đặc biệt, ca khúc chủ đề Những năm tháng ấy do Hồ Hạ thể hiện trở thành nhịp thở hoài niệm xuyên suốt, hòa quyện cùng nền nhạc acoustic mộc mạc, giúp phim giữ được nhịp điệu da diết, sâu lắng.
Xem thêm
•[Review phim] “Law and the City”: Làn gió mới cho thể loại hài lãng mạn về luật pháp
•[Review phim] “Cẩm Tú Phương Hoa”: Mãn nhãn phần nhìn, chông chênh phần kịch bản
•[Review phim] “Thư Quyển Nhất Mộng”: Bộ phim hài hước giữa dòng cổ trang bi tình
Tương tác ăn ý của Triệu Kim Mạch – Trương Lăng Hách
Sau tiếng vang từ Độ Hoa Niên, cặp đôi Trương Lăng Hách – Triệu Kim Mạch tái xuất màn ảnh nhỏ với Anh Đào Hổ Phách. Không còn cuộc tình giằng xé nơi cung đình, họ trở lại với vai đôi bạn học lớn lên cùng nhau, gần gũi, thân thuộc và đậm chất đời thường. Dù chênh lệch chiều cao rõ rệt, cặp đôi vẫn tạo nên những khung hình hài hòa, dễ chịu và lôi cuốn.
Với gương mặt trẻ trung, ngoại hình nhỏ nhắn, Triệu Kim Mạch khéo léo thêm vào nhân vật Lâm Kỳ Nhạc chất gan lì, hiếu động của tuổi mới lớn. Cô thể hiện giai đoạn trung học một cách tự nhiên, không màu mè. Nét diễn tự nhiên ấy khiến nhân vật giữ được sự gần gũi, đúng chất “mặt trời nhỏ” – tươi sáng nhưng không đơn chiều, bản lĩnh mà vẫn đầy mong manh.
Ngược lại, Trương Lăng Hách hóa thân vào Tưởng Kiều Tây với một phong cách hoàn toàn đối lập. Anh vào vai một thanh niên mang tâm lý dồn nén, người vừa phải sống dưới kỳ vọng gia đình, vừa vật lộn với mặc cảm từ quá khứ. Trương Lăng Hách chọn cách diễn kiệm lời, nhiều đoạn độc thoại nội tâm được chuyển hóa thành biểu cảm ánh nhìn, đôi khi là cái cúi đầu chậm rãi, lúc lại là ánh mắt trống rỗng nhìn về khoảng không. Nam diễn viên kiểm soát rất tốt cường độ biểu cảm, cho thấy sự tiến bộ rõ rệt so với các vai diễn trước đây.
BÀI LIÊN QUAN
Tương tác giữa hai diễn viên cũng là điểm đáng chú ý. Cả hai không bị lu mờ trong những cảnh đôi, mỗi người giữ được cá tính diễn xuất riêng, đồng thời tạo nên sự cộng hưởng. Nhiều khán giả từng yêu thích họ trong Độ Hoa Niên ví mối quan hệ mới này như một phiên bản hậu kiếp của hai nhân vật trong bộ phim trước đó.
Tựu trung, Anh Đào Hổ Phách không đột phá về đề tài, nhưng bằng sự tiết chế và chân thành trong cách kể, phim vẫn đủ sức níu giữ khán giả, nhất là những ai đang cần một liều thanh lọc cảm xúc sau quá nhiều bộ phim bi luỵ trên màn ảnh nhỏ.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân