Chỉ sau 24 giờ ra mắt, phim thu hút hơn 50.000 lượt khán giả, với doanh thu gần 1,5 tỷ đồng. Đáng nói, phim được phát hành giới hạn trong vỏn vẹn bảy ngày tại các cụm rạp nhỏ nhưng tần suất chiếu lên đến hơn 1.800 suất/ngày – một con số hiếm thấy đối với thể loại phim ngắn tại Việt Nam. Trước đó, Đàn Cá Gỗ từng gây tiếng vang khi giành chiến thắng tại hạng mục “Phim ngắn xuất sắc nhất” tại Cánh Diều Vàng 2024.
Chuyện ước mơ, gia đình và tuổi trẻ
Lấy bối cảnh một làng chài ven biển miền Trung, Đàn Cá Gỗ theo chân Cường, một thanh niên trẻ nuôi giấc mơ trở thành ca sĩ. Tuy nhiên, biến cố gia đình khiến hành trình ấy sớm bị gián đoạn. Sau cái chết của người cha, Cường gác lại âm nhạc, trở thành trụ cột gia đình và nối nghiệp đánh bắt cá để chăm lo cho vợ con.
Theo thời gian, tài nguyên cạn kiệt, thu nhập bấp bênh, khiến chiếc tàu trở thành gánh nặng. Cường và vợ rơi vào thế bấp bênh giữa hiện thực và tương lai. Trong khi vợ khuyến khích anh từ bỏ tàu thuyền để lên Hà Nội theo đuổi đam mê, Cường vẫn do dự, mắc kẹt giữa hai lựa chọn: một bên là di sản lao động từ đời cha ông, gắn với căn cước vùng miền; bên kia là con đường sáng tạo mơ hồ nhưng đầy tự do, hy vọng.
So với MV Phép màu – sản phẩm âm nhạc có chung ê-kíp thực hiện, Đàn Cá Gỗ chọn một lối đi khác về hình thức thể hiện. Không sử dụng kịch bản kịch tính hay xung đột trực diện, phim chọn cách kể tiết chế, thiên về tâm lý nhân vật. Câu chuyện diễn tiến theo lối tuyến tính, với nhịp điệu chậm, tập trung vào sự thay đổi tinh tế trong nội tâm người trẻ đứng trước ranh giới. Nếu MV thiên về chất trữ tình, sử dụng âm nhạc làm trung tâm, thì phim nghiêng về tiết tấu sắc lạnh, cách dựng gọn, dứt khoát.
Chọn cách tiếp cận chân phương, Đàn Cá Gỗ ưu tiên chất liệu thực tế – từ địa điểm, đời sống lao động đến những hình ảnh mộc mạc để khắc họa một thế hệ trẻ đang đối mặt với câu hỏi phổ quát: liệu lý tưởng có đủ sức neo giữ họ giữa thực tại bấp bênh? Qua câu chuyện của một chàng trai miền biển, phim phản chiếu tiếng vọng của cả một thế hệ – những người trẻ lớn lên cùng hoài bão nhưng buộc phải chững lại giữa áp lực mưu sinh, bổn phận và những mối ràng buộc vô hình từ gia đình.
Phim khai thác tốt mâu thuẫn ngầm giữa quá khứ và hiện tại, giữa ước mơ và nghĩa vụ. Minh chứng là trong mỗi chuyến ra khơi, bên cạnh ngư cụ, Cường luôn mang theo cuốn sổ tay ghi lời ca khúc Phép màu như một nhắc nhớ về giấc mơ nghệ thuật chưa kịp nở. Bài hát ấy không chỉ dành cho vợ mà còn là những bài hát thay cha gửi tặng mẹ, như cách Cường âm thầm giữ gìn bản sắc trong guồng quay mưu sinh. Dù còn gây tranh luận về nhịp phim và cao trào, Đàn Cá Gỗ vẫn tạo được hiệu ứng lan tỏa nhờ cách tiếp cận giản dị, giàu cảm xúc và gần gũi với trải nghiệm của người trẻ.
Biển và đàn – biểu tượng đối lập trong cuộc đấu tranh nội tâm
Đàn Cá Gỗ gần như tối giản lời thoại, đặt niềm tin vào ngôn ngữ hình ảnh và những khoảng lặng để truyền tải nội dung. Sự kiệm lời trong cách dẫn dắt khiến nhịp phim chậm, thậm chí có phần trầm tĩnh, nhưng không vì thế mà thiếu chiều sâu. Phim để lại không gian trống và một kết thúc mở để khán giả tự chiêm nghiệm, suy ngẫm.
Biển – không gian trung tâm trong phim được xử lý như một biểu tượng chuyển động. Ở phần đầu, biển mang hình hài của một di sản: là nơi người cha mưu sinh, là bối cảnh gắn với ký ức tuổi thơ, với nhịp sống làng chài quen thuộc. Cường gắn bó với biển không chỉ vì kế sinh nhai, mà bởi đó là phần ký ức không thể tách rời khỏi nhân dạng anh. Tuy nhiên, khi thời thế thay đổi, biển không còn là nơi nuôi sống mà trở thành lực cản.
Trong Đàn Cá Gỗ, hình ảnh biển và cây đàn đóng vai trò như hai biểu tượng đối lập, phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của Cường. Nếu biển gắn liền với trách nhiệm và sự bế tắc, thì cây đàn lại là biểu tượng của tự do, đam mê và khát vọng nghệ thuật chưa thành hình. Đạo diễn khéo léo sử dụng hai biểu tượng này để định hình số phận của Cường.
Đỉnh điểm của sự biểu tượng hóa diễn ra trong phân đoạn Cường lặn xuống biển, tiếng đàn vang vọng giữa vòng xoáy của đàn cá gỗ và ánh sáng huyền ảo xuyên qua làn nước. Khoảnh khắc này tượng trưng cho sự “thăng hoa” trong giấc mơ của Cường. Anh như tìm lại cây đàn đã mất, cũng như tìm thấy chính mình – một phiên bản không còn bị giam hãm bởi quá khứ hay trách nhiệm. Cây đàn vô hình, tuy không hiện diện vật lý, nhưng lại là lời nhắc nhở mạnh mẽ về bản ngã mà anh khao khát đạt được.
Xem thêm
•[Review phim] “84m²”: Thông điệp đanh thép về khủng hoảng nhà ở bị nhấn chìm bởi kịch bản phi logic
•[Review phim] “Law and the City”: Làn gió mới cho thể loại hài lãng mạn về luật pháp
•[Review phim]“S Line”: Phim Hàn gây chú ý khi khai thác chủ đề nhạy cảm
Diễn xuất tinh tế của dàn diễn viên trẻ và những khung hình nên thơ
Gây ấn tượng bởi một kịch bản chắc tay và bút pháp điện ảnh tinh tế, phim mà còn chạm đến trái tim người xem nhờ diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên trẻ. Nhân vật Cường – chàng trai làng chài mang trong mình cuộc đấu tranh giữa hai thế giới đối nghịch được Quốc Hùng thể hiện với sự tiết chế và tinh tế. Chính trong những khoảnh khắc yên lặng, diễn viên khắc họa rõ nét sự giằng xé trong tâm hồn Cường, từ một người trẻ đầy khát vọng nhưng phải sống trong sự bó buộc của trách nhiệm gia đình. Với diễn xuất tự nhiên và khả năng khắc họa cảm xúc một cách chân thực, Nguyễn Quốc Hùng đã tạo ra một Cường đầy sức sống nhưng cũng cô độc và bế tắc.
Trong Đàn Cá Gỗ, Nguyễn Minh Hà vào vai Hoa, người bạn thời niên thiếu và là vợ của Cường. Minh Hà chinh phục khán giả bằng sự chân thành, giản dị trong từng ánh mắt, nụ cười. Ngoại hình sáng và diễn xuất tinh tế giúp cô xây dựng hình ảnh Hoa một cách tự nhiên, gần gũi, tạo ra sự tương phản rõ nét với sự ẩn nhẫn trong Cường. Chính sự nhẹ nhàng ấy đã làm nổi bật tính cách nội tâm của Hoa, đồng thời khiến khán giả cảm nhận được sự bền bỉ trong tình yêu và lòng hy sinh của cô.
BÀI LIÊN QUAN
Bên cạnh diễn xuất, Đàn Cá Gỗ còn thu hút bởi những khung hình đẹp như mơ. Phim tận dụng tối đa vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên để tạo nên một chất thơ nhẹ nhàng, nhưng đầy cảm xúc. Ê-kíp sản xuất chủ động chọn cách quay tĩnh, với nhịp phim chậm để khắc họa chiều sâu cảm xúc của nhân vật, đồng thời làm nổi bật không gian bao la và hoang sơ của biển cả.
Phim được quay tại vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), khu vực đánh bắt truyền thống với không gian biển rộng lớn và khắc nghiệt. Toàn bộ bối cảnh diễn ra trên một con tàu đánh cá thật, trong điều kiện ghi hình không dễ dàng. Đàn Cá Gỗ sử dụng tỉ lệ khung hình 4:3, mang lại cảm giác bó hẹp nhằm làm nổi bật sự nhỏ bé của con người trong không gian rộng lớn của thiên nhiên.
Những khung hình bình minh hay hoàng hôn, khi mặt trời vừa chạm vào biển, được xử lý một cách tinh tế để tạo ra không gian mộng mơ, phảng phất nỗi buồn. Ánh sáng dịu dàng ấy còn mang lại cảm giác vừa gần gũi vừa lãng mạn, khiến người xem không khỏi chìm đắm vào không gian của bộ phim.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân