Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Điều Ước Cuối Cùng”: Kể chuyện nhỏ để soi vào những nỗi niềm lớn

“Điều Ước Cuối Cùng” đặt ba thanh niên trẻ vào ranh giới của sự mất mát, để từ đó mở ra những câu hỏi không mới mà chưa bao giờ cũ: thế nào là được sống đúng nghĩa? Phim chọn lối kể giản dị, nhưng khoét sâu vào những khoảng trống của tình thân, sự công nhận, tình bạn tuổi mới lớn và sự mong manh của những liên kết gia đình.

Ra mắt chính thức ngày 4/7 và sau hai ngày chiếu sớm trước đó, Điều Ước Cuối Cùng hiện thu về gần 9 tỷ đồng. Phải đối mặt với loạt bom tấn quốc tế như Jurassic World: Rebirth, F1, How to train your dragon Live-action, Materialists, phim vẫn trụ vững vị trí top 2 trên bảng doanh thu phòng vé Việt, đây là một thành quả đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh rạp Việt hiện ưa chuộng dòng phim kinh dị, hài hành động.

poster phim điều ước cuối cùng
Điều Ước Cuối Cùng xoay quanh tình bạn tuổi mới lớn, đan xen tình cảm gia đình.

Một tình bạn ồn ào, nhí nhố và tuyệt đẹp

Điều Ước Cuối Cùng xoay quanh ba nhân vật Hoàng (Avin Lu), Long (Lý Hạo Mạnh Quỳnh) và Thy (Hoàng Hà) – nhóm bạn gắn bó từ thời niên thiếu. Câu chuyện tưởng chừng tươi sáng bỗng rẽ ngoặt khi Hoàng phát hiện mình mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) với quỹ thời gian còn lại chỉ tính bằng tháng. Không chọn cách đối diện cái chết bằng nước mắt hay triết lý sáo rỗng, bộ phim đưa ra một tình huống táo bạo: Hoàng muốn được “mất zin” trước khi rời xa cõi đời. 

Điều ước đầy chất bản năng của Hoàng khiến hai người bạn thân không khỏi lúng túng, bất ngờ và đôi phần hoảng loạn. Tuy nhiên, họ vẫn lên kế hoạch, tìm mọi cách giúp bạn toại nguyện: từ việc mở tài khoản hẹn hò đến bắt cóc bạn đi biển, dựng nên một hành trình nửa thật nửa đùa nhưng chan chứa thứ tình cảm chỉ có thể tồn tại giữa những người đã từng lớn lên cùng nhau.

Chọn lối kể gần gũi, phim không tô vẽ nhân vật thành những hình mẫu lý tưởng. Hoàng, Long và Thy là những người trẻ đang lưng chừng lớn: có lúc trẻ con, có lúc ngông cuồng, và cũng không ít lần gục ngã vì sợ hãi. Sự không trọn vẹn ấy chính là chất liệu khiến khán giả dễ tìm thấy bản thân mình.

Hoàng, Long và Thy là nhóm bạn gắn bó từ thời niên thiếu là những nhân vật nổi bật của phim điều ước cuối cùng
Hoàng, Long và Thy là nhóm bạn gắn bó từ thời niên thiếu.

Bộ ba hiện lên với những nét đời thường: dở dở ương ương, liều lĩnh, nhưng chân thành và giàu tình nghĩa. Ẩn sau vẻ ngoài ngông nghênh và những hành động tưởng như bốc đồng của Long và Thy là một tình cảm không điều kiện dành cho người bạn đang đi dần đến hồi kết cuộc đời. Trong hành trình cùng bạn thực hiện điều ước cuối đời, mỗi người trong nhóm ba cũng dần được buộc phải đối diện với bản thân: nhìn lại những mong muốn bị bỏ quên, hiểu hơn về cha mẹ, bạn bè, và đối mặt với áp lực xã hội vốn vẫn lặng lẽ đè nén tuổi trẻ.

Đáng chú ý, Điều Ước Cuối Cùng là một trong số ít phim Việt dám chạm tới đề tài 18+ với cách tiếp cận trực diện nhưng không sa vào thô thiển. Ước muốn được một lần “làm đàn ông” trước khi chết là trục chính của câu chuyện. Phim chọn cách đối diện và xử lý bằng sự dí dỏm có chừng mực. Những phân cảnh liên quan được kể lại bằng nhịp điệu nhẹ nhàng, góc máy tiết chế và lời thoại nhiều lớp nghĩa, đủ để giữ chân thực, nhưng không vượt khỏi ranh giới thẩm mỹ. Sự dung hòa giữa tính giải trí, thông điệp nhân văn và sự tinh tế trong xử lý tình huống khiến Điều Ước Cuối Cùng vượt khỏi cái bóng của tác phẩm gốc.

Nhóm bạn 3 người do Quỳnh Lý, Hoàng Hà và Avin Lu thủ vai trong Điều ước cuối cùng
Phim chạm tới đề tài 18+ với cách tiếp cận trực diện nhưng không sa vào thô thiển.

Cân bằng giữa hài hước và cảm xúc

Là bản làm lại từ The Last Ride (Hàn Quốc, 2016) – một phim hài pha bi kịch từng gây tiếng vang trong khu vực, Điều Ước Cuối Cùng bước vào cuộc chơi remake với không ít áp lực. Trước đó, Trung Quốc cũng từng thử sức với bản chuyển thể cùng mô-típ “giúp bạn thân mất zin trước khi chết” vào năm 2019, theo hướng tấu hài đặc trưng. Tuy nhiên, phiên bản Việt lại chọn một hướng đi riêng biệt: tiết chế màu sắc hài lố, điều chỉnh cấu trúc nhân vật để phản ánh thực tế xã hội Việt Nam đương đại.

Khác với mô hình hội anh em trong cả hai phiên bản Hàn – Trung, bản Việt khéo léo đưa vào tuyến nhân vật nữ – Thy để mở rộng góc nhìn cảm xúc và tăng chiều sâu tâm lý. Nhờ đó, bộ ba không đơn thuần đại diện cho tình bạn nam tính mà trở thành biểu tượng cho sự gắn bó không ranh giới giới tính. Đây là một lựa chọn phù hợp với xã hội Việt Nam, nơi tình bạn khác giới vẫn tồn tại nhưng ít được khắc họa đúng mức trên màn ảnh. 

Từ đây, phim mang đến thông điệp nhẹ nhàng nhưng gợi ngẫm rằng vấn đề về tình cảm, tình bạn và sự trưởng thành không chỉ là vấn đề riêng của phái nam, mà còn là những câu chuyện chung của tất cả. Song song, sự xuất hiện của yếu tố LGBT, dù không nằm ở tuyến chính được cài cắm như một mảnh ghép đời thường, phản ánh đúng nhịp đập của nhiều gia đình Việt hiện nay.

Hoàng Hà vai Thy Điều ước cuối cùng
So với phiên bản gốc, bản Việt có sự cải biên đáng kể trong cấu trúc nhân vật.

Một trong những điểm đáng ghi nhận khác của Điều Ước Cuối Cùng nằm ở khả năng kiểm soát nhịp độ kể chuyện. Từ những tình huống gây cười tự nhiên đến những khoảnh khắc chùng xuống đầy suy tư, phim chuyển mạch nhịp nhàng mà không đứt gãy cảm xúc. Dù khai thác chủ đề nặng về mặt tâm lý là cái chết cận kề và nỗi cô độc của người trẻ, tác phẩm không đẩy người xem vào trạng thái u uất. Thay vào đó, yếu tố hài được vận dụng hợp lý, vừa để giải tỏa, vừa để giữ không khí tươi mới và gần gũi.

Chuyện về khoảng cách thế hệ

Bên cạnh tình bạn, Điều Ước Cuối Cùng còn chạm vào một vấn đề quen thuộc: khoảng cách thế hệ trong các gia đình Việt. Bộ phim lặng lẽ phác họa sự lạc nhịp trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, lồng ghép những quan điểm đã ăn sâu trong văn hóa Việt như yêu cho roi cho vọt, hay sự lúng túng của người lớn khi phải đối mặt với những mong muốn thầm kín của con mình.

Ba gia đình trong phim, mỗi gia đình là một mảnh ghép khác biệt mang đến những sắc thái cảm xúc rất thật. Một gia đình chật vật để chăm sóc con, cố gắng gìn giữ điều quý giá nhất, một gia đình khác lại chìm trong sự xa cách mà không thể diễn đạt thành lời, còn một gia đình nữa lại yêu thương theo cách cực đoan. Mỗi câu chuyện ấy đều phản ánh một thực tế về sự thiếu hiểu nhau trong các mối quan hệ gia đình, và chính sự thiếu vắng ấy lại làm cho những tình cảm ấm áp càng thêm day dứt.

Đinh Y Nhung và Tiến Luật vai ba mẹ Hoàng trong Điều ước cuối cùng
Phim cũng chạm vào một vấn đề quen thuộc nhưng chưa từng cũ: khoảng cách thế hệ.

Trong phim, Long và Thy là hai người trẻ mang vết thương từ thiếu vắng gia đình: một người lớn lên không có mẹ, một người thiếu vắng hình bóng người cha. Những tổn thương ấy âm ỉ, khiến họ dè dặt trong việc bộc lộ cảm xúc. Nhưng chính hành trình cùng bạn thực hiện điều ước lại trở thành cơ hội để họ học cách đối diện bản thân, tháo gỡ lớp phòng vệ và mở lòng với gia đình.

Khác với nhiều phim thanh xuân dừng lại ở câu chuyện bạn bè, tình yêu tuổi mới lớn, Điều Ước Cuối Cùng là một lát cắt trưởng thành đúng nghĩa, nhân vật không chỉ đi qua bi kịch, mà buộc phải thay đổi. Phim đặt ra những câu hỏi âm ỉ về sự yêu thương, buông bỏ và chấp nhận không phải từ người sắp ra đi, mà từ những người sẽ còn phải sống tiếp.

Sở hữu kịch bản chắc tay, phim còn được đánh giá cao về mặt diễn xuất. Một trong những điểm mạnh nổi bật của bộ phim là sự thể hiện của Avin Lu trong vai Hoàng. Khác với hình ảnh lãng tử trước đây, Avin mang đến một nhân vật với tinh thần lạc quan, khát sống và chân thành. Vai diễn của anh không cần lời thoại quá nhiều, mà cảm xúc lại được truyền tải mạnh mẽ qua ánh mắt và những cử chỉ kín đáo. 

Avin Lu vai Hoàng trong Điều ước cuối cùng
Avin Lu trọn vẹn hoá thân vào một nhân vật với tinh thần lạc quan, khát sống.

Hoàng Hà mang đến một bất ngờ thú vị trong Điều Ước Cuối Cùng. Không còn là hình ảnh dịu dàng, nàng thơ như trong những vai diễn trước, Hoàng Hà hiện lên với một vẻ gai góc, đầy mạnh mẽ và quyết đoán. Cô vào vai Thy – một cô gái đồng tính, nóng nảy, sẵn sàng đánh đấm và dấn thân vì bạn. 

Quỳnh Lý trong vai Long cũng là một mảnh ghép hoàn hảo, vẫn giữ được sự hài hước và duyên dáng đặc trưng. Là một chàng trai sống với người cha nghiêm khắc, Long mang trong mình khao khát lớn lao: mong muốn được công nhận và hiểu thấu. Nỗi khát khao ấy, dù không lớn tiếng, lại là điều rất dễ đồng cảm, đặc biệt với những khán giả trẻ. Cảm giác bị bỏ qua, luôn cố gắng để được chú ý, dường như là điều mà mỗi người trong chúng ta đều có lúc cảm nhận. Quỳnh Lý đã thể hiện một Long đầy tổn thương, nhưng cũng đầy kiên cường. 

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)