Love, Death & Robots 4 kết hợp tinh tế giữa chất hài đen đặc trưng, phê phán xã hội và phần nhìn mãn nhãn. Sau ba ngày công chiếu, phim nhận được 100% điểm tươi từ 12 đánh giá của giới phê bình nhưng chỉ nhận về 41% điểm từ hơn 100 đánh giá của khán giả trên Rotten Tomatoes.

Hài hước, dữ dội và đen tối
Sau bốn mùa lên sóng, Love, Death & Robots vẫn là một hiện tượng đặc biệt trên bản đồ truyền hình trực tuyến. Đây là một loạt phim hoạt hình khoa học viễn tưởng, mang tính châm biếm và đề cao tính nhân bản. Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, chương trình đã thu hút sự chú ý nhờ phần đồ họa tuyệt đẹp và những câu chuyện khoa học, kinh dị và màu sắc đen tối. Với những chủ đề cho người trưởng thành, loạt phim khám phá những khía cạnh tối tăm của xã hội và cuộc sống.
Nếu các series khoa học viễn tưởng dài hơi thường bị ràng buộc bởi tuyến nhân vật, logic thế giới và phát triển tình tiết, thì Love, Death & Robots chọn con đường ngược lại: mỗi tập phim là một câu chuyện độc lập. Tính ngắn gọn chính là thế mạnh của loạt phim: không cần sự đầu tư dài hạn từ người xem, nhưng vẫn đủ sức gợi mở, gây ám ảnh hoặc mang lại tiếng cười thâm thúy.
Robert Valley – người từng tạo nên dấu ấn sâu sắc với Zima Blue (Volume 1) – trở lại trong 400 Boys. Vẫn giữ nguyên phong cách hoạt họa sắc cạnh và cách điệu đặc trưng, Valley kể một câu chuyện hậu tận thế nơi các băng nhóm thanh thiếu niên bắt tay nhau để chống lại một thế lực tàn bạo: một nhóm trẻ sơ sinh khổng lồ. Cốt truyện phi lý, nhưng cách kể táo bạo và phần hình ảnh đậm chất Valley khiến tập phim trở thành điểm sáng.
Một tập phim đáng chú ý khác là Spider Rose. Câu chuyện về người phụ nữ với tham vọng báo thù trong một tiểu hành tinh mang đến nhiều tầng ý nghĩa về thân phận, quyền lực và tự do cá nhân. Ẩn dưới lớp vỏ của một cuộc phiêu lưu vũ trụ là một bản tình ca về tình mẫu tử, sự tha thứ và định nghĩa lại chính mình. Đó là sự kết hợp tinh tế giữa cảm xúc con người và trí tưởng tượng công nghệ.
How Zeke Got Religion thì mượn âm hưởng từ Hellboy để tái hiện một câu chuyện kinh dị siêu nhiên lấy bối cảnh Thế chiến II. Một đội ném bom của quân Đồng minh buộc phải phá hủy một nhà thờ Pháp trước khi những kẻ theo chủ nghĩa thần bí Đức Quốc xã kịp triệu hồi một thiên thần sa ngã. Ngắn gọn nhưng dồn dập, đây là một trong những tập phim hiếm hoi cân bằng được yếu tố hành động và chất kinh dị cổ điển.
Ở chiều ngược lại, The Screaming of the Tyrannosaur nổi bật về mặt kỹ thuật với CGI sống động, nhưng phần cốt truyện vẫn dừng lại ở mức ý tưởng sơ khai. Thời lượng giới hạn cũng khiến tập phim không khai thác hết tiềm năng của mình. Mùa phim khép lại bằng For He Can Creep, lấy bối cảnh London thế kỷ 18, trong đó một chú mèo đối đầu với quỷ Satan để cứu linh hồn của người chủ là một thi sĩ loạn trí. Hoạt hình trong tập này được xây dựng theo phong cách khắc gỗ cổ điển, mang tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, phần nội dung lại quá nặng tính tự sự và biểu tượng, khiến thông điệp trở nên khá trừu tượng.
Mùa 4 cho thấy sự đa dạng rõ rệt trong cách tiếp cận và tông màu kể chuyện. Từ những câu chuyện mang sắc thái u tối và triết lý về sự bất tử, công nghệ như Spider Rose cho đến những câu chuyện mang tính châm biếm, ngớ ngẩn, thậm chí có phần kỳ cục như Smart Appliances, Stupid Owners… tất cả tạo ra một mùa phim đa sắc thái và cảm xúc.
Sự thiên lệch ngày rõ rệt giữa các tập
Giống như nhiều series hợp tuyển khác, Love, Death & Robots luôn là một canh bạc. Có tập xuất sắc, có tập chỉ đủ để lướt qua. Ở mùa mới nhất, sự thiếu nhất quán tiếp tục là con dao hai lưỡi – vừa tạo nên sự đa dạng, vừa khiến tổng thể trở nên rời rạc.
Với format tuyển tập, rất khó để đánh giá sự thành công theo chuẩn thông thường. Không có cốt truyện liền mạch, không có thế giới quan được xây dựng bài bản, khán giả sẽ dễ nhận thấy sự thiên lệch ngày càng rõ giữa các tập phim: một số tập rất nghệ thuật, rất hàn lâm trong khi một số tập lại thiên về lối hài kịch vô thưởng vô phạt. Bên cạnh những tác phẩm nặng đô như Spider Rose hay 400 Boys, mùa phim còn mở rộng biên độ cảm xúc bằng những tập phim hài kỳ lạ như The Other Large Thing, Smart Appliances, Stupid Owners và Can’t Stop.
Hai tập phim do tiểu thuyết gia John Scalzi chắp bút – The Other Large Thing và Smart Appliances, Stupid Owners đều gây chia rẽ khán giả mạnh mẽ. Smart Appliances, Stupid Owners kể về những thiết bị thông minh như bàn chải đánh răng và nhà vệ sinh phàn nàn về việc phục vụ con người tồi tệ như thế nào. Một tập khác, The Other Large Thing, lại khắc họa một chú mèo với tham vọng thống trị thế giới, tìm được đồng minh là một robot nội trợ.
Về phần Can’t Stop, đây là tập phim mở màn mùa này, đánh dấu sự trở lại của David Fincher – đạo diễn lừng danh của Fight Club và The Social Network. Can’t Stop là video ca nhạc theo đúng nghĩa đen, với các thành viên Red Hot Chili Peppers hóa thân thành những con rối dây hoạt hình, biểu diễn bản hit nổi tiếng của họ. Với thẩm mỹ quái chiêu, màu sắc rối mắt và nhịp cắt dồn dập, tập phim tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng.
Tuy nhiên, cũng nhiều khán giả cho rằng, chính sự đối lập về tông điệu này tạo nên sức hút tổng thể. Chỉ dài vài phút và không cố gắng truyền tải triết lý gì sâu xa, các tập phim này vẫn là một lát cắt cần thiết trong mùa phim. Đó là một phép giải tỏa, một nhịp nghỉ phá cách, để người xem không bị đè nặng bởi những câu chuyện tận thế, AI vượt kiểm soát hay nhân loại lụi tàn. Sự có mặt của các tập phim hài ít nhiều cho thấy tinh thần ba không của loạt phim: không ràng buộc, không sợ kỳ quặc và không ngại gây tranh cãi.
Xem thêm
•[Review phim] “Khom Lưng”: Bi kịch tình yêu giữa chiến loạn và thù hận gia tộc
•[Review phim] “Weak Hero Class 2”: Một mùa phim đầy tham vọng nhưng “hụt hơi”
•[Review phim]“Tastefully Yours”: Chuyện tình cô đầu bếp khó tính và chàng công tử thực dụng
Đồ họa mãn nhãn
Sau hơn sáu năm phát triển, Love, Death & Robots vẫn là một trong những tuyển tập hoạt hình táo bạo và công phu nhất của Netflix. Mỗi tập là một bức tranh kỹ thuật được vẽ bằng bàn tay điêu luyện của nhiều đạo diễn hàng đầu, từ hình ảnh đến thiết kế âm thanh đều đạt chuẩn điện ảnh. Mùa mới nhất cho thấy sự trở lại với đa dạng phong cách hoạt họa – một điểm cộng so với mùa trước vốn bị chê đơn điệu.
Love, Death & Robots mùa 4 vẫn giữ nguyên sự táo bạo trong hình ảnh và nhịp dựng: các pha hành động trên không dồn dập, những phân đoạn đẫm máu rùng rợn…
Trong khi phần lớn loạt phim vẫn sử dụng hoạt hình 3D, Love, Death & Robots mùa 4 tái hiện những câu chuyện bằng phong cách 2D. How Zeke Got Religion là tác phẩm đậm chất kinh dị vũ trụ, bạo lực và khát khao trả thù, với một sinh vật kinh hoàng đầy tay và miệng. 400 Boys lại được thực hiện bởi Passion Animation Studios, phong cách hình ảnh gợi nhớ đến Art Deco kết hợp với truyện tranh Mỹ những năm 80, rực rỡ, dữ dội và ám ảnh. Trong khi đó, For He Can Creep – đến từ Polygon Pictures (Nhật Bản) chọn hướng tiếp cận cổ điển hơn với phần hoạt họa mang dấu ấn của tranh khắc gỗ. Sự cách điệu trong hình ảnh làm tăng thêm chất huyền bí.
Golgotha đánh dấu lần đầu tiên series này giới thiệu một tập phim hoàn toàn do người thật đóng. Tập phim này kể về một linh mục tham gia vào cuộc đàm phán với một chủng tộc người ngoài hành tinh. Diễn viên Rhys Darby đảm nhận vai chính trong tập phim này, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Tim Miller.
Mùa bốn dài hơn hai mùa trước với tổng cộng 10 tập, nhưng vẫn ngắn hơn so với mùa đầu tiên từng gây ấn tượng với 18 tập đa dạng cả về phong cách lẫn nguồn gốc sản xuất. Chỉ hai hãng phim quốc tế góp mặt lần này dù vậy, tính đa dạng vẫn được đảm bảo nhờ chính nội dung kịch bản và mỹ học táo bạo của từng đạo diễn.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân