ELLE Vietnam – Tạp chí Thời trang, Làm đẹp & Phong Cách Sống

Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Squid Game 3”: Hồi kết trọn vẹn cho một siêu phẩm trò chơi sinh tồn

“Squid Game 3” đánh dấu sự trở lại của loạt phim sinh tồn từng làm nên hiện tượng toàn cầu. Vẫn giữ phong cách dàn dựng kịch tính, tiết tấu dồn dập và bối cảnh u ám đặc trưng, mùa phim mới đưa khán giả bước vào một vòng chơi khốc liệt, đẫm máu hơn nhưng cũng đầy suy ngẫm.

Squid Game 3 tiếp tục chứng minh sức hút toàn cầu của loạt phim sinh tồn đến từ Hàn Quốc, với màn ra mắt ấn tượng trên nền tảng Netflix vào cuối tháng 6. Phim vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Top 1 toàn cầu tại hơn 93 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Thành tích này giúp phần 3 xác lập kỷ lục về tốc độ leo top nhanh nhất, với độ phủ rộng nhất chỉ trong chưa đầy 24 giờ phát hành. Bất chấp những tranh luận trái chiều nổ ra trên mạng xã hội, loạt phim vẫn đạt 8.0 điểm trên IMDb. Trên Rotten Tomatoes, giới phê bình dành mức đánh giá tích cực lên tới 89%.

Squid Game 3 đánh dấu sự trở lại của loạt phim sinh tồn từng làm nên hiện tượng toàn cầu.
Squid Game 3 đánh dấu sự trở lại của loạt phim sinh tồn từng làm nên hiện tượng toàn cầu.

Nối dài chủ đề sống còn và niềm tin 

Sau cơn địa chấn toàn cầu, Squid Game trở lại với mùa cuối cùng, bài toán đặt ra cho nhà sáng tạo là làm sao giữ được sự tò mò ban đầu mà không khiến người xem cảm thấy lặp đi lặp lại. Đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã chọn một câu trả lời không thể táo bạo hơn: thay vì leo thang sự hoành tráng một cách vô hồn, ông kéo đấu trường phi nhân tính ấy trở về với bản chất trần trụi nhất của nó, phơi bày sự tàn khốc của hệ thống bằng chính thứ ngôn ngữ đã làm nên thương hiệu.

Các trò chơi được thiết kế chặt chẽ hơn, nhịp kể được gọt giũa gọn gàng, và trên hết, ống kính máy quay đào sâu hơn vào tâm can hỗn loạn của những con người bị dồn vào chân tường. Tập mở màn, The Starry Night mở đầu mùa ba Squid Game bằng một chương phim tàn khốc, đưa người xem vào mê cung nhiều tầng được phủ bởi trần nhà màu xanh thẫm cùng những ngôi sao vàng. Luật chơi đơn giản đến man rợ: nửa số người chơi được trao dao và lệnh giết ít nhất một người để được sống sót; nửa còn lại chỉ có một chiếc chìa khoá để trốn chạy trong vô vọng. 

Thiết lập trò chơi vô cùng đơn giản, nhưng hiệu quả kinh hoàng. Squid Game đẩy các nhân vật vào trạng thái nguyên thuỷ: giết hoặc bị giết. The Starry Night là đỉnh điểm của chủ nghĩa nghịch lý mà Squid Game theo đuổi. Ai cũng có thể là anh hùng hay kẻ sát nhân, hoặc cả hai trong cùng một khoảnh khắc. Trò chơi trốn tìm kéo dài hai tập nhưng vẫn giữ được sức hút nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiến thuật, cảm giác hồi hộp, căng thẳng được dàn trải đều. Khi cuộc thanh trừng tiếp diễn, sự biến chất của những người còn lại cũng trở nên rõ nét. Họ từ nạn nhân trở thành thủ phạm, từ kẻ phẫn uất phản kháng trở thành bản sao méo mó của chính những kẻ đeo mặt nạ vàng đang chi phối số phận mình.

Lee Jung Jae Squid Game 3
Tập The Starry Night mở đầu mùa ba Squid Game bằng một chương phim tàn khốc.

Một trong những điểm nhấn thị giác của mùa này là thử thách “Nhảy dây”, người chơi phải vượt qua cây cầu treo mong manh. Tốc độ được đẩy lên, căng thẳng leo thang, nhưng không hề đánh mất cảm xúc. Những khoảnh khắc sinh tử được xử lý bằng nhịp cắt dựng chắc tay và phần hình ảnh ấn tượng. Ở trò chơi cuối, loạt phim lựa chọn một hướng đi đầy mạo hiểm: để người chơi tự đưa ra quyết định loại nhau. Đây là trò chơi tâm lý, cũng là một phép thử về bản chất con người. Sự phản bội, nỗi sợ hãi và khao khát sống đan cài vào nhau, tạo nên một trường đoạn cao trào vừa bất an, vừa nhức nhối. 

Khác với phần hai gây tranh cãi vì tiết tấu chậm và cốt truyện lan man, phần ba được đánh giá là “đen tối nhất nhưng cũng sâu sắc nhất” từ trước đến nay. Bất chấp tranh cãi từ phía khán giả, phim khá được lòng của giới chuyên môn. Nhiều nhà phê bình ca ngợi biên kịch Hwang Dong Hyuk khi tái cấu trúc hành trình nhân vật theo hướng đậm tính nội tâm và chính trị, đồng thời giữ vững tinh thần phê phán xã hội. 

Park Gyu Yiung vai No Eul trong Squid Game 3
Loạt phim vẫn giữ được sức hút nhờ một số tình tiết cao trào.

Cuộc khủng hoảng của “thánh tử vì đạo”

Xoay quanh Seong Gi Hun (Lee Jung Jae), hay còn gọi là Người chơi 456, nếu mùa một của Squid Game hành trình của một người đàn ông tuyệt vọng níu lấy sự sống, và mùa hai là sự trỗi dậy của một anh hùng bị ám ảnh bởi khao khát báo thù, thì Squid Game 3 lại là một bản bi ca tàn khốc và sâu sắc hơn: cuộc khủng hoảng của một “thánh tử vì đạo”. Mùa phim cuối cùng không đặt Seong Gi Hun vào vị thế của một đấng cứu thế, mà thay vào đó, lột trần anh đến tận cùng xương tủy, buộc anh phải đối diện với sự sụp đổ của chính lý tưởng mà mình theo đuổi. 

Tập mở màn Squid Game 3 tái hiện khung cảnh hỗn loạn ngay sau cuộc nổi dậy đẫm máu giữa nhóm người chơi phản kháng do Gi Hun dẫn đầu và đội lính canh. Sau cái chết của Jung Bae – người đồng đội thân tín, Gi Hun giờ đây không còn là người chiến binh bất khuất như xưa, anh trở về với một tâm lý kiệt quệ, mất niềm tin và tâm thế buông xuôi. Anh không còn muốn phá hủy trò chơi, cũng chẳng còn thiết tha sống sót.

Trong trạng thái suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần, Seong Gi Hun bước vào vòng chơi cuối cùng của Squid Game như một người đàn ông mất phương hướng. Không còn đủ niềm tin để đánh bại Front Man, cũng chẳng đủ hy vọng để tin vào một kết thúc khác, Gi Hun bất ngờ tìm thấy ánh sáng le lói nơi đứa con sơ sinh của Jun Hee – sinh linh mong manh bị cuốn vào trò chơi tàn khốc.

Lee ng Jae vai Gi Hun Squid Game 3
Gi Hun trở về với một tâm lý kiệt quệ, mất niềm tin và bị ám ảnh bởi thất bại của chính mình.

Sự hiện diện của đứa trẻ đã trở thành mỏ neo kéo Gi Hun ra khỏi cơn mê. Lý tưởng cứu rỗi thế giới vĩ đại và xa vời giờ đây được thay thế bằng một mục tiêu duy nhất, cụ thể và thiêng liêng: bảo vệ sinh mệnh này. Trong trận đấu cuối cùng mang tên Sky Squid Game, Gi Hun từ chối cơ hội sống sót để bảo vệ đứa bé. Cái chết của anh không mang màu sắc anh hùng hóa, mà là kết cục tất yếu của một con người từng bước thức tỉnh, hiểu rằng đôi khi chiến thắng không nằm ở việc sống sót mà là từ chối chơi theo luật của kẻ mạnh. Quyết định đó giúp đứa trẻ được tuyên bố là người chiến thắng.

Cuối cùng, Gi Hun không thể cứu cả thế giới, anh chỉ có thể cứu được một đứa trẻ. Trước khi chết, Gi Hun chỉ thốt lên một câu: “Chúng tôi là con người”. Anh không phải thần thánh, không phải kẻ giải cứu vĩ đại, mà chỉ là một con người với đủ mọi yếu đuối và giới hạn. Sự từ bỏ phức cảm cứu tinh ấy lại chính là hành động nhân văn nhất mà Gi Hun có thể làm, và tạo ra một sự thay đổi sâu sắc hơn bất kỳ cuộc nổi dậy nào. Cái chết của anh đã truyền cảm hứng cho No Eul, cô gái Triều Tiên tuyệt vọng, giúp cô thấy lý do để tiếp tục sống. 

Thậm chí, In Ho, gã Front Man tàn nhẫn cũng bị tác động bởi hành động của Gi Hun. Trong một phân cảnh then chốt trước đó, In Ho đã trao cho Gi Hun con dao, tức trao cho anh quyền sinh sát. Tuy nhiên, Gi Hun đã từ chối giết những người đang ngủ. Đây là khoảnh khắc In Ho nhận ra sự thất bại của bản thân. Anh nhìn thấy mình thua kém Gi Hun không phải vì chiến thắng hay quyền lực, mà vì nhân tính mà Gi Hun giữ được trong khi mình đã đánh mất nó.

Lee Jung Jae trong vai Gi Hun, mang đến một màn trình diễn đậm cảm xúc nhưng tiết chế, đi qua toàn bộ phổ cảm xúc từ tuyệt vọng, ăn năn đến tỉnh thức. Anh thể hiện một nhân vật đầy tổn thương, phức tạp,  và minh chứng cho một chân lý giản dị nhưng vĩnh cửu: trong một thế giới méo mó, giữ được nhân tính mới là chiến thắng sau cùng.

Front Man In Ho trong Squid Game
In Ho cũng bị tác động bởi hành động của Gi Hun.

Xem thêm

[Review phim] “Hoán Vũ”: Lát cắt cay đắng về hiện thực xã hội

[Review phim] “Our Movie”: Bản tình ca đầy hoài niệm

[Review phim] “Thân Chủ Ma Của Tôi”: Khi luật sư biện hộ và chữa lành cho… ma


Những nhân vật nữ tuyệt đẹp và bi kịch truyền đời 

Trong Squid Game 3, nhân vật Geum Ja – một người mẹ già được xây dựng với chiều sâu triết lý đáng kinh ngạc. Geum Ja là một người mẹ thương con, bà cũng là hiện thân của một cuộc chiến nội tâm giữa tình thương và tội lỗi. Theo cách mà bà mô tả về con trai mình: “Yong Sik của tôi rụt rè và ngốc nghếch. Thằng bé tự trách mình khi công ty phá sản, khi chủ nợ đánh đập, khi bị bạn bè lừa gạt, ôm tiền chạy”. Yong Sik, trong mắt bà, chưa bao giờ là kẻ xấu. Anh ta sống với sự tự trách, với tâm lý không thể tha thứ cho chính mình. Sự ngây thơ và lương thiện ấy khiến Geum Ja luôn cảm thấy phải bảo vệ con mình khỏi những sai lầm mà xã hội có thể kết tội. Bi kịch của Geum Ja nằm ở chỗ bà nhận ra rằng nếu Yong Sik phải giết người để sống sót, tâm hồn anh sẽ vĩnh viễn bị hủy hoại. Anh sẽ không còn là “Yong Sik của bà” nữa.

Và vì vậy, cú sốc lớn nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất của mùa 3 chính là việc Geum Ja quyết định tự tay kết liễu con trai mình. Hành động ấy, một mặt là để cứu Jun Hee, mặt khác để đảm bảo rằng con trai bà sẽ có một cuộc đời trong sạch, không bị ám ảnh bởi tội lỗi và dằn vặt. Như bà nói, mọi tội lỗi bà sẽ nhận hết, bà chọn trở thành kẻ ác để con mình là người lương thiện. 

Geum Ja – một người mẹ già đầy hy sinh được xây dựng một cách sâu sắc và đầy ẩn ý.
Geum Ja – một người mẹ già đầy hy sinh được xây dựng một cách sâu sắc và đầy ẩn ý.

Bên cạnh tuyến truyện hai mẹ con Geum Ja, tuyến truyện của bộ ba Hyun Ju, Geum Ja và Jun Hee cũng để lại nhiều dấu ấn không kém. Ba người phụ nữ, nắm giữ ba mảnh chìa khóa khác nhau là ẩn dụ cho sức mạnh của tình đoàn kết. Giữa bối cảnh phi nhân tính, họ tạo ra một ốc đảo của riêng mình. Họ sẵn sàng hy sinh, không phải vì bản thân, mà vì người khác – những con người họ yêu thương hoặc cảm thấy có trách nhiệm

Một diễn biến đẩy mạch phim lên cao trào trong mùa cuối Squid Game là khoảnh khắc Jun Hee (Jo Yuri) bất ngờ sinh con ngay trong đấu trường và đứa trẻ bị biến thành một người chơi chính thức sau khi các khán giả giàu có bỏ phiếu thông qua. Đây là một bước đi táo bạo, giàu tính ngụ ngôn và chất vấn sâu sắc về chu kỳ bất công trong xã hội hiện đại. Một đứa trẻ không nhận thức, được sinh ra và phải kế thừa chiếc áo của mẹ, thừa hưởng thân phận của mẹ là bản cáo trạng về vòng lặp chấn thương liên thế hệ. 

Khoảnh khắc đứa bé khoác trên mình hai chiếc áo đấu là một trong những hình ảnh đắt giá nhất mùa phim. Bên trong là áo 222 của mẹ, là máu thịt, là tình mẫu tử, là khởi nguồn của bản năng sống nhưng cũng là sự thừa kế vô thức của gông cùm, của thân phận. Bên ngoài là áo 456 của Gi Hun, biểu tượng của chính nghĩa, hy vọng về một thế giới công bằng, cũng là đại diện cho sự phản kháng và mong muốn phá vỡ vòng lặp. Sự đối lập giữa hai con số ngoài hình thức, còn là một tầng nghĩa sâu sắc về sự giằng co giữa định mệnh và quyền được chọn.

 

Jo Yu Ri vai Jun Hee Squid Game 3
Tuyến truyện của ba người phụ nữ này lặng lẽ khắc họa một đối cực nhân văn giữa bối cảnh phi nhân tính.

Tuy nhiên, dù xuất sắc trong việc duy trì mạch căng thẳng và đào sâu tâm lý, mùa ba vẫn tồn tại những khoảng trống đáng tiếc. Ở vòng chơi cuối cùng, ngoài Gi Hun và Myung Gi ra, các nhân vật còn lại đều rất mờ nhạt. Nếu đã để các nhân vật ấy vượt qua hàng loạt vòng đấu tàn khốc, sẽ tốt hơn nếu xây dựng họ với những chấn thương, tham vọng hoặc biến cố đủ lớn để hình thành một cá tính riêng biệt và lý giải vì sao họ còn tồn tại đến phút cuối. Ở đây, nhiều gương mặt xuất hiện như những “nạn nhân dự phòng”. Người xem khó có thể đồng cảm trước “tính xấu” của họ, cũng không quá buồn bã khi họ biến mất. Điều này tạo ra lỗ hổng đáng tiếc trong một mùa phim vốn hướng đến việc khắc họa mặt tối của xã hội và những bi kịch cá nhân.

Thêm vào đó, tuyến truyện của viên cảnh sát Hwang Jun Ho (Wi Ha Joon) tiếp tục tỏ ra lạc lõng, không gắn bó với mạch truyện chính. Đáng thất vọng hơn là sự trở lại của các VIP. Lối thoại tiếng Anh gượng gạo, thiếu tự nhiên của họ một lần nữa gây cảm giác khó chịu và làm giảm đi tính chân thực của những nhân vật này. 

Tựu trung, dù còn những điểm gợn trong cấu trúc và nhân vật, phim vẫn mang tới một cái kết ám ảnh, đau đớn. Đây cũng là cái kết cần thiết, đủ sâu để gợi nghĩ và hoàn thành nhiệm vụ khép lại một trong những hiện tượng truyền hình quan trọng nhất của thập kỷ 2020 một cách trọn vẹn.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)