Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu”: Màn tái xuất ấn tượng của Victor Vũ

“Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu” đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Victor Vũ với thể loại kinh dị – tâm lý sở trường, sau thời gian thử sức ở các dòng phim khác. Phim duy trì không khí âm u, kịch tính bằng thủ pháp dàn dựng tinh tế và nhịp phim chặt chẽ.

Lên sóng vào dịp lễ 30/4, Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng và giới chuyên môn. Theo Box Office Vietnam, tính đến 21h ngày 30/4, bộ phim mới nhất của Victor Vũ đã thu về hơn 65 tỷ đồng từ hơn 3.000 xuất chiếu. Phim xếp thứ hai trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé phim Việt, chỉ sau Lật Mặt 8: Vòng tay nắng của đạo diễn Lý Hải.

thám tử kiên kỳ án không đầu
Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu nhận được phản hồi tích cực từ công chúng và giới chuyên môn.

Kinh dị trinh thám pha lẫn tâm linh

Một loạt cái chết bí ẩn xảy ra tại ngôi làng ven sông, tám thi thể đã được phát hiện, tất cả đều có chung đặc điểm: phần đầu biến mất không dấu vết. Người dân truyền tai nhau về lời nguyền ma da. Nạn nhân tiếp theo có thể là Nga – cô gái trẻ sống cùng mợ Hai Mẫn. Dấu tích duy nhất còn sót lại sau đêm mất tích là một chiếc hài nằm lẻ loi gần bờ nước. Lo sợ điều dữ, Hai Mẫn buộc lòng gửi thư cầu viện thám tử Kiên – người từng dấn thân phá án và bắt giữ chồng cũ của bà.

Nghe tường thuật, Nga được biết là một cô gái ngoan hiền, sống khép kín sau tuổi thơ thiếu vắng sự bảo bọc từ cha mẹ. Nghi phạm đầu tiên là Tuyết – tiểu thư nhà quan. Theo người dân địa phương, Tuyết từng nảy sinh hiềm khích sâu sắc với Nga khi phát hiện vị hôn phu của mình – Thạc, có cảm tình với cô gái kia. Một đối tượng khác là kẻ trộm không rõ lai lịch, từng đột nhập vào nhà Nga giữa đêm khuya. Cuối cùng là Thạc – nhân vật trung tâm trong mối tình tay ba. Là con trai của quan huyện, Thạc không hài lòng với hôn ước được sắp đặt cùng Tuyết. Vụ mất tích của Nga nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Khi thám tử Kiên vào cuộc, các manh mối dẫn ông đến một quá khứ tưởng đã bị chôn vùi: đại án phản loạn từng chấn động làng 30 năm trước. 

quốc huy thám tử kiên
Phim xoay quanh một vụ mất tích bí ẩn của một cô gái trẻ.

Thay vì lựa chọn hướng đi quen thuộc là truy lùng một sát nhân hàng loạt, Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu đẩy trọng tâm về cá nhân Nga, một nạn nhân bị mất tích, để từ đó bóc tách các tầng lớp quan hệ xã hội, mở ra loạt liên kết dẫn đến tám vụ án mạng trước đó. Phim cân bằng giữa yếu tố hình sự và màu sắc tâm linh bằng cách khai thác không khí kỳ bí, đậm đặc yếu tố văn hóa bản địa, nhưng vẫn duy trì nhịp độ nhanh, kích thích sự tò mò. 

Bố cục các tình huống được xếp lớp hiệu quả, giúp giữ mạch phim liền mạch và dồn dập. Mỗi phân đoạn đều đóng vai trò đẩy cốt truyện tiến lên thay vì dừng lại ở các cảnh chuyển tiếp hay “đệm”. Đây là điểm cho thấy sự tinh gọn trong cách kể chuyện của Victor Vũ – vốn là ưu điểm quen thuộc của anh ở dòng phim ly kỳ, giật gân.

Kịch bản chặt chẽ, tình tiết dồn dập

Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu ghi điểm nhờ cấu trúc kịch bản được xử lý chặt tay. Victor Vũ xây dựng chuỗi tình tiết theo mô hình “án lồng trong án”. Trong đó mỗi manh mối mới lại mở ra một tầng nghi vấn khác, khiến hành trình phá án liên tục bị đẩy xa khỏi giả thuyết ban đầu. Các nghi phạm được phác họa sinh động với động cơ linh hoạt, biến chuyển theo tiến trình điều tra, tạo cảm giác không ngừng thay đổi nhưng vẫn nằm trong đường dây logic được đạo diễn kiểm soát kỹ lưỡng.

Càng về cuối, bộ phim càng tăng tốc khi những mảnh ghép rời rạc bắt đầu ghép lại thành một tổng thể rõ ràng. Thay vì chọn giải pháp vạch mặt hung thủ ở cao trào theo kiểu kinh điển, Victor Vũ sớm tiết lộ danh tính kẻ gây án và dành phần còn lại để bóc tách động cơ, hệ quả và liên kết với tội ác trong quá khứ. Đây là lựa chọn giúp mạch phim không bị dàn trải mà giữ được sự thắt chặt cần thiết đến phút cuối.

Tuyến nhân vật phụ khá đông nhưng mỗi người đều có vai trò nhất định trong câu chuyện. Ngay cả những nhân vật tưởng như ngoài lề cũng dần lộ rõ mối liên hệ với vụ án chính, góp phần làm rõ thông điệp về nhân quả, oán hận và những bí mật trong lòng cộng đồng.

đinh ngọc diệp vai hai mẫn thám tử kiên
Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu ghi điểm nhờ cấu trúc kịch bản được xử lý chặt tay.

Điểm nổi bật của phim còn nằm ở sự đối lập giữa hai nhân vật trung tâm: thám tử Kiên và Hai Mẫn. Trong khi Kiên đại diện cho lý trí và sự điềm tĩnh, Hai Mẫn lại hiện diện với cá tính bộc trực, đôi khi thiếu kiềm chế. Chính nét đối lập này giúp tạo nên một mối quan hệ vừa xung khắc, vừa bổ trợ cho nhau.

Nhân vật Kiên từng chỉ là tuyến phụ trong bộ phim  Người Vợ Cuối Cùng, nay được tách ra để phát triển tuyến truyện riêng. Đây là bước đi cho thấy tham vọng dài hơi trong xây dựng vũ trụ điện ảnh mang đậm màu sắc cổ phong – kinh dị của Victor Vũ, đồng thời mở ra một hướng đi tiệm cận điện ảnh hình sự hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc dân gian.


Xem thêm

[Review phim] “Vô Ưu Độ”: Phim cổ trang trừ yêu đậm chất Trung Hoa

[Review phim] “Heavenly Ever After”: Hành trình hậu thế đầy cảm xúc của người phụ nữ 80 tuổi

[Review phim] “Way Back Love”: Bảy ngày để sống, yêu và tha thứ


Điểm sáng trong diễn xuất và khâu hình ảnh

Quốc Huy tiếp tục vào vai thám tử Kiên trong Kỳ Án Không Đầu. Sở hữu lối diễn tiết chế, với lần tái xuất này, nam diễn viên giữ được phong độ khi tái hiện hình ảnh một công sai thông minh, bản lĩnh và hành xử điềm tĩnh trong quá trình phá án. Để nâng cao tính chân thực, Quốc Huy đầu tư tập luyện các kỹ năng cổ trang như cưỡi ngựa, múa kiếm, võ thuật nhằm hỗ trợ các cảnh hành động và di chuyển. So với lần đầu xuất hiện, thám tử Kiên trong phần phim riêng có chiều sâu hơn khi Victor Vũ dành nhiều đất để khám phá mặt cảm xúc của nhân vật. Diễn biến tâm lý được Quốc Huy thể hiện thuyết phục, góp phần làm nổi bật vai trò trung tâm của nhân vật.

Đảm nhận vai Hai Mẫn – người thân duy nhất của nạn nhân mất tích, Đinh Ngọc Diệp mang đến màu sắc tương phản thú vị bên cạnh nhân vật thám tử Kiên của Quốc Huy. Nữ diễn viên thể hiện vai diễn với biểu cảm linh hoạt, chuyển đổi tự nhiên giữa các trạng thái cảm xúc: từ lo lắng, đau đớn khi cháu gái mất tích đến nóng nảy, thậm chí hài hước khi đối đáp với Kiên. Tính cách thẳng thắn, “ruột để ngoài da” giúp cô trở thành nhân tố “giảm áp”, góp phần cân bằng bầu không khí u ám vốn bao trùm bộ phim. 

Quốc Huy thám tử kiên
Quốc Huy giữ phong độ trong lần tái xuất thứ hai với vai thám tử Kiên.

Dàn diễn viên phụ trong Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu cũng làm tròn vai. Đáng chú ý, dù lần đầu kết hợp, Quốc Anh và Đoàn Minh Anh vẫn tạo được những phân cảnh tình cảm vừa phải, không lạc tông giữa mạch phim trinh thám – tâm linh. Gương mặt mới Minh Anh gây thiện cảm bởi sự tự nhiên, ánh mắt trong sáng phù hợp với một nhân vật chịu nhiều oan trái như Nga. Cô để lại dấu ấn tốt với lần chạm ngõ điện ảnh đầu tiên

Đặc biệt, Tín Nguyễn cho thấy sự chuyển mình tích cực, vai diễn lần này giúp cô dần thoát khỏi định kiến “TikToker đi đóng phim”. Võ Điền Gia Huy và Anh Phạm tiếp tục giữ phong độ dù thời lượng xuất hiện không nhiều.

Về dàn diễn viên kỳ cựu, NSND Mỹ Uyên thể hiện sắc sảo nhân vật bà Vượng – người mẹ vừa thương con, vừa đầy toan tính. Sự pha trộn giữa tình cảm và thủ đoạn được nữ diễn viên xử lý gọn ghẽ, giúp nhân vật không bị rơi vào khuôn mẫu một chiều. Diễn viên Xuân Trang, Quốc Tân và Sỹ Toàn đều giữ được phong độ, tạo ra nền tảng ổn định cho câu chuyện.

Đoàn Minh Anh vai Nga thám tử kiên
Dàn diễn viên phụ trong Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu cũng làm tròn vai.

Mặt khác, vốn nổi tiếng là đạo diễn theo đuổi trường phái thị giác, Victor Vũ tiếp tục phát huy thế mạnh tạo hình không gian trong Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu. Bối cảnh chính của phim được đặt tại vùng núi Tây Bắc. Những cú máy toàn cảnh được tận dụng tối đa để khắc họa thiên nhiên với cánh đồng hoa trải dài, núi non trập trùng, dòng thác đổ xiết, màu phim đậm chất điện ảnh, vừa tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên, vừa hàm chứa cảm giác bất an mơ hồ, phù hợp với không khí trinh thám có yếu tố siêu nhiên.

Phim chọn bối cảnh thực tế là một ngôi làng cổ vẫn còn cư dân sinh sống. Ê-kíp giữ lại những chi tiết nguyên bản trong kiến trúc, đồng thời bổ sung các yếu tố bài trí thủ công để xây dựng không gian mang tính điện ảnh nhưng vẫn đảm bảo tính lịch sử. Từng vật dụng, mái ngói, sạp chợ, ngõ hẻm… đều cho thấy sự đầu tư chỉn chu và nghiêm túc, giúp khán giả dễ dàng nhập vào thế giới phim.

Phục trang cũng là yếu tố góp phần hoàn thiện thời không trong phim. Hơn một nghìn bộ đồ được thiết kế riêng, chọn vải nhuộm thủ công, hạn chế tối đa các chi tiết rườm rà để tạo cảm giác nhân vật thực sự sống trong thời đại của họ. Sự cũ kỹ, bạc màu của chất liệu được xử lý tinh tế, mang lại cảm giác “đời” cho từng khuôn hình.

diễn viên quốc huy trong vai thám tử kiên
Victor Vũ tiếp tục phát huy thế mạnh tạo hình không gian trong Thám Tử Kiên.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)