Hai tác phẩm này không chỉ ra mắt cùng thời điểm mà còn cùng đi ngược lại với di ngôn của Gabriel García Márquez. Khi còn sống, nhà văn từng kiên quyết không cho phép chuyển thể Trăm năm cô đơn, bởi ông tin rằng không một tác phẩm phái sinh nào có thể tái hiện trọn vẹn tầm vóc của cuốn tiểu thuyết. Trong khi đó, Hẹn nhau tháng Tám lại được ông chấp bút trong giai đoạn trí tuệ dần sa sút, khiến tác phẩm chưa bao giờ thực sự sẵn sàng để ra đời, dù đã trải qua đến 5 bản thảo.
SẮC SẢO TRONG MIÊU TẢ TÂM LÝ
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh Ana Magdalena Bach, một người phụ nữ 46 tuổi với cuộc hôn nhân tương đối êm ấm. Mỗi năm, vào ngày 16/8, cô đều một mình đến hòn đảo xa, theo đúng lệ cũ: bắt một chiếc taxi, gặp đúng một người bán hoa để mua bó lay ơn viếng mẹ. Khi mọi nghi thức đã hoàn tất, cô có nguyên một ngày rảnh rỗi trước khi bước lên chuyến phà trở về nhà. Trong suốt 5 năm đến nơi này, Ana đã dành một ngày rảnh rỗi đó để gặp gỡ nhiều người đàn ông và dấn thân vào những cuộc phiêu lưu khoái lạc, để rồi mỗi sáng hôm sau, cô lại bị giày vò bởi cảm giác bội phản và nỗi sợ bị phát hiện.
Thoạt nghe, Hẹn nhau tháng Tám có nhiều điểm tương đồng với Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi – tác phẩm được Márquez sáng tác cùng thời điểm. Dù khác biệt về nhân vật – một bên là ông lão 90 tuổi, một bên là người đàn bà 46 – cả hai tác phẩm đều chia sẻ một hành trình chung: tìm lại những thứ đã mất. Nếu như ông lão 90 tuổi tìm đến nàng Delgadina trinh tiết và quyết tâm không chạm vào nàng để giữ lại sự rung động thuần khiết của tuổi trẻ, thì Ana Magdalena Bach lại thực tế hơn. Cô lao vào những cuộc tình chóng vánh, buông thả trong men say và đam mê như một cách níu giữ cảm giác sống trước khi trở về với đời thường.
Trong “Hẹn nhau tháng Tám”, Ana hiện lên với nhiều sắc thái phức tạp. Dù không thể gọi đây là một tiểu thuyết nữ quyền, Márquez vẫn khắc họa xuất sắc những chuyển biến tâm lý của nhân vật: từ sự chủ động trong cuộc tình đầu tiên đến nỗi tức giận khi bị sỉ nhục, rồi chìm trong dằn vặt, để cuối cùng mạnh mẽ khước từ đam mê khi nhận ra những hệ lụy nó có thể mang đến.
BÀI LIÊN QUAN
CÂU CHUYỆN VỀ NỖI CÔ ĐƠN
Được viết trong cùng một giai đoạn, Hẹn nhau tháng Tám và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi mang phong cách sáng tác tương đồng. Những năm cuối đời, Márquez từ bỏ trường thiên tiểu thuyết, chuyển sang những câu chuyện ngắn gọn, cô đọng. Ông cũng rời xa chất huyền ảo từng làm nên danh tiếng trong Trăm năm cô đơn hay Tình yêu thời thổ tả để hướng đến hiện thực và tả chân. Nếu nhân vật ông lão có thể xem là hóa thân của chính ông, thì với Ana – một hình mẫu hoàn toàn khác biệt – Márquez một lần nữa chứng minh tài kể chuyện bậc thầy của mình.
Khép lại cuốn sách, ta nhận ra cả hai nhân vật không đơn thuần kiếm tìm tình yêu, mà sâu xa hơn, họ muốn lấp đầy khoảng trống cô đơn trong cuộc đời. Với ông lão, “không gì bất hạnh bằng chết trong đơn côi”, còn với Ana, đó là sự chán chường của một cuộc sống tưởng chừng êm ấm. Một người chồng lấn át, sự phản bội của anh ta, khoảng cách với con cái và cơn khủng hoảng tuổi trung niên… tất cả đã thôi thúc Ana bước vào những cuộc phiêu lưu không định trước.
Márquez từng khẳng định: “Trên thực tế, mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách. Cuốn sách của tôi viết về nỗi cô đơn”. Hẹn nhau tháng Tám có thể không phải một thành tựu tiếp nối đỉnh cao sự nghiệp của ông, nhưng vẫn là dấu ấn sáng tạo đặc biệt trong giai đoạn cuối đời. Có lẽ, chính Márquez cũng bị ám ảnh bởi sự cô độc, nhưng qua cuốn sách này, có thể tin rằng ông sẽ hài lòng khi độc giả có thể đồng hành cùng ông đến trang cuối cùng.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu