Truyện Thúy Kiều – Phản đối và lý giải

Đăng ngày:

Công ty sách Nhã Nam vừa đưa ra thông cáo báo chí giải thích về bìa và cái tên của ấn bản Truyện Thúy Kiều (mà dân gian vẫn quen gọi là Truyện Kiều) đang gây ra nhiều tranh cãi hiện nay.

Ngày 11/11 vừa qua, công ty sách Nhã Nam vừa ra thông báo về việc xuất bản Truyện Thúy Kiều, ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên, cả cái tên Truyện Thúy Kiều và bìa sách đều nhận phải nhiều lời bình luận phản đối của độc giả. Đa số độc giả cho rằng cái tên Truyện Thúy Kiều nghe không quen tai, và ảnh bìa do Nhã Nam chọn cũng có phần thô tục.

 

Bìa Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam xuất bản năm 2015

Bìa Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam xuất bản năm 2015

Theo Nhã Nam, ấn bản này, được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết, có một vị trí khá đặc biệt. Xuất bản tương đối sớm, qua thời gian, cuốn sách có thể nói đã trở thành một cuốn Kiều được phổ biến thuộc loại rộng rãi nhất, được độc giả biết đến nhiều nhất. Sau khi được nhà Vĩnh Hưng Long in hai lần, Truyện Thúy Kiều tiếp tục được Tân Việt, một nhà xuất bản lớn chuyên in sách giáo khoa, sách kinh điển, phổ biến kiến thức, tái bản rộng rãi…

Sau đó, từ năm 1958, nhà xuất bản Phổ Thông đã cho tái bản tiếp nhiều lần. Trong số các bản Kiều quốc ngữ, bản Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo đã được công nhận là bản được phổ biến sâu rộng hơn cả qua các thế hệ người đọc gần một thế kỷ nay. Nhiều Truyện Kiều do Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim hiệu khảo mà một số nhà xuất bản đã tái bản chính là bản Truyện Thúy Kiều này, chỉ khác là các nhà xuất bản đã đổi tên Truyện Thúy Kiều thành Truyện Kiều.

Công ty sách cũng giải thích thêm, cái tên “truyện Kiều” chỉ là tên gọi dân gian mà mọi người quen dùng để nói về tác phẩm, không phải là tên chính thức. Còn Truyện Thúy Kiều, chính là tên tác phẩm mà các học giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim đặt chính thức cho bản Kiều được hiệu đính, khảo dị của mình. Trong phần “Tựa” của ấn bản, các học giả cũng có giải thích vì sao đặt tên là Truyện Thúy Kiều như sau: “Truyện Thúy Kiều này nguyên lúc đầu tác giả nhan là Đoạn trường tân thanh. Sau nghe đâu ông Phạm Quý Thích đổi lại là Kim, Vân, Kiều tân truyện. Nhưng vì trong truyện chỉ có Thúy Kiều là vai chính, còn Kim Trọng và Thúy Vân là vai phụ cả. Nếu đề như vậy, thì e không hợp lẽ. Vả chăng tục thường gọi là truyện Kiều, thì chi bằng ta cứ theo thói thường mà nhan là Truyện Thúy Kiều, rồi ở dưới đề thêm tên cũ Đoạn trường tân thanh, gọi là để tỏ cái ý tồn cổ”.

Nhã Nam quyết định tái bản nguyên vẹn Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, chỉ sửa từ nếu đã trái chính tả vì Truyện Thúy Kiều, đã được hai bậc học giả hàng đầu khảo cứu một cách kỹ lưỡng. Các học giả cung cấp chú giải điển cố, từ nguyên tường tận, song lại rất dễ đọc vì được trình bày theo cách tối giản, thuận tiện, nhằm mục đích chính là giúp bạn đọc hiểu và cảm được nội dung và tinh thần tác phẩm.

 

Tranh Lê Văn Đệ

Bức tranh bìa là tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Đệ, in trong “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” xuất bản năm 1942.

Để giải oan cho bìa sách, công ty cũng cho biết bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều chính là bức tranh trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du này, của cụ Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình. Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn và chính là bức vẽ mà họa sĩ vẽ minh họa cho câu thơ: Thang lan rũ bức trướng hồng tẫm hoa/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà”, tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.

 

12234954_1068795699797139_3241601418099740627_n

Theo lời nhà sưu tầm sách cổ Vũ Hà Tuệ, bức tranh này đã từng xuất hiện trên trang bìa báo Bình Minh, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du.

Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam xuất bản cũng có một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị – Huế xuất bản năm 1942. Đây là tập sách có bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó, của các họa sĩ Vịệt Nam hàng đầu thời bấy giờ, như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du vào năm 1942.

Sự giải thích kỹ càng của Nhã Nam chưa chắc đã khiến dư luận hoàn toàn im lặng, nhưng cũng cho chúng ta biết thêm về lịch sử xuất bản của kiệt tác này.

Xem thêm

Giới thiệu sách: Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời

Giới thiệu sách hay dành cho những ngày Thu

Triển lãm “Những cuốn sách về Hà Nội”

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more