12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

Đăng ngày:

Sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc đã sản sinh ra rất nhiều đạo diễn tầm cỡ thế giới. Xuất thân từ Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, những đạo diễn tiếng tăm này thường nhạy cảm với chính trị, tạo nên những bộ phim nêu bật các vấn đề xã hội bấy giờ.

Thường xuyên đối mặt với kiểm duyệt khắt khe của chính phủ, các đạo diễn đã kiên trì gửi gắm thông điệp đến với khán giả bằng những tác phẩm nghệ thuật xương máu của mình.

1. Trương Nghệ Mưu

Trương Nghệ Mưu là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Bất kể đề tài, những bộ phim của ông đều trực quan, tuyệt đẹp, tập trung vào nhịp phim và màu sắc chủ đạo. Đặc trưng phong cách được thể hiện trong lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã trở thành kì tích nghệ thuật đưa ông đến với giới mộ điệu quốc tế.

Đến thế hệ thứ năm của các nhà làm phim, Trung Quốc bắt đầu giáo dục Cách mạng hậu văn hóa, đạo diễn Trương Nghệ Mưu không tránh khỏi những phán quyết và phê bình chính trị. Trên thực tế, bộ Phải sống (To Live) của ông đã bị cấm ở Trung Quốc đại lục vì nhiều vai diễn quan trọng vướng vào một số chính sách của chính phủ đương thời.

Các tác phẩm kinh điển của đạo diễn đại tài gồm có: Cao Lương Đỏ (1987), Cúc Đậu (1990), Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991), Thu Cúc Đi Kiện (1992), Phải Sống (To Live, 1994), Anh Hùng (2002), Thập Diện Mai Phục (2004), Hoàng Kim Giáp (2006)…

12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

(Nguồn: theculturetrip.com)

2. Giả Chương Kha

Cũng như hầu hết người cùng thời, Giả Chương Kha được đào tạo từ cái nôi của nền nghệ thuật Trung Quốc – Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Nhưng thay vì sản xuất phim cho chính phủ Trung Quốc, ông đã tự mình thực hiện ba bộ phim đầu tiên và đạt được thành công vang dội trong thế giới ngầm. Bắt đầu từ năm 2004, với bộ phim Thế Giới, Giả Chương Kha có được sự chấp thuận chính thức từ chính phủ, nhưng tính hợp pháp này không thể xóa nhòa những phê phán và định kiến đối với ông. Tác phẩm của ông thường đề cập đến những chủ đề bức bối của xã hội Trung Quốc bấy giờ, đặc biệt những người trẻ bị áp bức ở tận cùng xã hội.

Các tác phẩm tiêu biểu của Giả Chương Kha có thể kể đến là: Tiểu Vũ (1997), Trạm Đài (2000), Nhậm Tiêu Dao (Unknown Pleasures, 2002), Thế Giới (2004), Tam Hiệp Hảo Nhân (2006), Nhị Thập Tứ Thành Ký (2008), Thiên Chú Định (2013), Sơn Hà Cố Nhân (2015)…

3. Trần Khải Ca

Giả Chương Kha từng tuyên bố rằng nguồn cảm hứng làm phim của ông đến từ đạo diễn Trần Khải Ca. Lớn lên trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Trần Khải Ca đã đưa các sự kiện đặc biệt trong giai đoạn này vào trong tác phẩm của mình. Trong đó, phải kể để bộ phim kinh điển Bá Vương Biệt Cơ. Được đề cử hai giải Oscar và giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, bộ phim đã đưa tên tuổi của Trần Khải Ca đến với làng phim thế giới.

Năm 2002, ông thể nghiệm một bộ phim tiếng Anh với sự tham gia của Heather Graham và Joseph Fiennes nhưng thất bại nặng nề. Sau đó, ông trở về lại với sở trường của mình: kể chuyện cách mạng Trung Quốc.

Tác phẩm kinh điển của Trần Khải Ca gồm: Hoàng Thổ Địa (1984), Đại Duyệt Binh (1986), Bá Vương Biệt Cơ (1993), Phong Nguyệt (1996), Kinh Kha Thích Tần Vương (1998) , Hoàng đế cuối cùng (1987), Triệu Thị Cô Nhi (2010)…

12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

(Nguồn: theculturetrip.com)

4. Trương Nguyên

Trương Nguyên là một thành viên tiên phong của thế hệ các nhà làm phim thứ sáu tại Trung Quốc. Cũng như Giả Chương Kha, Trương Nguyên tránh xa truyền thông bằng cách tự sản xuất phim của mình. Tác phẩm đầu tay của ông mang phong cách tài liệu đặc trưng, xóa nhòa ranh giới giữa hư cấu và hiện thực.

Những tác phẩm miêu tả chân thực cuộc sống Trung Quốc này đã thu hút sự chú ý của chính quyền, dẫn đến năm 1994, Trương Nguyên bị cấm làm phim. Tuy nhiên, thay vì tuân thủ, hai năm sau, vị đạo diễn đã thực hiện bộ phim gây tranh cãi nhất của mình, Đông Cung Tây Lược – bộ phim Trung Quốc đầu tiên công khai các nhân vật đồng tính.

Trương Nguyên có một số tác phẩm đáng chú ý như Mama (1990), Đông Cung Tây Lược (1996), Trà xanh (2009)…

5. Lâu Diệp

Lâu Diệp thuộc thế hệ làm phim thứ sáu, từng bị chính phủ cấm 5 năm sau khi phát hành bộ phim Hoàng cung mùa Hè, nói về cuộc biểu tình lịch sử ở Thiên An Môn. Nhiều bộ phim sau của ông cũng đi theo phong cách này, gây dư luận trái chiều dữ dội bởi cảnh phòng the táo bạo và các vấn đề chính trị bức bối.

Sinh ra ở Thượng Hải, Lâu Diệp đã lấy thành phố này làm bối cảnh cho nhiều bộ phim của mình như Sông Tô Châu (2000) hay bộ phim vào thời kì Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc Purple Butterfly.

Các tác phẩm kinh điển của Lâu Diệp gồm: Sông Tô Châu (2000), Cung điện mùa Hè (2006), Blind Massage (2014)…

12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

(Nguồn: theculturetrip.com)

6. Hàn Hàn

Được biết đến nhiều nhất với vai trò một tay đua và blogger, Hàn Hàn bắt đầu thử sức làm đạo diễn vào năm 2014 với bộ phim kể về cuộc hành trình đầy lý thú, The Continent. Tuy là một gương mặt mới trong giới làm phim, Hàn Hàn vẫn có thể tạo ra những tác phẩm làm hài lòng công chúng mà không nhất định phải là những cơn bão bom tấn ăn khách. Dù chỉ mới bắt đầu nhưng anh đã được tạp chí Time bầu chọn là một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới của năm 2010.

Các tác phẩm đáng chú ý của Hàn Hàn: The Continent (2014), Rẽ gió đạp sóng (2017), Jian Bing Man (2015)…

7. Quản Hổ

Sau khi tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Quản Hổ trở thành đạo diễn trẻ nhất trong Hãng phim Bắc Kinh. Bất chấp những mối quan hệ chính thức của mình, đạo diễn Quản Hổ vẫn phải lăn lộn xin tài trợ và dựa vào nữ diễn viên chính để bổ sung ngân sách eo hẹp cho bộ phim đầu tay – Dirt (2014). Trên thực tế, đạo diễn còn phải trả tiền cho chính phủ để liên kết với các phòng vé nhà nước.

Bây giờ, hơn 20 năm sau, bằng những phấn đầu và thành tựu đạt được, đạo diễn không còn gặp khó khăn trong việc xin tài trợ cho những bộ phim thành công rực rỡ như Đầu bếp Diễn viên và Tên vô lại (2013), Sát Sinh (2012), Lão Pháo Nhi (2015)…

12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

(Nguồn: theculturetrip.com)

8. Phùng Tiểu Cương

Ngôi sao bộ phim Lão Pháo Nhi của đạo diễn Quản Hổ, Phùng Tiểu Cương, cũng là một nhà làm phim thực thụ theo cách của riêng mình. Mặc dù nổi tiếng với vai trò diễn xuất trong những vở hài kịch mang phương ngữ Bắc Kinh dày đặc và không được đào tạo đạo diễn qua trường lớp chính quy nhưng ông vẫn chứng minh được vị thế hàng đầu của mình bằng hàng loạt phim chiếu Tết độc đáo.

Bộ phim Aftershock (2010) của ông được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 83. Các tác phẩm nổi tiếng của Phùng Tiểu Cương gồm: Tôi không phải Phan Kim Liên (2016), Dạ yến (2006), Phi thành vật nhiễu (2008)…

9. Ngô Vũ Sâm

Mặc dù sinh ra ở đại lục nhưng con đường sự nghiệp của Ngô Vũ Sâm lại gắn với mệnh danh “Bậc thầy phim hành động Hồng Kông”. Ngô Vũ Sâm khiến cả Hollywood cũng phải nể phục với hàng loạt bộ phim ăn khách như Face/Off (1997), Điệp vụ bất khả thi II (2000)…

Bên cạnh vai trò một đạo diễn cực kỳ xuất sắc, ông còn đồng thời là nhà văn và nhà sản xuất, đã cho ra đời 37 tác phẩm kể từ khi bắt đầu ra mắt vào năm 1968.

Ngô Vũ Sâm có rất nhiều tác phẩm đáng chú ý: Anh Hùng Bản Sắc I & II (1986, 1987), Điệp Huyết Song Hùng (1989), Điệp Huyết Nhai Đầu (1990), Tung Hoành Tứ Hải (1991), Lạt Thủ Thần Tham (1992), Face/Off (1997, phim Mỹ), Điệp Vụ Bất Khả Thi II (2000, phim Mỹ), Xích Bích I & II (2008, 2009)…

12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

(Nguồn: theculturetrip.com)

10. Hứa An Hoa

Cũng sinh ra ở Đại Lục nhưng sự nghiệp lại thành công vang dội ở Hồng Kông là nữ đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch Hứa An Hoa. Bà là một trong những nhà làm phim được giới phê bình đánh giá cao trong trào lưu điện ảnh Làn sóng mới Hồng Kông. Các bộ phim của Hứa An Hoa đề cập phần nhiều đến những chủ đề xung đột gia đình, thay đổi văn hóa, bản sắc dân tộc và các vấn đề xã hội. Phim của bà thường tạo nên làn sóng tranh cãi gay gắt. May mắn là bà không phải đối mặt với quy chế kiểm duyệt khắt khe từ các đồng nghiệp ở đại lục.

Tác phẩm kinh điển của Hứa An Hoa có thể kể đến như: Thuyền nhân (1982), Đào tỷ (2011), Thời đại hoàng kim (2014), Bao giờ trăng sáng (2017), Thiên Ngôn Vạn Ngữ (1999), Ngày và Đêm Tại Thiên Thủy Vi (The Way We Are, 2010)…

11. Điền Tráng Tráng

Tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, đồng trang lứa với Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca, tác phẩm của đạo diễn Điền Tráng Tráng mang đến yếu tố độc đáo và đáng hoan nghênh cho làng phim Trung Quốc. Ông nổi tiếng với những bộ phim thuần túy nghệ thuật, lấy dân tộc thiểu số và những bất công trong xã hội làm chủ đề.

Giống như những người cùng thời, Điền Tráng Tráng cũng không tránh khỏi tranh chấp với các cơ quan kiểm duyệt, điển hình như việc nhắc đến phong trào Trăm hoa đua nở trong tác phẩm Lam phong tranh. Với những thành tựu và đóng góp nghệ thuật xuất sắc của mình, ông từng là cố vấn cho nhiều nhà làm phim của Thế hệ thứ sáu
Tác phẩm nổi tiếng của ông gồm Kẻ trộm ngựa (1986), Lam phong tranh (1993), Mùa Xuân trong thị trấn nhỏ (2002)…

12 đạo diễn Trung Quốc có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

(Nguồn: theculturetrip.com)

12. Vương Tiểu Soái

Chịu ảnh hưởng của những người đương thời thuộc Thế hệ thứ sáu, không mấy ngạc nhiên khi phim của Vương Tiểu Soái cũng khai thác các vấn đề gây tranh cãi. Để rồi, cùng chung số phận với nhiều anh em đồng nghiệp, năm 1994, ông cũng bị cấm làm phim trong một cuộc càn quét nhằm vào đạo diễn Điền Tráng Tráng. Ngay cả khi trở lại làm phim sau sự chấp thuận của chính phủ, ông cũng phải chịu kiểm duyệt khắt khe, đáng chú ý như bộ phim Rất gần với thiên đường (1998), kể về hai công nhân nhập cư liên quan đến một vụ bắt cóc. Tác phẩm đáng chú ý của Vương Tiểu Soái gồm Rất gần với thiên đường (1998), Xe đạp Bắc Kinh (2001), Giấc mơ Thượng Hải (2005)

Xem thêm

11 phim điện ảnh hấp dẫn về đề tài bất tử

12 bộ phim chuyển thể (live-action) nổi tiếng nhất của Disney

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Huyết Vy

Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Nguồn: theculturetrip.com

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more