Tin thời trang – Tập đoàn LVMH “thống lĩnh” thị trường châu Âu

Đăng ngày:

Với con số tăng trưởng ấn tượng, tập đoàn LVMH chứng tỏ khả năng “bành trướng” sức ảnh hưởng tại thị trường châu Âu, bỏ xa hai đối thủ trong cùng phân khúc hàng hóa xa xỉ.

tập đoàn lvmh “thống lĩnh” thị trường châu âu

Tập đoàn LVMH được thành lập năm 1987 dưới sự sáp nhập của nhà mốt Louis Vuitton với Moët Hennessy, một công ty được thành lập sau vụ sáp nhập giữa nhà sản xuất rượu sâm banh Moët & Chandon và Hennessy, nhà sản xuất rượu cognac năm 1971. Sau đó, LVMH mua nhiều thương hiệu lớn trong các lĩnh vực hàng hóa xa xỉ như Louis Vuitton, Dior, Marc Jacobs, Givenchy, Loewe… Tập đoàn xây dựng thành công mạng lưới thương hiệu dày đặc và đa dạng, bao trùm hầu hết các các mặt hàng cao cấp như thời trang, rượu, nước hoa và mỹ phẩm, đồng hồ và trang sức cao cấp… 

Mới đây, trong một báo cáo mới nhất trên Business of Fashion, giá trị vốn hóa thị trường (tổng giá trị của số cổ phần) của LVMH đạt con số kỷ lục 200 tỷ Euro, một lần nữa khẳng định vị thế lớn mạnh của tập đoàn xa xỉ đến từ Pháp. Theo đó, trên sàn giao dịch chứng khoán Paris đầu tuần này, LVMH đã vượt qua Anheuser-Busch và Unilever để trở thành tập đoàn lớn thứ hai ở thị trường châu Âu, chỉ đứng sau Công ty ga và dầu khí Royal Dutch Shell.

rihanna gia nhập tập đoàn lvmh

Thương hiệu Fenty của Rihanna là thành viên mới nhất của “gia đình” LVMH bên cạnh các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Givenchy, Marc Jacobs… (Ảnh: Reuters)

200 tỷ Euro là cột mốc phát triển đáng kinh ngạc của LVMH trong năm nay khi cổ phiếu của tập đoàn tăng hơn 50%. Với con số ấn tượng này, LVMH nghiễm nhiên dẫn đầu trong “cuộc đua” của các ông lớn thời trang. Trong đó, LVMH có giá trị cổ phiếu cao gấp 3 lần so với tập đoàn Kering (65,7 tỷ euro) và cao gấp 5 lần so với tập đoàn Richemont (40,8 tỷ euro). Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bernard Arnault cũng được Forbes bình chọn là tỷ phú giàu thứ hai thế giới, với tổng giá trị tài sản ước chừng 103 tỷ đô la Mỹ.

Lý giải cho tốc độ tăng trưởng “thần tốc” này, Edouard Aubin, chuyên gia phân tích của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley nhận định: “Nhu cầu mua sắm các sản phẩm từ thương hiệu chủ lực của LVMH luôn cao, điều này cho phép tập đoàn phát triển một cách bền vững và sinh lãi”.

Quỹ thời trang cfda/vogue công bố danh sách chung cuộc

CFDA/Vogie Fashion Fund (CVFF) là quỹ thời trang được thành lập năm 2003 với mục đích giúp đỡ các NTK mới nổi và nuôi dưỡng thế hệ tài năng trẻ của thời trang Mỹ. Sự kiện hằng năm thu hút sự tham gia của nhiều NTK tài năng cùng sự góp mặt của nhiều ngôi sao thời trang nổi tiếng. Diễn ra vào tối qua, CVFF 2019 có sự tham gia của Bella Hadid, Gigi Hadid, Taylor Hill, Candice Swanepoel…

gigi hadid dự sự kiện cvff

Gigi Hadid (Ảnh: Getty Images)

bella hadid dự sự kiện cvff

Bella Hadid (Ảnh: Getty Images)

taylor hill dự sự kiện cvff

Taylor Hill (Ảnh: Getty Images)

Danh sách thắng cuộc cuối cùng của CVFF 2019 cũng được công bố. Vượt qua nhiều thí sinh, Christopher John Rogers giành giải thưởng lớn nhất năm nay. Rogers sẽ nhận được 400.000 đô la Mỹ và một năm cố vấn từ một thành viên trong Hiệp hội các NTK thời trang Mỹ CFDA. NTK 25 tuổi nổi tiếng với những bộ trang phục dạ hội màu sắc. Danh sách khách hàng của Rogers bao gồm những tên tuổi nổi bật như Michelle Obama, Lizzo và Tracee Ellis Ross.

Giải thưởng 150.000 đô la Mỹ và một năm cố vấn được trao cho NTK Danielle Hirsh, Reese Cooper. Trong đó, Hirsh là NTK áo cưới đầu tiên lọt vào vòng chung kết của CVFF.

prada ký khoản vay liên kết bền vững

Prada vừa tuyên bố ký một khoản vay thời hạn 5 năm trị giá 50 triệu euro với Tập đoàn Crédit Agricole. Thỏa thuận này cho phép lãi suất vay mỗi năm sẽ được điều chỉnh nếu thương hiệu đảm bảo mục tiêu bền vững nhất định như các cửa hàng đạt chứng nhận LEED Vàng hoặc Bạch kim, nhân viên đáp ứng số giờ đào tạo và sử dụng chất liệu bền vững trong sản xuất.

Theo dữ liệu Tài chính Môi trường, thị trường cho vay liên kết bền vững đã tăng từ 5 tỷ đô la Mỹ (2017) lên 40 tỷ đô la Mỹ (2018). Hình thức vay này đặc biệt phổ biến trong các ngành hóa chất, nay đã được áp dụng trong ngành công nghiệp thời trang, hứa hẹn những bước biến chuyển mới mẻ. Giám đốc tài chính của Prada, Alessandra Cozzani cho biết, giao dịch này cho thấy phát triển bền vững là yếu tố cốt lõi được tích hợp trong chiến lực của thương hiệu.

BST túi xách Re-Nylon của Prada

BST túi xách Re-Nylon của Prada. (Ảnh: Prada)

Khoản vay này là động thái mới nhất của Prada khi trước đó, vào tháng 5, thương hiệu tuyên bố ngừng sử dụng lông thú trong các BST, tiếp bước Chanel, Burberry và Gucci. Một tháng sau, thương hiệu cho ra mắt Re-Nylon, BST 6 túi xách được làm từ sợi tái sinh EEyl – được tạo ra bằng chất thải nhựa tái chế từ đại dương, lưới đánh cá và chất thải sợi dệt. Công ty cũng cam kết chuyển đổi tất cả nylon nguyên chất thành Re-Nylon vào cuối năm 2021.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Business of Fashion

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more