Đâu là nguyên nhân khiến rốn của bạn xuất hiện mùi hôi?

Đăng ngày:

Rốn vốn có cấu tạo đặc biệt nên dễ trở thành nơi cư trú của nhiều loại vi khuẩn, nấm và bụi bẩn dẫn đến tình trạng xuất hiện mùi hôi.

Rốn nằm ở vị trí bí khí là nơi tích tụ nhiều tế bào chết và thậm chí chứa hơn 60 loại vi khuẩn. Todd Minars – chuyên gia y khoa kiêm phó giáo sư khoa da liễu tại Đại học Y Miami – cho biết rằng sự tích tụ của mồ hôi lẫn bụi bẩn thường gây nên mùi hôi ở rốn. Do đó, bạn chỉ cần làm sạch rốn định kỳ để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, nếu việc làm sạch vẫn không đem lại hiệu quả hoặc thậm chí xuất hiện các triệu chứng khác như đỏ, rát, sưng hoặc chảy dịch, bạn nên đi thăm khám để kịp thời điều trị. 

Cùng ELLE tìm hiểu những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc xuất hiện mùi hôi ở rốn nhé!

Nguyên nhân khiến rốn xuất hiện mùi hôi

1. Vệ sinh không sạch sẽ 

Vệ sinh không sạch sẽ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng rốn bị hôi. Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, vị trí cần được vệ sinh đúng cách, thường xuyên để luôn được sạch sẽ và khỏe mạnh.

Rốn là vị trí dễ bị nhiễm khuẩn.

Vệ sinh không đúng cách là một trong những nguyên gây rốn xuất hiện mùi hôi. Ảnh: Pexels.

Phần lớn bộ phận này đều có cấu tạo thụt vào phía trong và có hình dạng như một cái túi chứa nhiều bụi bẩn, mồ hôi, tế bào chết… Rốn càng sâu nguy cơ chứa nhiều vi trùng và bụi bẩn càng lớn. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cũng cho thấy rằng, vị trí này có thể là nơi cư trú của gần 70 loại vi khuẩn, vi nấm khác nhau. Vì vậy, nếu không được vệ sinh sạch sẽ và đúng cách, đây sẽ trở thành nơi phát triển của các loại vi sinh vật gây bệnh. Sự kết hợp của vi khuẩn, bụi bẩn, da chết, mồ hôi,… là nguyên nhân gây nên các mùi hôi khó chịu.

2. Nhiễm nấm Candida

Theo các nghiên cứu khoa học, nấm Candida là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hôi rốn. Candida là loại nấm men phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, tối và ấm như nách, háng,… Trong đó, rốn cũng là nơi cư trú và phát triển của nấm Candida, đặc biệt là khi cơ quan này không được vệ sinh thường xuyên. Triệu chứng của nhiễm nấm Candida là xuất hiện vảy, mụn gây ngứa, đau rát… Những người mắc bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ nhiễm nấm Candida cao hơn bình thường do mức đường huyết cao làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

3. Nhiễm trùng rốn

Các nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng như phẫu thuật điều trị thoát vị rốn, xỏ khuyên,…. gây mùi hôi, khó chịu. Dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng là xuất hiện mủ kèm mùi khó chịu rò rỉ ra bên ngoài, đau, sưng và cảm giác nóng, mềm khi chạm vào. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng rốn, bạn cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.

Bạn nên vệ sinh sạch sẽ khi xỏ khuyên.

Bạn vệ sinh kỹ vùng rốn khi xỏ khuyên để tránh nhiễm trùng. Ảnh: Instagram @popypiercingsontheroad.

4. U nang lông, u nang biểu bì

U nang lông là bệnh lý được đặc trưng bởi sự phát triển của một khối u nang lớn bất thường trong da tại vị trí dưới chân lông. Bên cạnh đó, u nang biểu bì là bệnh lý được đặc trưng bởi khối u lớn nằm ở lớp trên cùng của da. Cả hai dạng u nang lông và u nang biểu bì đều chứa chất dịch bên trong, khi phát triển lớn hơn, chúng sẽ vỡ ra khiến chất dịch màu vàng, đặc và có mùi hôi chảy ra. Vùng da quanh rốn có thể mắc các dạng u này dẫn đến tình trạng rốn bị hôi, nhiễm trùng.

Cách xử lý khi rốn xuất hiện mùi hôi

Trường hợp rốn có mùi hôi liên quan đến vấn đề vệ sinh chưa sạch sẽ và đảm bảo, điều bạn cần thực hiện là thay đổi thói quen vệ sinh hàng ngày. Trong trường hợp rốn có mùi hôi kèm dịch, thậm chí là máu… kết hợp với những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng như sốt, đau bụng, đau khi đi tiểu, đỏ và sưng,… bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Những lưu ý khi rốn bị nhiễm trùng:

  • Luôn giữ rốn khô ráo và sạch sẽ.
  • Bụi bẩn, mồ hôi có thể bị tích tụ và bám trên da. Vì vậy, cần hạn chế mang quần áo chật, ẩm ướt,…
  • Hạn chế lượng đường trong chế độ ăn uống hàng ngày, bởi mức đường huyết trong máu tăng cao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Trường hợp nhiễm trùng rốn do xỏ khuyên, cần tháo bỏ món đồ trang sức. Dùng bông gòn và cồn, oxy già hoặc nước ấm pha trong xà phòng kháng khuẩn để rửa vị trí nhiễm trùng. Cố gắng giữ bộ phận này luôn khô ráo, sạch sẽ và tránh mang quần áo chật vì dễ gây kích ứng vùng da bị nhiễm trùng.
Vệ sinh rốn đúng cách.

Ảnh: Pexels.

Thế nào là làm sạch rốn đúng cách?

Vệ sinh rốn đúng cách và thường xuyên sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Dưới đây là một số lưu ý khi vệ sinh rốn trong từng trường hợp.

1. Vệ sinh rốn hàng ngày

Dùng một ít xà phòng kháng khuẩn cho vào khăn tắm, lau nhẹ nhàng lên vùng rốn, sau đó rửa sạch lại với nước và lau khô. Bạn cũng cần lưu ý không bôi quá nhiều kem dưỡng da, kem chống nắng lên vị trí này, vì sẽ làm tăng nguy cơ sinh sôi và phát triển vi sinh vật gây bệnh.

2. Vệ sinh cho người xỏ khuyên

Trường hợp xỏ khuyên tại rốn, bạn cần giữ khô ráo vị trí này và vệ sinh cẩn thận, sạch sẽ bằng cách làm ướt bằng hỗn hợp nước và xà phòng sát khuẩn, rửa nhẹ nhàng quanh vùng lỗ xỏ khuyên. Bạn cũng nên tháo và vệ sinh khuyên bằng cách ngâm trong dung dịch sát khuẩn, rửa sạch để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.

3. Vệ sinh khi bị nhiễm trùng

Trường hợp bị nhiễm trùng, chảy dịch, sưng, đỏ, đau… cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể vệ sinh vùng này theo các bước sau đây:

  • Rửa sạch và sát khuẩn tay trước khi thực hiện các bước vệ sinh.
  • Dùng tăm bông hoặc bông gòn nhúng trong dung dịch sát khuẩn như oxy già, cồn hoặc thuốc tím… nhẹ nhàng lau sạch, vệ sinh rốn.
Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Linh

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more