Nghệ thuật của việc nói lời xin lỗi

Đăng ngày:

Có 4 câu nói quan trọng trong cuộc sống mà ai cũng phải biết, đó là: xin chào, tạm biệt, cảm ơn và xin lỗi. Những câu nói này góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn.

Bạn có phải là người thường mắc sai lầm? Bạn hay nói lời xin lỗi trước những sai sót của bản thân hay chỉ im lặng cho qua? Nếu như xin chào, tạm biệt và cảm ơn là lời nói biểu lộ sự hạnh phúc, vui vẻ hay trân trọng, được mọi người nói một cách thoải mái thì ngược lại, lời xin lỗi luôn là lời khó nói nhất. Chẳng ai dễ dàng nhận lỗi về bản thân mình cũng như không thể thoải mái nói ra lời xin lỗi khi đứng trước mặt người khác.

elle việt nam lời xin lỗi 5

Ảnh: Unsplash.com

Vậy, làm thế nào để nói ra lời xin lỗi mà không khiến chính bản thân hay đối phương phải ngại ngùng? Xin lỗi như thế nào để mối quan hệ của bạn vẫn được bền chặt là điều không phải ai cũng có thể làm được. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được thế nào là nghệ thuật của lời xin lỗi, giúp bạn tìm ra biện pháp cho cách sửa chữa những lỗi lầm của bản thân, để bạn trưởng thành hơn cũng như biết trân quý những mối quan hệ bên cạnh hơn.

Không nhắn tin

Ngày nay, nhiều người chọn biện pháp sử dụng tin nhắn để xin lỗi thay vì đối diện trực tiếp. Mặc dù hành động này vẫn được chấp nhận nhưng bạn vẫn nên hạn chế sử dụng tin nhắn để nói lời xin lỗi. Thay vào đó, hãy trực tiếp gặp mặt đối phương để thể hiện lòng thành của mình.

elle việt nam lời xin lỗi 3

Ảnh: Unsplash.com

Hoặc, nếu không còn cách nào khác, bạn vẫn có thể sử dụng tin nhắn điện thoại để gửi lời xin lỗi. Đồng thời, văn bản của bạn không được dài hơn câu nói “Tôi thực sự xin lỗi vì…”. Việc bạn đưa ra những lời biện minh khiến đối phương nghĩ rằng bạn không thực sự có ý định xin lỗi. Hãy cân nhắc về hành động của bạn, nó có thể giúp mối quan hệ được hàn gắn nhưng cũng có thể khiến bạn thực sự mất đi mối quan hệ này.

Gửi email

Email được xem như phiên bản hiện đại của những bức thư tay, tạo cho bạn một không gian thoải mái để chia sẻ về suy nghĩ cũng như cảm xúc của bản thân. Bạn có thể dành thời gian để suy nghĩ về những gì mình muốn nói. Không giống như một cuộc gọi điện thoại, bạn không đột nhiên đưa đối phương vào trạng thái bị ép buộc cũng như cố gắng thực hiện cuộc trò chuyện trong thời điểm cả hai đang rất bối rối hoặc tức giận. Nội dung trong email của bạn cần phải có lời xin lỗi đầu tiên. Hãy thừa nhận việc bạn đã làm tổn thương đối phương như thế nào và xin lỗi họ về điều đó.

elle việt nam lời xin lỗi 6

Ảnh: Unsplash.com

Tiếp theo, bạn nên chia sẻ suy nghĩ cũng như cảm xúc của bạn ở thời điểm đó, đồng thời thổ lộ sự hối lỗi của bản thân để đối phương biết được. Nên nhớ, bạn chỉ viết email xin lỗi khi bản thân thực sự muốn như vậy. Còn không, bạn chẳng cần làm gì hết. Vì nếu đã không nhận ra lỗi sai của chính mình, lời xin lỗi sẽ chẳng mang ý nghĩa gì cả.

Theo sát

Hành động này đòi hỏi bạn phải hơi “mặt dày” một chút. Người xưa có câu “nước chảy đá mòn”. Nếu thực sự ăn năn, bạn chỉ cần thể hiện lòng thành cũng như những thay đổi tích cực, người kia chắc chắn sẽ bỏ qua lỗi lầm và chấp nhận lời xin lỗi của bạn.

Hành động theo sát này có ý nghĩa giúp bạn quan sát thái độ cũng như biểu hiện của đối phương. Qua đó, bạn có thể dễ dàng biết được người kia đã sẵn sàng bỏ qua mọi thứ hay chưa.

elle việt nam lời xin lỗi 4

Ảnh: Unsplash.com

Nếu người kia không chấp nhận lời xin lỗi của bạn thì sao?

Hãy xem xét lại tất cả hành động để biết rằng bạn có gây ra sai lầm gì nữa hay không. Có thể đối phương chưa hiểu rõ được tâm ý của bạn hoặc họ cần thời gian suy nghĩ cũng như sắp xếp lại mọi thứ. Nên nhớ rằng điều bạn cần làm là giữ lại mối quan hệ này và tránh việc cả hai phải chịu tổn thương.

Nếu chắc rằng bản thân đã thực sự bày tỏ lời xin lỗi một cách chân thành thì hãy cho người kia thời gian. Điều đó cho thấy sự tôn trọng của bạn dành cho đối phương. Sau cùng, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, chỉ cần bạn thật tâm và chân thành, mọi chuyện rồi sẽ qua, mối quan hệ của bạn sẽ lại trở nên khăng khít như xưa.

elle việt nam lời xin lỗi 2

Ảnh: Unsplash.com

Thi thoảng, những cuộc xung đột khiến mối quan hệ của bạn trở nên bền chặt hơn, giúp bạn và cả người kia có cơ hội thấu hiểu cũng như cảm thông lẫn nhau. Thế nhưng, không phải xung đột nào cũng có thể được giải quyết bằng lời xin lỗi. Đó là lý do mà bạn nên biết trân quý những mối quan hệ hiện tại của mình, đừng để mất đi rồi mới cảm thấy hối tiếc.

Xem thêm

Giá trị của lời xin lỗi

Các nàng mong muốn các chàng xin lỗi bạn gái như thế nào?

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ánh Trâm

Theo: Tạp chí phái đẹp ELLE

Nguồn: Psychologytoday.com

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more