8 cử chỉ ngầm phơi bày sự thiếu tự tin của bạn

Đăng ngày:

Trong giao tiếp tồn tại một quy luật mang tên 7-38-55. Quy luật này giải thích rằng những gì bạn nói sẽ chiếm 7%, 38% là về ngữ điệu và 55% chính là ngôn ngữ cơ thể. Thông qua các con số này, có thể thấy ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện sự tự tin, giúp bạn nâng cao chất lượng và hiệu quả của cuộc đối thoại.

Đôi lúc, trong quá trình giao tiếp, chúng ta thường vô thức thể hiện những cử chỉ quen thuộc như khoanh tay, gật đầu liên tục hay gù lưng. Dù vậy, đây chính là biểu hiện bên ngoài của sự thiếu tự tin. Bên cạnh đó, có một số hành động khác bạn cần lưu ý khi giao tiếp cùng với những đối tác quan trọng để tránh gây mất điểm hay hiểu lầm không đáng có. Hãy cùng ELLE tìm hiểu những cử chỉ ngầm thể hiện sự thiếu tự tin mà bạn nên khắc phục nhé!  

1. Tránh tương tác bằng mắt

Đôi mắt luôn được ví như cửa sổ tâm hồn bởi vì thông qua đó, người khác có thể cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn và những cảm xúc ẩn giấu. Đôi khi, bạn không cần nói quá nhiều lời để thuyết phục người khác và chỉ cần dùng một ánh mắt kiên định, chân thành. Thế nhưng, một số người chưa biết cách tương tác bằng ánh mắt một cách khéo léo. Một lỗi thường gặp chính là bạn né tránh và ít nhìn vào mắt người đối diện. Vô hình trung, điều này thể hiện bạn là người kém tự tin, không chân thành hoặc tỏ vẻ trốn tránh. 

Khi tiếp xúc với mọi người, bạn nên mỉm cười thân thiện, tập trung quan sát gương mặt và ánh mắt đối phương tránh nhìn chằm chằm. Nếu bạn chưa hình dung được biểu cảm của mình trong mắt người khác, bạn có thể luyện tập và tự điều chỉnh trước gương. Việc này sẽ phần nào lan tỏa năng lượng tích cực đến người mà bạn đang trò chuyện cùng.

cô gái có cử chỉ thiếu tự tin

Ảnh: Unsplash/Raphael Nast

2. Ngồi gù lưng

Theo chuyên gia ngôn ngữ cơ thể người Mỹ Lilian Glass, tính cách con người được thể hiện phần nào qua tư thế ngồi và đi. Theo Lilian, sự tự tin sẽ giảm đi đáng kể nếu bạn thường xuyên ngồi gù lưng. Tư thế này khiến bạn trông thiếu tự tin, kém năng động, gây ấn tượng không tốt trong mắt người đối diện. 

Dù vậy, để cải thiện lỗi này, bạn chỉ cần chú ý giữ thẳng lưng, mở rộng cơ vai hoặc thực hiện một số bài tập nhỏ giúp khớp được giãn nở tốt hơn. Hãy nhớ rằng, chỉ với việc chú ý vài chi tiết trên cơ thể bản thân, bạn đã có thể trở nên cuốn hút hơn và không cần bỏ ra quá nhiều công sức, tiền bạc để sửa dáng.   

3. Nói lắp bắp, lí nhí

Thể hiện phong thái điềm tĩnh trong cách ăn nói rành mạch không phải là điều dễ dàng. Cách trình bày trước đám đông còn phù thuộc vào tính cách, môi trường sống và trưởng thành của từng cá nhân. Nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi để trở nên tốt hơn và không bị lệ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh của mình bằng cách thay đổi âm lượng giọng nói. 

Khi bạn nói lắp bắp, lí nhí, bạn đã tự mình chỉ ra những khuyết điểm bản thân cho người đối diện, dù rằng nội dung bạn đã chuẩn bị để giao tiếp có chất lượng tốt đến đâu. Đó là bởi thông thường, một người có xu hướng che giấu, không đáng tin cậy, tự ti… hay trốn tránh và ăn nói không rõ ràng. Do vậy, bạn có thể cải thiện bằng cách tự luyện tập nói to, nhanh và dứt khoát hơn sao cho vừa đủ “âm lượng” khi giao tiếp. Đừng lo ngại việc lời nói của mình bị đánh giá, vì mỗi người đều có quyền bình đẳng trong việc được bày tỏ và được lắng nghe, bạn nhé!


Xem thêm 

9 Dấu hiệu cho thấy bạn không hề thiếu sự tự tin

5 Dấu hiệu cho thấy bạn là người có tần số năng lượng cao 

6 Mục tiêu cần có để xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong năm 2024


4. Khoanh tay mọi lúc

Đã bao giờ bạn vô thức khoanh tay lại khi đang trò chuyện cùng người khác? Thói quen tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” này lại phần nào thể hiện bạn là người tự ti, sống khép kín và có phần tạo khoảng cách với mọi người. Ngay cả trường hợp bạn không cố ý, thói quen này như gửi đi thông điệp bạn không sẵn sàng tương tác hoặc cảm thấy không thoải mái. Tư thế khoanh tay thường gợi cho người đối diện cảm giác bạn đang phòng vệ và không cởi mở đón nhận ý kiến. Bạn có thể thay đổi thói quen này bằng cách giữ tư thế luôn thẳng đứng, sử dụng cử chỉ tay một cách linh hoạt, cần thiết khi đang thuyết trình hoặc trong một cuộc hội thoại.

5. Ít nở nụ cười

Càng trưởng thành, bạn sẽ hiểu rõ giá trị của nụ cười trong đời sống hằng ngày. Ngoài những lợi ích về sức khỏe như giúp bạn duy trì tinh thần lạc quan, ổn định, không thể phủ nhận rằng khi “cho đi” nụ cười, chúng ta sẽ “nhận lại” được rất nhiều điều tích cực. Cách chúng ta bộc lộ cảm xúc cũng là cách chúng ta thể hiện cá tính của bản thân với người đối diện. Bạn không thể để lại ấn tượng tốt với mọi người nếu gương mặt luôn toát lên vẻ vô hồn, không cảm xúc. Thái độ niềm nở, tích cực luôn để lại ấn tượng sâu sắc từ những cuộc gặp đầu tiên, cũng là khởi đầu cho những mối quan hệ hứa hẹn. Vì vậy, đừng quên mỉm cười thật tươi và lan tỏa nguồn năng lượng tuyệt vời này mỗi ngày, bạn nhé!

cô gái tự tin cười tươi

Ảnh: Unsplash/Sule Makaroglu

6. Bẻ khớp ngón tay

Mỗi khi rơi vào trạng thái căng thẳng, một số người thường vô thức bẻ khớp ngón tay để cảm thấy thoải mái hơn, giải phóng bản thân khỏi sự bí bách, ngột ngạt. Thế nhưng, việc bẻ khớp tay này sẽ nhanh chóng trở thành thói quen khó bỏ và vô hình trung gây tổn thương dây chằng tay và hệ thống khớp. Do vậy, bạn có thể xua tan tâm trạng bồn chồn, lo âu bằng cách khởi động tay chân nhẹ nhàng, đi dạo một chút để thay đổi thói quen này, tránh làm tổn hại đến khớp tay của bản thân.  

cô gái tự tin tóc đỏ

Ảnh: Pexels/ліна рейтріл

7. Đổ mồ hôi liên tục

Đổ mồ hôi là một phản ứng sinh lý tự nhiên giúp điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, việc đổ mồ hôi quá nhiều là biểu hiện khi bạn thiếu tự tin hay cảm thấy không thoải mái. Về lâu dài, cử chỉ này sẽ là vật cản khiến bạn thu mình hơn và ngại tiếp xúc với mọi người. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể cân nhắc sử dụng lăn khử mùi, các dòng sản phẩm chống chất tiết mồ hôi, hoặc thực hiện các bài tập thở nhẹ nhàng để giảm căng thẳng, lo âu.

8. Đứng ngồi không yên

Bạn sẽ khó lòng ngồi im một chỗ hay tỏ ra bình tĩnh khi rơi vào tình huống căng thẳng. Một biểu hiện khác của việc thiếu tự tin là rung chân, dậm chân liên tục, cử chỉ thay đổi liên hồi khi lo âu, căng thẳng. Theo các chuyên gia tâm lý học, cử chỉ này có thể ảnh hưởng đến cách mà người khác nhìn nhận về bạn. Trong môi trường công sở, việc không kiểm soát được hành động, cử chỉ có thể vô tình tạo ra ấn tượng xấu và làm giảm sự tự tin của bạn. Thế nhưng, thói quen này có thể khắc phục dễ dàng nếu bạn biết cách kiểm soát hành vi và thực hiện việc thở đều khi cảm thấy căng thẳng.

cô gái đứng ngồi không yên có cử chỉ thiếu tự tin

Ảnh: Unsplash/Adithya Reza

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thư 

Tham khảo: Hackspirit

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more