Phạm Hoài Nam: “Không cần phải cố”

Đăng ngày:

Khoác vào cái danh nghệ sĩ là mặc cho mình một cái áo mà người đời muốn nhìn thấy ta như thế. Miệng đời thì vô thiên làm sao mà chiều hết, làm sao mà vừa lòng hết được.

Chân dung Phạm Hoài Nam

Chân dung Phạm Hoài Nam

1. Có người hỏi tôi có buồn không khi con gái tôi không có chút máu văn nghệ nào như bố nó. Tôi  bảo lấy thế làm vui, vì cuộc đời bình dị của một người bình thường cũng đã đủ sóng gió rồi, thêm  cái danh chỉ để người ta chú ý, rồi gièm pha, thêu dệt những điều chả phải của mình, rồi thêm luỵ phiền, hay ho gì. Thế nên không có chút máu văn nghệ nào trong người đâm ra lại hay, sẽ không bị cái hào quang nghệ thuật kia cuốn hút, cuộc đời sẽ yên bình, sống theo kiểu của mình, theo cách mình thích mà chẳng phải nhìn quanh làm gì cho mệt. Nói cho cùng, một khi có tài, người ta vẫn có thể trở thành sao và được ngưỡng mộ trong lĩnh vực mình giỏi, chứ đâu cứ phảiđâm đầu vào văn nghệ thôi đâu. Giới “săn đầu người” cao cấp hình như chả thèm quan tâm gì đến giới nghệ sĩ. Con gái tôi không phải gồng gánh thêm chút máu văn nghệ như bố nó làm gì, mệt lắm!

2. Lâu rồi tôi không về thăm mẹ, cuộc đời trôi theo vòng xoay, lịch trình được lập sẵn mà mẹ tôi dường như không nằm trong thời khóa biểu đó. Không có khoảng trống nào cho công việc lẽ ra ta phải làm hằng ngày: thể hiện tình yêu thương của mình. Ta cứ đi, cứ lướt qua, để sang bên những yêu thương sâu nặng đó mà tự nhủ rằng thời gian còn dài, xong việc này đã rồi sẽ về… Ngày  tháng cứ qua mà cái hẹn lần lữa ấy mãi chẳng có lúc nào để thực hiện.

Không phải vì tôi không  yêu gia đình, vì không nhớ mẹ, mà bởi con người ta mỗi ngày sống đều đặt mục tiêu phấn đấu sao cho ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, điều kiện sống dễ dàng hơn, năng lực mọi mặt vững chắc hơn, chứng tỏ mình vững chãi trước cuộc đời. Và vì những mục tiêu cao cả ấy, tôi phải gồng mình lên, hy sinh một chút riêng tư cho những tương lai xa hơn. Bởi không cố, chả bao giờ được, mà càng cố ta càng đi xa cái gốc rễ ban đầu. Tôi tự hỏi mình sẽ thành gì sau những cố gắng ấy một khi gia đình không còn ở bên?

3. Tôi có một anh bạn, nhìn từ ngoài vào người ta không thể không thèm thuồng những gì anh đang có: công việc tốt, thu nhập cao, nhà vừa mua vẫn còn đang trả góp nhưng là thứ mà nhiều người mơ cũng không thấy. Ai cũng bảo anh ổn nhưng riêng anh thì bảo không, bởi anh luôn cảm thấy bấp bênh, không biết ngày mai sẽ ra sao. Chuyện gì xảy ra với anh ấy vậy? Một bi kịch thời
hiện đại với cách giải quyết chả hiện đại tí nào: Anh ấy yêu… đàn ông và không dám nói cho gia đình biết.

Trong mắt mẹ anh ấy, bạn tôi luôn là người đàn ông hoàn hảo và bà luôn miệng bảo rằng cô gái nào có phước lắm mới lấy được anh. Bà “treo giá”, còn anh thì chả có cách nào nói với mẹ
về tình trạng của mình. Lâu lâu vẫn cứ phải nhờ một cô bạn nào đấy giả vờ đi chơi chung cho bà thấy, bà lại ra điều dò xét nên chả có cô nào dám giúp anh đến lần thứ hai, mà anh thì không muốn thấy mẹ mình buồn.

Bạn tôi không tìm được cách giải quyết bế tắc của mình, anh sợ mẹ anh không qua được một khi anh nói ra sự thật. Bà có bệnh tim.

4Con gái tôi học đàn, cách so dây đã được chỉ cho nhiều lần mà bản nhạc vẫn cứ lạt nhách vì dây đàn sai suốt. Tôi cười bảo không cần cố, không phải cứ thấy người ta đánh đàn mình cũng đánh là hay, cứ làm điều mình thích không cần bắt chước ai.

Lần vừa rồi về thăm, mẹ tôi bảo tôi không phải về nhiều làm gì, về chơi mà đầu óc cứ để chỗ khác không hay, lúc nào nhớ cứ gọi điện cho bà là được, tôi nghĩ giải pháp ấy của mẹ tôi khá ổn.

Anh bạn tôi lúc đi chơi cùng bạn trai bị mẹ nhìn thấy, bà làm cơm bảo anh mời người ấy về nhà cho bà gặp. Anh tá hỏa nhưng vẫn phải nghe lời. Tưởng đâu gặp trận lôi đình, ai dè bữa cơm thành vui.

Tôi có cần lời kết cho câu chuyện này không nhỉ? Chắc thôi, ai nghĩ gì thì nghĩ.

Phạm Hoài Nam

Nhóm thực hiện

Bài: Phạm Hoài Nam

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more