Những bộ phim làm nên tên tuổi của nữ diễn viên Củng Lợi

Đăng ngày:

Nổi tiếng từ thập niên 80, Củng Lợi sớm gây ấn tượng với công chúng nhờ tài năng nổi bật và khí chất minh tinh sắc sảo, kiêu kỳ. Gần 40 năm gắn bó với diễn xuất, Củng Lợi đã có một gia tài điện ảnh rực rỡ, vang danh quốc tế.

Sinh ra trong một gia đình tri thức vào năm 1966, Củng Lợi có tài năng thiên bẩm về nghệ thuật. Cô yêu thích các môn học về âm nhạc, khiêu vũ, sau đó trở trở thành một phần của Học viện Hý kịch Trung Ương tại Bắc Kinh. Sau đó, Củng Lợi bén duyên cùng đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong dự án Cao lương đỏ, từ đây, cô chính thức bắt đầu con đường nghệ thuật. Đến nay, hình ảnh của nữ diễn viên gắn liền với những lần rạng danh tại những liên hoan phim thế giới như LHP Cannes, LHP Quốc tế Montreal hay LHP Châu Á… Mới đây, sự xuất hiện đặc biệt của Củng Lợi tại LHP Cannes lần thứ 76 lại một lần nữa khẳng định địa vị điện ảnh của nữ diễn viên.

Củng Lợi tại LHP Cannes lần thứ 76

Củng Lợi trở thành khách quý tại LHP Cannes lần thứ 76 (Ảnh: Twitter)

1. Cao lương đỏ (1987)

Lần đầu tiên xuất đạo cùng tác phẩm Cao lương đỏ cùng đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi đã thành công vang dội với khí chất nàng thơ Á Đông đặc biệt. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn, trong phim, nữ diễn viên vào vai Cửu Nhi – một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, mang trong mình khát khao tình yêu vô tận. Mỗi khoảnh khắc hạnh phúc, dâng trào của Cửu Nhi đều gắn với hình ảnh cao lương. Cao lương đỏ ghi dấu ấn của điện ảnh Trung Hoa với giới phê bình phim ảnh trong và ngoài nước.

Cao Lương Đỏ là bộ phim đầu tiên của Củng Lợi

Cao Lương Đỏ (1987) là lần kết hợp đầu tiên của Củng Lợi và đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Ảnh: Alamy)

2. Đèn lồng đỏ treo cao (1991)

Củng Lợi là nàng thơ xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Trương Nghệ Mưu, đặc biệt là Đèn lồng đỏ treo cao năm 1991. Bộ phim được biết đến là một trong những sự kết hợp thành công nhất của bộ đôi này. Đèn lồng đỏ treo cao lấy bối cảnh xã hội năm 1920, bên trong tòa biệt viện của một lão gia giàu có. Bộ phim khai thác chủ đề tình dục, quyền lực, sự tranh giành, đố kỵ giữa những bà vợ, thê thiếp trong cùng một gia đình. Đèn lồng đỏ treo cao phủ lên màu sắc đỏ ấm áp, rực rỡ nhưng cũng tàn khốc, lạnh lẽo đã trở thành biểu tượng cho điện ảnh nghệ thuật Trung Quốc. Với vai diễn Tùng Liên trong Đèn lồng đỏ treo cao, Củng Lợi giành Giải Bách hoa cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Củng Lợi trong Đèn Lồng Đỏ Treo Cao

Ảnh: IMDb

3. Cúc Đậu (1990)

Cúc Đậu kể về cuộc đời của Cúc Đậu – một cô gái nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc. Cúc Đậu bị ép gả cho một chủ xưởng nhuộm độc ác, thèm khát con cái Dương Kim San. Tiếp tục là một bộ phim nói lên nhiều góc khuất xã hội, tàn dư của tư tưởng phong kiến Trung Quốc, Cúc Đậu là tiếng nói cho ước vọng được tự do yêu thương của con người. Tác phẩm là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được đề cử Oscar cho hạng mục Phim ngoại ngữ hay nhất, và cũng như đưa tên tuổi Củng Lợi thành tâm điểm của làng điện ảnh quốc tế.

Củng Lợi đóng chính trong Cúc Đậu

Ảnh: IMDb

4. Thu Cúc đi kiện (1992)

Năm 1992, điện ảnh Trung Quốc chứng kiến sự biến hóa khác lạ của Củng Lợi cho vai diễn Thu Cúc trong tác phẩm Thu Cúc đi kiện. Hình ảnh người phụ nữ thôn quê không tiền, không quyền, vượt một chặng đường chông gai để đòi lại công lý cho người chồng bị trưởng thôn đánh đã trở thành biểu tượng gây xúc động mạnh cho giới phê bình thế giới. Nhờ đó, Củng Lợi đạt Cúp Volpi cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venezia và trở thành chủ nhân của tượng vàng Kim Kê cho hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất

Củng Lợi trong Thu Cúc Đi Kiện

Ảnh: IMDb

5. Phải sống (1994)

Dựa trên tiểu thuyết To live, Phải sống kể về những biến động lịch sử thời kỳ Nội chiến Trung Quốc. Mạnh tay khai thác đề tài chính trị, Phải sống là bộ phim được tôn vinh tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Phim lấy bối cảnh năm 1940, Từ Phú Quý (Cát Ưu thủ vai) là một công tử giàu có, vì thói nghiện cờ bạc nên rơi vào cảnh trắng tay, phải lang bạt khắp nơi. Củng Lợi vào vai Gia Trân, vợ Từ Phú Quý, sau khi chồng sa cơ lỡ vận thì cô dắt con gái bỏ đi. Bộ phim tái hiện cuộc đời của các nhân vật bị cuốn theo những biến động chính trị quan trọng của Trung Quốc, trong đó cũng ẩn chứa sự ấm áp về gia đình, lẽ sống và công bằng trong xã hội.

Củng Lợi trong Phải Sống (1994)

Ảnh: IMDb

6. Hội Tam Hoàng Thượng Hải (1995)

Lấy đề tài hắc bạch lưỡng đạo là tâm điểm chính trị một thời, Hội Tam Hoàng Thượng Hải bóc tách những tầng lớp ngầm, ẩn dật trong xã hội Trung Quốc. Bộ phim tái hiện một Thượng Hải xa hoa, lộng lẫy nhưng cũng nguy hiểm, tràn ngập những âm mưu khói đạn. Củng Lợi trong vai Tiêu Kim Bảo, người tình của ông trùm ma túy, người cầm đầu thế lực tội phạm ma túy vào những năm 1930 tại Thượng Hải. Lấy đề tài xã hội Thượng Hải, Hội Tam Hoàng Thượng Hải là bộ phim kinh điển của dòng phim điện ảnh, xã hội, hành động Trung Quốc.

Củng Lợi tham gia Hội Tam hoàng Thượng Hải 1995

Ảnh: TV Guide

7. Bá Vương Biệt Cơ (1993)

Bá Vương biệt Cơ là tác phẩm điện ảnh hàn lâm, xuất sắc của đạo diễn tài hoa Trần Khải Ca. Tác phẩm lấy bối cảnh trải dài suốt 50 năm, từ những năm đầu thời kỳ Dân Quốc đến thời điểm kết thúc Cách mạng Văn hóa là cuộc đời nghệ thuật của kép hát Trình Điệp Y. Phim lấy cảm hứng từ vở Kinh kịch lâu đời Bá Vương biệt Cơ có diễn cảnh là Tây Sơ Bá Vương Hạng Vũ vĩnh biệt phu nhân là nàng Ngu Cơ thời Hán Sở tranh hùng. Tác phẩm khai thác chủ đề nghệ thuật, cách mạng, tình yêu và cuộc đời của những nghệ sĩ sinh ra ở thời kỳ chuyển giao, với sự tham gia của cố nghệ sĩ Trương Quốc Vinh, Trương Phong Nghị, Củng Lợi. Nữ diễn viên vào vai Diệu Linh – một cô gái lầu xanh thông minh, sắc sảo, trở thành một phần trong mối quan hệ nhập nhằng yêu thương, ghen tuông và đau khổ của Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu. Tác phẩm Bá Vương biệt Cơ được công nhận tại hơn 10 giải thưởng điện ảnh hàn lâm khác nhau trên thế giới, trong đó có giải Cành cọ vàngGiải thưởng FIPRESCI cho phim xuất sắc nhất tại LHP Cannes 1993, giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Củng Lợi tại Hội Phê bình Phim New York và Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Trương Quốc Vinh tại Hội Phê bình Nhật Bản 1993.

Củng Lợi tham gia Bá Vương Biệt Cơ

Ảnh: IMDb


Xem thêm

• Điểm qua những bộ phim cổ trang Hoa Ngữ ra mắt vào tháng 3/2023

• Top 10 phim tiên hiệp Trung Quốc hay nhất mọi thời đại

• Hình tượng những người phụ nữ điển hình trong phim “Mộng Hoa Lục”


8. Breaking the Silence – Người mẹ đẹp (2000)

Khi đã chạm ngưỡng 40 tuổi, Củng Lợi được vinh danh tại Giải Kim Kê, LHP Quốc tế Montreal, giải Bách Hoa ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cùng bộ phim Breaking the Silence – Người mẹ đẹp. Củng Lợi vào vai Tôn Lệ Dĩnh – một người mẹ đơn thân, tần tảo để nuôi đứa con bị khiếm thính của mình. Bộ phim mang màu sắc ấm áp, giản dị về tình thương gia đình và tình mẫu tử thiêng liêng.

Củng Lợi trong Người Mẹ Đẹp

Ảnh: IMDb

9. 2046 (2004)

Năm 2004, Củng Lợi trở thành nàng thơ của đạo diễn tài hoa Vương Gia Vệ. Bộ phim tiếp nối Tâm trạng khi yêu – bộ phim được xem như phần 1 của 2046. Chu Mộ Vân (Lương Triều Vỹ) chấp nhận đánh đổi để bước lên chuyến tàu tương lai. Năm 1966, Chu Mộ Vân từ Singapore trở về Hong Kong, viết bài cho một tờ báo để kiếm sống. Củng Lợi thủ vai Tô Lệ Trân, người trùng tên với người yêu của Chu Mộ Vân trong Tâm trạng khi yêu. Tựa phim 2046 là số phòng trọ của Chu Mộ Vân, nơi đã chứng kiến những câu chuyện tình cảm bi thương của khách trọ nơi đây. Tô Lệ Trân và Chu Mộ Vân vướng phải mối quan hệ tình cảm không tên, với sự đào hoa, phong lưu của mình, cuối cùng Tô Lệ Trân vẫn vương vấn quá khứ, quyết định không đến với anh. 2046 là tác phẩm thành công nhất tại giải thưởng Điện ảnh Hong Kong năm 2005, nhận được đề cử tại LHP Cannes cùng nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế khác.

Củng Lợi hợp tác cùng Trần Khải Ca trong 2046

Ảnh: IMDb

10. Hồi ức của một Geisha (2005)

Hồi ức của một Geisha đánh dấu sự nghiệp điện ảnh tại Hollywood của Củng Lợi. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Arthur Golden, kể về Sayuri Nitta, một cô gái nghèo bị bán vào okiya (nhà kỹ nữ) ở Kyoto. Tại đây, Sayuri gặp Hatsumomo (Củng Lợi), một geisha luôn hiếp đáp cô. Sayuri đổi tên thành Chiyo (Chương Tử Di thủ vai), trở thành một geisha nổi tiếng tại Miyaki. Hatsumomo âm mưu hãm hại Chiyo và bị đuổi khỏi okiya. Bên cạnh Củng Lợi, tác phẩm còn có sự góp mặt của Chương Tử Di, Dương Tử Quỳnh, Ken Watanabe.

Củng Lợi trong Hồi Ức của Một Geisha cùng Chương Tử Di, Dương Tử Quỳnh

Ảnh: Movie Guide

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Kiều Trang

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more