Liệu nghệ sĩ có phải đảm nhận trách nhiệm “giáo dục” trong sáng tạo nghệ thuật?

Đăng ngày:

Thành phẩm sáng tạo bước ra từ những sáng tạo nghệ thuật là đứa con riêng của người nghệ sĩ, thế nhưng, chỉ trong giai đoạn phôi thai. Một khi tác phẩm bước ra đời sống, nó đã trở thành “tài sản” của xã hội và không còn thuộc về riêng người nghệ sĩ nữa. Từ đây, một câu hỏi then chốt được đặt ra trong bối cảnh của phê bình hậu-hiện đại cùng sự lớn mạnh của các trao đổi xã hội: liệu các nghệ sĩ có phải chịu trách nhiệm “giáo dục” cho các sản phẩm của mình?

HƯỚNG TIẾP CẬN KHUÔN PHÉP

Gần đây, ca khúc Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu vừa ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Nội dung bài hát là lời thủ thỉ của một người con gửi đến mẹ và gia đình mình. Chính bởi xuất phát từ trải nghiệm cá nhân và mẫu hình chung của các ông bố – bà mẹ nông thôn Việt Nam, Đen đã gợi được nhiều đồng cảm. Thế nhưng, đi kèm cùng những lời khen, vẫn còn đó luồng ý kiến trái chiều. 

nghệ thuật mang tiền về cho mẹ

Ảnh: YouTube

Đơn cử, theo lời của một vị tiến sĩ xã hội, Đen đang “mô hình hóa” hình tượng bà mẹ truyền thống còn đang kẹt lại trong thời đói kém bằng việc hy sinh. Rằng việc “đánh đòn” – dù chỉ là nói đùa – trong lời hát của Nguyên Thảo trở thành hành động chì chiết, và vị ấy cũng không quên liên hệ với những vụ việc bạo hành trẻ em gần đây. Rằng câu rap cuối bài “Ba cần thì xin mẹ” vẫn chưa đủ lượng để cân với phần lớn nội dung hướng về người mẹ. Rằng anh đang quan trọng hóa tiền bạc như một phương tiện vật chất… để cổ xúy cho một thời điểm nhiều người còn gặp khó khăn bởi dịch bệnh. 

Phản ứng quy chụp trên không chỉ xuất hiện gần đây, mà đáng nói trước đó, những phát ngôn hay lời bài hát của các nghệ sĩ cũng được những người làm giáo dục mang vào đề thi như một ngữ liệu sáng tạo và bắt kịp thời sự. Công luận từng tranh cãi kịch liệt khi lời bài hát của Jack được đưa vào đề ngữ văn, trước thực tế là không thiếu các tác phẩm văn chương có giá trị, và hơn nữa là để phù hợp với phần nhạc, lời hát được đưa ra phân tích đôi khi còn không tuân theo đúng ngữ pháp, có phần tối nghĩa, và chỉ có thể được hiểu trong trọn vẹn bài hát. Ngoài Jack thì Sơn Tùng, Hoàng Thùy Linh, K-ICM hay Chi Pu… cũng từng xuất hiện. Và dường như một “gánh nặng vô hình” đang đặt trên lưng nghệ sĩ, khi họ phải ý thức một cách “không thể lường trước” tầm ảnh hưởng của các sáng tạo cũng như phát ngôn của bản thân, vì rất có thể một ngày nào đó, nó sẽ bị “mổ xẻ” bởi các em học sinh.

PHẢN ỨNG TỪ NGƯỜI TRONG CUỘC

Trả lời báo chí về xùm lùm trong bài nhạc trên, Đen Vâu cho biết: “Tôi tôn trọng ý kiến mỗi người, nhưng không ngờ quan điểm của một số khán giả lại đi xa đến vậy […] Bài hát khá dài, tôi hy vọng mọi người nếu quan tâm hãy lắng nghe và thấu hiểu […] Tôi chỉ muốn người nghe nhạc của tôi thoải mái, dễ chịu, được trút bỏ tâm tư, đồng hành với họ những lúc vui buồn. Tôi tìm người đồng cảm chứ không tìm người khác quan điểm vì nhận những lời tiêu cực chỉ khiến tôi muộn phiền thêm. Làm nhạc gây tranh cãi chưa bao giờ là điều tôi muốn”.

bông hoa nghệ thuật

Ảnh: Laura Chouette/Unsplash

Diva Mỹ Linh trong cuộc trò chuyện riêng với tác giả bài viết này cũng từng nói rằng, nghệ sĩ sáng tạo vì tự thân họ phải làm nghề và không khác được, chứ không phải vì being liked (có được yêu thích hay không). Sáng tạo là một định nghĩ gần như mơ hồ, nhưng có thể nói là nó xuất phát từ một hoặc một nhóm người để truyền tải ý đồ cho một cộng đồng lớn hơn, từ đó bộc bạch góc nhìn và ý thức hệ. Một sản phẩm thu hút được sự chú ý dĩ nhiên là một sáng tạo thành công, thế nhưng, nếu có quá nhiều phê bình không đúng trọng tâm hoặc đi quá xa như lời Đen nói, đó có thể là một gánh nặng.

Thử tưởng tượng, nghệ sĩ giờ đây đều phải chú ý đến trách nhiệm “giáo dục” trong những sáng tạo của mình, để lời hát có thể trở thành ngữ liệu trong các đề thi. Lời hát của họ phải thật ý nghĩa đến tầm bao quát, đồng nghĩa với việc nói những chuyện lớn và bớt cá nhân đi. Ngoài ra, bắt buộc phải đúng ngữ pháp và dùng thật nhiều biện pháp tu từ mặc cho phần nhạc có thể không bắt tai. Họ phải đóng khung sáng tạo trong các đề tài nhàm chán, để những phát lộ trong các sáng tạo nghệ thuật bị dìm chết ngay từ trứng nước. Và rốt cuộc vì sao phải thế? Bởi lẽ xã hội chúng ta đang sống hiện nay được đặt trong thế chênh vênh giữa ba giá trị chân – thiện – mỹ của thời hiện tại.

NHÌN VÀO CHÂN, THIỆN, MỸ ĐƯƠNG ĐẠI

Bài hát của Đen truyền đi thông điệp vô cùng dễ hiểu, khi nó hướng về tình cảm gia đình, rằng anh hát về sự hy sinh của mẹ và những gì bản thân làm được để bù đắp cho hành động ấy. Thế nhưng, khi bị tách ra từng câu riêng biệt, một bài nhạc thời lượng gần đến 7 phút bị tháo rời, phán xét, phân tích, thì ngay lập tức, phê bình hậu hiện đại trong thời kì bùng nổ mạng xã hội vào cuộc.

hình khối nghệ thuật

Ảnh: Sebastian Svenson/Unsplash

Trong tác phẩm Chân, Thiện, Mỹ trong tầm nhìn đương đại, nhà khoa học thần kinh Howard Gardner đã cho thấy rằng ba phẩm tính cổ điển trên đã được con người trăn trở từ buổi Rạng đông của lịch sử loài người, và suốt bao năm qua nó luôn không ngừng được xem xét lại. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng trong đời sống đương đại hiện nay, với sự công kích liên hồi của phê bình hậu hiện đại và sự phát triển của công nghệ – truyền thông, ta nên thay đổi góc nhìn và cách phản ứng trước bộ ba giá trị đang dần suy yếu này ra sao.

Thật ra cả Chân, Thiện, Mĩ không hẳn là quá xa lạ với chính chúng ta. Ngay từ khi mới được sinh ra, bởi lương tri, một đứa trẻ đã biết điều gì là thật (chân). Lớn lên, người ta thường nghi hoặc rằng: phần lớn những gì ta thu nhận được là thật (thông qua ý kiến của những người có tác động nhất định, là vị tiến sĩ xã hội nói trên với sự chia sẻ hàng loạt của mạng xã hội; hay là thầy cô giáo – những người đưa ngữ liệu có phần lệch chuẩn vào trong đề thi), những gì ta thấy có trách nhiệm là đẹp và không bao giờ khẳng định được một người hoàn toàn là tốt hay xấu. Bộ ba này trường tồn, thế nhưng luôn bị phớt là và ngó lơ, bởi lẽ ý chí tự thân của con người luôn tin rằng nó hiển nhiên, hiện diện và còn mãi.

bầy hạc giấy nghệ thuật

Ảnh: Jason Leung/Unsplash

Từ đó, có thể thấy, ngay từ bản nguyên, đây là ba phẩm tính sẵn có nhưng bị ủ mờ và không thường được tự vấn. Đặt trong bối cảnh của phê bình hậu hiện đại và những phát triển công nghệ với tốc độ chóng mặt, ta cần xem xét một cách cẩn thận hơn nữa tác động (dẫu hỗ trợ hay phản kháng) trong những gì chúng có thể ảnh hưởng nên một con người mà sự việc bị dắt mũi đã quá rõ hơn bao giờ hết.

Sự xem xét lệch chuẩn về các sáng tạo của người nghệ sĩ không nằm ở tác phẩm hay bản thân họ, mà phần lớn là việc “tát nước theo mưa” của hai yếu tố kể trên. Ở một khía cạnh nào đó, nếu ba chân giá trị trên được mỗi người thường xuyên tự vấn, từ đó hình thành góc nhìn tự thân về những gì xung quanh mình, thì tác động trên hoàn toàn vô hại. Nghệ sĩ tạo ra cái đẹp, truyền tải những điều tích cực và đó là vai trò của họ. Đừng bắt họ thành Prometheus để ăn cắp lửa hay phải kèm theo trách nhiệm giáo dục, bởi đó là việc mà bản thân chúng ta phải không ngừng tự vấn, và liên tục định hướng được cho những đứa trẻ.

TẠM KẾT

bong bóng nghệ thuật

Ảnh: Florian Klauer/Unsplash

Triết gia Nietzsche từng nói rằng: “Chúng ta có Nghệ thuật để không chết vì Sự thật”. Sự thật và nghệ thuật như hai bán cầu não, cùng cộng hưởng để thưởng thức giá trị của đời sống này. Xin đừng nhập nhằng những giá trị ấy, để nghệ thuật tạo ra được những cây trái của niềm đắm say. Nghệ sĩ và những sáng tạo của họ xứng đáng được đứng độc lập, vượt thoát khỏi mọi khuôn mẫu để nói và hướng về những gì họ muốn, là một phần máu thịt của họ; và khi khán giả đồng cảm với những điều ấy, nghệ thuật sẽ được thăng hoa, và làm đời sống thêm phần giá trị.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more