Giải mã trí thông minh dưới góc nhìn của tâm lý học

Đăng ngày:

Dù trí thông minh là chủ đề thường được nhắc đến trong tâm lý học nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính xác nào giải thích về các yếu tố tạo nên sự thông minh.

Trong khi một số nhà nghiên cứu tin rằng trí thông minh là khả năng độc lập thì những người khác lại cho rằng nó được cấu thành bởi năng lực, kỹ năng và năng khiếu. Cùng ELLE tìm hiểu xem dưới góc độ tâm lý học, trí thông minh được hiểu như thế nào nhé.

Trí thông minh là gì?

Trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về trí thông minh. Theo đó, những khái niệm hiện đại cho rằng thông minh bao gồm những khả năng sau đây:

  • Học hỏi từ kinh nghiệm: Sự tiếp thu, kỹ năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức là một trong những yếu tố quan trọng của trí thông minh.
  • Phát hiện vấn đề: Để có thể vận dụng kiến thức, chúng ta phải biết cách nhận diện những vấn đề có khả năng xảy ra.
  • Giải quyết vấn đề: Sử dụng những kiến thức đã học được để đưa ra những giải pháp hữu ích cho các vấn đề xung quanh.
trí thông minh tâm lý học kỹ năng lý luận

Ảnh: Medium

Ngoài ra, trí thông minh cũng liên quan đến các hoạt động tinh thần như tư duy logic, lý luận và lên kế hoạch. Cho dù còn nhiều tranh cãi về việc định nghĩa nhưng các nhà tâm lý đều thống nhất rằng trí tuệ đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Do đó, những nghiên cứu về nó cũng được sử dụng làm các bài kiểm tra năng lực ứng viên và khả năng học tập ở trẻ…

Các học thuyết về trí thông minh

Dưới đây là những học thuyết quan trọng về trí thông minh được hình thành trong 100 năm qua. 

Trí thông minh tổng quát (Charles Spearman)

charles spearman nhà tâm lý học

Ảnh: Wikipedia

Nhà tâm lý học người Anh Charles Spearman (1863-1945) đã miêu tả khái niệm mà ông ấy đề cập đến, gọi là Trí thông minh tổng quát hoặc Yếu tố G. Ông sử dụng kỹ thuật phân tích yếu tố để kiểm tra năng lực tinh thần và kết luận rằng các bài kiểm tra này đều đưa ra điểm số giống nhau. Do đó, một người làm tốt bài kiểm tra này cũng sẽ thực hiện tốt các bài đánh giá khác. Ông đưa ra kết luận rằng trí thông minh là khả năng nhận thức tổng quát có thể được đánh giá và biểu thị bằng con số.

năng lực trí thông minh nguyên thủy (louis l.thurstone)

Sau đó, nhà tâm lý học Louis L.Thurstone (1887 – 1955) đã đưa ra một học thuyết khác định nghĩa về trí thông minh. Thay vì xem xét trí thông minh như một năng lực tổng quát và độc lập, học thuyết của Thurstone tập trung vào 7 năng lực tinh thần căn bản:

  • Trí nhớ liên tưởng: Khả năng ghi nhớ và hồi tưởng
  • Khả năng giải quyết các vấn đề số học
  • Tốc độ tri giác: Nhìn thấy sự khác biệt và giống nhau giữa các đối tượng
  • Lý luận: Tìm ra các quy luật
  • Khả năng hình dung không gian
  • Khả năng hiểu lời nói
  • Ngôn từ trôi chảy
trí thông minh khả năng logic tâm lý học

Ảnh: Unsplash

trí thông minh đa chiều (Howard Gardner)

Học thuyết này của Howard Gardner cho rằng việc dựa vào điểm số của các bài kiểm tra truyền thống như bài kiểm tra IQ không thể phản ánh đầy đủ và chính xác năng lực của một cá nhân. Theo đó, Gardner đề xuất 8 loại thông minh dựa trên những kỹ năng và năng lực được đánh giá cao ở các nền văn hóa khác nhau:

  • Trí thông minh vận động cơ thể: Khả năng kiểm soát cơ thể và chuyển động đồ vật một cách khéo léo
  • Trí thông minh giao tiếp: Phản hồi với tâm trạng và cảm xúc của người khác
  • Trí thông minh nội tâm: Nhận thức về bản thân và hòa hợp với cảm xúc của mình
  • Trí thông minh logic – toán học: Khả năng suy nghĩ và làm việc với các con số
  • Trí thông minh âm nhạc: Khả năng sáng tác và cảm nhận nhịp điệu, cao độ và âm sắc
  • Trí thông minh ngôn ngữ: Khả năng nói và viết, sử dụng ngôn ngữ hiệu quả
  • Trí thông minh thị giác – không gian: Khả năng ghi nhớ, suy nghĩ, liên tưởng bằng hình ảnh
tâm lý học trí thông minh âm nhạc

Ảnh: Unsplash

Học thuyết ba hợp phần của trí thông minh (Robert sternberg)

Tâm lý gia Robert Sternberg định nghĩa trí thông minh như “hoạt động tinh thần hướng đến sự thích nghi có chủ đích với việc lựa chọn, định hình môi trường xung quanh liên quan đến cuộc đời của mỗi người. Ông đưa ra khái niệm “trí thông minh thành công” gồm 3 nhân tố sau:

  • Trí thông minh phân tích: Khả năng đánh giá thông tin và giải quyết vấn đề
  • Trí thông minh sáng tạo: Khả năng đưa ra những ý tưởng mới
  • Trí thông minh thực tiễn: Khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường
trí thông minh sáng tạo

Ảnh: Unsplash

Như vậy, có rất nhiều loại thông minh khác nhau. Thế nên, đừng vội đánh giá hay phán xét ai đó thông minh hay không thông minh. Mỗi người đều sẽ có thế mạnh ở những lĩnh vực khác nhau mà đôi khi nó không được thể hiện rõ ràng trên các bài kiểm tra hoặc điểm số. Quan trọng hơn hết, hãy để trí tuệ tạo ra niềm vui, sự đam mê và thành tựu cho cuộc đời bạn, đừng biến nó thành áp lực cho chính mình và cho người khác.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Verywellmind

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more