Fendi dưới thời Karl Lagerfeld: Nơi quy tụ những đầu não sáng tạo đỉnh cao

Đăng ngày:

Có một đoạn thời gian ở Rome, Maria Grazia Chiuri, Pier Paolo Piccioli và Alessandro Michele trước khi trở thành Giám đốc Sáng tạo của Dior, Valentino và Gucci, họ đã từng là một đội trong ngôi nhà chung Fendi.

Nếu phải chọn ra một “Avengers Team” của làng thời trang, đó là bộ phận sáng tạo của Fendi vào thập niên 90. Mảng phụ kiện và lông thú của nhà mốt nước Ý đã tạo tiếng vang trên khắp thế giới. Một trong những điểm mấu chốt dẫn đến thành công rực rỡ đó có lẽ là sự bộc trực luôn tồn tại trong cách làm việc của các nhà thiết kế. Ở Fendi, họ không đề ra các quy tắc cứng nhắc, ý tưởng của mỗi người đều được tôn trọng và không một ai ái ngại sự “nổi loạn”. Khi Rome được mệnh danh một kinh đô thời trang trù phú thì trùng hợp thay, lứa NTK tài năng gồm Silvia Venturini Fendi, Alessandro Michele, Pier Paolo Piccioli và Maria Grazia Chiuri từng là những người đồng đội được dẫn dắt bởi Karl Lagerfeld.

“Karl là một phần ‘DNA’ của Fendi”. Silvia Venturini đã từng tự hào tuyên bố: “Karl chỉ cần dùng một ánh mắt là có thể đọc được suy nghĩ của đối phương”.

Fendi dưới thời Karl Lagerfeld

(Ảnh: Getty Images)

Danh tiếng NTK Karl Lagerfeld thường được mặc định cùng CHANEL. Ông đã giúp nhà mốt nước Pháp thoát khỏi bờ vực phá sản và xây dựng lên một đế chế vững chắc cho đến hiện tại. Tuy nhiên, Fendi mới là nơi đầu tiên tên tuổi của Karl được đưa ra ánh sáng. Ông gia nhập Fendi vào năm 1967 và sát cánh cùng thương hiệu “máu mủ” này cho đến những ngày cuối đời. Trong suốt hơn nửa đời người cống hiến cho Fendi, Karl đã tạo ra hơn 100 bộ sưu tập, những đóng góp của ông mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử của “gã khổng lồ” nước Ý. Sự nổi tiếng của Karl lúc bấy giờ đã thu hút nhiều tài năng trẻ muốn đến làm việc cho Fendi, chính xác hơn là muốn được học hỏi những kinh nghiệm quý giá từ ông.

Karl cùng "Fendi sisters"

(Ảnh: Getty Images)

Karl Lagerfeld và Silvia Venturini Fendi  Xuân Hè 2012

Karl Lagerfeld và Silvia Venturini Fendi tại show diễn Xuân-Hè 2012. (Ảnh: Daniele Venturelli)

Cùng gia nhập Fendi vào năm 1989, cặp bạn thân Maria Grazia Chiuri và Pier Paolo Piccioli là thành viên của bộ phận phụ kiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của “ông hoàng đầu bạc”. Trong một cuộc phỏng vấn, Pier kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Chiuri. Khi được giao nhiệm vụ đón ông tại nhà ga ở Rome, Chiuri chỉ mặc một chiếc quần jeans và áo phông trắng đơn giản. Nhưng bằng một cách nào đó, Pier Paolo ngay lập tức cảm thấy có một loại kết nối vô hình với bà. Maria và Pier được mọi người nể phục về tình bạn kéo dài hơn hai thập kỷ. Họ đã kề vai sát cánh từ Fendi đến Valentino và vẫn giữ mối quan hệ khi sau này, Maria được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Dior.

nhà thiết kế Fendi

(Ảnh: Valentino)

Năm 1997, Silvia Venturini Fendi cho ra mắt chiếc túi Baguette mang tính biểu tượng, định nghĩa nên khái niệm IT-Bag. Điều đáng nói là Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli đều là hai nhân vật chủ chốt ở xưởng phụ kiện trong thời kỳ “thai nghén” thiết kế đình đám này. Thành công của chiếc túi giúp hai NTK trở thành “hạt giống” tiềm năng trong mắt các thương hiệu lớn.

Túi Baguette Fendi

(Ảnh: Pinterest)

Cũng cùng năm đó, Alessandro Michele và Frida Giannini đều gia nhập Fendi dưới trướng Silvia Venturini Fendi và Karl Lagerfeld. Cả hai sau này lần lượt trở thành Giám đốc Sáng tạo của Gucci. Nếu sự kết hợp những trang phục nhiều màu sắc và có phần “khác người” của Anna Piaggi là một trong những nguồn cảm hứng cho Karl Lagerfeld, thì Alessandro Michele nợ những người dìu dắt mình ở các thương hiệu thời trang một bài học rằng: “Sáng tạo không phải là một thứ ổn định, mà là một linh hồn tự do.”

Karl Lagerfeld và Alessandro Michele

Karl Lagerfeld đã gọi Alessandro Michele thời trẻ ở Fendi là “DJ” vì anh luôn bật nhạc lớn. (Ảnh: Gucci)

Nói Karl là một chuyên gia trong việc tạo nên những huyền thoại là một điều hoàn toàn có căn cứ, vì ngoài bốn cái tên kể trên, thì Giambattista Valli, Marco de Vincenzo, Sergio Zambon, và Anthony Vaccarello đều từng có khoảng thời gian mài giũa tại Fendi. Những thiết kế lông thú hiện diện trong các bộ sưu tập của Vaccarello tại Saint Laurent ngày nay – Karl Lagerfeld gần như đã viết một bản tóm tắt về chúng tại Fendi từ nhiều thập niên về trước. Fendi là một trong những ví dụ cụ thể nhất dưới cương vị là một nơi khai phá sự sáng tạo, tồn tại trong một hệ thống mang tính cạnh tranh khốc liệt trong xã hội hiện đại.

Karl Lagerfeld và các chị em nhà Fendi

Karl Lagerfeld và các chị em nhà Fendi. (Ảnh: Sohu)

Nhóm thực hiện

Bài: Trúc Mai
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more