Từ câu hỏi “Ai may áo cho tôi” đến những góc khuất trong ngành công nghiệp thời trang

Đăng ngày:

Tháng 4/2013, tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh, nơi có rất nhiều xí nghiệp gia công, sản xuất quần áo cho các thương hiệu thời trang lớn đã sụp đổ dẫn đến cái chết của hàng ngàn công nhân và phần lớn trong số đó là phụ nữ.

Không lâu sau đó, tổ chức Fashion Revolution ra đời với sự tham gia của những nhà hoạt động xã hội, nhà sản xuất, kinh doanh, thiết kế thời trang… với sứ mệnh gắn kết những con người, tổ chức để cùng thay đổi triệt để cách chúng ta sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thời trang. Suốt 5 năm qua, những chiến dịch của Fashion Revolution đã lan rộng khắp thế giới, ở nhiều phương diện khác nhau với sự tham gia của rất nhiều tình nguyện viên khuyến khích sự thay đổi trong nhận thức, hành động của bất cứ ai tham gia trong chuỗi vận hành của ngành công nghiệp thời trang.

vụ sập nhà máy ở bangladesh

(Ảnh: Racked)

Fashion Revolution bắt đầu khởi xướng tại Việt Nam từ năm 2015 với sự tham gia của những người đã và đang làm việc trong ngành thời trang và sớm nhận thấy sự cấp bách của vấn đề. Họ khởi đầu bằng những buổi nói chuyện, chiếu phim tại Hà Nội và TP.HCM. Vào tháng 4/2019, Fashion Revolution đã tổ chức sự kiện triển lãm đầu tiên tại Hà Nội với thông điệp chính: Ai may áo cho tôi (#whomademyclothes). Không gian triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tràn ngập sắc màu của 80 chiếc áo sơmi nữ và 20 áo sơmi nam được kết nối trên trần nhà để phản ánh số liệu thực tế 80% công nhân làm việc trong các xưởng sản xuất quần áo là nữ, 20% còn lại là nam.

ai may áo cho tôi và góc khuất ngành công nghiệp thời trang

(Ảnh: Evening Standard)

Bằng cách đặt ra câu hỏi “Ai may áo cho tôi”, Fashion Revolution hướng sự chú ý đến những người đã góp phần làm nên món đồ mà chúng ta đang mặc. Đó có thể là một người thợ may ở Bangladesh, hay một người trồng bông ở Ukraina, thợ may giày ở Việt Nam, hay người nhuộm vải ở Ấn Độ… Họ cũng là những người liên tục phải làm overtime, nhận mức lương rẻ mạt để làm ra những món đồ với số lượng nhiều nhất, và nhanh nhất có thể. Đó là vấn đề mà rất nhiều tổ chức NGO, những nhà hoạt động xã hội khắp thế giới đã và đang đấu tranh để thúc đẩy các tập đoàn thời trang, các thương hiệu, tổ chức chính phủ thay đổi cách vận hành, để có thể mang lại sự công bằng, mức đền bù xứng đáng cho những người công nhân. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức để có thể thay đổi được một hệ thống chằng chịt và vô cùng phức tạp.

triển lãm fashion revolution ở Hà Nội về góc khuất công nghiệp thời trang

Vì thế, một trong những sứ mệnh chính của Fashion Revolution là đưa ra những gợi ý thực tế và cụ thể, để chúng ta, những người tiêu dùng yêu thời trang có thể chủ động góp phần dù là nhỏ nhất giảm thiểu tác hại đến con người và môi trường.

Triển lãm chọn cách đưa ra những gợi ý khá đơn giản để bạn có thể thay đổi ngay từ hôm nay: Hãy chọn và hỗ trợ cho các NTK trong nước; hãy chỉnh sửa để quần áo thật vừa vặn và bạn có thể mặc chúng được lâu hơn; hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định chọn mua; và hãy dùng, trân trọng những món đồ vintage, second hand… Một vài thiết kế đặc trưng của các thương hiệu thời trang bền vững như Kilomet109, Chula Fashion… được trưng bày và kể lại câu chuyện của những người sáng tạo đang chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, và góp phần tôn vinh, gìn giữ nghề thủ công gắn liền với văn hóa bản địa.

ELLE Việt Nam đã có dịp trò chuyện cùng 3 phụ nữ có liên hệ mật thiết với Fashion Revolution từ những ngày đầu tiên. Họ đã góp phần đưa cuộc cách mạng thời trang đến gần hơn với cộng đồng thời trang tại Việt Nam.

Vũ Thảo – Kilomet 109

Vào năm 2014 tại London khi tham dự buổi hội thảo và triển lãm tại The Somerset House, chị Thảo đã gặp Orsola de Castro, người sáng lập Fashion Revolution và được nghe về khái niệm Thời trang lương tri và tổ chức này. Vài tháng sau khi về nước, chị Thảo được Jocelyn Whipple, một thành viên chính của Fashion Revolution liên lạc và đề nghị chị làm đại diện cho tổ chức tại Việt Nam.

NTK Vũ Thảo Fashion Revolution 2

Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý

“Khái niệm thời trang bền vững đã được nhắc đến từ khá sớm trong một số môi trường đào tạo và bản thân tôi cũng đã có những nghiên cứu độc lập về đề tài này. Tham gia Fashion Revolution vào khoảng năm 2015 đã giúp tôi vững chãi hơn trong những bước đi còn non nớt lúc đó cho nhãn hiệu Kilomet109, đồng thời củng cố, nâng cao nhận thức cá nhân về hiện trạng cũng như tương lai của nền công nghiệp thời trang trong nước và thế giới. Khái niệm Bền vững là khái niệm có tính phổ quát trên rất nhiều phạm trù của cuộc sống.

Thời trang Bền vững là một nhân tố của Lối sống Bền vững. Theo quan sát của tôi, sự dịch chuyển của Thời trang Bền vững chịu sự tác động từ các NTK một phần nhỏ, phần lớn là từ người tiêu dùng có trách nhiệm, giới tri thức, giới nghiên cứu, và những cá nhân, tập thể có tư tưởng cấp tiến. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đứng đầu về tiềm lực và sự đa dạng của ngành nghề thủ công. Các nguyên liệu bản địa có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam vẫn rất phong phú. Tôi mong rằng các NTK sẽ cố gắng để xây dựng thương hiệu theo hướng đi lâu dài thay vì dừng lại ở một, hai BST mang tên bền vững”.

Florence Bacin – Fair Wear Foundation

Từng làm việc tại các thương hiệu thời trang bền vững như Linda Mai Phung, Closette, từ năm 2016, Florence là country coordinator của Fashion Revolution. Hiện tại, Florence là đại diện của Fair Wear Foundation.

“Việt Nam sở hữu rất nhiều giá trị quan trọng về văn hóa, những ngành nghề thủ công, hay cách tiếp cận thời trang truyền thống. Ví dụ như bạn có thể dễ dàng đặt may một chiếc áo thật vừa vặn với giá phải chăng để có thể mặc được rất lâu. Tôi muốn người trẻ hiểu rằng việc tái chế, tái sử dụng quần áo cũ, hay chọn mua quần áo vintage là điều đáng làm và rất “cool”. Tôi muốn tạo ra những phong trào truyền thông, hành động như Fashion Revolution để giúp các bạn trẻ hiểu rằng đằng sau những thương hiệu lớn là cả một hệ thống sản xuất rất phức tạp, có rất nhiều công nhân nhận được đồng lương rẻ mạt, làm việc trong môi trường tồi tệ.

Florence Bacin Fashion Revolution 3

Chúng ta cũng cần hiểu rằng những xu hướng thời thượng không tồn tại mãi mãi. Tôi biết rất khó để có thể giúp tất cả mọi người hiểu về thực trạng những gì đang xảy ra đằng sau các nhà máy, xí nghiệp, nhất là khi thời trang là một trong những công cụ để bạn thể hiện cá tính của chính mình. Điều quan trọng không phải làm mọi người cảm thấy tội lỗi khi mua sắm thời trang mà là đưa ra gợi ý về những lựa chọn khác, một cách có trách nhiệm hơn. Chúng ta đang đối diện với rất nhiều thử thách, nhưng cũng rất thú vị khi chính bạn cũng có thể kêu gọi nhiều người cùng tham gia và tìm cách giải quyết vấn đề”.

Ellen Downes – Fashion Revolution Vietnam

Trước khi đến Việt Nam vào tháng 10/2018, Ellen là một giảng viên kịch nghệ tại London. Ngoài công việc dạy tiếng Anh tại Hà Nội, Ellen dành thời gian ở Fashion Revolution để nghiên cứu, tìm hiểu và tổ chức buổi triển lãm của Fashion Revolution và những hoạt động khác trong tương lai.

Ellen Downes và Eliie Shipman Fashion Revolution Vietnam

Ellen (trái) cùng Ellie Shipman, nghệ sĩ nghệ thuật sắp đặt tại triển lãm Fashion Revolution. Ảnh: Ryan Carpenter

“Chủ đề #whomademyclothes thường không được đề cập, hoặc chưa đủ trên toàn cầu và càng ít khi được nhắc đến tại Việt Nam. Có thể rất ít người tiêu dùng biết rằng Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng may mặc nhiều nhất thế giới; và những gì diễn ra bên trong những xí nghiệp gia công lại càng ít được nhắc đến. Chúng tôi rất vui và phấn khởi trước sự tham gia và phản hồi của hàng ngàn người đã đến với triển lãm này. Có rất nhiều học sinh từ các trường tiểu học, trung học, những người trẻ… đã đến và vô cùng kinh ngạc khi được biết về câu chuyện của những người đã góp phần làm nên quần áo cho chúng ta mặc.

Rất nhiều người đã ngay lập tức nhìn lại chính bộ quần áo mình đang mặc và đặt câu hỏi, món đồ này được làm ở đâu, do ai làm ra… Đó chính là khởi điểm quan trọng cho sự thay đổi. Chúng tôi tin rằng khi thông điệp được lan tỏa sẽ tạo sức ép thúc đẩy các thương hiệu, các doanh nghiệp tham gia phong trào và thay đổi cách vận hành của ngành công nghiệp thời trang”.

Nhóm thực hiện

Bài: Liên Chi

Ảnh: Tư liệu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more