Thời trang ca tụng vẻ đẹp cơ thể
Xu hướng và các thiết kế thời trang ra đời không chỉ để làm đẹp, mà quan trọng hơn, nhằm phản ánh dấu ấn phát triển của xã hội, quan điểm tư duy về vẻ đẹp của người phụ nữ, những cuộc cách mạng ngoài đời thực và trong tư tưởng. Ở mỗi thời, các NTK lại nhìn ngắm và tôn vinh người phụ nữ dưới những góc độ rất khác nhau: từ đôi chân thon dài, vòng eo nhỏ, bờ vai trần, cho tới các đường cong gợi cảm!
Thập kỷ 70 – Sự trỗi dậy của trào lưu thân thức (Body-Conscious)
Sức ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại nhiều quốc gia tư bản phương Tây trong khoảng thời gian 1973 – 1975 lan tỏa đến nhiều lĩnh vực; thời trang không nằm ngoài phạm vi đó. Áp lực kinh tế đè nặng đòi hỏi chính phủ nhiều quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Ở khía cạnh nhà sản xuất, ưu điểm của những mẫu thiết kế thân thức không đòi hỏi số lượng vải quá nhiều, do vậy giảm thiểu chi phí sản xuất và giá thành. Giới chuyên môn thời trang nhận định đây là giai đoạn bứt phá tạo tiền đề thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của dòng trang phục thân thức. Những cái tên được xướng lên trong thời kỳ này bao gồm Sonia Rykiel, Vivienne Westwood, Calvin Klein, Ralph Lauren và Pierre Cardin.
Mặc dù khởi nghiệp từ cuối thập kỷ 60 và được ca tụng là “nữ hoàng vải len sợi” nhưng chỉ thực sự đến thập kỷ sau đó, cái tên Sonia Rykiel mới được công chúng biết đến rộng rãi. Bản thân tên gọi của thiết kế huyền thoại – mẫu áo sweater “Poor boy” (tạm dịch: anh chàng tội nghiệp) đưa bà lên đỉnh cao danh vọng thể hiện thái độ sống của người dân trong giai đoạn này. Những mẫu thiết kế thân thức của Sonia Rykiel không khiến người đối diện cảm thấy ngột ngạt mà trái lại toát lên tinh thần lạc quan và trẻ trung. Chất liệu len sợi vẫn là thứ “ngôn ngữ” được Sonia Rykiel và người tiền nhiệm sau này, NTK Julie de Libran (hiện là NTK của thương hiệu Sonia Rykiel) sử dụng để truyền tải thông điệp trong nhiều BST.
Một cái tên đình đám khác trong cuộc cách mạng mang tính bứt phá của xu hướng thân thức là NTK Vivienne Westwood. Trái với Sonia Rykiel, yếu tố thời cuộc được bà tư duy theo hướng cực đoan. Những “điểm vàng gợi cảm” như bầu ngực căng tròn, vòng eo và ngay cả những đôi chân thẳng tắp được bà trưng ra hết mức. Trước khi Vivienne Westwood xuất hiện, không ai dám nghĩ sẽ thương mại hóa chất liệu vải cao su và phong cách punk để may trang phục; bản thân Westwood diện trang phục làm từ cao su, trang điểm theo phong cách nhạc kịch sải bước trên đường phố để chứng minh tính “ứng dụng” của những mẫu trang phục của mình. Nhà sản xuất của nhóm nhạc Adam and the Ants – Marco Pirroni kể: “Bạn thực sự phải rất can đảm và là một tín đồ cuồng nhiệt của chủ nghĩa tự do để có thể mặc cao su ra đường”. Không chỉ thử nghiệm về chất liệu, Vivienne Westwood còn truyền bá cả một lối sống – phong cách punk.
Ở bên kia bán cầu, suy thoái kinh tế là tác nhân tạo ra sự phân hóa xã hội sâu sắc. Calvin Klein tư duy thiết kế thân thức theo hướng gợi cảm qua những mẫu áo ngực và quần lót trở thành một trang phục biệt lập phản ảnh chủ nghĩa cá nhân trong xã hội. Trong khi đó, Ralph Lauren lăng xê kiểu dáng trang phục thân thức theo phong cách sang trọng đặc trưng của thập kỷ 30 với những đường cắt may vừa vặn ôm lấy cơ thể. Tuy vậy, nếu so sánh với những người đồng nghiệp tại châu Âu, xét một cách tổng thể, tính ứng dụng vẫn là yếu tố được những ngôi sao của ngành thời trang Mỹ ưu tiên.
Thập kỷ 80 – Tái định nghĩa khái niệm thân thức
Những tàn dư của cuộc khủng hoảng kinh tế cuối thập kỷ 70 tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế tại nhiều quốc gia phát triển đầu thập kỷ 80. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, tình hình kinh tế không mấy sáng sủa lại chính là lúc cần nhất những ý tưởng mới mẻ, thậm chí điên rồ để đưa con người thoát khỏi những ám ảnh về nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thực tại.
Sự xuất hiện của những hạt giống mới như Donna Karan, Jean Paul Gaultier, Versace, Azzedine Alaïa và Thierry Mugler tái khẳng định khái niệm thân thức. NTK Donna Karan trình làng BST đầu tay chỉ vỏn vẹn với 7 mẫu thiết kế. Những mẫu thiết kế xuất hiện trong BST này phản ánh đúng xu thế thời đại trong thập kỷ 80 khi chủ nghĩa thể hình và vóc dáng khỏe khoắn là điều luôn ám ảnh phái đẹp.
Nói về BST này, Donna Karan chia sẻ trên trang Bloomberg: “Tôi là một tín đồ của bộ môn Yoga, tôi thường xuyên mặc trang phục lót liền quần ôm sát (Bodysuit) cùng leggings và vải quấn xung quanh tạo thành váy”. Đối với Donna Karan, khái niệm trang phục thân thức không chỉ đơn giản giúp phụ nữ trông gợi cảm hơn mà phải xuất phát từ việc hỗ trợ những hoạt động hàng ngày.
Hòa cùng dòng chảy, Jean Paul Gaultier, Versace, Azzedine Alaïa và Thierry Mugler được giới chuyên môn vinh danh là những nhà thiết kế tiên phong đón đầu xu thế “nghệ thuật hóa” dòng thời trang thân thức. Bằng con mắt tinh tường, tư duy thiết kế nhạy bén và chút “điên rồ” sẵn có, họ nâng tầm những mẫu thiết kế thân thức vượt lên trên những quan niệm truyền thống. Vào năm 1984, Jean Paul Gaultier trình làng mẫu đầm corset đầu tay và nhanh chóng được ca tụng là hiện tượng của ngành thời trang. Thiết kế đầm corset của Jean Paul Gaultier không tuân theo những chuẩn mực truyền thống mà được biến tấu rất lạ mắt với phần áo ngực nhô ra theo mô típ vòng xoắc ốc.
Hoành tráng không kém, Azzedine Alaïa nhanh chóng ghi danh tên mình vào hàng ngũ những nhà thiết kế đình đám vào thời điểm đó. Kỹ thuật cắt laser trên chất liệu da nặng mùi dục vọng của NTK gốc Tunisia – Azzedine Alaïa được phái đẹp săn đón. Azzedine Alaïa còn tiên phong ứng dụng nhiều chất liệu khác như lycra (loại vải sợi tổng hợp có tính co giãn), spandex (loại vải sợi nhân tạo có độ co giãn cao), vải viscose (loại vải có đặc tính mềm, co giãn tốt hơi giống lụa) trên những mẫu thiết kế của mình.
Cùng chung chí hướng, yếu tố dục vọng là phong cách được anh em nhà Versace theo đuổi. Sau cái chết của người anh trai – NTK Gianni Versace, người em gái Donatella Versace tiếp quản nhà mốt và tiếp tục trình làng những mẫu thiết kế kết hợp yếu tố nghệ thuật đỉnh cao và văn hóa đại chúng. Không chỉ đơn thuần là NTK, Thierry Mugler được nhìn nhận là bậc thầy của nghệ thuật tạo hình. Định nghĩa của anh về dòng trang phục thân thức không chỉ đơn thuần để mặc mà còn để trưng bày, lưu giữ trong những viện bảo tàng nghệ thuật. Sân khấu trình diễn không chỉ là nơi giới thiệu mà còn là chuyến viễn du thoát khỏi thế giới thực tại đến với không gian ý niệm siêu tưởng.
Vẫn với đường nét ôm gọn lấy cơ thể, trưng diện những đường cong mỹ miều của người phụ nữ nhưng Thierry Mugler không giới hạn bản thân trong những chất liệu truyền thống. Cũng giống như Azzedine Alaïa, yếu tố độc và lạ được Thierry Mugler thể hiện qua việc ứng dụng nhiều chất liệu mới như vinyl (nhựa dẻo) và kim loại. Tỷ lệ trong bố cục thiết kế trang phục của Thierry Mugler cũng thể hiện tư duy khác người với phần vai dài gấp ba lần chiều cao tính từ cằm đến đỉnh đầu, vòng eo “thắt đáy lưng ong”, hay vòng mông nở nang.
Bài: Thanhhuysing – Ảnh: Imaxtree, Tư liệu