Đất nước đã thống nhất tròn 50 năm, những tác phẩm “anh hùng ca” ấy vẫn luôn được xem là những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Những lát cắt số phận
Chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, Nổi gió được xem là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam tái hiện cuộc chiến tranh Việt Nam với bối cảnh ở miền Nam. Cuộc chiến tranh không chỉ chia cắt đất nước mà còn chia rẽ ngay cả trong làng xóm, gia đình khi anh em, bạn bè đi theo hai lý tưởng chính trị, hai chiến tuyến khác nhau. Gia đình chị Vân là một trường hợp như thế.
Chị Vân (Thụy Vân) là một chiến sĩ cách mạng tham gia lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trong khi em trai chị – Trung úy Phương (Thế Anh) lại trở về làng với vai trò sĩ quan quân đội chính quyền Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ truy lùng những người hoạt động bí mật. Sự đối lập về lý tưởng khiến hai chị em đứng ở hai chiến tuyến, buộc phải cắt đứt tình thân, dù trong lòng vẫn nặng tình ruột thịt. Mâu thuẫn giữa hai phía ngày càng khốc liệt. Chị Vân, một cán bộ nòng cốt, bị bắt giam và tra tấn tàn khốc. Đứa con nhỏ của chị không may qua đời trong trại giam. Nỗi đau khổ khiến chị gần như mất trí và chị được thả vì bị cho là điên, không còn khả năng gây nguy hiểm. Tuy nhiên, chính quyền miền Nam đã không lường hết được nội lực tiềm tàng bên trong người phụ nữ này…
Với chất liệu đã được khẳng định qua sân khấu kịch, Nổi gió có một kịch bản chắc tay và là tiền đề cho một bộ phim điện ảnh hấp dẫn. Những lời thoại thể hiện sự sắc sảo của một nhà biên kịch tài hoa, được “điện ảnh hóa” qua nghệ thuật kể chuyện giàu ngôn ngữ điện ảnh và mang tính biểu tượng cao của đạo diễn Huy Thành. Đây là bộ phim đầu tiên trong ba bộ phim đoạt giải Bông Sen Vàng của đạo diễn Huy Thành. Chất anh hùng ca khiến Nổi gió gây ấn tượng mạnh mẽ từ khi ra đời năm 1966 và đến nay vẫn được xem là một trong những phim kinh điển của cách mạng Việt Nam.
BÀI LIÊN QUAN
Chất thơ giữa khói lửa
Cùng với Nổi gió của đạo diễn Huy Thành, Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến được xem là một trong những bộ phim xuất sắc nhất ca ngợi chất “anh hùng ca” của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.
Là một trong số ít phim truyện Việt Nam tính đến nay giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Moscow 1981, sau hơn 40 năm, Cánh đồng hoang (1979) vẫn xứng đáng được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh nước nhà. Bộ phim chinh phục khán giả bởi sự hòa quyện gần như hoàn hảo giữa kịch bản, đạo diễn, quay phim, âm nhạc và đặc biệt là diễn xuất ấn tượng của hai ngôi sao một thời: Lâm Tới và Thúy An.
Cánh đồng hoang là bộ phim chiến tranh thể hiện tinh thần “dựa vào sức dân mà đánh Mỹ” của những nhà lãnh đạo Việt Nam, một bản anh hùng ca của chiến tranh du kích, tạo nên đối lập giữa sự thô sơ và vũ khí hiện đại, vừa trữ tình vừa bi tráng, với những chi tiết độc nhất vô nhị. Các tình tiết trong phim giản dị, tự nhiên nhưng thể hiện ngay được tinh thần hồn hậu, hào sảng của người dân Nam Bộ. Màn hò hát đối vừa chòng ghẹo vừa giao duyên giữa Ba Đô (Lâm Tới) và Sáu Xoa (Thúy An) đầy duyên dáng và hài hước. Họ là cặp vợ chồng trẻ với đứa con nhỏ vài tháng tuổi, sống hạnh phúc trong một căn chòi lá giữa cánh đồng hoang mùa nước nổi mênh mông. Nhưng không chỉ là một cặp vợ chồng nông dân Đồng Tháp Mười bình thường, họ còn làm nhiệm vụ giao liên, che chở và đưa cán bộ cách mạng qua cánh đồng hoang, tránh khỏi sự bố ráp của trực thăng Mỹ.
Bối cảnh và không gian của bộ phim thực sự đặc sắc, giúp người xem vừa có một hình dung cụ thể vừa có nhiều góc nhìn khác nhau. Giữa cánh đồng hoang bát ngát không nơi ẩn nấp, vợ chồng Ba Đô sống như thế nào? Và giữa ba tầng không gian: trên không (máy bay trực thăng của Mỹ), trên mặt nước (căn chòi hay chiếc thuyền của vợ chồng Ba Đô), dưới mặt nước (nơi ẩn nấp của cán bộ cách mạng), đạo diễn sẽ kể như thế nào để làm bật lên sự đối lập trong một cuộc chiến không cân sức? Làm thế nào để kể một câu chuyện đau thương mất mát nhưng vẫn hồn hậu, đầy sức sống và thể hiện được vẻ đẹp, đời sống sinh hoạt hay chất trữ tình, lãng mạn của người dân Nam Bộ?
Niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ và đời sống mùa nước nổi vùng Đồng Tháp Mười được đặc tả một cách trọn vẹn, khiến bộ phim không chỉ dừng lại ở một tác phẩm về chiến tranh, mà còn lan tỏa tinh thần, vẻ đẹp rất riêng của con người Việt Nam. Ngay cả trong những cảnh trữ tình ấy, đạo diễn vẫn cài cắm dụng ý: cuộc chiến tranh du kích của người Việt Nam có thể chiến thắng vũ khí tối tân và sức hủy diệt của Mỹ nhờ tinh thần lạc quan, vẻ đẹp hồn hậu nhưng bất khuất của những người nông dân bình dị, ngay cả khi họ phải gánh chịu mất mát, đau thương.
Xem thêm
•[Review phim] “The Last of Us 2”: Mùa phim của sự mất mát và trưởng thành
•[Review phim] “The Haunted Palace”: Siêu phẩm giả tưởng cổ trang hài hước và cảm xúc
•[Review phim] “Resident Playbook”: Chuyện nghề y qua góc nhìn của những bác sĩ nội trú
Những người hùng thầm lặng
Cùng với loạt phim tình báo dài tám tập Ván bài lật ngửa từng gây hiện tượng và thu hút lượng khán giả khổng lồ trong những năm 1980, loạt phim Biệt động Sài Gòn cũng tạo ra cơn sốt trên cả nước, với ước tính lên đến 10 triệu lượt xem mỗi tập. Dưới sự dàn dựng của đạo diễn Long Vân và dàn diễn viên tên tuổi như Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An… bộ phim đề cao tinh thần quả cảm, sự mưu lược, thông minh và cả mất mát, hy sinh anh dũng của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch, không chỉ chiếm trọn cảm tình của khán giả mà còn chứng tỏ sức mạnh của điện ảnh Việt Nam một thời.
Lấy cảm hứng và phần nào dựa theo những câu chuyện có thật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong những năm chiến tranh chống Mỹ, hai nhà biên kịch Lê Phương – Nguyễn Thanh đã phát triển thành bốn tập phim vừa độc lập vừa kết nối chặt chẽ với nhau. Long Vân, một tên tuổi mới nổi của điện ảnh phía Bắc được giao trọng trách đạo diễn. Biệt động Sài Gòn còn được cố vấn nghệ thuật bởi đạo diễn Hải Ninh, một tên tuổi kỳ cựu của điện ảnh cách mạng, cố vấn quân sự từ Thiếu tướng Trần H. Phụng và anh hùng biệt động Nguyễn Cụ. Chính sự kỹ lưỡng, đầu tư trong dàn dựng và bám sát những nguyên mẫu có thật đã giúp bộ phim tránh được nhược điểm hư cấu quá đà hoặc tô hồng kết quả như nhiều bộ phim cùng thời.
Bốn tập phim của Biệt động Sài Gòn lần lượt có nhan đề: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và rả lại tên cho em. Mỗi tập phim giải quyết một câu chuyện độc lập, vừa “đóng” để khán giả có thể thưởng thức vừa “mở” để tiếp nối và tạo sức hấp dẫn ở tập tiếp theo.
Sự xen kẽ giữa các cảnh hành động hấp dẫn kết hợp với những màn đấu trí căng thẳng, những trường đoạn tâm lý và góc khuất nội tâm của nhân vật khiến bộ phim giàu sức thuyết phục và hấp dẫn về mặt giải trí. Phim được dàn dựng công phu, từ những bối cảnh lịch sử có thật cho đến những phân cảnh hư cấu thiên về hành động/ Một số cảnh phim như ni cô Huyền Trang hay cô bé giao liên bán báo bị tra tấn, cảnh Ngọc Lan đột nhập vào nhà kẻ phản bội để trả thù cho người yêu cũng gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự chân thực trong dàn dựng và diễn xuất.
Nổi gió, Cánh đồng hoang và Biệt động Sài Gòn là ba bộ phim tiêu biểu nhất đề cao chất “anh hùng ca” của những người con yêu nước một thời. Họ, có khi là những người phụ nữ trong “đội quân tóc dài đánh giặc”, có khi là một cặp vợ chồng làm du kích sống trên vùng nước nổi mênh mông, có khi lại là những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch. Chất “anh hùng ca” ấy được thể hiện một cách bình dị mà kiên cường, bất khuất qua những thước phim đã trở nên kinh điển và vẫn được nhắc lại khi nhớ về những bộ phim cách mạng một thời.
Nhóm thực hiện
Bài: Lê Hồng Lâm
Ảnh: Tổng hợp