Dzũng Yoko Artbook 5: Nhị Nguyên – Từ phân cực đến dung hòa

Đăng ngày:

Dzũng Yoko là một cá nhân đặc biệt trong bối cảnh đời sống nghệ thuật đang nở rộ ở Việt Nam. Kiên định với việc ra mắt artbook đều đặn hằng năm trong khi không ít sản phẩm sáng tạo đã dần chuyển sang định dạng kỹ thuật số, Dzũng Yoko tự dựng nên một ốc đảo cho riêng mình, nơi những giá trị truyền thống song hành cùng vẻ đẹp chân phương, thời trang kết giao cùng nhiếp ảnh, các ý tưởng điên rồ va đập vào nhau nơi chân trời mộng tưởng, và những cuộc đối thoại ngày càng đào sâu vào chốn hỗn mang thăm thẳm của loài người.

Từng giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo của các tạp chí thời trang lớn trong nhiều năm, thế mạnh của Dzũng Yoko luôn là ý tưởng. Khi lấn sân sang nhiếp ảnh, anh như bước lên một nấc thang mới. Việc được trực tiếp hiện thực hóa các hình ảnh tưởng tượng trong đầu cùng với sự chi phối của cảm xúc cá nhân ở thời điểm bấm máy đã cho phép anh tạo nên những đứa con tinh thần nguyên bản và “đúng” với mình nhất. Với phương thức sáng tạo tập trung vào câu chuyện được kể, Dzũng Yoko luôn cố gắng giữ lại vẻ đẹp thuần túy trong mỗi bức ảnh. Nếu để ý, sẽ thấy anh rất thích chơi đùa với ánh sáng tự nhiên và hạn chế can thiệp vào chủ thể trong quá trình hậu kì.

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 11

Ảnh: Dzũng Yoko

Trên phông nền của những rung cảm nguyên sơ đó, hình ảnh hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh truyền tải ý tưởng và quan niệm duy mỹ độc đáo của Dzũng Yoko. Là một người rất giỏi kể chuyện bằng nhiếp ảnh thời trang, Dzũng Yoko đã không ít lần gửi gắm những suy tư sâu kín trong tác phẩm của mình. Đó là thế giới sáng tạo đầy chất thơ trong Day Dreamer, lòng tôn kính dành cho văn hóa Á Đông trong Going East, vẻ đẹp đa dạng của tình yêu trong Love, con đường đạt đến chánh niệm trong Mindfulness và lần này là cuộc đối thoại giữa những thái cực thuộc về Nhị Nguyên.

Lần này, Dzũng Yoko chọn Hải Âu là người chấp bút cho quyển sách của mình. Bằng những lập luận vừa trí tuệ vừa giàu chất thơ, bằng ngôn từ vừa tường minh vừa đầy ẩn ý, ngòi bút của Hải Âu đã rất thành công khi chuyển hóa ý tưởng trong các bộ hình của Dzũng Yoko thành những thông điệp rung động, gợi mở và đầy tính khai sáng. Từng giữ vị trí Quản lý nội dung kỹ thuật số cho các tạp chí lớn, không có gì phải nghi ngờ về hệ thống kiến thức vừa rộng vừa sâu của Hải Âu. Chị cũng là người giúp Dzũng Yoko gọi tên những ý niệm ban đầu về Nhị Nguyên.

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 1

Ảnh: Dzũng Yoko

Nhị Nguyên – Những phân mảnh hoàn hảo của vũ trụ

Những mảnh ý tưởng rời rạc cho cuốn artbook thứ 5 đã được Dzũng Yoko ấp ủ trong suốt nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ đến khi những biến động diễn ra trong năm 2020 buộc Dzũng Yoko phải dành nhiều thời gian cho bản thân, anh mới có cơ hội quan sát kỹ hơn những giằng xé nội tại và đi tìm câu trả lời cho vạn câu hỏi bên trong mình. Những trải nghiệm “không hề dễ chịu” này đã giúp anh xâu chuỗi lại mạch tư duy và phác thảo nên bức tranh Nhị Nguyên.

“Trong mọi thời hỗn mang đều có một vũ trụ, trong mọi sự xáo trộn đều có một trật tự bí mật”

– Carl Gustav Jung –

Nhị Nguyên là một học thuyết đã được các triết gia từ thời cổ đại đề cập đến mà điển hình là Lão Tử của Trung Quốc và Heraclitus của Hy Lạp. Bất cứ lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp giữa hai đối tượng đều mang hình thái của Nhị Nguyên. Trong triết học, Nhị Nguyên là nền tảng của sự phân tách giữa thể xác và linh hồn, vật chất và ý thức, được khởi xướng bởi nhà triết học duy lý Descarte. Trong đạo đức học, Nhị Nguyên được thể hiện qua sự đối đầu của thiện/ác, lành/dữ. Trong tôn giáo, Nhị Nguyên mang dáng hình của cái thiêng/cái phàm, thiên thần/ác quỷ, sinh/diệt, âm/dương. Trong Vật lý và Khoa học vũ trụ, vẫn luôn tồn tại mối quan hệ không thể lý giải giữa vật chất/phản vật chất, lực/phản lực, ánh sáng/bóng tối, vi mô/vĩ mô. Trong đời sống xã hội, Nhị Nguyên được phản chiếu qua ngày/đêm, nam/nữ, trắng/đen, yêu/ghét…

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 8

Ảnh: Dzũng Yoko

Những thái cực này không thể tách rời mà luôn tồn tại song song hoặc luân phiên, có mối quan hệ biện chứng, dù đối lập nhưng lại tương hỗ, trong cái này luôn ẩn chứa cái kia, cái này biến mất thì cái kia cũng không còn. Tất cả tạo nên một thế cân bằng hoàn hảo cho toàn bộ vũ trụ.

Thông qua quá trình đối thoại tự thân, Dzũng Yoko phát hiện những phân mảnh trái ngược bên trong con người mình. Cùng với việc quan sát những biểu hiện cuộc sống, anh khám phá ra sự tồn tại của tư duy Nhị Nguyên và tái hiện qua ngôn ngữ nhiếp ảnh của mình. Cuốn sách có cấu trúc đối xứng với những bộ hình bắt đầu từ hai nửa tiến về giữa, mang các thông điệp đối lập: “Khu vườn tâm trí” (phần sáng) – “Khu vườn tâm trí” (phần tối); “Ánh sáng” – “Bóng tối”, “Tàn Xuân”; “Dòng chảy” – “Xung động”; “Tri kỷ” – “Hải đảo tự thân”.

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 5

Ảnh: Dzũng Yoko

Nếu “Tri kỷ” mô tả sự phản chiếu của những tâm hồn đồng điệu – ngay cả khi đó là cái bóng của chính mình – như một lời gợi nhắc về sự may mắn của kiếp làm người, rằng ta không hề cô đơn; thì “Hải đảo tự thân” lại nhấn mạnh sự thật rằng “Chỉ có duy nhất một người chắc chắn sẽ ở lại với tôi cho đến cuối đời, đó là chính tôi”, rằng an trú vào giá trị nội tại là cách duy nhất để vượt qua bão giông.

Nếu “Dòng chảy” là sự nhập cuộc vào không gian tĩnh lặng tối cao của tâm trí, một vùng linh thiêng, nơi tiệm cận với chánh niệm; thì “Xung động” lại bước vào hồng trần khoái cảm, nơi sự nhạy bén của giác quan bộc phát không do dự, những rung động thầm kín và riêng tư được phơi bày.

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 2

Ảnh: Dzũng Yoko

Nếu “Ánh sáng” tượng trưng cho nhựa sống, niềm vui, sự hân thưởng, năng lượng tích cực, những ủi an, tin tưởng, một thứ con người khát khao vươn tới và bấu víu; thì “Bóng tối”, ngược lại, là hố sâu thăm thẳm, là bão cát nóng rẫy, là vụn vỡ, nghẹt thở, tuyệt vọng, gào thét, những gì u ám nhất mà con người luôn muốn trốn tránh và chối bỏ. Trong khi đó, “Tàn Xuân” lại ẩn dụ cho sự hữu hạn của mọi khoảnh khắc, nơi con người ta tràn ngập sự nuối tiếc và lạc lõng.

Và nếu “Khu vườn tâm trí” được gieo những hạt mầm an lạc, tắm trong ánh nắng, ta sẽ có một khu vườn rực rỡ; còn nếu chìm trong đêm thẳm, bị bỏ mặc tự sinh tự diệt, ta sẽ có một khu vườn lạnh lẽo, tràn ngập bất an.

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 3

Ảnh: Dzũng Yoko

Tính phân cực được Dzũng Yoko tập trung thể hiện qua bố cục, màu sắc, ánh sáng, trang phục, concept, phong cách trang điểm; có khi hiển hiện rõ ràng, trần trụi, có khi ẩn dụ, hình tượng hóa, đòi hỏi sự cảm thụ và chiêm nghiệm rất riêng tư của người xem.

Thậm chí, cả sự tương phản màu sắc giữa chủ thể và phông nền cũng được cài cắm đầy chủ ý. Đặt những gam màu bổ túc nguyên bản cạnh nhau vừa làm bức ảnh trở nên nổi bật – có gì đó gay gắt và xốn mắt, lại vừa vẽ nên những ranh giới tách bạch, không thỏa hiệp, ngụ ý cho sự tồn tại độc lập bất biến của các thái cực Nhị Nguyên.

Nhất Nguyên – Hay con đường trở về với chân lý

Từ hai đầu cuốn sách, những bộ ảnh đối lập tiến về giữa và rồi gặp nhau ở “Nhất thể”. “Nhất thể” là giao điểm, cũng là cán cân tạo nên thế cân bằng cho những khía cạnh tương phản.

Trên một cán cân, với hai vật có cùng trọng lượng, khoảng cách từ hai đầu đến trục càng xa, sự kết nối càng lỏng lẻo, thế cân bằng càng khó giữ vững. Khi hai vật càng tiến về gần trục, khoảng cách thu hẹp lại, thế cân bằng trở nên vững chãi hơn. Khi hai vật hợp nhất, cán cân không còn nữa.

Vậy nên, “Nhất thể” đòi hỏi sự dung hòa.

“Tốt và xấu, sướng và khổ, sống và chết không phải là những kinh nghiệm có tính tuyệt đối, thuộc về các loại hình khác nhau, mà chỉ là hai mặt của một thực tại duy nhất”

– Fritjof Capra –

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 7

Ảnh: Dzũng Yoko

“Nhị Nguyên thực ra là một điều không tốt. Nếu chúng ta càng yêu/ghét rõ ràng, càng phân biệt tôi/họ, lúc nào cũng nhìn nhận sự việc chỉ với một mặt cực đoan, chúng ta sẽ càng khổ”, Dzũng Yoko chia sẻ, “Tôi từng là một người yêu/ghét rất rõ ràng, vì thế mà tôi từng chìm trong đau khổ một thời gian dài. Nhờ thực hiện quyển sách này, tôi hiểu được cơ chế vận hành của cuộc sống và thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.

Tâm phân biệt chính là tác nhân phá vỡ thế cân bằng của Nhị Nguyên. Khi chúng ta ôm lấy một bên và chối bỏ một bên, chúng ta vô tình khiến cho sự bất cân bằng trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn. Đến một lúc nào đó, khi cán cân nghiêng hẳn qua một bên, chúng ta sẽ sống trong đêm trường của sự vô minh. “Nhị Nguyên nhắc nhở rằng ai cũng có mặt tối. Nhưng trong bóng tối luôn có ánh sáng, cũng như trong ánh sáng luôn tồn tại bóng tối. Nếu mình dám đối diện với bóng tối, lắng nghe tiếng nói trần trụi từ bên trong, thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với nó, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn”. Khi chúng ta đối đãi với cả tốt/xấu, khen/chê, yêu/ghét với một cái tâm công minh, nhìn nhận mọi sự với cả mặt trái lẫn mặt phải, chúng ta sẽ tìm thấy thăng bằng và an yên ở bên trong.

Dzũng Yoko Artbook Nhị Nguyên 13

Ảnh: Dzũng Yoko

Đạo giáo có câu: Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Cái gốc của Lưỡng Nghi (Âm – Dương) là Thái Cực (Nhất Nguyên). Vậy nên, giữ cho Lưỡng Nghi cân bằng chính là tạo nên hòa hợp, khi Lưỡng Nghi hòa hợp, ta tiến về Thái Cực và rồi trở lại với Hư Vô. Đó là lúc cái “Chân” hiển lộ.

Vạn vật ở đời đều có cùng khởi nguyên, trong cái “tôi” luôn chứa cái “ta”. Năm 1984, nhà Vật lý người Anh gốc Hungary, Dennis Gabor, phát hiện ra bí mật của Toàn ảnh – Hologram. Khi lấy một mẩu phim Hologram đã bị cắt vụn và soi chiếu dưới tia laser, toàn bộ hình ảnh gốc sẽ hiện lên đầy đủ, nguyên vẹn. Điều này đã thay đổi góc nhìn Vật lý lẫn Triết học: Trong cái “bộ phận” luôn mang đầy đủ thông tin của “toàn bộ”. Như một mẩu ADN có thể tạo nên một sinh vật, và từng tế bào của con người phản ánh sự sống của vũ trụ.

Nếu hiểu được mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau của mọi sự, có lẽ ta sẽ phần nào bỏ đi những định kiến, sự phân ly cảm xúc, tư duy Nhị Nguyên, để cho đôi mắt được giải thoát khỏi những hạn hẹp, trí huệ rộng mở và hợp nhất với dòng chảy của cuộc đời.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more