Sau thành công vang dội của Lật Mặt 7: Một Điều Ước, Lý Hải dường như vẫn muốn tiếp tục khai phá triệt để và sâu hơn địa hạt gia đình, tình thân. Đặt trong bối cảnh văn hóa thần tượng đang làm mưa làm gió, anh không bỏ qua cơ hội kết hợp âm nhạc và ước mơ nghệ thuật của giới trẻ vào kịch bản. Đây là một sự lựa chọn thông minh, phản ánh sự nhạy bén với xu hướng hiện đại. Tuy chưa đạt đến chiều sâu tâm lý như kỳ vọng, Lật Mặt 8 vẫn cho thấy sự chân thành trong cách đặt cảm xúc gia đình vào giữa những mâu thuẫn thế hệ. Đó là nơi người cha học cách lùi lại, người con học cách kiên trì và khán giả, ở mọi độ tuổi, có thể soi mình vào để thấu hiểu, hoặc để tha thứ.

Mô típ cũ, cách kể chuyện không mới nhưng vừa đủ “chạm”
Lật Mặt 8: Vòng Tay Nắng xoay quanh nhân vật chính là Tâm (Đoàn Thế Vinh), một cậu thanh niên 17 tuổi mơ ước trở thành ca sĩ. Tuy nhiên, ước mơ ấy không được gia đình đồng tình, nhất là người cha, luôn áp đặt một hình mẫu lý tưởng về con đường thành công. Theo chân nhóm nhạc trẻ, phim khai thác hành trình theo đuổi đam mê của những thanh niên mới lớn và mở ra một góc nhìn chân thực về lo âu của bậc phụ huynh.
Ở đó, Tâm đại diện cho thế hệ trẻ nuôi mộng làm nghệ thuật, còn ông Phước – người cha nặng lòng thực tế là hình ảnh quen thuộc trong nhiều gia đình Việt. Phụ huynh lo lắng cho tương lai của con cái. Ngược lại, con cái lại cảm thấy bị kìm hãm, không được tự do lựa chọn con đường của mình. Khi những mâu thuẫn dần lắng xuống, phim không cố đẩy khán giả vào nước mắt bằng bi kịch, mà chọn cách nhẹ nhàng hơn: sự lùi bước và khoảnh khắc cha con nhìn nhau không cần thoại, đủ sức lay động.
Tương tự như các phần phim trước, thông điệp về tình cha con tiếp tục được nhấn mạnh. Dẫu thế, Lật mặt 8: Vòng tay nắng lại gặp phải vấn đề trong cách triển khai mâu thuẫn này, đặc biệt trong việc thể hiện sự thay đổi quan điểm của nhân vật ông Phước.
Trong phim, phần đầu chủ yếu tập trung vào hành trình theo dõi và cản trở của vợ chồng ông Phước đối với mơ ước tập nhảy của con. Lý do của ông rất rõ ràng: nghệ thuật không phải là con đường dẫn đến thành công hay sự giàu có, và ngay cả những ngôi sao nổi tiếng cũng chỉ là nạn nhân của các công ty quản lý, bị bóc lột sức lao động. Đây là một quan điểm thực tế và có phần hợp lý. Ở phần sau, ông Phước nhận ra rằng ước mơ của con cái cũng quan trọng, và nghệ thuật có thể trở thành cơ hội thay đổi cuộc sống. Lúc này, ông bắt đầu dốc toàn bộ tiền bạc và công sức để đầu tư cho con.
Sự chuyển biến tâm lý của nhân vật từ thái cực này sang thái cực kia không thực sự thuyết phục, thiếu sự logic trong quá trình thay đổi. Thay vì đào sâu nội tâm, phim lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn một cách êm dịu, thuận chiều, khiến các cao trào nhanh chóng trôi qua và không đọng lại.
BÀI LIÊN QUAN
“Thương hiệu” hay “lối mòn”?
Bắt đầu từ năm 2015, loạt phim Lật Mặt đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường điện ảnh Việt nhờ kết hợp hài hòa yếu tố gia đình, hành động và truyền tải những thông điệp nhân văn. Qua bảy phần phim, Lý Hải đã tạo dựng thương hiệu điện ảnh vững chắc, ghi điểm với khán giả nhờ hình ảnh một đạo diễn luôn gắn liền với sự kính nghiệp và nhiệt huyết.
Lật mặt 8: Vòng tay nắng đánh dấu lần trở lại quen thuộc của Lý Hải với dòng phim gia đình pha yếu tố giải trí nhẹ nhàng – công thức từng giúp anh chinh phục khán giả đại chúng suốt gần một thập kỷ qua. Dẫu thế, sau tám phần phim, dấu hiệu lặp lại và bão hòa ngày càng rõ nét, đặc biệt trong cách triển khai kịch bản và xử lý xung đột tâm lý.
Điểm dễ nhận thấy nhất là mô típ về xung đột giữa cha mẹ và con cái: người lớn bảo thủ, con trẻ khao khát theo đuổi đam mê đã trở nên quá quen thuộc và được xử lý trong nhiều phim Việt gần đây như Bố già, Nhà Bà Nữ hay Hai Muối. Trong phim, nhân vật người cha bảo thủ, không chấp nhận đam mê ca hát của con trai, rồi dần nhận ra sai lầm và thay đổi, tạo nên trục xung đột chính. Tuy nhiên, tuyến truyện này được triển khai theo lối kể tuyến tính, dễ đoán, thiếu sự bất ngờ hoặc những bước ngoặt đủ mạnh để khơi gợi cảm xúc sâu sắc nơi người xem.
Trái ngược với Một Điều Ước, câu chuyện được kể qua góc nhìn của bà Hai, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc những tâm tư của cả gia đình qua mỗi phân cảnh, Vòng Tay Nắng lại không có sự đồng nhất trong cách tiếp cận. Việc liên tục thay đổi góc nhìn giữa thế hệ phụ huynh và thế hệ trẻ khiến mạch cảm xúc trở nên đứt quãng, bởi những lo toan và thế giới quan của họ hoàn toàn khác biệt.
Lý Hải mong muốn khán giả có thể đồng cảm với cả hai nhóm nhân vật, nhưng cách xử lý tình huống trong Vòng Tay Nắng có phần an toàn, những xung đột và nút thắt trong phim đều được giải quyết một cách nhanh chóng và dễ dàng, không tạo được sự căng thẳng cần thiết để làm nổi bật thông điệp mà phim muốn gửi gắm.
Ở khía cạnh thị giác, phim vẫn giữ lối quay truyền thống với bối cảnh miền quê và ánh sáng tự nhiên – điểm mạnh quen thuộc của thương hiệu Lật mặt. Thế nhưng, sự an toàn trong cách dàn dựng và bố cục hình ảnh khiến phần nhìn không có nhiều điểm nhấn mới. Ngay cả yếu tố âm nhạc cũng chưa đủ sức tạo đột phá, phần vì chưa được khai thác sâu, phần vì ca khúc chưa thực sự nổi bật để trở thành cú hích lan tỏa ngoài rạp.
Xem thêm
•[Review phim] “Vô Ưu Độ”: Phim cổ trang trừ yêu đậm chất Trung Hoa
•[Review phim] “The Last of Us 2”: Mùa phim của sự mất mát và trưởng thành
•[Review phim] “Resident Playbook”: Chuyện nghề y qua góc nhìn của những bác sĩ nội trú
Khi dàn cast đa phần là “tân binh”
Trong Lật Mặt 8: Vòng Tay Nắng, một yếu tố đáng chú ý là việc đạo diễn Lý Hải tạo cơ hội cho dàn diễn viên trẻ, nhiều trong số đó là những gương mặt quen thuộc từ mạng xã hội. Sự góp mặt của nhiều TikToker trong Lật Mặt 8: Vòng Tay Nắng là một bước đi chiến lược của Lý Hải trong việc thu hút tệp khán giả trẻ. Điều này cũng đặt ra một thách thức không nhỏ về chất lượng diễn xuất.
Trong vai Khang xe ôm, Lê Tuấn Khang mang đến một hình ảnh chân chất, giản dị, gần gũi với công chúng. Với lối diễn tự nhiên, anh tạo ra những khoảnh khắc hài hước nhẹ nhàng, giúp bộ phim thoát khỏi những giây phút căng thẳng, tạo nhịp điệu tươi mới cho câu chuyện. Dù thể hiện được sự duyên dáng và chân thật nhưng những hạn chế về biểu cảm, kỹ năng xử lý các tình huống tâm lý phức tạp khiến nhân vật của anh chưa đủ sức tạo ra dấu ấn mạnh mẽ.
Các diễn viên trẻ khác, như Tín Nguyễn, Đại An và Lê Huỳnh Bảo Ngọc, với ngoại hình sáng và phù hợp với xu hướng thị hiếu của khán giả trẻ, tuy có tiềm năng, nhưng lại gặp phải những hạn chế trong diễn xuất. Trong các phân đoạn đòi hỏi diễn xuất tinh tế về nội tâm, hoặc những mâu thuẫn gia đình căng thẳng, họ không thể truyền tải được đủ độ sâu và sự thuyết phục.
Không thể phủ nhận phim thành công trong việc khai thác các gương mặt trẻ đầy triển vọng, nhưng vấn đề về sự chín muồi trong diễn xuất vẫn là một yếu tố cần được xem xét kỹ lưỡng trong các sản phẩm điện ảnh tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng diễn xuất và tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn với khán giả.
Trong khi các “tân binh”gặp phải những hạn chế nhất định, màn thể hiện xuất sắc của những gương mặt gạo cội cũng vô tình làm nổi bật sự non nớt và thiếu chiều sâu của dàn diễn viên trẻ, khiến một số phân đoạn trong phim trở nên kém thuyết phục về mặt cảm xúc. Dù vậy, dàn nghệ sĩ kỳ cựu như NSƯT Kim Phương, NSƯT Hữu Châu, Chiều Xuân, Tuyết Thu và Ngân Quỳnh vẫn góp phần nâng tầm bộ phim.
Đặc biệt, Long Đẹp Trai, trong vai người cha truyền thống, thể hiện sự đối lập rõ rệt giữa tình yêu thương và sự áp đặt đối với con cái. Qua ánh mắt, cử chỉ và sự tiết chế trong từng động tác, anh đã tạo nên hình ảnh người cha đầy mâu thuẫn. Vai diễn này cho thấy sự trưởng thành rõ rệt của anh trong kỹ năng diễn xuất, khác hẳn với những vai hài quen thuộc trước đây.
Tựu trung, Lật Mặt 8 dễ tiếp cận với những khán giả yêu thích những câu chuyện gia đình nhẹ nhàng và thông điệp tích cực. Nhưng với những khán giả trung thành của thương hiệu Lật Mặt, bộ phim khó lòng đáp ứng được kỳ vọng về một sự bứt phá. Để giữ vững sức hút cho những dự án tiếp theo, có lẽ đã đến lúc đạo diễn Lý Hải cần phải tìm kiếm một lối đi mới, sáng tạo hơn và thử nghiệm nhiều hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân