Viola & Bộ gõ Việt Nam – Sự cộng hưởng đầy bất ngờ

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 10/2018] Có thể nói Viola và bộ gõ Việt Nam là hai thế giới riêng biệt. Tuy nhiên, hai thế giới này khi kết hợp với nhau lại tạo ra một sự cộng hưởng đầy bất ngờ.

Một sáng tạo đơn thuần

Nghệ sĩ viola tài năng Phạm Vũ Thiên Bảo tốt nghiệp Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Cao cấp Paris, nơi anh kết bạn với nhạc sĩ trẻ Maël Bailly. Lúc du học ở Pháp, Bảo từng làm đề tài thạc sĩ về cách viết cho bộ gõ Việt Nam. Anh tổ chức concert và mời một số người bạn sang Pháp biểu diễn nhiều tác phẩm của dàn nhạc Phù Đổng, đồng thời giới thiệu bản nhạc hoàn chỉnh (các nhạc phẩm cho bộ gõ trước đây thường được lưu hành dưới hình thức truyền miệng, phi văn bản). Tại concert đó, Maël đã ngay lập tức bị thu hút bởi các nhạc cụ độc đáo này. Sau nhiều lần trao đổi tài liệu với nhau, Maël và Bảo mong muốn thực hiện một dự án âm nhạc kết hợp bộ gõ Việt Nam và viola của phương Tây. Ấp ủ suốt 3 năm trời, mãi đến thời gian gần đây, dự án mới nhận được tài trợ của Nguyễn Thiện Đạo Foundation – tổ chức của cố nhạc sĩ huyền thoại người Pháp gốc Việt – và sự hỗ trợ của hai người bạn Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam. Hai anh em Sơn và Nam sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc là Đoàn Nhạc gõ Phù Đổng nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm 1986 – 1996. Trong tác phẩm mới của Maël Bailly, Bảo sẽ chơi viola còn Nam và Sơn biểu diễn với 2 dàn bộ gõ, mỗi bộ gồm khoảng 25 – 30 nhạc cụ khác nhau.

bộ gõ Việt Nam 1

Nhạc sĩ Maël Bailly đoạt giải sáng tác của Académie Voix Nouvelle năm 2016. Anh từng là nhạc sĩ sáng tác cho Nhạc viện Persan- Beaumont và hiện tại là dàn nhạc Cayolle (Marseille).

Maël Bailly bắt đầu sang Việt Nam vào đầu tháng 7/2018 và dành một tháng ở đây để nghiên cứu bộ gõ Việt Nam hiện có của dàn nhạc gõ Phù Đổng (đa phần thuộc BST của nghệ sĩ Đức Dậu và nghệ sĩ Mai Thanh Sơn). Song song đó, nhạc sĩ người Pháp cũng bắt đầu viết những chương đầu tiên của bản nhạc, đồng thời làm việc với Sơn và Bảo (lúc này Nam vẫn đang ở Pháp). Tháng 8, Maël trở về Pháp, hoàn thiện những chương còn lại và cho ra đời tác phẩm mang tên Une aubade et quatre étonnements (Một khúc nhạc sớm và 4 sự bất ngờ). Tác phẩm gồm 6 chương nhỏ với tổng thời gian biểu diễn khoảng 12 phút, mỗi chương lại mang đến những màu sắc khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Với tác phẩm lần này, Maël không chủ đích kể một câu chuyện cụ thể mà chỉ thể hiện ý tưởng, trải nghiệm anh có được trên con đường đi tìm âm thanh mới. Đó thực sự là một sáng tạo đơn thuần!

bộ gõ Việt Nam 2

Thạc sĩ – nghệ sĩ Mai Thanh Sơn tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện TP.HCM năm 2006 và hiện là giảng viên kiêm trưởng phòng đối ngoại của Nhạc viện.

Sáng tác mới của Maël sẽ lần đầu được công diễn trong buổi hòa nhạc giới thiệu tác phẩm diễn ra vào tháng 11/2018 tại Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Cao cấp Paris. Bảo chia sẻ, đối với cả nhạc sĩ lẫn nghệ sĩ trình diễn, buổi hòa nhạc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi tác giả viết ra một nhạc phẩm, đó mới chỉ là bước đầu tiên của quá trình sáng tạo. Nó sẽ là ý tưởng nằm trên giấy mãi mãi cho đến khi có người biến nó thành âm nhạc và được công chúng thưởng thức. Vậy nên, khi Bảo, Sơn và Nam trình diễn trong buổi hòa nhạc lần này, đó mới là lúc nhạc phẩm của Maël Bailly chính thức sinh ra đời.

bộ gõ Việt Nam 3

Nghệ sĩ viola Phạm Vũ Thiên Bảo giành được nhiều giải thưởng quốc tế và từng là thành viên dàn nhạc baroque Opalescence. Năm 2015, Bảo về Việt Nam lập nhóm Le Duo và hiện đang giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM. Anh liên tục được mời biểu diễn ở những festival âm nhạc lớn của châu Âu.

Những âm thanh độc nhất vô nhị

Thật khó để nói hết sự phức tạp và yếu tố nguyên bản (khởi đầu) trong sáng tạo lần này của Maël. Không chỉ là tác phẩm đầu tiên trên thế giới viết cho viola và bộ gõ Việt Nam, đây còn là một trong những bản tổng phổ hiếm hoi ghi lại chính xác từng nốt cho bộ gõ (vốn chỉ được chơi một cách ngẫu hứng). Bộ gõ Việt Nam của dàn nhạc Phù Đổng gồm những nhạc cụ rất cổ, được làm thủ công và đến từ khắp 3 miền đất nước, từ đồng bằng cho đến vùng núi cao, khó có thể tìm được chiếc thứ hai. Chuông, chũm chọe, mõ chùa, lục lạc, sênh tiền, đặc biệt là những mõ tre già cực hiếm… đều do ông cha ta làm ra từ trăm năm trước, với những âm sắc riêng mà không một loại máy móc thời hiện đại nào có thể tạo ra được. Chỉ những nhạc cụ này mới mang lại âm thanh đúng với mong muốn của Maël, và bất cứ ai muốn biểu diễn tác phẩm đều phải tìm đúng những nhạc cụ này.

bộ gõ Việt Nam 4

Nghệ sĩ sáo trúc & bộ gõ Mai Thành Nam là em trai của Mai Thanh Sơn. Hiện tại, anh đang theo học năm cuối chương trình đào tạo giảng viên tại Pháp, đồng thời giảng dạy sáo trúc và bộ gõ Việt Nam tại thành phố Paris và Créteil.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Những bản nhạc phổ cổ điển sẽ có quy chuẩn ký âm chung, nhưng những bản nhạc mới thì không. Thậm chí, các nhạc sĩ trẻ còn tạo ra những quy ước hoàn toàn mới và người trình diễn buộc phải học các ký hiệu âm nhạc của riêng họ. Tôi có cơ hội xem bản nhạc phổ viết tay của Maël (dĩ nhiên tôi không hiểu gì cả), và đó quả thật là một bản nhạc “kỳ lạ”. Nhưng chính điều đó đã làm nên nét đặc biệt của tác phẩm: Một bản nhạc viết cho bộ gõ Việt Nam (nhạc cụ cổ đã dừng phát triển) chơi cùng nhạc cụ phương Tây (đã từng cổ những vẫn không ngừng đổi mới), với ngôn ngữ âm nhạc đương đại của thế kỷ 21. Maël không cố gắng viết theo âm hưởng dân tộc hay âm nhạc cổ điển, anh có âm thanh của riêng mình.

bộ gõ Việt Nam 5

Một số nhạc cụ cổ và hiếm trong dàn bộ gõ của gia đình nghệ sĩ Mai Thanh Sơn.

Maël chia sẻ, điều khó khăn nhất để viết nên tác phẩm này là bộ gõ Việt Nam không hề có quy tắc. Mỗi nhạc cụ lại có một tính chất khác nhau, mỗi lần đánh ở vị trí, cường độ khác nhau lại cho ra một âm thanh có sắc thái khác nhau, nên anh phải tìm cách viết để thể hiện đúng tính chất của nhạc cụ đó và làm sao để người chơi hiểu được ý muốn của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người chơi phải học từng điểm nhạc một trong toàn bộ tác phẩm. Sơn là “con nhà nòi” nhưng anh cũng phải học lại từ đầu và không thể sử dụng bất cứ kinh nghiệm có sẵn nào đối với tác phẩm của Maël.

bộ gõ Việt Nam 6

Việc Maël chọn cây viola để kết hợp với bộ gõ Việt Nam cũng hoàn toàn có chủ ý. Viola có âm vực đặc trưng không cao mà cũng không trầm, có khả năng tạo ra được những âm thanh “ở giữa”. Từ đó, Maël đi tìm các âm bồi trên cây viola có màu sắc tương đồng với những nhạc cụ gõ mà anh đã chọn ngay từ đầu. Đó là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. Khi tôi gặp họ, Maël chỉ mới viết tới chương 2, nhưng Bảo đã phải thốt lên rằng anh đang chơi những nốt mà cả đời anh chưa chơi bao giờ, nó rất lạ và thử thách kỹ thuật của anh rất nhiều.

bộ gõ Việt Nam 7

Khi được hỏi tác phẩm này sáng tác dành cho đại chúng hay cho những người am hiểu âm nhạc, Maël chỉ bảo anh viết cho bất cứ ai tìm kiếm sự bất ngờ. Những người quen nghe nhạc cổ điển sẽ bị bất ngờ bởi những âm thanh hoàn toàn mới, còn những người quen nghe nhạc thị trường sẽ bất ngờ vì không phải lúc nào âm nhạc cũng có giai điệu. Tất nhiên, người thưởng thức cũng cần phải mở lòng. Nếu chỉ đơn thuần đến để trải nghiệm một khoảnh khắc trong cuộc sống, để nghe những âm thanh chưa từng nghe trước đây, người nghe có thể sẽ thích hoặc không thích, cũng không cần phải nói tôi hiểu hay không hiểu. Có ai hiểu được con chim hót gì? Nhưng có người thích tiếng chim, có người lại không. Tiếc là rất ít người đi nghe nhạc với một tâm tưởng tự do như thế. Còn tác phẩm lần này có được đón nhận hay không, có được lưu lại đến ngày sau hay không, hãy để lịch sử trả lời.

Xem thêm:

Hòa nhạc Hublot loves Art – Lang Lang concert tại Nhà Hát Lớn Hà Nội: Sự trở lại của một huyền thoại

Ca sĩ Tùng Dương tham gia đêm nhạc “Trúc Bạch Concert – Thanh âm cảm xúc”

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more