Time Anxiety: Làm thế nào khi bạn cảm thấy thời gian không bao giờ đủ?

Đăng ngày:

Thời gian trôi đi như một dòng chảy và không bao giờ quay lại. Khi cuộc sống bận rộn, bạn bị cuốn theo quỹ đạo của thời gian, từ đó dễ dàng trở nên áp lực, căng thẳng và tạm quên đi giá trị cuộc sống.

Thời gian luôn có hai mặt rõ rệt, nếu sử dụng đúng, chúng sẽ trở thành món quà quý báu nhất trong cuộc đời. Ngược lại, nếu dùng sai, bạn sẽ vô tình trở thành “nô lệ” của thời gian. 

Vậy làm sao để biết bạn có đang bị lệ thuộc vào thời gian? Nếu bạn có cảm giác bất an khi nhìn vào đồng hồ vì sợ thời gian không đủ để hoàn thành hết mọi việc. Hoặc bạn bối rối khi phải quyết định xem mình cần làm gì tiếp theo. Hay đơn giản bạn cảm thấy tội lỗi khi hiệu suất làm việc chưa được như mong muốn. Vậy có thể bạn đã mắc phải trạng thái “Time Anxiety” (cảm giác lo lắng, bất an về thời gian).

Rất khó để nhận ra rằng liệu bạn có phải là nạn nhân của Time Anxiety không bởi vì nó không bộc phát như một loại bệnh lý mà âm thầm len lỏi vào cuộc sống hằng ngày. Bạn sẽ luôn cảm thấy thời gian như kẻ thù đeo đuổi bạn trong mọi việc. Từ đó, bạn có cảm giác quay cuồng trong hàng tá công việc và bị mắc kẹt trong những cơn stress kéo dài.

Time anxiety là gì?

Nỗi sợ về thời gian là gì

Ảnh: Pexels/phgaltri

Đó là một loại cảm giác biểu hiện sự bất an hoặc thậm chí sợ hãi khi mỗi giờ đồng hồ trôi qua. Bạn liên tục chạy theo thời gian, ngay cả khi điều đó làm bạn căng thẳng, bạn vẫn muốn làm mọi thứ thật nhanh để hoàn thành mục tiêu. Và khi thời gian đi kèm với sự sợ hãi, chúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe của bạn.

Biểu hiện của Time Anxiety trong công việc?

  • Bạn lo lắng về việc đi học/đi làm muộn, hoặc đến muộn trong các cuộc họp và sự kiện
  • Bạn luôn trong trạng thái gấp rút khi thực hiện deadline
  • Bạn bối rối trong việc sắp xếp thứ tự công việc cần làm
  • Bạn làm việc rất vội vàng vì tự ti về năng suất của mình
  • Bạn có cảm giác bản thân đang bị bỏ lại phía sau 
  • Bạn làm việc ngay cả trong giờ giải lao hoặc mang việc về nhà để kịp tiến độ 

Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng Time Anxiety?

Hầu hết chúng ta đã từng trải qua nhiều khó khăn trong việc quản lý thời gian. Bạn có thể tràn đầy hy vọng mỗi sáng thức dậy và tin rằng hôm nay mình sẽ hoàn thành xong hết công việc, sau đó dành thời gian cho bản thân như tập thể dục, nấu ăn, thư giãn… Nhưng khi mọi việc diễn ra không như mong muốn, bạn sẽ dần nản chí và ngay khoảnh khắc đó, trạng thái time anxiety xuất hiện. Vậy hãy cùng điểm qua một số nguyên nhân phổ biến gây ra trạng thái này và các mẹo nhỏ để khắc phục nhé! 

Nguyên nhân thứ 1: Bạn không biết cả ngày hôm nay mình đã làm gì

Không có kế hoạch quản lý thời gian hiệu quả

Ảnh: Pexels/Darya Sheydel

Nguyên nhân lớn nhất gây ra Time Anxiety chính là bạn không có kế hoạch quản lý thời gian hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, có đến 82% người đi làm không thể sắp xếp và hoàn thành tốt công việc của họ chỉ vì không có kế hoạch quản lý thời gian. Điều này càng tệ hơn nếu bạn chỉ đến công ty để chấm công, làm qua loa có lệ hay mong nhanh đến giờ tan làm. Khi bạn không cần biết chính xác thời gian của mình đang được sử dụng vào mục đích gì, việc bạn cảm thấy lo lắng và mất kiểm soát trong công việc chắc chắn sẽ xảy ra như một hệ quả tất yếu.

Giải pháp: Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên cố gắng xem xét lại cách sử dụng thời gian của mình gần đây. Một số phương pháp quản lý thời gian bạn có thể tham khảo như: Time Blocking (chia khung giờ để giải quyết từng công việc); Pomodoro Timer (tập trung cao độ trong 25 phút, nghỉ 5 phút và cứ lặp lại đến khi hoàn thành xong việc). Hoặc cách đơn giản và dễ áp dụng nhất chính là sử dụng các ứng dụng hỗ trợ quản lý thời gian.


Xem thêm:

• Tại sao độc thân là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong đời?

• 7 điều không đáng để bạn phải lãng phí thời gian của mình

• 9 chia sẻ từ chuyên gia về cách sử dụng thời gian có ý nghĩa hơn


Nguyên nhân thứ 2: Bạn không xác định được mục tiêu rõ ràng

Không xác định được mục tiêu rõ ràng

Ảnh: Unsplash/Elia Pellegrini

Nguyên nhân thứ hai gây ra Time Anxiety chính là bạn không biết mình đang nỗ lực vì điều gì, hoặc bạn luôn có tâm trạng trống rỗng và cảm thấy công việc hiện tại không mang lại nhiều ý nghĩa cho mình. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến động lực làm việc cũng như sức khỏe tinh thần của bạn.

Giải pháp: Bạn nên dành một chút thời gian để suy ngẫm về những mục tiêu và sứ mệnh của cuộc đời mình. Bạn muốn mình thành công như thế nào trong 1 năm, 5 năm, 10 năm tới? Bạn có đang cảm thấy hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại? Hãy đưa ra câu trả lời đúng đắn để vực dậy động lực, năng lượng của bản thân.

Nguyên nhân thứ 3: Bạn không biết cách tận dụng thời gian hiệu quả

Như đã đề cập phía trên, Time Blocking là một trong những kỹ thuật quản lý thời gian phổ biến nhất. Bên cạnh đó, phương pháp này sẽ đạt được hiệu quả tối đa nếu bạn đang rơi vào trạng thái lưỡng lự và không biết mình nên làm gì tiếp theo. Việc tạo thói quen chia nhỏ các khung giờ dành cho từng công việc cụ thể sẽ giúp bạn tận dụng thời gian tốt hơn.

Giải pháp: Để áp dụng phương pháp Time Blocking, bạn có thể bật ứng dụng lịch trên điện thoại của bạn và bắt đầu chia nhỏ mọi thứ trong lịch trình từ các công việc đơn giản đến chuyên sâu. Điều này có khả năng giúp năng suất của bạn tăng lên đến 80%. 

Nguyên nhân thứ 4: Bạn không lập kế hoạch cụ thể 

Nếu bạn rơi vào ít nhất một trong những nguyên nhân kể trên và đang có ý định áp dụng Time Blocking hoặc bất kỳ phương pháp quản lý thời gian nào khác, bạn cần lập ra các kế hoạch thực tế về cách dành thời gian hợp lý cho những ưu tiên và các đầu việc khác nhau. Có hai suy nghĩ nguy hiểm gây ra Time Anxiety là đánh giá quá thấp thời gian cần hoàn thành công việc và đánh giá quá cao năng lực của bản thân. Vì vậy, việc lập một kế hoạch mang tính khả thi, đo lường chính xác thời gian cần dành ra cho một công việc là điều vô cùng cần thiết.

Giải pháp: Hãy tạo thói quen xây dựng các kế hoạch làm việc phù hợp với mục tiêu hiện tại của bạn. Một kế hoạch chi tiết với các đầu việc cần làm giúp tăng tỷ lệ hoàn thành công việc, tăng động lực và giảm đáng kể thời gian bạn lãng phí vào việc suy nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo. Bạn cũng cần đưa ra những con số ước lượng thực tế về thời gian cần dành cho mỗi công việc để tránh lập ra một kế hoạch bất khả thi. 

Nguyên nhân thứ 5: Bạn đang bị phân tâm

Lo lắng về thời gian do phân tâm

Ảnh: Pexels/Muhammad Lutfy

Theo thống kê, cứ cách khoảng 5-15 phút, một người lại bị gián đoạn công việc trong suốt ngày làm việc của mình. Chúng ta dễ dàng mất tập trung bởi các tín hiệu gây phân tâm như cuộc gọi, tin nhắn, thông báo và cả những sự việc xung quanh. Điều này có thể khiến bạn tiêu tốn rất nhiều thời gian và khó có thể hoàn thành tốt công việc. 

Giải pháp: Lời khuyên tốt nhất cho bạn hiện tại là tắt thông báo trên các thiết bị và ứng dụng trong suốt thời gian bạn cần tập trung học tập hoặc làm việc, sử dụng thêm tai nghe chống ồn, tìm môi trường yên tĩnh hoặc đơn giản hơn là đi dạo một chút để khởi động lại tinh thần. 


Xem thêm:

• Lưu ngay list 20 bộ phim viễn tưởng về du hành thời gian để “luyện” trong dịp nghỉ lễ dài ngày

• 5 cách giúp người theo đuổi lối sống tối giản dành thời gian cho chính mình

• 12 cung hoàng đạo nên tận hưởng thời gian ở một mình như thế nào?


Nguyên nhân thứ 6: Bạn không thể nói “không” với người khác

Lo lắng về thời gian do không thể nói không

Ảnh: Pexels/Yaroslav Shuraev

Có thể nói đây là một trong những cản trở lớn nhất mà hầu như ai cũng từng mắc phải. Đó chính là chúng ta thường ngại làm cho đồng nghiệp hoặc bạn bè thất vọng. Về cơ bản, bạn không bao giờ có thể có thời gian cho mọi thứ trong vòng 24 giờ. Việc cố gắng ôm đồm tất cả chỉ có thể dẫn đến chất lượng công việc bị giảm sút, thậm chí khiến bạn trở nên căng thẳng và áp lực hơn. 

Giải pháp: Bạn chắc chắn sẽ được nhiều người yêu quý nếu bạn là kiểu người tốt bụng, thân thiện và cởi mở. Tuy nhiên, nếu bạn luôn trong tâm trạng sẵn sàng giúp người khác mỗi lúc họ cần, kể cả khi bạn chưa hoàn thành xong việc của mình, bạn đang tự đưa mình rơi vào trạng thái quá tải và không có cơ hội phát triển bản thân. Vì vậy, bạn nên bắt đầu tập thói quen từ chối yêu cầu của người khác nếu việc làm đó gây bất tiện cho bạn. Bạn có thể sẽ cảm thấy ngại ngùng và không thoải mái vào thời gian đầu, tuy nhiên bạn cũng nên lưu tâm đến cảm xúc và cuộc sống hiện tại của mình.            

Nguyên nhân thứ 7: Bạn có thể đang gặp bệnh lý về tâm thần

Nếu bạn nghĩ mình có khả năng mắc phải Time Anxiety nhưng lại không rơi vào bất kỳ nguyên nhân nào kể trên, điều đó cho thấy, bạn có thể đã gặp một số loại bệnh lý về tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, OCD, ADHD…

Giải pháp: Cách tốt nhất bạn cần làm hiện tại chính là tham khảo ý kiến ​​bác sĩ khoa thần kinh để loại trừ khả năng mắc các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe tinh thần. Cuộc sống của bạn không phải là một trận đua với thời gian, hãy cố gắng chăm sóc và nuôi dưỡng tinh thần tốt nhất để tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc và tìm ra ý nghĩa cuộc đời của chính bạn.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Hy

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Reclaim.ai

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more