Chủ nghĩa hoàn hảo từ khía cạnh tâm lý học

Đăng ngày:

Không bao giờ hài lòng với thực tại, với bản thân, với sự việc xung quanh, cả mọi thứ trên đời. Hãy cùng ELLE tìm giải pháp cho người theo chủ nghĩa hoàn hảo từ góc độ tâm lý học.

Chủ nghĩa hoàn mỹ là một loại cưỡng cầu chính mình, một sự cưỡng cầu đối với những mức độ vốn không thể nào đạt được. Những người này luôn quan tâm đến kết quả mà không màn toàn bộ quá trình. Vì vậy, khi kết quả không như mong muốn, họ trở nên tự giày vò bản thân mình.

Chủ nghĩa hoàn hảo từ khía cạnh tâm lý học 2

Người theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ mắc chứng lo âu quá độ

Các nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, người theo đuổi sự hoàn mỹ khao khát một kết cục hoàn toàn không có chút sai sót, tì vết nào, tuy nhiên họ lại muốn tự bảo vệ mình, không muốn bị người khác chỉ trích hay châm chọc. Phàm những người theo đuổi sự thập toàn thập mỹ luôn đòi hỏi mỗi một chuyện họ làm đều tốt đẹp, không có khiếm khuyết, vì vậy họ đầu tư toàn bộ sức lực của mình vào đó, từ một góc độ khác mà nói, đây là người có tính chiếm hữu, tính khống chế rất mạnh. Khi một việc gì đó chưa hoàn thành, người theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ sẽ nảy sinh cảm giác lo lắng, nôn nóng rất mạnh mẽ, họ cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, bất luận trong tình huống nào, họ đều phải làm xong việc của ngày hôm đó, khi gặp phải lúc không thể lập tức hoàn thành công việc sẽ vô cùng căng thẳng. Nếu làm việc tập thể mà người khác không làm theo tiêu chuẩn của họ thì họ cũng cảm thấy như ngồi trên bàn chông. Những người như vậy rất dễ mắc phải chướng ngại lo âu.

Theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ là một kiểu tự bảo vệ mình

Đặc điểm lớn nhất của người theo chủ nghĩa hoàn mỹ chính là truy cầu sự hoàn mỹ. Dục vọng này xây dựng trên cơ sở cho rằng không có chuyện gì là thỏa mãn, là hoàn mỹ. Nếu phân tích thêm một bước nữa, người khát vọng hoàn mỹ xuất phát từ nhu cầu tự bảo vệ mình. Tuy nhiên nếu họ thoát ly thực tế lại dễ dẫn đến vấn đề liên quan đến tâm lý học. Xét về một góc độ khác, quá truy cầu sự hoàn mỹ cũng sẽ khiến người đó rơi vào sự xung đột giữa nguyện vọng và hiện thực, khi hiện thực không như mong muốn sẽ khiến họ tức giận và kích động.

Ngoài ra, người theo đuổi sự hoàn mỹ thường xem mình là trung tâm, họ rất quan tâm đến tình trạng sức khỏe bản thân. Khi phát hiện mình có triệu chứng bất thường về cơ thể, họ trở nên rất khẩn trương và lập tức tìm mọi cách trị liệu. Một số dấu hiệu không khỏe rất nhẹ như đau đầu, đau cổ, đau lưng… cũng khiến họ nảy sinh sự sợ hãi tột độ về những chứng bệnh nghiêm trọng, và có thể phát triển thành chướng ngại lo âu nặng nề hơn.

Chủ nghĩa hoàn hảo từ khía cạnh tâm lý học 4

Giải pháp tâm lý học cho người theo chủ nghĩa hoàn mỹ

a) Không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn:

Chủ nghĩa hoàn mỹ đúng đắn là theo đuổi những thứ tốt hơn. Mục tiêu của họ rất hiện thực và có thể đạt được. Khi đạt được mục tiêu, họ sẽ thỏa mãn và vui vẻ. Họ xem trọng kết quả đạt được, nhưng cũng xem trọng cả quá trình có thể giúp họ tiến bộ, phát triển hơn.

Còn chủ nghĩa hoàn mỹ thuộc kiểu bệnh tâm lý lại theo đuổi những thứ tốt nhất. Mục tiêu của họ không hiện thực và không thể thực hiện được. Sau khi họ đã đạt được một mục tiêu nào đó, lập tức sẽ xuất hiện mục tiêu mới cao hơn, vì vậy mãi mãi họ không thể thỏa mãn được. Theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ kiểu này cũng đồng nghĩa với theo đuổi cái chết, bởi vì khi đó, bạn chỉ nhắm vào kết quả mà không hề có được không gian để mình tiến bộ và trưởng thành.

b) Nhìn lại và đánh giá đúng năng lực của mình:

Năng lực của mỗi người khác nhau, chúng ta không phải đấng vạn năng, cho nên hãy cho phép mình có những thứ không thể nào làm được. Đối với những chuyện nằm trong khả năng, hãy dốc hết sức thay đổi nó, còn những chuyện nằm ngoài khả năng thì hãy chấp nhận nó một cách tự nhiên. Chỉ có như vậy nội tâm chúng ta mới có thể bình yên và vui sống.

c) Tìm căn nguyên mà mình theo đuổi:

Chúng ta không thể đều trở thành anh hùng. Kỳ thực anh hùng cũng chỉ là người phàm mà thôi. Người theo chủ nghĩa hoàn mỹ là theo đuổi một cuộc sống kiểu như anh hùng. Họ ép bản thân mình lúc nào cũng phải lớn mạnh, mọi chuyện đều phải thắng lợi. Đương nhiên sự cưỡng cầu này cũng không phải bẩm sinh. Sự tự thân cưỡng cầu mà chúng ta có phần lớn xuất phát từ sự cưỡng cầu của cha mẹ đối với con cái. Vì vậy muốn chủ nghĩa hoàn mỹ không có đất sống, hãy bắt đầu từ việc tiếp nhận bố mẹ bạn. Khi đó, bạn sẽ có thể tiếp nhận bản thân mình.

d) Nhận thức lại khiếm khuyết, thất bại và tì vết:

Thực chất, chủ nghĩa hoàn mỹ chính là việc không tiếp nhận bản thân mình, không cho phép mình có bóng tối, chỉ có xán lạn, có tốt, và ưu tú mà thôi. Mục tiêu của họ là biến mình thành một hình tượng lớn mạnh, tốt đẹp, lý tưởng. Kỳ thực, người theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ là đã tự biến mình không hoàn mỹ rồi. Bởi vì bản thân họ vốn đã là một khiếm khuyết không nhỏ và rơi vào cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Giải quyết chủ nghĩa hoàn mỹ phải bắt đầu từ việc nâng cao lòng tự tin, chấp nhận khiếm khuyết của mình. Nói cách khác, không hoàn mỹ có lẽ mới là sự hoàn mỹ chân chính.

Chủ nghĩa hoàn hảo từ khía cạnh tâm lý học 3

6 đặc điểm chính của người theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ:

Thần kinh rất căng thẳng, khẩn trương, đến nỗi không thể hoàn thành cả những việc bình thường nhất.

Không muốn mạo hiểm, sợ những tỳ vết nhỏ nhặt mà tổn hại hình tượng bản thân.

Không thể thử những sự vật, sự việc mới mẻ.

Cưỡng cầu bản thân rất hà khắc và luôn sống không vui vẻ.

Khi phát hiện sự việc không thể hoàn mỹ sẽ luôn khó chịu, không thể thả lỏng.

Hay bới lông tìm vết ở người khác, không thể điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, không được sự hợp tác và giúp đỡ của người khác.

__

Xem thêm:

Trị liệu tâm lý vượt qua cơn bão trầm cảm

Khám phá bản thân: Giải mã 15 cơ chế tự vệ tâm lý

Bí quyết sống: Đừng làm nô lệ tâm lý

 

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more