5 bí quyết giúp bạn tìm được mentor phù hợp trong công việc

Đăng ngày:

Nhịp sống hối hả của thời đại kỹ thuật số ngày càng khiến chúng ta cảm thấy áp lực và lạc lõng, cả trong đời sống cá nhân lẫn công việc. Lúc này, người cố vấn (mentor) sẽ là người nâng đỡ, dìu dắt và mang đến cho bạn nhiều chỉ dẫn hữu ích.   

Là người hỗ trợ cho một cá nhân hoặc doanh nghiệp trong nhiều khía cạnh, vai trò cố vấn (mentor) đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường hay đang loay hoay với những áp lực khó bày tỏ với gia đình, bạn bè, việc tìm kiếm một mentor và biết cách giữ mối quan hệ với họ có thể giúp bạn phần nào vượt qua những thử thách trong cuộc sống cũng như phát triển tốt hơn. 

Để có thể tìm một mentor phù hợp và duy trì mối quan hệ hiệu quả với họ, bạn có thể tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tuyển dụng và hướng nghiệp sau đây.  

1. Bạn muốn được cố vấn (mentor) hay huấn luyện (coaching)? 

Trước khi bắt đầu tìm kiếm một mentor cho mình, bạn nên hỏi bản thân trước rằng mình đang cần sự chỉ dẫn tổng quát hay chỉ đang muốn cải thiện một kỹ năng chuyên môn cụ thể nào đó. Michelle Duval (huấn luyện viên kinh doanh và Giám đốc điều hành của Fingerprint for Success) cho biết: “Nhiều người sử dụng thuật ngữ cố vấn và huấn luyện như từ đồng nghĩa, nhưng thực ra đây là hai hệ thống hỗ trợ rất khác nhau”. 

cô gái áo chấm bi lắng nghe mentor

Ảnh: Pexels/Shvets Production

Một mentor là bất kỳ ai giàu kinh nghiệm về lĩnh vực nào đó, sẵn lòng lắng nghe, chia sẻ và cho bạn lời khuyên về mặt công việc lẫn vấn đề cá nhân, thường là để giúp bạn không đi vào “vết xe đổ” mà họ đã đi trước. Mặt khác, huấn luyện viên là chuyên gia giúp bạn hiện thực hóa những kiến thức hay kỹ năng cụ thể và có vai trò mang tính chuyên nghiệp hơn. Vì vậy, bạn phải thật lưu ý điều này để tìm đúng người nhé. 

2. Mục đích của bạn khi cần một người cố vấn là gì? 

Muốn chinh phục được mục tiêu, đương nhiên bạn phải có đích đến cụ thể. Nadia Ibrahim-Taney (giảng viên và huấn luyện viên định hướng đại học) chia sẻ: “Bạn hãy suy nghĩ thật thấu đáo về điều bạn muốn đạt được từ sự cố vấn và ai là người có thể đưa bạn đến mục tiêu đó”. Điều này rất quan trọng vì nó giúp bạn vạch ra một định hướng cụ thể, tránh những hiểu lầm không đáng có và tìm được một mentor có thể tối ưu hóa thành công của bạn. Ví dụ, nếu mục đích của bạn là chinh phục được vị trí nhân viên của một công ty lớn, bạn phải tự hỏi bản thân rằng ai sẽ là người am hiểu và nắm chắc các yêu cầu tuyển dụng của vị trí đó, cũng như những tiêu chí về kiến thức hay kỹ năng. 

mentor tóc vàng nói chuyện với cô gái

Ảnh: Pexels/Shvets Production

Cuối cùng, hãy cố gắng có nhiều người cố vấn, đặc biệt nếu bạn còn trẻ và không chắc chắn về con đường sự nghiệp của mình. Có nhiều mentor “cùng thuyền” sẽ cho bạn những lời khuyên đa dạng, giúp bạn định vị và đong đếm chính xác hơn những cơ hội cũng như rủi ro. Tuy nhiên, nhận quá nhiều sự giúp đỡ đôi khi khiến bạn bị “ngộp” thông tin, vì vậy, hãy cố gắng sử dụng tư duy phản biện trong việc tiếp nhận và từ chối lời khuyên nhé. 

3. Tìm mentor ở đâu? 

  • Mạng lưới cựu sinh viên

Những mentor tiềm năng đầu tiên mà bạn có thể kết nối không ở đâu xa mà chính là các anh chị đã tốt nghiệp từ trường đại học/cao đẳng của bạn. Bạn có thể liên hệ với họ qua thầy cô hoặc mạng xã hội. Akbar Hamid (người sáng lập và Giám đốc điều hành của 5th Column) cho biết: “Mặc dù không quen biết nhưng cựu sinh viên và bạn đều chia sẻ những ký ức chung về khoa hay trường của bạn – những ký ức tập thể có khả năng kết nối mạnh mẽ. Hầu hết các cựu sinh viên sẽ sẵn lòng giúp đỡ nếu bạn muốn họ hỗ trợ mình”. 

cô gái áo da be nói chuyện với mentor

Ảnh: Pexels/Kampus Production

  • Mạng xã hội 

Nhắc đến mạng xã hội, Halelly Azulay (Giám đốc điều hành của TalentGrow) và Emma Maslen (Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Ping Identity, EMEA và APAC) cùng đưa ra lời khuyên rằng bạn nên tận dụng các nền tảng tuyệt vời này để tìm kiếm mentor, đặc biệt là LinkedIn (mạng xã hội việc làm chuyên nghiệp nổi tiếng). Hãy tích cực tương tác với những hội nhóm, nơi các chuyên gia hay bàn luận về vấn đề bạn quan tâm bởi điều này sẽ giúp bạn mở rộng vòng tròn kết nối của mình và tiếp cận họ dễ hơn. Bạn có thể nhắn tin trực tiếp cho họ, giới thiệu và chia sẻ ngắn gọn những trăn trở cũng như mục tiêu của mình với họ. 

  • Các mối quan hệ thân thiết 

Tuy nhiên, nếu bạn không muốn bị từ chối và thích sự gần gũi, Jeremy Harrison (người sáng lập Hustle Life) chia sẻ: “Bạn có thể tìm sự cố vấn từ những người quen biết đã truyền cảm hứng cho bạn hay những người bạn đã làm việc cùng, chẳng hạn như sếp cũ, đồng nghiệp hay các anh chị đi trước. Khi đã xác định được người bạn muốn là mentor của mình, hãy tiến hành tìm hiểu về họ để chắc chắn rằng hai bạn sẽ mang đến một mối quan hệ hiệu quả”. 

cô gái cầm sách mentor

Ảnh: Pexels/Mart Production

Điều quan trọng là nếu cần một người cố vấn, đừng ngần ngại bày tỏ nguyện vọng đó. Mọi người đều thích giúp đỡ nhau, vì vậy hãy kết nối và hỏi trực tiếp họ nếu bạn cần sự hỗ trợ.    

4. Một số lưu ý khi hỏi ai đó làm mentor cho bạn 

  • Lịch sự và đúng thời điểm  

Nếu mentor là người bạn không quen biết trước đó, hãy trình bày mong muốn của bạn một cách cụ thể dưới hình thức trang trọng (dù là qua email, LinkedIn…) gồm phần giới thiệu bản thân, vấn đề của bạn và kết quả mong đợi. 

Ngoài ra, Jo Webber (Giám đốc điều hành Million Women Mentor) cho biết: “Hầu hết mọi người sẽ tự hào khi được yêu cầu trở thành một người cố vấn, nhưng đừng quên rằng họ rất bận rộn”. Vì vậy, hãy tìm hiểu xem liệu họ có thời gian cho bạn không nhé. 

  • Giữ tinh thần thoải mái và thái độ lịch sự 
cô gái tóc dài nói chuyện

Ảnh: Pexels/George Milton

“Không giống như huấn luyện viên, cố vấn không phải là người được trả lương để giúp bạn thành công trong việc nào đó”, Stacy Cassio (người sáng lập Pink Mentor Network). Mentor là người hỗ trợ bạn phát triển tốt hơn nhưng họ không thể vạch ra từng bước chi tiết trên con đường bạn đi. Hãy hỏi họ với thái độ quan tâm và lịch sự, không phải yêu cầu họ làm người cố vấn cho mình, bạn nhé. 

  • Tiếp cận họ một cách tự nhiên 

Paige Arnof-Fenn (Giám đốc điều hành của Mavens & Moguls) chia sẻ: “Hãy cố gắng có những cuộc nói chuyện và trao đổi với mentor qua email, mạng xã hội hay những buổi hẹn đi ăn, uống nước… để tìm hiểu kỹ hơn về họ. Cứ như vậy, khi hai bạn đã thân thiết hơn, hãy cho họ biết những lời khuyên của họ đã giúp bạn thế nào và bạn đã xem họ như một mentor.  

5. Duy trì mối quan hệ giữa mentor và bạn

  • Giữ liên lạc thường xuyên, ưu tiên và tôn trọng thời gian cho buổi cố vấn   

Khi đã tìm được mentor phù hợp, đây là lúc để bạn duy trì và phát triển mối quan hệ với họ. 

cô gái áo xanh nói chuyện với mentor

Ảnh: Pexels/Alexander Suhorucov

Kết nối trực tiếp và ưu tiên thời gian cho buổi trò chuyện giữa bạn và mentor là điều rất quan trọng. Bạn có thể thỏa thuận với họ lịch trình gặp mặt vào khung giờ cố định. Trước khi đến buổi hẹn, bạn cũng nên chuẩn bị thật kỹ các câu hỏi về vấn đề bạn cần được hỗ trợ. Suy cho cùng, bạn là người muốn được phát triển và họ là người sẵn sàng bỏ thời gian giúp bạn, vì vậy, hãy cố gắng có trách nhiệm và tôn trọng cơ hội này nhé. 

  • Luôn gợi ý trả công cho mentor 

Cho dù mentor có hết lòng giúp đỡ bạn, hãy luôn cố gắng đề nghị trả tiền cho họ nhé. Việc tốn thời gian và trí óc cho ai đó mà không nhận lại được gì là một thiệt thòi lớn. Nếu họ cương quyết không chịu nhận, bạn có thể hỏi người đó xem có tổ chức từ thiện nào mà anh ấy/cô ấy ủng hộ không và đề nghị đóng góp cho tổ chức đó dưới danh nghĩa của họ để đổi lấy một giờ cố vấn. Điều này là sự lịch sự tối thiểu và là cách thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho họ.  

  • Giữ sự chuyên nghiệp 

Những nhận xét và góp ý chân thực hầu hết không “dễ nghe” chút nào, tuy nhiên, bạn không nên coi đó là sự xúc phạm hay lời lẽ tiêu cực. William Taylor (Cố vấn Tuyển dụng Cấp cao tại VelvetJobs) đưa ra lời khuyên: “Hãy giữ cho mối quan hệ giữa người cố vấn và người được cố vấn luôn chuyên nghiệp. Bạn chỉ cần xem đó là một lời bình mang tính xây dựng vì nó không có gì là công kích cá nhân cả. Hãy giữ sự chuyên nghiệp để đảm bảo rằng quá trình cố vấn của bạn diễn ra hiệu quả”. 

  • Tiến bộ từng ngày
cô gái đội nón cam ghi chép

Ảnh: Pexels/ Mart Production

Cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ tốt với người cố vấn của bạn là thực hiện những chỉ dẫn họ chân thành dành cho bạn. Không có gì khiến một người cố vấn khó chịu hơn việc nhìn bạn bỏ qua những lời khuyên tâm huyết của họ. “Nếu bạn không tiến bộ, họ sẽ nghĩ kinh nghiệm và kiến thức của họ không có giá trị”, một chuyên gia chia sẻ.   

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: generationt.asia

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more