Bí mật trong ngành thời trang vừa được phơi bày

Đăng ngày:

Là câu hỏi bị nhiều thương hiệu né tránh nhưng lâu dần, chính sự che giấu này lại trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất trong ngành thời trang.

Vào đầu tháng 7, tin tức về việc thương hiệu thời trang Burberry đã đốt cháy hàng tồn kho trị giá gần 30 triệu bảng (tương đương 40 triệu đô la Mỹ) được đưa ra, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều nổ ra xoay quanh vấn đề lãng phí và chất thải trong ngành thời trang. Công ty này thừa nhận đã phá hủy quần áo, phụ kiện và nước hoa chưa bán thay vì bán nó với giá rẻ, để bảo vệ tính độc quyền và giá trị thương hiệu. Một phát ngôn viên của thương hiệu cho biết thêm, nếu việc tiêu hủy là lựa chọn cần thiết, Burberry sẽ tìm cách xử lý một cách có trách nhiệm và thân thiện với môi trường.

ngành thời trang 1

Việc tiêu hủy hàng tồn của các thương hiệu đưa đến nhiều luồng tranh cãi về vấn đề lãng phí và ô nhiễm của ngành thời trang. (Ảnh: Burberry)

Việc tiêu hủy hàng hóa phổ biến như thế nào trong ngành thời trang?

Orsola de Castro là người đồng sáng lập, đồng thời là Giám đốc sáng tạo của nhóm hoạt động Fashion Revolution, tổ chức vận động các thương hiệu minh bạch trong sản xuất. Cô mô tả bãi chôn lấp và đốt cháy hàng hóa như “bí mật cởi mở bẩn thỉu nhất” của ngành thời trang. Cô cũng cho biết mình đã chờ đợi những câu chuyện như của Burberry sáng tỏ trong một thời gian dài.

Tính chất bí mật của ngành thời trang khiến việc xác định mức độ lãng phí là không dễ. Tuy nhiên, với lượng sản phẩm dư thừa toàn cầu vượt quá 100 tỷ sản phẩm mỗi năm, các nhà hoạt động cảnh báo về thiệt hại môi trường “có khả năng diễn ra thảm khốc” nếu tình trạng tại tiếp tục tăng.

ngành thời trang 2

Sản lượng hàng may mặc của ngành thời trang được ước tính đạt mức 100 tỷ một năm, gây ra nhiều lo ngại về lượng hàng tồn khổng lồ. (Ảnh: vesa-furcoats)

Nhiều thương hiệu hiện nay lựa chọn việc công khai báo cáo cuối năm với các chi tiết liên quan đến tiến bộ về quyền của người lao động và phát triển bền vững. Với Orsola, Burberry có thể được coi là một trong những nhà mốt minh bạch nhất khi công khai việc đốt hết hàng tồn kho của mình.

Các thương hiệu thời trang cao cấp thường sản xuất sản phẩm với số lượng ít hơn các công ty thời trang “mì ăn liền”, vì vậy, lượng hàng tồn kho của họ sẽ thấp hơn. Tập đoàn Inditex (sở hữu thương hiệu Zara và Bershka) làm việc theo một mô hình tương tự, mua những lô hàng nhỏ vào đầu mùa và dựa trên mức độ yêu thích của khách hàng để quyết định số lượng sản xuất của một item.

ngành thời trang 3

Nhiều thương hiệu dựa trên lượng tiêu thụ của sản phẩm để quyết định sản xuất thêm các mặt hàng thay vì nhập các lô hàng lớn. (Ảnh: Zara)

Hầu hết, các hãng thời trang tầm trung sẽ có xu hướng giảm giá để tiêu thụ sản phẩm. Sau đó, họ sẽ tái chế hoặc bán lại những mặt hàng chưa tiêu thụ được còn tồn lại trong kho. Trong một số trường hợp, họ cũng có thể sử dụng các công ty bên ngoài chuyên tiêu thụ hàng hóa chưa bán được để giải quyết vấn đề. Nhiều thương hiệu cũng áp dụng sáng kiến quyên tặng trang phục cho các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp xã hội.

Các nhà hoạt động môi trường cho biết vấn đề của hàng tồn kho liên quan đến nhiều khía cạnh của xã hội hơn những gì chúng ta đang nghĩ. Nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur cho thấy số lượng trang phục được sản xuất trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua, song số lượng trung bình được sử dụng ít hơn nhiều và bị loại bỏ nhanh hơn bao giờ hết.

ngành thời trang 4

Các doanh nghiệp thời trang có mức dự trữ hàng hóa lớn sẽ có xu hướng giảm giá để thay đổi dòng sản phẩm nhanh hơn. (Ảnh: M.Sajjad)

Ngành thời trang đang thay đổi như thế nào?

Nhiều chuyên gia nói rằng bản thân ngành công nghiệp thời trang cần phải khôn ngoan hơn trong việc sản xuất để giảm bớt các thiệt hại về môi trường cũng như các vấn đề về lãng phí bởi lượng hàng tồn kho.

Những sáng kiến cho sự thay đổi đang được thực hiện, trong đó Cam kết quay vòng thời trang 2020 (the 2020 Circular Fashion System Commitment) đã được thông qua bởi nhiều thương hiệu tại Hội nghị thượng đỉnh về Thời trang tại Copenhagen vào năm 2017.

ngành thời trang 5

Hình ảnh chính thức về chiến dịch “Quay vòng thời trang” và các thương hiệu lớn  (Ảnh: ellenmacarthurfoundation.org)

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng vật liệu dạng polyester đang góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. Tổ chức Global Fashion Agenda cũng có các hoạt động nhằm khuyến khích các thương hiệu áp dụng sáng kiến mới vì môi trường.

Loại sợi microfiber được đề xuất thay thế cho các loại sợi khó phá huỷ trong quá trình tái chế như sợi tổng hợp hoặc sợi hỗn hợp. Theo ước tính, chỉ có 1% quần áo được tái chế thành hàng may mặc mới vì sự phức tạp trong quá trình tái chế các loại sợi khó phân giải. Hầu hết quần áo khi kết thúc vòng đời sản phẩm đều được đưa về bãi rác.

Vào tháng 5 năm 2018, 12,5% thị trường thời trang toàn cầu bao gồm các tên tuổi lớn như Nike, ASOS và Gap đã ký mục tiêu về thời trang bền vững. Trong đó, adidas đã cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế vào năm 2024 và H&M cho biết họ hy vọng chỉ sử dụng vật liệu bền vững trong sản xuất vào năm 2030.

Kết thúc của “thời trang ăn liền”?

Chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ xem xét các tác động môi trường của “thời trang ăn liền” với Nghị viện châu Âu, đồng thời cũng đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tính “quay vòng” cho chất thải dệt may của người tiêu dùng và kinh doanh.

Jack Ostrowski, người điều hành của một công ty tư vấn cho các nhà bán lẻ cách tốt nhất để tái chế quần áo, tin rằng “thời trang ăn liền” không chỉ là vấn đề công nghiệp mà còn là vấn đề xã hội. “Mọi người không hiểu ngành công nghiệp thời trang có tác động tiêu cực đến môi trường mạnh mẽ và nhanh chóng như thế nào. Chúng ta không thể để nó tiếp tục diễn ra như hiện nay”.

ngành thời trang 6

Một số hãng thời trang đã khuyến khích khách hàng mang quần áo cũ tới các điểm thu thập trong các cửa hàng như một giải pháp cho vấn đề lãng phí hiện nay. (Ảnh: H&M)

Ông đã phát triển một ứng dụng khuyến khích người tiêu dùng tái chế quần áo của họ bằng cách cung cấp các ưu đãi như giảm giá bán lẻ. Ông tin rằng các nhà bán lẻ thu được lợi nhuận từ quần áo cần có trách nhiệm cung cấp thông tin tốt hơn, tạo điều kiện và khuyến khích việc tái chế của khách hàng.

Greenpeace cũng cho rằng mục tiêu “quay vòng” của thời trang là chưa đủ. Ngành công nghiệp thời trang cần phải ngừng tiếp thị “thời trang nhanh”, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ trang phục “ăn liền” như hiện tại.

ngành thời trang 7

“Thời trang nhanh” (fast-fashion) được dự đoán sẽ bị vượt mặt bởi “thời trang bền vững” vào năm 2027. (Ảnh: Fashionating World)

Orsola từ Fashion Revolution đã ủng hộ việc tái chế nâng cấp (upcycling) trong ngành công nghiệp thời trang trong nhiều năm. Điều này bắt đầu phổ biến trên thế giới trực tuyến khi các blogger và các tài khoản truyền thông xã hội chia sẻ lời khuyên sửa chữa, tái sử dụng quần áo theo những cách sáng tạo.

Lời khuyên về cách chống lại sự cám dỗ trong chi tiêu, Orsola mong mọi người học cách yêu thương những thứ họ sở hữu và dành thời gian cân nhắc kỹ hơn trước khi mua hàng trong tương lai.

Xem thêm:

Các nhà mốt hàng đầu “thay máu” và những mong đợi tích cực cho ngành thời trang thế giới

Chiến dịch Detox thúc đẩy ngành thời trang trong sạch có thực sự hiệu quả?

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Kim Chi

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: BBC

Hình ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more