“Những đứa trẻ trong sương”: Dấu ấn khác lạ của Hà Lệ Diễm

Đăng ngày:

Gây tiếng vang lớn tại LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam và cũng là tác phẩm Việt Nam đầu tiên vào đến Top 15 đề cử Phim tài liệu dài tại Oscar 2023, “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm vừa có những buổi công chiếu thương mại đầu tiên, gợi lên nhiều cảm xúc mới mẻ.

những đứa trẻ trong sương

NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Có lẽ hiếm có phim tài liệu nào khi ra rạp lại đông nghịt người xem như tác phẩm mới của Hà Lệ Diễm. Một tác phẩm được bảo chứng bởi hàng loạt giải thưởng quốc tế ban đầu có thể khiến khán giả tò mò về nội dung, thế nhưng sau đó, họ sẽ tìm thấy những điều mới mẻ mà bản thân mình cũng không ngờ đến, khi vùng Sapa tưởng chừng quen thuộc lại ẩn chứa những điều lạ lẫm.

Thực hiện trong vòng 4 năm xoay quanh cô bé Di 15 tuổi người Mông, Những đứa trẻ trong sương là một tác phẩm cho thấy được sự tương phản rõ nét giữa tuổi thơ và sự trưởng thành, giữa truyền thống và hiện đại, cũng như các định kiến giới hà khắc vẫn còn tồn tại. Điều quan trọng nhất mà Hà Lệ Diễm đã thực hiện thành công đó là mở ra những “tấm voan phủ” như sương mù che đậy cuộc sống của những con người chất phác vùng núi.

cuộc sống trong những đứa trẻ trong sương

Ảnh: Variety

Những đứa trẻ trong sương, ta sẽ được thấy những cô bé đương tuổi trưởng thành với những khát khao yêu đương không hề che giấu. Khác với những gì mọi người thường nghĩ về đời sống của những cư dân vùng cao: giản đơn, bình dị, những cô bé như Di trong tác phẩm này không những quen thuộc với smartphone, nghe nhạc pop, mang giày bata, dùng son môi… mà còn có một đời sống tình cảm vô cùng phong phú. Tồn tại song song cùng nhịp sống “hiện đại” ấy là những mâu thuẫn khó bề giải quyết, không chỉ trong phạm vi gia đình, mà còn nằm ở những nét văn hóa ẩn chứa nhiều sự phức tạp.

Trọng tâm và cũng là đỉnh điểm của tác phẩm này nằm ở quá trình của tục “kéo vợ” để đưa cô dâu về nhà chồng. Không chỉ là những lề luật về việc thách cưới, nhận rượu đãi bôi… ở đây ta còn thấy được một sự va chạm giữa hiện đại và truyền thống, giữa văn minh và cổ hủ. Xen kẽ trong đó còn là những người phụ nữ yếm thế trong một đời sống phục tùng, chịu nhiều cay đắng nhưng không thể tỏ bày được cùng ai.

Do đó, khi Di bị bắt về với nhà chồng, không dưới một lần Diễm được khuyên rằng không việc gì phải khóc. Tuy vậy, không phải vì những người mẹ và những người bà không yêu con mình, mà bởi vì trên hết, họ tôn trọng truyền thống vốn đã ăn sâu vào tận gốc rễ trong đời sống của họ. Ở bộ phim này, trong những phân đoạn Di không xuất hiện, mẹ của cô bé lại chính là người để lại cho người xem nhiều suy ngẫm nhất cũng như khiến chúng ta khó có thể kiềm nén được cảm xúc của mình. 

Từ đêm nhớ con, bà gọi cho cô bé và kỹ càng dặn dò nhiều thứ, “mách nước” cách từ chối khéo để người “kéo vợ” không quá tủi thân… Người mẹ ấy như thể hiểu được những gì có thể xảy ra khi cô dâu trẻ phải về nhà chồng, ở đó, những lời hứa không còn giá trị và những trận đòn có thể xảy ra… Từ đó, hoàn cảnh của người phụ nữ đặt trong khuôn mẫu của truyền thống đã hiện lên một cách chân thật, sống động phía sau máy quay của Hà Lệ Diễm.

PHONG CÁCH làm phim KHÁC LẠ

Những đứa trẻ trong sương, yếu tố “tài liệu” đã giúp cho những hình ảnh “đời” nhất về cuộc sống của người Mông từ cảnh lao động, sinh hoạt thường nhật, vui chơi cho đến các mối quan hệ giữa người với người hiện lên rõ nét. Tuy thế, trong những cảnh tĩnh rất riêng, ta cũng thấy được những khung hình đẹp đậm tính điện ảnh như khi ngôi nhà của Di đứng giữa rừng sương, rừng đào, hay khi cô bé vẩn vơ ngồi yên một mình phía trên mỏm đá…

di và những đứa trẻ trong sương

Ảnh: Variety

Bằng những yếu tố ấy, Hà Lệ Diễm dường như đã tự tạo cho mình một phong cách làm phim riêng ẩn chứa sự nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cũng rất gần gũi, thân quen. Như cô chia sẻ với ELLE Việt Nam: “Khi quay phim tài liệu thì việc chọn vị trí đứng ở đâu và di chuyển như thế nào ở hiện trường để ghi hình và nắm bắt được chuyển động của nhân vật mà không làm phiền họ là rất quan trọng”. Do đó, trong tác phẩm này, yếu tố “lãng mạn” với nhiều góc quay được tính toán kỹ đã tạo được dấu ấn riêng, như khoảnh khắc đứa bé sơ sinh giữa ruộng lúa, hay mẹ của Di vẫn đang may vá từ trong khe cửa chỗ thịt gác bếp…. 

Cô cũng đã phá vỡ khá nhiều định kiến có phần cố hữu về phim tài liệu như tính khô khan, nặng nề hay quá nghiêm trọng. Những đứa trẻ trong sương có thể khiến ta bật cười vì sự ngây thơ cũng như hồn nhiên của nhân vật, như thể khi Di hay Vàng kể lại những nỗi ghen tuông, hay khi mẹ Di nhớ con vì không còn ai chăm gà, chăm lợn cho bà uống rượu…


Xem thêm

• Thi vị hóa cuộc sống với 6 kênh YouTube của những người phụ nữ truyền cảm hứng

• Những bộ phim tôn vinh giá trị phụ nữ trên Netflix

• Ask ELLE: Nhỏ to tâm sự chuyện phụ nữ


Dù vậy, không thể phủ định đặc trưng của thể loại này là người làm phim dễ bị phân tâm bởi đối tượng của mình, từ đó khiến cho câu chuyện bị “cường điệu” hóa hay những sự thật sẽ không được phản ánh một cách khách quan. Như lời của Ban giám khảo LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam: “Những nhà làm phim tài liệu đôi khi gặp phải trở ngại khi cố thiết lập mối quan hệ thân thiết với các nhân vật mà chính việc đó lại gây cản trở đến vai trò của họ. Nhưng Diễm với phim dài đầu tay đã dàn xếp một cách xuất sắc sự cân bằng đầy khó khăn đó; phân định cảm xúc rõ ràng mà không cố ép bản thân vào câu chuyện cảm động của cô bé người Mông”.

Thật vậy, ở Những đứa trẻ trong sương, ta thấy Hà Lệ Diễm đã hoàn toàn tôn trọng nhân vật của mình bằng những cách biệt. Đó có thể là những cách trở ngôn ngữ khi đa số nhân vật thường dùng thổ ngữ Mông, do đó cô phải đoán định thông qua ngữ điệu cũng như bối cảnh để cố nắm bắt những lúc đang quay, từ đó giảm thiểu được sự can thiệp mang tính nhân tạo. Đó cũng có thể là sự thấu hiểu mà không cần đến giao tiếp giữa những người phụ nữ, những người yếm thế… bởi cô và họ đều đã hiểu được nhau qua suốt thời gian dài thực hiện bộ phim. Sự thấu hiểu này không thể nào mang tính sắp đặt, và chính điều này đã đảm bảo được tính chân thật và chuẩn xác trong câu chuyện của nhân vật. 

phim tài liệu của hà lệ diễm

Ảnh: Rotten Tomatoes

Diễm cũng không ngại bày tỏ cảm xúc của mình cho chính đối tượng đang được ghi hình. Như khi Di hỏi cô có ghét cô bé không, Diễm cũng tỏ bày một cách thật tâm là có, vì đã có những lúc Di đã tỏ ra thiếu chín chắn và thiếu suy nghĩ. Hay như phân cảnh Di đi với Vàng trong phiên chợ Tết mà Diễm đã cố ngăn cản, khi Diễm bật khóc ngày Di đi mất, hay ở phân đoạn cuối cùng, khi Diễm cố gắng “cứu” lấy đời Di… ít nhiều những giới hạn trên đã bị phá vỡ.

Tuy vậy, vượt qua những hạn chế của thể loại phim tài liệu, Hà Lệ Diễm đã thể hiện được sự đồng cảm với nhân vật cũng như cho người xem thấy rằng, họ cũng không thể làm khác đi nếu ở trong tình huống tương tự. Khán giả có dịp được sống trong trải nghiệm đó và tự mình suy ngẫm trước những thước phim chân thật mà nữ đạo diễn mang lại. Đây chính là điểm khác biệt đậm tính cá nhân mà Diễm làm được, khi cô để người xem tự chiêm nghiệm và tự đánh giá trước những sự kiện mà họ theo dõi.  

Như Hà Lệ Diễm đã nói ở đầu bộ phim, điều cô sợ nhất là sự biến mất của Di. Thế nhưng, ở một mặt khác, nữ đạo diễn cũng hiểu được rằng, như mạch vận động tự nhiên của cuộc sống, dù thời gian trôi qua, người Mông vẫn luôn yêu sâu sắc và nồng nhiệt. Đó là nguồn cơn và là sự lý giải cho những gì diễn ra trong các thước phim của Diễm, và chúng ta không thể làm gì khác ngoài tôn trọng điều đó. Những đứa trẻ trong sương – một bức tranh đẹp, thuần khiết, trong trẻo, mang đậm dấu ấn riêng của Hà Lệ Diễm sẽ khiến bạn khóc, cười và được sống trong hành trình của những con người đôn hậu nơi vùng núi mờ sương. 

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more