NSX Trần Thị Bích Ngọc: Phụ nữ chúng tôi vui vẻ như những con chim sẻ!

Đăng ngày:

Theo chân nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc qua hai mùa Au tumn Meeting ở Đà Nẵng, chứng kiến tận mắt cách chị làm việc thoăn thoắt, giải quyết mọi sự cố của một Liên hoan phim độc lập với rất nhiều khó khăn một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng mới thấy chị đúng là sinh ra để làm một nhà sản xuất phim.

Là con gái rượu của nhà quay phim kỳ cựu – NSƯT Trần Trung Nhàn, người mà tên tuổi của ông đã gắn liền với những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu như Tội lỗi cuối cùng, Đứa con nuôi, Đêm hội Long Trì, Tướng về hưu, Hồi ức tình yêu, Sông Hồng reo… – cô bé Bích Ngọc đã sớm được thừa hưởng tình yêu lẫn đam mê làm phim từ bố.

Chị kể: “Khi còn nhỏ tôi thường xuyên theo chân bố đến các đoàn làm phim, nhìn cách làm việc, vận hành của các tổ hoạt động ra sao. Tuy lúc đó chỉ là người quan sát thôi mà tôi đã cảm thấy mình thích công việc này rồi đấy!”. Đến khi đi học, chị chọn thi vào khoa khó nhất của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội – Khoa đạo diễn, học cùng năm với đạo diễn Phan Đăng Di, và tốt nghiệp khóa đạo diễn vào năm 2000. “Tôi học đạo diễn nhưng tự thấy mình sẽ trở thành một đạo diễn rất dở. Ngược lại, tôi lại thấy rất thú vị khi đứng ở vị trí của một nhà sản xuất, thế là…” – Bích Ngọc cười.

nhà sản xuất 1

Nhiều người biết đến chị trong vai trò một nhà sản xuất phim, nhưng rất ít người biết “cú hích” nào đã thực sự mang chị đến với con đường này…

Thực ra từ những năm 1994 tôi đã bắt đầu công việc trợ lý hay phụ việc vặt trong các đoàn phim. Nhưng “bước ngoặt” lớn nhất khiến tôi quyết định sẽ trở thành một nhà sản xuất phim có lẽ là năm 1999. Khi đó, đoàn làm phim Mùa Hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng về Hà Nội để thực hiện các cảnh quay. Cơ duyên tham gia đoàn phim của tôi chỉ là sự tình cờ đi làm phiên dịch trong bộ phận thiết kế phục trang một ngày ở đoàn, thay cho chị gái bận việc đột xuất. Chị gái tôi học chuyên Pháp và giai đoạn đó hay tham gia làm phiên dịch cho các đoàn phim nước ngoài.

Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đầu tiên đến làm, tôi đã nghe rỉ tai là cô thiết kế phục trang phim này nổi tiếng kỹ tính và đã không hài lòng với hơn 10 người phiên dịch khác. Không ngờ khi tôi đến làm việc thì qua buổi trưa, cô yêu cầu bộ phận sản xuất giữ tôi lại, và thế là tôi bắt đầu từ công việc phiên dịch này cho đến nhiều bước thay đổi tiếp theo trong công việc của mình.

nhà sản xuất 2

Hình ảnh trong phim “Mùa Hè chiều thẳng đứng”.

Công việc đầu tiên ấy có để lại kỷ niệm nào sâu sắc với chị không? Việc được tiếp xúc với những đoàn phim quốc tế từ rất sớm thì sao?

Tôi chỉ là một người phiên dịch (tiếng Anh/ Pháp) nhỏ bé cho tổ phục trang trong đoàn phim, công việc không quá vất vả. Bây giờ ngẫm lại có thể nói đây là công việc dễ nhất trong đời làm phim (cười). Đoàn phim Mùa Hè chiều thẳng đứng hoạt động trong khoảng 4 tháng, tôi nhớ không nhầm thì hai tháng chuẩn bị và hai tháng quay phim. Khâu chuẩn bị của họ rất kỹ lưỡng. Chính việc sớm được tiếp xúc với những đoàn phim chuyên nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong tư duy và cách làm việc sau này. Tôi thấy may mắn và biết ơn vì điều đó.

Nếu được chọn ra một điều chị tâm đắc nhất khi trở thành một nhà sản xuất phim, đó sẽ là gì?

Là khi nhìn thấy bộ phim của mình đến được với khán giả Việt Nam và khán giả khắp nơi trên thế giới. Là niềm vui khi nghe tiếng Việt cất lên ở các rạp phim xa xôi mà mình không hình dung nổi có ngày phim Việt được khán giả xếp hàng để đến xem.

Quay trở lại với bộ phim Người vợ ba, bộ phim nghệ thuật Việt đã được bán thương mại cho 28 quốc gia, điều gì khiến chị quyết định trở thành nhà sản xuất cho dự án này khi Ash Mayfair (Phương Anh) – đạo diễn của phim mang ý tưởng đến sự kiện Gặp gỡ mùa Thu?

Khi Ash Mayfair mang dự án đến pitching (đấu thầu) giải dự án arthouse tại Gặp gỡ mùa Thu, cô ấy hoàn toàn chưa có nhà sản xuất. Sau khi nghe thuyết trình về dự án, tôi hoàn toàn có niềm tin dự án này sẽ trở thành hiện thực. Mọi người hay hỏi tôi làm một dự án phim arthouse như Người vợ ba, ở thời điểm hiện tại liệu có thách thức nào không? Tôi nghĩ là không. Phim nào cũng có khó khăn, không kiểu này thì kiểu khác, thách thức là luôn sẵn sàng tinh thần và đủ bình tĩnh để đối mặt, giải quyết những thử thách sắp đến. Cá nhân tôi nhận thấy đạo diễn Ash Mayfair là một cô gái trẻ rất đam mê và luôn kiên cường mong muốn đi về phía trước. Tôi muốn giúp đỡ Ash Mayfair và cùng nhau biến dự án này trở thành hiện thực. Và chúng tôi đã làm được.

Một chi tiết thú vị của Người vợ ba là không chỉ có dàn diễn viên là nữ mà gần như toàn bộ ê-kíp từ nhà sản xuất, đạo diễn, D.O.P đến trợ lý đạo diễn, cả người dựng phim cũng là nữ. Đây là một sự tình cờ thú vị, hay là một lựa chọn có chủ ý?

Đây là chủ ý ban đầu của chúng tôi. Bộ phim này đa phần diễn viên đều là nữ. Chúng tôi muốn diễn viên trong phim được thoải mái một cách tối đa. Đoàn phim nhiều nữ của chúng tôi luôn vui vẻ như những con chim sẻ, chị em luôn được cánh đàn ông trong đoàn giúp đỡ, yêu quý và tôn trọng. Nói chung là một không khí tuyệt vời.

nhà sản xuất 3

Những diễn viên trong Người vợ ba đều là những gương mặt nữ nổi bật qua nhiều thế hệ điện ảnh. Chị đã thuyết phục Trần Nữ Yên Khê thế nào để lần đầu tiên cô tham gia một bộ phim mà không phải do chồng cô – đạo diễn Trần Anh Hùng thực hiện?

Tôi không rõ chị đã bị thuyết phục vì điều gì, nhưng về phía chúng tôi, đó là kịch bản, nhân vật của chị trong phim và cách xử lý của đạo diễn. Phải nói là chúng tôi rất may mắn khi chị nhận lời và tham gia bộ phim.

Sau Người vợ ba, chị có đang ấp ủ một “ngọn núi cao” nào nữa để tự mình chinh phục hay không?

Tôi thường không hay suy nghĩ về những gì mình đã làm được, nên trả lời thế này quả thật là khó khăn! Hiện tôi đang làm việc với các dự án tiếp theo của Ash Mayfair, của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di. Vào một dịp thuận lợi, tôi rất mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với các nhà làm phim trẻ về những gì mình đã trải qua cho một bộ phim, từ trang giấy đến khi lên màn ảnh và trình chiếu tại nhiều nơi trên thế giới.

Vào những năm 2000, nhà sản xuất Bích Ngọc đảm nhiệm vị trí trợ lý đạo diễn hay trợ lý sản xuất trong các bộ phim như “Người Mỹ trầm lặng”, “Miền đất hứa”, “Mùa Hè chiều thẳng đứng”…

Chị là đồng sáng lập Chương trình “Gặp gỡ mùa Thu” – sự kiện điện ảnh phi lợi nhuận thường niên với các lớp học dành cho đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng, đồng thời trao cơ hội đầu tư cho nhiều dự án điện ảnh thương mại và nghệ thuật triển vọng.

Năm 2014, Trần Thị Bích Ngọc chính thức trở thành nhà sản xuất phim độc lập với công ty An Nam Productions. Bộ phim “Cha và con và…” (đạo diễn Phan Đăng Di) là bộ phim Việt Nam đầu tiên được tham dự vòng tranh giải chính thức của LHP quốc tế Berlin 2015.

“Người vợ ba” là bộ phim độc lập do nữ đạo diễn Ash Mayfair (Phương Anh) viết kịch bản và đạo diễn, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc tham gia với vai trò sản xuất. Dự án đóng máy vào năm 2016 và gây được tiếng vang khi hai năm liên tiếp (2016 và 2017) đều nhận được những giải thưởng quan trọng như giải của Quỹ sản xuất (Post-Production Fund), giải Hong Kong Goes to Cannes… tại Diễn đàn điện ảnh châu Á Hong Kong (HAF- Hong Kong Asian Film Forum). Giải thưởng cao quý nhất của “Người vợ ba” là đoạt giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto 2018.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Trang

Ảnh: Trọng Đức

Sản xuất: Hoàng Lê

Makeup: Từ Minh Quân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more