Chỉ sau hai tập phát sóng, bộ phim đã ghi nhận một cú nhảy vọt ngoạn mục về rating, từ 4,8% ở tập đầu tiên lên 8,2% trong tập thứ hai, gần gấp đôi so với tập trước. Phim khắc họa rõ nét bối cảnh xã hội phức tạp của Hàn Quốc những năm 1950 và tôn vinh phái đẹp một cách khéo léo, tự nhiên. Tác phẩm cho thấy hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, dù đối diện với bao nhiêu thành kiến từ xã hội, vẫn có thể đứng dậy, theo đuổi đam mê và khẳng định tài năng của mình.
Hành trình cô gái nghèo chinh phục ước mơ
Lấy bối cảnh những năm 1950, sau chiến tranh Triều Tiên, giữa thời điểm Hàn Quốc đang trong giai đoạn tái thiết, Jeong Nyeon là một cô bé nhà nghèo, xuất thân từ phố cảng Mokpo, ấp ủ ước mơ trở thành một diễn viên sân khấu truyền thống. Dù không được học hành đầy đủ nhưng cô gái trẻ sở hữu tài năng ca hát thiên bẩm, đặc biệt là ở thể loại pansori.
Từ bé, Jeong Nyeon sớm bộc lộ tính cách độc lập và mạnh mẽ, hoàn toàn khác biệt so với mẹ và chị gái. Giọng ca đầy cảm xúc và tính cách của cô vừa giúp ích, vừa khiến cô gặp khó khăn, vì trong xã hội lúc bấy giờ, phụ nữ bị đóng khung vào hình mẫu khiêm nhường, cam chịu và chấp nhận sự an bài của số phận.
Sau khi chứng kiến sự ra đi của cha, ngọn lửa vươn lên trong cô càng trở nên mãnh liệt, thúc đẩy Jeong Nyeon tìm cách thoát khỏi cảnh đói nghèo và giúp gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoài bão cháy bỏng đã đưa cô bé từ vùng đất Mokpo cổ kính đến thành phố Seoul sôi động, nơi cô bắt đầu dấn thân thực hiện hóa giấc mơ được trình diễn trên sân khấu của đoàn hát quốc kịch truyền thống.
Cuộc gặp gỡ với Moon Ok Kyung, ngôi sao của đoàn kịch Maeran, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Jeong Nyeon. Sự khích lệ và hỗ trợ từ Ok Kyung không chỉ giúp cô nhận ra khả năng của bản thân mà còn tiếp thêm sức mạnh cho cô trong hành trình chinh phục nghệ thuật. Mối quan hệ giữa cả hai, bên cạnh sự cạnh tranh với Heo Young Seo, tạo nên một bức tranh sinh động về tình bạn, sự đồng điệu và khát vọng vươn tới cái đẹp toàn bích của nghệ thuật.
Bộ phim khéo léo thể hiện sự trưởng thành của Jeong Nyeon từ một cô bé ngây thơ trở thành một người phụ nữ can đảm, sẵn sàng thách thức những kỳ vọng xã hội về phụ nữ trong thời kỳ đó. Những màn trình diễn pansori không chỉ là những khoảnh khắc tôn vinh nghệ thuật mà còn là biểu tượng cho sự giải phóng bản thân, nơi Jeong Nyeon được bộc lộ, thể hiện những cảm xúc và ước mơ của mình. Qua từng thử thách, cô bé cũng dần học được giá trị của sự kiên trì, tự tin và nhẫn nại.
BÀI LIÊN QUAN
Những ngày vinh quang ngắn ngủi của pansori
Jeongnyeon: The Star is Born đan xen câu chuyện về những ngày tháng ngắn ngủi nhưng rực rỡ huy hoàng của pansori – một thể loại nghệ thuật sân khấu dành cho phụ nữ. Sau Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, pansori trở thành món ăn tinh thần phổ biến, thu hút đông đảo khán giả. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, pansori bắt đầu rơi vào quên lãng, phần lớn do những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội và văn hóa.
Vào những năm 1950 và 1960, Hàn Quốc chứng kiến quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa vươn lên nhanh chóng. Sự ảnh hưởng của phương Tây, cùng với sự phát triển của các thể loại âm nhạc mới như pop và rock đã khiến cho những hình thức nghệ thuật truyền thống như pansori dần bị bỏ rơi. Thế hệ trẻ, bị cuốn hút bởi các xu hướng âm nhạc hiện đại, ít có hứng thú với những câu chuyện dài dòng và giai điệu truyền thống của pansori. Trong phim, nhân vật Heo Young Seo – kỳ phùng của Jeong Nyeon – dù tài năng nhất nhì lứa thế hệ kế cận nhưng vẫn vật lộn để nhận được sự công nhận của gia đình khi theo đuổi quốc kịch, thay vì opera và nhạc pop đương đại như chị gái mình. Điều này tạo ra một khoảng cách lớn giữa các thế hệ, khiến cho việc truyền dạy và duy trì nghệ thuật này trở nên khó khăn.
Thêm vào đó, sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc tập trung vào việc xây dựng một hình ảnh quốc gia hiện đại và thống nhất, dẫn đến việc các hình thức nghệ thuật truyền thống không được khuyến khích và nhiều nghệ sĩ pansori không còn nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển sự nghiệp của họ. Đó là lý do mà những thực tập sinh hay học việc tại đoàn kịch Maeran như Ju Ran – bạn của Jeong Nyeon vẫn phải đi làm thêm với đồng lương ít ỏi. Nhiều nghệ sĩ đã phải chuyển sang các thể loại âm nhạc khác hoặc bỏ nghề, làm cho số lượng nghệ sĩ pansori giảm đi đáng kể.
Trong bối cảnh Jeongnyeon: The Star is Born, pansori không chỉ là nền tảng cho tài năng của nhân vật chính mà còn là biểu tượng cho khát vọng và bản sắc văn hóa. Yếu tố âm nhạc gợi nhớ về một thời kỳ mà nghệ thuật sân khấu truyền thống giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Hàn Quốc. Những giai điệu và câu chuyện trong pansori thể hiện nỗi đau, niềm vui, cũng như những ước mơ và khát vọng của con người, giúp khán giả kết nối với lịch sử và văn hóa của chính mình.
Bên cạnh đó, pansori trong phim còn khắc họa những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong một xã hội vẫn còn nhiều định kiến và áp lực. Qua những bài hát và giai điệu, khán giả cảm nhận được cuộc chiến nội tâm của Jeong Nyeon trong việc tìm kiếm bản sắc và khẳng định bản thân. Âm nhạc không chỉ là công cụ thể hiện tài năng mà còn là phương tiện giúp nhân vật bày tỏ những cảm xúc sâu sắc và phức tạp, từ sự đau khổ đến niềm hy vọng.
Xem thêm
• [Review phim] “Cô Châu” (2024): Bộ phim điệp chiến giàu cảm xúc
• [Review phim] “Phải chăng là định mệnh?” – Giao lộ của những mối tình đầu đã không còn rực lửa
• [Review Phim] “Đi Giữa Trời Rực Rỡ” – Chuyện tình nàng nàng Lọ Lem và chàng “tổng tài” phố núi
Bối cảnh xã hội và vai trò của phụ nữ trong thập niên 1950
Thập niên 1950 là một thời kỳ đầy khó khăn khi những hậu quả nặng nề của cuộc chiến đã để lại dư chấn sâu sắc trong tâm trí người dân, tạo ra những khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội. Trong thời kỳ này, vai trò của phụ nữ bị định hình bởi những kỳ vọng truyền thống và áp lực từ xã hội, họ phải chịu trách nhiệm về việc chăm sóc gia đình và tuân thủ các quy chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ chứng kiến sự manh nha thay đổi trong quan niệm về nữ quyền và quyền tự quyết của phụ nữ.
Jeong Nyeon là hình mẫu đại diện cho những ước mơ và khát vọng của nhiều phụ nữ trẻ. Dù sống trong một xã hội mà phụ nữ thường bị giới hạn bởi việc nội trợ, bếp núc, phụ thuộc vào người chồng, cô vẫn không ngừng theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Bên cạnh Jeong Nyeon, những nhân vật nữ khác như Kang So Bok (Ra Mi Ran) – chủ đoàn kịch Maeran và Seo Yong Rye (Moon So Ri) – mẹ của Jeong Nyeon cũng cho thấy những khía cạnh khác nhau của cuộc sống phụ nữ, từ những người lãnh đạo quyết đoán đến những người hy sinh vì gia đình.
Trong đó, Kang So Bok – người lãnh đạo lôi cuốn và thẳng thắn của đoàn kịch Maeran với sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình đã tạo ra những cơn sóng lớn trong bối cảnh nghệ thuật giai đoạn này. Còn Seo Yong Rye, mẹ của Yoon Jeong Nyeon – từng được coi là thiên tài pansori nhưng đã từ bỏ hào quang để sống một cuộc đời giản dị, hết mình cho việc nuôi dạy con cái. Những mảnh ghép cuộc đời này mang đến cho khán giả những suy ngẫm sâu sắc về tình yêu thương, sự hy sinh cũng như sức mạnh của phụ nữ trong một thời kỳ đầy biến động.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều rào cản, các nhân vật nữ trong phim thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, minh chứng rằng trong những thời điểm khó khăn, phụ nữ có thể tìm thấy sức mạnh từ những mối quan hệ đồng giới. Bộ phim khéo léo phản ánh những cuộc chiến không chỉ về tài năng mà còn về sự tự do, quyền lực của phụ nữ trong xã hội cũng như lồng ghép tinh tế câu chuyện bản dạng giới vốn vẫn là vấn đề mơ hồ trong thời đại bấy giờ.
Nhóm thực hiện
Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp