Bước vào kỷ nguyên làm đẹp mới, hội tín đồ thông thái dần cẩn trọng và cân nhắc hơn khi đứng trước các lựa chọn tôn vinh nhan sắc. Thấu hiểu rằng có vô số cách để mang đến cho diện mạo một vẻ đẹp mang tính bền vững, họ nhận thức được những mối nguy hại mà ngành công nghiệp làm đẹp đã tác động đến mẹ thiên nhiên.
Trái với những hiệu ứng mà nó mang lại, mặt tối của xu hướng làm đẹp glitter lại đang dẫn đến hệ quả xấu với môi trường bởi cuộc cách mạng vi nhựa trên diện rộng. Trong bối cảnh ấy, glitter phân hủy sinh học được ra đời với mong muốn tạo ra những cải cách mới trong thánh địa làm đẹp đang biến động không ngừng.
Có thể bạn chưa biết
Theo cách dễ hiểu và đơn giản nhất, glitter có nguồn gốc từ các mảnh nhựa được cắt thành vụn li ti. Những mảnh vụn có kích thước siêu nhỏ ấy là các hạt vi nhựa, mang mối nguy hại tiềm ẩn đối với môi trường.
Mặc dù có kích thước không đáng kể, hạt vi nhựa lại nghiễm nhiên được xếp vào một trong những tác động nguy hiểm đe dọa đến hệ sinh thái. Khi xâm nhập vào tự nhiên, các hạt này có thể gây ra tình trạng ô nhiễm đất và hệ thống nước. Các loài động vật ăn phải nguồn thức ăn có chứa vi nhựa cũng đứng trước nguy cơ gặp pGGhải những vấn đề về sức khỏe và trở thành vật trung gian tích tụ các hóa chất nguy hiểm.
BÀI LIÊN QUAN
Lời hồi đáp của các thương hiệu
Xét đến những tác động nói trên của glitter, giới làm đẹp dần cẩn trọng và bổ sung có chọn lọc hơn các sản phẩm cho tủ đồ trang điểm. “Tôi có thật sự cần đến sản phẩm này?” “Việc hạn chế sử dụng glitter có tạo ra những khác biệt to lớn hay không?” Những câu hỏi phổ biến này đã được đặt ra và thay đổi đáng kể thói quen mua sắm của khá nhiều tín đồ.
Khi nhận thấy được những khác biệt nêu trên, các thương hiệu và nhà bán lẻ cũng đã có những hành động thay cho lời hồi đáp trước vấn đề môi trường được đặt ra. Hãng mỹ phẩm Lush tuyên bố sẽ không sử dụng glitter làm từ nhựa trong các sản phẩm của mình. Riêng Waitrose – nhà bán lẻ lớn thứ sáu ở Anh tuyên bố sẽ không sử dụng kim tuyến trên các sản phẩm bao gồm cả thẻ (card) và giấy gói.
BÀI LIÊN QUAN
Sống xanh cùng mỹ phẩm thiên nhiên
Glitter phân hủy sinh học có thật sự phân hủy sinh học?
Các sản phẩm glitter bằng nhựa sinh học được đưa ra trên thị trường như một cách thức thay thế sản phẩm truyền thống. Dù có vẻ là những lựa chọn tối ưu hơn, các sản phẩm này vẫn có thể mang lại các vấn đề đáng suy ngẫm với môi trường. Đôi khi đây chỉ là hình thức greenwashing – hành động cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu.
Cụ thể, theo nhiều nghiên cứu khoa học uy tín, một số loại glitter được dán nhãn phân hủy sinh học lại không thể thực hiện chức năng đó trong điều kiện thông thường. Chúng cần có điều kiện xúc tác đặc biệt và không thể tự phân hủy sinh học khi trộn lẫn trong tự nhiên.
Nghiên cứu năm 2020 do Đại học Anglia Ruskin thực hiện cũng chỉ ra rằng glitter được sản xuất bằng cenllulose có thể phân hủy sinh học (MRC) và mica – những lựa chọn thay thế được coi là thân thiện với môi trường, lại có tác động tiêu cực đến môi trường sống nước ngọt.
BÀI LIÊN QUAN
Giải pháp nào cho các tín đồ làm đẹp xanh?
Hiện nay, mới chỉ có Bioglitter của Ronald Britton là sản phẩm glitter được nhận chứng nhận độc lập về phân hủy sinh học trong điều kiện tự nhiên bình thường, kể cả môi trường nước ngọt. Sản phẩm của hãng 100% không chứa nhựa và được làm từ cellulose bạch đàn có nguồn gốc rõ ràng.
Sản phẩm từ Bioglitter đều được thử nghiệm bởi TUV – bên thứ ba là tổ chức quốc tế cung cấp thử nghiệm và chứng nhận cho các sản phẩm có thể phân hủy và phân hủy sinh học. Hiện tại, Bioglitter được bán trực tiếp cho người tiêu dùng trên trang web của Today Glitter thông qua sự hợp tác giữa nhà sản xuất và Alvarez – một kỹ sư hóa học ở Mỹ. Alvarez cũng áp dụng Bioglitter vào trong các sản phẩm mỹ phẩm thuộc thương hiệu Blue Sun của riêng ông.
Trước sự quan tâm về glitter phân hủy sinh học đang gia tăng, người dùng cần đưa ra các lựa chọn thông thái khi làm đẹp. Theo chuyên trang WWF, bạn nên tìm hiểu thật kĩ về chất lượng của các thương hiệu mỹ phẩm. Đặc biệt, cần quan tâm đến các nhãn hàng sở hữu các chứng nhận an toàn, điển hình như OK Compost của TUV Austria – chứng nhận có sản phẩm có khả năng phân hủy trong môi trường thiên nhiên và không để lại các tác nhân gây hại.
BÀI LIÊN QUAN
Kết
Hiện nay, thuật ngữ “phân hủy sinh học” đang bị một số nhà sản xuất lợi dụng để quảng bá về sản phẩm của họ với người tiêu dùng. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải nâng cao ý thức trong việc làm đẹp, tìm hiểu thật kĩ các thông tin liên quan cũng như các chứng nhận mà thương hiệu sở hữu. Dù hành trình làm đẹp xanh còn nhiều khó khăn và thử thách, ELLE vẫn tin rằng sẽ có thêm ngày càng nhiều lựa chọn mới trong tương lai giúp chúng ta vừa thỏa thích trải nghiệm mà vẫn có thể bảo vệ môi trường khỏi các tác nhân tiêu cực.
Nhóm thực hiện
Bài: Thảo Vy Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: GreenCoast Ảnh: Tổng hợp