ELLE Giới thiệu: Dòng chảy ngầm – Nhạc Underground

Đăng ngày:

Underground là những dòng chảy ngầm, có dòng âm ỉ đến mức không ai đề ý nhưng cũng có những dòng cuồn cuộn chảy, gôy xói mòn lớp đất đá bên trên. Cùng ELLE tìm hiểu về dòng nhạc này.

-000

Trong số những gương mặt có tên trong Giải thưởng Video Âm nhạc Việt, Karik là một cái tên khiến vài người “chưng hửng” không biết tại sao gã lại “dám” xuất hiện ở đây, sánh ngang cùng các ngôi sao khác. Nhưng trong cộng đồng nhạc rap Việt, trên các diễn đàn như dunkare, Karik thật sự là một ngôi sao, thậm chí có những xưng tụng như “King of rap Viet”.

Karik là một đại diện rất tiêu biểu của những dòng nhạc underground ít được chào đón bởi số đông, nằm ngoài radar của các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng ảnh hưởng không ít đến một bộ phận người nghe, người xem. Bởi vậy nên Karik đang là cái tên được ủng hộ rầm rộ trên Facebook của chương trình Giải thưởng Video Âm nhạc Việt, không kém các ngôi sao nổi tiếng.

Underground là những dòng chảy ngầm, có dòng âm ỉ đến mức không ai để ý nhưng cũng có những dòng cuồn cuộn chảy, gây xói mòn lớp đất đá bên trên. Một số thể loại thịnh hành trong làng nhạc hiện nay khởi nguồn từ vị trí underground, từ những quán bar tầng hầm với không khí ám khói, quánh đặc, ánh đèn chập choạng chỗ sáng chỗ tối.

Dòng nhạc disco cực kỳ thịnh hành trong thập niên 70 cũng xuất phát từ các DJ ở hộp đêm dành cho giới đồng tính. Đầu thập niên 80, rap và hip-hop cũng trầy trật rất lâu trước khi tràn ngập trên đường phố rồi leo lên các bảng xếp hạng đình đám.

Các dòng nhạc underground không phân biệt thể loại. Nhạc rock cũng có underground, nhạc dance cũng có underground… Đó là những thứ nhạc có vẻ quá cực đoan, quá mạnh mẽ đối với số đông công chúng. Bên cạnh các ban nhóm thịnh hành, vẫn có những dòng underground cả đời trỗi dậy không nổi hoặc các fan không muốn thể loại mình yêu thích bị chia sẻ quá nhiều.

Một số nhóm nhạc được xếp theo dạng “cult” (được hâm mộ rất sâu nhưng không rộng, tức là có một số lượng fan khá giới hạn đam mê và tôn sùng hết mình) khi tung ra những album thành công về thương mại thường bị fan “gộc” chê trách là xa rời cội rễ, đánh mất bản chất.

-002

Cuối năm 2010, nhóm Arcade Fire tung ra album thứ 3 của mình có tên The Suburbs. Album này nhanh chóng leo lên hạng nhất một số bảng xếp hạng danh tiếng, trong đó có Billboard. Nhóm nhạc dĩ nhiên hoan hỉ với thành tích này nhưng một số fan lại tỏ vẻ thất vọng. Dòng nhạc mà Arcade Fire theo đuổi là indie rock, độc lập với các “thế lực thương mại”, với những hãng đĩa lớn nên có thể thỏa sức sáng tạo những gì mình muốn. Bởi vậy indie rock mà lại xếp đầu bảng xếp hạng, có vẻ như không được đúng đắn!

Theo các fan này, khi pha thêm nhạc pop để chiều lòng số đông, thêm vào những chiêu thức thương mại trong việc quảng bá thì ban nhạc yêu thích của họ đã bị mất chất.

Underground đến với số đông công chúng

Không thể xem Trí Minh như một nghệ sĩ underground bởi anh đang là một trong những DJ đắt sô nhất hiện nay. Phần nhạc cho các show thời trang lớn gần đây đều do anh đảm trách và đôi khi, show diễn giống như một liveshow của Trí Minh bởi phần phối nhạc, chọn nhạc cực kỳ ấn tượng. Nhưng thể loại mà anh theo đuổi từ lâu là dòng nhạc điện tử thể nghiệm kén người nghe, chỉ nhắc đến cái tên thôi cũng khó được hâm mộ nhiều ở Việt Nam: Minimal noise techno.

Với mong muốn đem âm nhạc điện tử đến gần công chúng, Trí Minh tìm một hướng đi mới: anh đến với dòng chillout qua đĩa Hà Nội Love stories. Chillout là thể loại vừa kén người nghe, vừa phổ thông. Đó không phải là loại nhạc để người khác chú ý đến nhưng lại được mở ở khá nhiều nơi công cộng như các quán cà phê, lounge, là loại nhạc lấp đầy không gian, giữa những câu trò chuyện trong quán. Cũng dễ hiểu, trong các bộ phim, phần nhạc nhớ đến nhiều nhất thường là các ca khúc được sử dụng ở các cảnh quan trọng hơn là phần nhạc nền không lời.

-003

Hà Nội Love stories được thực hiện với mục đích hướng đến số đông công chúng nên rất dễ tiếp cận, khác hẳn thể loại minimal noise techno khó nhằn kia. Các bản nhạc quen thuộc như Bèo dạt mây trôi, Fly me to the moon được pha trộn với các âm thanh điện tử, có khi lóng lánh, có khi dịu dàng cùng với bàng bạc tiếng kèn kiểu jazz hay âm thanh tươi trong của piano.

Các âm thanh cuộc sống đời thường vào nhiều thời khắc trong ngày, có vẻ lãng đãng và rời rạc nhưng rất có chủ ý để làm nên các tác phẩm nhạc điện tử thú vị này. Sự xuất hiện của các giọng hát như ca sĩ Tùng Dương, nhà thơ trẻ Trương Quế Chi, ca nương Phạm Thu Huệ cũng khiến đĩa nhạc có thể gần gũi hơn với công chúng…

Nhóm thực hiện

Bài: Trí Quyền – Ảnh: Trí Minh, Benjamin Schiller 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more