Hãy ngưng ngay những giọng nói chỉ trích từ bên trong bản thân mình!
Bên trong mỗi người luôn tồn tại một giọng nói chỉ trích mọi lỗi lầm của bản thân. Để kiểm soát tác hại gây ra bởi nó, cùng đọc bài viết dưới đây nhé!
Trong nhận thức của mỗi cá nhân đều tồn tại hai giọng nói: một để tự khích lệ và một để tự chỉ trích. Cả hai giọng nói này đều có vai trò nhất định của nó. Giọng nói khích lệ (inner nurturer) sẽ khơi dậy lòng trắc ẩn và động viên bạn từ bên trong, trong khi giọng nói chỉ trích (inner critic), theo mức độ nào đó sẽ giúp bạn nhận ra các sai phạm của mình để sửa chữa chúng.
Nhưng điều đáng quan ngại là giọng nói chỉ trích dường như đang chiếm lấy thế giới quan của hầu hết mọi người. Chúng chĩa mũi dùi vào chính bản thân mỗi người chúng ta, làm nhục và phê phán gay gắt bất kỳ lỗi lầm nào bạn gây ra. Có thể nói, chúng vô cùng lớn mạnh, lấn át cả giọng nói động viên, khiến tâm trạng và niềm tin của bạn bị xoay chuyển theo chiều hướng tiêu cực, bên cạnh đó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng và khả năng vượt khó của bạn.
Nhưng may mắn thay, nếu bạn có thể tìm cách cân bằng hai giọng nói này, bạn sẽ chế ngự được những cảm xúc tiêu cực mà bấy lâu đang xâm chiếm lấy bản thân đấy! Nhà tâm lý học Rick Hanson mới đây đã đưa ra các lời khuyên bổ ích giúp bạn chế ngự lời chỉ trích đến từ bên trong bản thân. Cùng ELLE tìm hiểu nhé!
Đầu tiên, hãy quan sát cách vận hành của giọng nói chỉ trích bên trong bạn
Hãy để ý những lần mọi tổn thương của bạn bị bỏ qua, hoặc các nhu cầu và quyền lợi của bạn bị phớt lờ. Ngay cả những lần bạn tự hạ thấp thành tựu của bản thân bằng các suy nghĩ phóng đại cũng cần được rà soát lại. Bước đầu, bạn nên tập trung sự chú ý vào những mối nghi hoặc và các lời phê phán thường xuyên diễn ra trong đầu mình.
Hãy tìm hiểu những lần bạn tức giận quá mức với bản thân mình
Sau đó, bạn hãy đặc biệt lắng nghe giọng nói kia khi nó đang chỉ trích bạn, hãy xác định xem liệu có phải bạn đã từng gặp trường hợp này ở ngoài đời thực hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cố gắng tìm hiểu thêm những thái độ ẩn giấu khiến bạn mất tự tin về chính mình. Và hãy xác định luôn lời nói chỉ trích nào có mức độ sát thương cao nhất. Những cụm từ như “Đáng lẽ mình nên tự hổ thẹn với bản thân” hay “Mình là một kẻ thất bại” có thể là ví dụ. Khi bạn đã hoàn toàn nắm bắt được chúng, hãy tự gắn chúng với các cụm từ như “tự thù ghét bản thân” hay “khinh thường nỗi đau của mình”.
Tiếp đó, hãy xem xét lại toàn bộ quá trình hình thành của các lời nói chỉ trích trên, chúng đã được phát triển dựa trên cơ sở nào, có thể khi bạn còn nhỏ chăng?
Khi bạn hoàn toàn ý thức được các cuộc độc thoại xảy ra bên trong mình, bạn có thể sẽ hiểu ra các lời chỉ trích, những tông giọng và từ ngữ mang tính công kích đó đến từ đâu. Liệu giọng nói đó có gợi nhắc bạn về ai đó không – cha mẹ, anh chị em, người thân, hoặc giáo viên cũ của bạn. Bằng cách lắng nghe chính bản thân mình, bạn có thể nhận ra được sự đặt điều, vô lý và khắc nghiệt mà giọng nói chỉ trích kia đang nhắm vào con người bạn.
Lùi về sau để quan sát các lời bình luận tiêu cực của mình có thể giúp bạn khống chế chúng và thanh lọc lại nhãn quan về bản thân. Nói một cách khác, cho dù bạn có đang lắng nghe giọng nói chỉ trích đó, nhưng bạn không phải là những gì mà chúng đang diễn tả. Phương pháp quan sát thầm lặng này lâu dần sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của các lời tự bình tiêu cực và tái định hướng chúng theo một cách hợp lý hơn.
Khi giọng nói chỉ trích bắt đầu sự công kích của nó, hãy quay bản thân về lắng nghe những lời động viên từ bên trong và lấy đó làm nơi nương tựa của mình
Nên nhớ phần tích cực của bản thân sẽ tự bảo vệ bạn khỏi các lời phê bình không mang tính xây dựng, cũng như an ủi bạn khi bạn bị căng thẳng, thất vọng hoặc cảm thấy tồi tệ. Đây là xuất phát điểm của sự tự tin và khả năng vượt khó trong mỗi người. Từ thời thơ ấu, bằng cách chủ quan hóa các trải nghiệm tích cực của bản thân với những đối tượng khác nhau, con người đã tự phát triển cho mình một bản thể luôn động viên và ủng hộ họ. Tuy nhiên, nếu trải nghiệm này chỉ bị giới hạn trong một mức độ nào đó, ví dụ như khi được điểm cao mẹ sẽ khen ngợi bạn nhưng khi bị điểm kém, bạn phải hứng chịu lời chỉ trích nặng nề, thì các lời nói tự khích lệ sẽ không được phát triển mạnh mẽ.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng bạn nên tự tưởng tượng ra một “hội đồng yêu thương” bên trong chính mình với nhiều nhân vật và nhiều kiểu ủng hộ, khuyến khích khác nhau
Ví dụ, hội đồng của bạn có thể gồm con cái, cha mẹ, vợ/ chồng hoặc thậm chí một vài nhân vật hư cấu trong phim, Gandalf trong The Lord of the Rings (Chúa tể nhưng Chiếc Nhẫn), hay bà tiên trong câu chuyện cổ tích Cô Bé Lọ Lem chẳng hạn. Hãy tìm những người luôn ủng hộ bạn và đưa họ vào hội đồng này nhé!
Tiếp theo, đấu tranh với giọng nói chỉ trích bên trong bạn, và hãy cố gắng chiến thắng nó
Bạn có thể viết ra các câu nói điển hình mỗi khi bạn tự phê phán chính mình và tìm ra 2 – 3 cách phản biện lại chúng một cách logic. Hãy tưởng tượng các thành viên trong “hội đồng yêu thương” kia sẽ luôn ở bên cạnh và đứng về phía bạn. Trở thành đồng minh với họ để kiểm soát giọng nói chỉ trích kia. Bạn nên tập nói với bản thân rằng: “Những lời chỉ trích này chỉ có một phần đúng, và phần còn lại chỉ là đặt điều hoặc sai sự thật” hoặc “Điều này chẳng giúp ích gì cho tôi cả nên tôi không cần phải lắng nghe nó”. Bạn cũng có thể xem giọng nói chỉ trích kia là điều gì đó không đáng tin cậy, có thể gắn nó với một nhân vật phản diện nào đó và đẩy nó ra khỏi những giá trị chân thực tạo nên con người bạn. Hãy xem chúng như một kẻ phiền phức mà bạn và mọi người đều không ưa.
Bạn có nhìn nhận bản thân như người khác đã nhìn nhận bạn không, rằng bạn xứng đáng với mọi điều tốt đẹp nhất?
Bạn từng nhìn thấy nhiều điểm tốt ở những người xung quanh bạn, kể cả những người bạn không quen biết, đúng chứ? Vậy bây giờ, hãy hiểu rằng ai cũng giống như bạn. Họ cũng thấy ở bạn nhiều mặt tốt, nên bạn hãy có suy nghĩ tương tự cho bản thân nhé! Đối với nhiều người, chuyện này không dễ dàng thực hiện. Nó được coi như một điều cấm kỵ, nhưng tại sao không nhỉ? Nếu bạn có thể công nhận những điều tốt ở người khác thì vì sao họ lại không thể làm điều tương tự cho bản thân bạn chứ? Cũng từ đó, bạn có thể nhìn nhận các mặt tốt của mình và tự đứng lên cho bản thân, phải không?
Khi bạn trải qua một ngày, hãy ghi nhớ những lần người khác khen ngợi thái độ, khả năng, và các nỗ lực của bạn, dù chỉ là vài khoảnh khắc thoáng qua cũng được
Bạn hãy tập nhìn nhận điểm mạnh của bản thân như cách bạn làm với người khác. Hãy trở thành một người quan sát khách quan và đưa các điểm mạnh của bạn gắn với những cụm từ tích cực như “cầu tiến”, “thân thiện”, “biết chấp nhận và sửa chữa lỗi lầm” hay “khiêm nhường”.
Hãy tự nhận biết sự hoàn hảo và lòng yêu thương ẩn sâu bên trong bạn
Đừng ngần ngại tự tin vào giá trị vốn có của bạn. Bạn nên cố gắng làm điều này nhiều lần hơn để cảm giác tự ti và thói quen hạ thấp lòng tự trọng của bản thân dần biến mất. Bất kể bạn có trải qua bao nhiêu thăng trầm, thành công hay thất bại, bạn vẫn có thể tìm thấy sự thoải mái và sức mạnh tiềm ẩn từ nội tâm nếu bạn tin tưởng vào bản thân mình.
—
Xem thêm:
Ikigai – Quan niệm sống hạnh phúc của người Nhật
Có thể bạn chưa biết: Buổi tối chính là thời điểm tuyệt vời để lên ý tưởng
Bài: Như Trần
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ TED