31 truyền thống đám cưới “có một không hai” trên thế giới

Đăng ngày:

Không chỉ là một sự kiện thiêng liêng đánh dấu cột mốc trọng đại của mỗi người, lễ cưới còn đại diện cho đặc trưng văn hóa của một quốc gia. Đi từ Đông sang Tây, mỗi đất nước sẽ có cách ăn mừng lễ cưới rất khác nhau, và có những phong tục cưới rất độc-dị mà bạn có thể chưa nghe đến bao giờ.

Không chỉ dừng lại ở phong tục trao nhẫn và cất lời “Tôi đồng ý”, có rất nhiều truyền thống đám cưới đặc biệt khác trên thế giới có thể truyền cảm hứng và gây bất ngờ cho bạn. Cùng ELLE tìm hiểu những truyền thống đám cưới thú vị ở các quốc gia nhé! 

1. Na Uy: Cô dâu đội vương miện sang trọng

đám cưới na uy

Ảnh: Wings of Whimsy

Người Na Uy cho rằng ma quỷ, tà ma sẽ không thể phá hoại được hạnh phúc của cô dâu nếu cô đội một chiếc vương miện bằng bạc và vàng được trang trí công phu với những tấm bùa nhỏ trang trí xung quanh. Vương miện này thường là vật gia truyền có giá trị của gia đình, hoặc nếu gia đình cô dâu không sở hữu một chiếc, nhà thờ tại Na Uy sẽ cung cấp vương miện cho đám cưới.

2. Mexico: Đám cưới Lasso

cô dâu chú rể đeo vòng lasso trong đám cưới ở Mexico

Ảnh: KRISTA PHOTOGRAPHY

Trong buổi lễ, khi một cặp vợ chồng Mexico đang trao nhau lời thề, một “lazo” hay còn gọi là lasso, làm từ tràng hạt và hoa sẽ được quàng quanh vai cả hai người theo hình số tám. Lasso không chỉ đại diện cho sự kết hợp của đôi lứa mà hình dạng của nó còn giống với biểu tượng vô cực, thể hiện ước muốn được bên nhau mãi mãi của cặp đôi. Ngoài ra lazo còn tượng trưng cho khởi đầu mới tốt đẹp của cả hai người sau khi về chung nhà.

3. Armenia: Giữ cho bánh mì cân bằng

cô dâu chú rể giữ bánh mì cân bằng là một truyền thống đám cưới ở Amenia

Ảnh: Instagram/@womensavenues

Các cặp đôi ở Armenia thường đặt bánh mì lavash bằng phẳng trên vai của cả hai để xua đuổi tà ma. Họ còn đập một chiếc đĩa trong lễ đường để cầu may, sau đó mẹ chú rể sẽ tặng rượu và mật ong cho hai vợ chồng và đợi họ ăn từng thìa mật ong – thứ tượng trưng cho sự hạnh phúc. Khi tất cả những phong tục này được tiến hành xong thì bữa tiệc mới chính thức được bắt đầu. 

4. Congo: Không được cười trong ngày cưới

cô dâu chú rể không được cười trong đám cưới tại Congo

Ảnh: Global Press Journal

Nghe có vẻ rất lạ lùng khi hầu hết các cặp đôi sắp cưới đều tràn ngập sự háo hức và mong đợi, thì các cặp đôi người Congo lại không được phép cười trong ngày trọng đại của họ. Điều này được lý giải như sau: lễ ăn hỏi và lễ tân hôn đều là những sự kiện nghiêm túc, nếu họ cười đồng nghĩa với việc họ không nghiêm túc với hôn nhân.

5. Trung Quốc: Bắn cung

chú rể bắn cung vào cô dâu trong đám cưới tại Trung Quốc

Ảnh: Getty Images/Mark Ralston

Vì Trung Quốc có nhiều dân tộc cũng như dân cư sinh sống thành nhiều vùng với những nét văn hóa rất riêng, nên phong tục cưới của họ cũng đa dạng không kém. Trong đám cưới của người Yugur, Duy Ngô Nhĩ… chú rể thường sử dụng cung tên để bắn 3 mũi tên (đã được loại bỏ đầu nhọn) để xua đuổi tà ma. Sau khi bắn tên xong, chú rể sẽ gom lại và bẻ gãy mũi tên với ngụ ý cặp đôi sẽ bên nhau mãi mãi. 

6. Fiji: Sính lễ phải có răng cá voi 

phong tục cưới ở Fiji là chú rể tặng răng cá voi cho nhà cô dâu

Ảnh: doc.govt

Ở Fiji, khi một người đàn ông muốn kết hôn, anh ta phải tặng bố vợ tương lai của mình một chiếc răng cá voi. Nếu nhà trai có điều kiện kinh tế khá giá, anh ta có thể mua nó ở chợ đen, bằng không phải tự lặn xuống biển để săn cho được răng cá voi mới có thể cưới được vợ. Hiện nay, phong tục có phần khó khăn và cổ hủ nên không còn nhiều nơi ở Fiji áp dụng.


Xem thêm

• Nguồn gốc của 11 tập quán trong lễ cưới vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho đến nay

• 7 đặc điểm chung các cặp đôi nên có để duy trì mối quan hệ bền vữn

• Giải mã giấc mơ: Tại sao bạn lại mơ thấy người yêu cũ?


7. Scotland: Đám cưới chạy trốn

phong tục đám cưới chạy trốn ở Scotland

Ảnh: Gretna Green

Bạn đã từng chứng kiến những tình yêu bị cấm cản và cặp cùng nhau chạy trốn để tìm kiếm hạnh phúc trên màn ảnh? Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết Scotland là vùng đất lý tưởng cho những “đám cưới chui” như vậy. Điều này bắt nguồn từ lịch sử của nước Anh, vào năm 1754 hiến pháp hôn nhân của họ cho phép cha mẹ phản đối việc kết hôn của con mình. Vì thế, có rất nhiều cặp đôi chạy đến Scotland – nơi không có hiệu lực hiến pháp để tổ chức kết hôn. Hiện nay hình thức tổ chức đám cưới này vẫn tồn tại ở Scotland, đặc biệt là với làng Gretna Green – nơi nổi tiếng với những đám cưới “runaway” hàng thế kỷ qua.

8. Hy Lạp: Cạo râu cho chú rể

Vào lễ cưới, bạn thân nhất của chú rể sẽ cạo mặt và râu cho anh ấy, trong khi những người bạn khác thì giúp anh ấy thay và sửa soạn áo quần. Sau khi mọi thứ tươm tất, mẹ vợ của chú rể sẽ cho anh ấy ăn mật ong và hạnh nhân.

9. Guatemala: Đập chuông

đám cưới đập chuông theo truyền thống ở Guatemala

Ảnh: Brides

Bố mẹ của chú rể người Guatemala có thể làm bất cứ điều gì họ muốn khi họ là người tổ chức, chủ trì buổi tiệc, kể cả việc đập phá đồ đạc. Vào lúc đôi vợ chồng mới cưới bước vào lễ đường, mẹ của chú rể sẽ đập một chiếc chuông bằng sứ trắng chứa đầy các loại ngũ cốc như gạo và bột mì với mong ước mang lại sự thịnh vượng, của cải cho cặp đôi.

10. Nhật Bản: Đội mũ Tsunokakushi trắng

cô dâu đội mũ Tsunokakushi trong một đám cưới truyền thống ở Nhật Bản

Ảnh: Itchy Feet

Tsunokakushi là một loại mũ truyền thống của Nhật Bản, thường được dùng làm mũ cô dâu trong các lễ cưới theo nghi thức Thần đạo. Chiếc mũ này có ý nghĩa che đậy sự ghen tị, ích kỷ của một con người, và từ giờ người phụ nữ sẽ trở thành một nàng dâu ngoan hiền, hiếu thảo. Ngoài mũ Tsunokakushi, cô dâu còn mặc một bộ kimono trắng từ đầu đến chân để phù hợp với truyền thống cưới của Nhật Bản.

11. Lebanon: Nhảy múa theo điệu nhạc trước lễ cưới

cô dâu chú rể nhảy múa điệu Zaffe trong đám cưới ở Lebanon

Ảnh: Pinterest

Ở Lebanon, lễ kỷ niệm đám cưới được gọi là Zaffe. Trong sự kiện này, cô dâu và chú rể sẽ múa bụng theo điệu nhạc, sau đó cùng tổ chức tiệc và hò hét với bạn bè, gia đình của họ, hoặc đặc biệt hơn là với các vũ công và nhạc sĩ chuyên nghiệp. Cuối cùng, buổi tiệc sẽ kết thúc tại nhà cô dâu, nơi cặp đôi được nhận những lời chúc phúc trước khi họ làm lễ kết hôn.

12. Đức: Polterabend

đám cưới Polterabend bát đĩa là truyền thống ở Đức

Ảnh: livlifemag

Polterabend là tên gọi một phong tục cưới của người Đức. Nếu như ở một số nước phương Đông, làm đổ vỡ vật dụng trong ngày cưới của ai đó là một điềm gở, thì ở Đức, bạn được khuyến khích đập vỡ các món đồ bằng sứ để mang lại may mắn, xua đuổi tà ma trong hôn nhân. Sau đó, cặp đôi sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa trong lần đầu tiên – tức dọn đi những mảnh vỡ mà các vị khách đã ném xuống đất. Hành động này mang ý nghĩa cặp đôi sẽ cùng nhau trải qua mọi gian khó, dù là điều nhỏ nhất.

13. Cộng hòa Séc: Đặt một em bé trên giường của cặp vợ chồng

em bé

Ảnh: Unsplash/Dakota Corbin

Đặt một em bé lên giường tân hôn là lời chúc phúc cho cặp đôi luôn mặn nồng và thuận lợi trong việc sinh con và nuôi dạy con cái. Sau khi họ kết hôn, khách mời sẽ ném gạo, đậu Hà Lan hoặc đậu lăng vào cặp đôi với lời chúc tương tự.

14. Nga: Karavay

đám cưới truyền thống ở Nga có hoạt động truyền thống Karavay

Ảnh: Expatica

Đây là một truyền thống ngọt ngào và có phần vui nhộn của các cặp đôi người Nga. Họ sẽ cùng chia sẻ một chiếc bánh ngọt tên là Karavay. Chiếc bánh được trang trí bằng lúa mì và những chiếc nhẫn lồng vào nhau để thể hiện sự thịnh vượng và chung thủy. Ai ăn được nhiều bánh hơn mà không dùng tay thì sẽ được coi là “chủ” gia đình.

15. Ấn Độ: Joota Chupai

joota chupai là một trong những truyền thống đám cưới tại Ấn Độ

Ảnh: wedmegood

Joota Chupai là một trò chơi khăm phổ biến trong các lễ cưới tại Ấn Độ. Khi tiến hành làm lễ, chú rể phải cởi giày. Ngay lập tức, các cô em gái của cô dâu hoặc những người phụ nữ bên nhà gái chưa chồng sẽ giấu giày của chú rể và đòi một khoản tiền chuộc nho nhỏ. Những người bên nhà trai phải tìm mọi cách để lấy lại giày, hoặc họ phải trả tiền để chú rể có thể có giày trong ngày cưới của mình.


Xem thêm

• 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang dần quên được người yêu cũ

• 8 bí quyết hâm nóng tình yêu cho các cặp đôi

• Trong 12 cung hoàng đạo, cặp đôi nào có thể là bạn thân nhưng cũng đầy mâu thuẫn?


16. Niger: Múa lạc đà

múa lạc đà

Ảnh: Brides

Có thể chúng ta đều biết đến điệu múa gà “chicken dance” huyền thoại, nhưng ở quốc gia Niger tại Tây Phi, điệu múa lạc đà mới là điệu múa được ưa chuộng. Điểm đặc biệt của điệu múa này đó là nó được thực hiện trên một con lạc đà thật. Trong tiệc cưới trên sa mạc, khách mời tham dự sẽ ngồi bao quanh và cô dâu chú rể sẽ cùng lạc đà múa theo nhịp trống nhịp nhàng, thật đặc biệt phải không nào?

17. Philippines: Thả chim bồ câu trắng

thả bồ cầu là một trong những truyền thống đám cưới ở Philippines

Ảnh: occasiondoves

Sau khi làm hôn lễ, cô dâu và chú rể sẽ cùng thả một cặp chim bồ câu gồm con cái và con đực lên không trung. Những con bồ câu này được cho là đại diện của cuộc sống hòa thuận, êm đẹp của cặp vợ chồng mới cưới.

18. Cuba: Vũ điệu tiền

vũ điệu tiền là một trong những truyền thống đám cưới ở Cuba

Ảnh: brettmatthewsgallery

Khách mời phải “trả tiền” bằng cách ghim tiền lên váy cô dâu để được nhảy với cặp đôi mới cưới. Phong tục này xuất phát từ ý tốt muốn chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và là món quà cưới để họ có thể đi hưởng tuần trăng mật cùng nhau. Chú rể sẽ nhảy với khách mời nữ, còn cô dâu nhảy với khách mời nam, chủ yếu là gia đình và bạn bè của họ. Các bản nhạc chủ đề trong phong tục này thường xoay quanh tình yêu, tình cảm gia đình…

19. Thổ Nhĩ Kỳ: Treo quốc kỳ

treo quốc kỳ là một trong những phong tục ở đám cưới Thổ Nhĩ Kỳ

Ảnh: Unsplash/Imad Alassiry

Các cặp đôi Thổ Nhĩ Kỳ phải nghe luật trước khi tiến hành tổ chức hôn lễ. Khi họ kết hôn, bạn bè của chú rể sẽ treo quốc kỳ của Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà của anh ấy. Tùy vào khu vực nhà chú rể, họ còn treo những đồ vật như trái cây, rau và gương… để báo hiệu lễ cưới đã bắt đầu.

20. Venezuela: Cặp đôi rời đi trước khi kết thúc tiệc chiêu đãi

cô dâu chú rể chạy trốn trong đám cưới Venezuela

Ảnh: Unsplash/Katelyn Macmillan

Nếu bạn tham dự một lễ cưới tại Venezuela, đừng đợi khi hôn lễ kết thúc mới tiến đến trò chuyện với cô dâu chú rể, vì có thể họ đã rời đi từ lâu. Theo quan niệm của người Venezuela, cặp đôi nhận được nhiều may mắn là khi họ lẻn ra khỏi lễ cưới mà không vị khách nào bắt gặp được.

21. Wales: Sử dụng hoa Myrtus (hương đào) trong bó hoa cưới

cô dâu cầm hoa Myrtus trong đám cưới ở Wales

Ảnh: RYAN RAY PHOTOGRAPHY

Loài hoa này gần như xuất hiện trong mọi lễ hội của người Anh, đặc biệt là trong lễ cưới của xứ Wales vì nó tượng trưng cho tình yêu và hy vọng. Đặc biệt, cô dâu còn ngắt hoa để tặng cho phù dâu với mong muốn tình yêu của cô ấy cũng trở nên suôn sẻ và cô sẽ sớm tiến tới hôn nhân viên mãn.

22. Mông Cổ: Xẻ thịt một con gà con

Theo truyền thống của Mông Cổ, một cặp đôi muốn định ngày cưới trước tiên phải giết một con gà con rồi xẻ thịt để tìm một lá gan khỏe mạnh – tượng trưng cho điềm lành trong hôn nhân. Nếu không tìm được, họ phải tiếp tục thực hiện cho đến khi thành công.

23. Ireland: Giữ một chân trên mặt đất trong lần khiêu vũ đầu tiên

Ở Ireland, khi cô dâu và chú rể khiêu vũ, cô dâu phải luôn giữ ít nhất một chân trên sàn. Văn hóa dân gian Ireland cho rằng nếu cô ấy không làm vậy, những nàng tiên độc ác sẽ đến và bắt cóc cô ấy đi.

24. Polynesia: Vợ chồng mới cưới bước lên người họ hàng

Trên quần đảo Marquesas ở Polynesia thuộc Pháp, khi đám cưới kết thúc, những người thân của cô dâu nằm cạnh nhau, úp mặt xuống đất, trong khi cô dâu và chú rể bước qua họ như bước trên một tấm thảm người. 

25. Peru: Kéo bánh cưới

tục kéo bánh cưới trong đám cưới ở Peru

Ảnh: Insider Weddings

Trong các đám cưới của người Peru, chiếc bánh thường có những dải ruy băng gắn bên trong kèm theo một chiếc nhẫn cưới giả. Sau khi lễ cưới hoàn tất, tất cả những phụ nữ độc thân sẽ đều tham gia vào trò kéo bánh. Mỗi người tham gia sẽ kéo một dải ruy băng, ai rút được chiếc nhẫn sẽ là người tiếp theo kết hôn.

26. Romania: Bắt cóc cô dâu

Đám cưới Romania có truyền thống là bắt cóc cô dâu

Ảnh: compassandfork

Ở Romania, trước lễ cưới, các vị khách cùng nhau chơi trò “bắt cóc” cô dâu, đưa cô ấy đến một địa điểm bí mật và đòi chú rể đến “chuộc”. Phí chuộc ở đây gồm vài chai rượu hoặc một số yêu cầu kì quặc tùy theo ý muốn của chủ trò chơi khăm này, chẳng hạn như bắt chú rể hát một bản tình ca trước toàn thể khách mời trong lễ cưới. 

27. Thụy Điển: Hôn trộm

hôn trộm cô dâu chú rể là một trong những phong tục đám cưới ở Thụy Điển

Ảnh: Pexels/юлиана маринина

Ý tưởng này thoạt nghe rất điên rồ, đặc biệt là với người Á Đông, nhưng nó thật sự xảy ra ở Thụy Điển! Tại đây, bất cứ khi nào cô dâu và chú rể tách nhau ra, tất cả phụ nữ có thể thoải mái hôn trộm chú rể và ngược lại, các quý ông cũng có thể tự do hôn cô dâu khi không có chú rể ở cạnh. Điều này có thể diễn ra trong suốt lễ cưới, nhưng chỉ được thực hiện khi nhân vật chính không ở cạnh nhau.

28. Hàn Quốc: Lễ Falaka

đám cưới Hàn Quốc có truyền thống là lễ falaka

Ảnh: koreanetblog

Để “rèn luyện tinh thần” cho chú rể trước hôn nhân, bạn bè và gia đình sẽ dùng gậy hoặc cá khô đánh vào chân của anh ta trong lễ Falaka – một phần của tiệc cưới. Giữa những lần bị đánh, chú rể phải trả lời những câu hỏi đố vui từ mọi người. Phong tục này được cho là giúp tăng cường trí nhớ và sức khỏe cho chú rể.

29. Ý: Tiệc Serenata

Tiệc Serenata là phong tục đám cưới người Ý

Ảnh: Unsplash/Ulyana Tim

Với tinh thần lãng mạn đặc trưng, người Ý cũng có phong tục cưới rất ngọt ngào. Vào đêm trước đám cưới, chú rể có thể tổ chức một bữa tiệc bất ngờ bên ngoài cửa sổ nhà cô dâu với sự hỗ trợ của các nhạc công. Sau đó, nó sẽ dần trở thành bữa tiệc thịnh soạn, xa hoa với sự tham gia của gia đình và bạn bè của cả hai.

30. Tây Ban Nha: Cắt đồ cưới

phong tục cắt quần áo cưới trong đám cưới Tây Ban Nha

Ảnh: pexels/Vika Kirillova

Nếu như ở một số nước phương Đông, các cặp đôi rất trân trọng đồ cưới của mình như một vật kỷ niệm quý báu, thì ở Tây Ban Nha, bạn bè của cặp đôi sẽ cắt một số mảnh trên trang phục của họ để bán cho khách mời, quyên góp thêm tiền chúc phúc cho đám cưới. Chẳng hạn như ở một số đám cưới, bạn bè sẽ cắt đi chiếc cà vạt của chú rể, hoặc cắt đi chiếc nịt bít tất của cô dâu.


Xem thêm

• “The Ick” là gì và 7 lý do của hiện tượng này trong mối quan hệ tình cảm

• Doomscrolling là gì và cách phục hồi khi bạn gặp phải tình trạng này

• 4 bài học tình yêu trong phim Doom at Your Service


31. Canada: Vũ điệu tiền

Vũ điệu tiền là phong tục cưới trong đám cưới Canada

Ảnh: Pexels/Elizaveta Chayko

Có tính chất giống với phong tục ở Cuba, nhưng Vũ điệu tiền khác biệt ở chỗ, thay vì tất cả mọi người cùng nhảy và đính tiền lên áo cô dâu, các anh chị em chưa kết hôn của cặp đôi Canada sẽ biểu diễn một điệu nhảy với đôi tất màu sặc sỡ. Sau đó khách mời sẽ ném tiền vào họ và số tiền này sẽ được gom lại trao cho cặp đôi mới cưới.

Nhóm thực hiện

Bài: Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Brides

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more