Thành công trong thời trang đôi khi đến từ những kẻ ngoại đạo

Đăng ngày:

Chúng ta đã từng tin rằng một người có nền tảng kỹ thuật tốt, sáng tạo xuất chúng thì sẽ thành công trong thời trang. Cho đến một ngày…

Thành công và người thành công, theo cách chúng ta từng biết

Theo một cách logic, để một cá nhân trong ngành thời trang thành công, cụ thể là NTK, anh ta cần có tài năng xuất chúng, xuất thân không tầm thường và cả sự hậu thuẫn vững chắc. Nói về tài năng, đó là một góc nhìn thẩm mỹ độc đáo, mạnh mẽ đến nỗi có thể làm một cuộc cách mạng về phong cách. Về xuất thân, anh ta có thể tốt nghiệp từ những ngôi trường đào tạo thời trang danh giá như Central Saint Martins hay Royal Academy of Fine Arts Antwerp, hay từng là trợ thủ đắc lực của những cái tên tầm cỡ. Và cuối cùng, anh ta phải có được sự ủng hộ, tín nhiệm và sẵn sàng đề cử vào những vị trí quan trọng đến từ những nhân vật tầm cỡ của làng thời trang.

những ntk tốt nghiệp Parsons School of Design

NTK Tom Ford tốt nghiệp ngôi trường nổi tiếng Parsons School of Design (New York). (Ảnh: Resurrection Vintage)

Alexander McQueen xuất thân từ một anh lái taxi sau đó học cắt may tại thánh địa tailoring của Anh quốc Savile Row rồi tốt nghiệp Central Saint Martins, được Isabella Blow phát hiện và lăng xê. Hay như người đồng nghiệp, đồng môn John Galliano cũng có “chiếc ô” Anna Wintour chống lưng trong sự nghiệp từ thuở ban sơ cho đến hiện tại. Martin Margiela tốt nghiệp tại Antwerp và làm việc cho Jean Paul Gaultier trước khi mở thương hiệu riêng và làm giám đốc sáng tạo tại Hermès. Nicolas Ghesquière lại chọn con đường học nghề tại nhiều thương hiệu thay vì học hệ đại học ngành thiết kế. Hedi Slimane trước khi trở thành hiện tượng tại Dior Homme cũng đã tốt nghiệp ngành lịch sử nghệ thuật tại École du Louvre, thực tập tại Jean-Jacques Picart và làm việc tại Saint Laurent…

BST tốt nghiệp Central Saint Martins của John Galliano

BST tốt nghiệp Central Saint Martins năm 1984 mang tên Les Incroyables của John Galliano. (Ảnh: Crossfashion)

BST tốt nghiệp Central Saint Martins của Alexander McQueen

Ảnh chụp video show diễn MA năm 1992 có sự tham gia của Alexander McQueen. (Ảnh: Central Saint Martins Library)

Khi dân tay ngang bén duyên với thời trang

Không phải NTK thành danh nào cũng xuất thân từ trường lớp đào tạo bài bản. Bà hoàng Punk và New Wave của thời trang Anh quốc Vivienne Westwood từng làm việc tại nhà máy và theo học trường đào tạo giáo viên. Ngay cả trước khi bén duyên với thời trang bằng sở thích thiết kế trang sức, bà đã là một giáo viên tiểu học. Manolo Blahnik từng là sinh viên ngành luật nhưng nhận ra đó không phải là đam mê của mình sau khi học văn chương. Từ một kẻ tay ngang bước vào công việc thiết kế giày đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ông đã mất 10 năm để học nghề mà phần lớn thời gian ở tại các xưởng giày. Hay Giorgio Armani từng tốt nghiệp ngành dược trường Đại học Milan và nhập ngũ. Sau ba năm trong quân ngũ, ông làm tại một trung tâm thương mại và duyên nợ với thời trang của ông bắt đầu từ công việc thay đồ cho mannequin, tìm hiểu về lĩnh vực marketing mảng trang phục nam giới, sau đó làm việc cho một số nhà mốt trước khi mở thương hiệu riêng năm 1975.

Vivienne Westwood năm 1977

NTK Vivienne Westwood từng là giáo viên trước khi theo đuổi thời trang. (Ảnh: Elisa Leonelli/ Shutterstock)

thương hiệu manolo

NTK giày Manolo Blahnik từ bỏ ngành luật và văn chương để thiết kế giày. (Ảnh: Ian Cook)

Là NTK tay ngang nổi tiếng của thời trang cuối thế kỷ 20, Raf Simons, một trong những thần tượng của thời trang đường phố có khởi điểm theo học ngành Thiết kế nội thất tại Antwerp. Đam mê thời trang của ông bắt nguồn từ nhóm Antwerp Six huyền thoại, và rồi sau nhiều năm tự học, Raf đã trở thành một trong những biểu tượng thời trang tối giản quan trọng trong giai đoạn 2000 – 2010.

Raf Simons từng học thiết kế nội thất

NTK Raf Simons từng học thiết kế nội thất trước khi dấn thân theo thời trang. (Ảnh: Thomas Welch/ HIGHSNOBIETY)

Chuyện “quay xe” chọn lại tương lai không chỉ xảy ra ở thời hiện đại. Đã có nhiều những tên tuổi lớn của làng thời trang đột ngột chuyển hướng từ một chuyên ngành không liên quan: Helmut Lang từ bỏ ngành kinh doanh, Pierre Cardin đổi ngành kiến trúc sang thời trang và nếu không có thời trang thì có lẽ Thierry Mugler vẫn là một NTK nội thất. Nhưng cần phải nhắc lại một lần nữa là thành công không đến ngay sau khi họ thay đổi đam mê nghề nghiệp mà tất cả đều trải qua các môi trường rèn luyện một cách bền bỉ trong thời gian dài. Jean Paul Gaultier từng là trợ lý của Pierre Cardin, Karl Lagerfeld từng học việc từ Pierre Balmain… Chẳng có thành công rực rỡ và tay nghề điêu luyện nào có được chỉ sau một đêm cả.

thời trang helmut lang

NTK Helmut Lang đã từ bỏ kinh doanh để làm thời trang. (Ảnh: Daniel Trese)

Công thức thành công mới của những kẻ ngoại đạo

Nếu nói thời trang của giao điểm thập niên 2010 và 2020 là streetwear thì những gương mặt đại diện cho giai đoạn này là đôi bạn thân rất thân Kanye West và Virgil Abloh. Không chỉ là bạn thân ở đời thực, họ còn có chung niềm đam mê và tham vọng với thời trang, từng tham gia khóa thực tập ngắn tại Fendi, đều thành công sau này mà không qua đào tạo chính quy. Nếu hỏi bất cứ một hypebeast nào, anh ta cũng sẽ biết đến Yeezy của Kanye. Hay gần đây nhất, Ye lại làm cho cộng đồng dân chơi streetwear và resale đứng ngồi không yên với mỗi đợt “drop” những món đồ được anh cộng tác với GAP. Chưa hết, anh còn dùng sức ảnh hưởng và mối quan hệ để lôi kéo thêm một thần tượng của giới trẻ khác là Demna Gvasalia để cùng cho ra mắt một BST cộng tác giữa Ye, Gap và Balenciaga. Không cần nói nhiều, chúng ta cũng có thể tưởng tượng hiệu ứng mà nó đem lại lớn đến nhường nào.

thời trang kanye virgil

Đam mê và tham vọng cùng rất nhiều nỗ lực đã tạo chỗ đứng cho Kanye West và Virgil Abloh trong ngành thời trang. (Ảnh: Pascal Le Segretain)

Thành công chậm hơn Kanye, nhưng con đường sự nghiệp của NTK quá cố Virgil Abloh có phầm êm ả, ít thị phi hơn. Với vai trò là NTK, tài năng và tính nguyên bản của Virgil vẫn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, anh đủ khôn khéo để chấp nhận chuyện đó và từ chối tự nhận bản thân là một NTK. Thương hiệu Off-White nổi lên như một hiện tượng, nhất là trong cơn lốc streetwear làm náo loạn thời trang cao cấp. Đồng thời, phong trào đấu tranh bình đẳng diễn ra mạnh mẽ như một chất xúc tác để Virgil như hổ thêm cánh, trở thành Giám đốc sáng tạo mảng trang phục nam tại thương hiệu khổng lồ Louis Vuitton. Chưa kể một loạt các thương hiệu khác cũng tranh thủ sự nổi tiếng của Virgil để cộng tác: Từ sang chảnh như Baccarat, Moët & Chandon, Mercedes Benz, Rimowa, Evian cho đến phổ thông như IKEA, Timberland, Levi’s…

Levi’s x Off-White năm 2016

Chiếc áo khoác Levi’s x Off-White năm 2016. (Ảnh: Off-White)

Dù thế nào đi nữa, thành công của Kanye West lẫn Virgil Abloh vẫn có thể lý giải bởi những lý do như trào lưu, thị hiếu, thời thế hay truyền thông… Nhưng trường hợp “gã tội đồ” của thời trang Philipp Plein vẫn là một ca bí hiểm khó lý giải. Xuất thân từ luật sư, khởi nghiệp bằng việc kinh doanh nệm cho cún cưng, sau đó tiếp tục lấn sang bán đồ nội thất, túi xách, một thương hiệu áo phong cách lính đính pha lê và bỗng dưng, cái tên Philipp Plein xuất hiện tại tuần lễ thời trang Milan năm 2010, rồi xuất hiện đều đặn mỗi năm cho đến nay. Plein là gã trai “đáng ghét” nhất của làng thời trang bởi thời trang của anh đại diện cho gu thẩm mỹ diêm dúa, lỗi thời. “Đáng ghét” hơn khi thương hiệu của anh lại là “công ty trách nhiệm hữu hạn một mình tôi”, không nợ xấu, ăn nên làm ra, có tiền tổ chức show hoành tráng với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, có thêm vốn đầu tư lại cho ngành hàng nệm cún cưng. Như Financial Times nhận xét, công ty của Philipp Plein tựa như thép không gỉ.

thời trang Philipp Plein 2019

Philipp Plein trong Tuần lễ thời trang nam Milan 2019. (Ảnh: Pietro D’Aprano)

Bí ẩn thành công thương hiệu được Plein phần nào lý giải. Anh không thiết kế để đi theo ngành thời trang mà thiết kế cho khách hàng của mình. Một trong những bí quyết khác đó là Plein chọn lựa nhân sự đến từ những thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Prada, Valentino hay Dolce & Gabbana. Điều này giải thích lý do dù cho những thiết kế của Philipp Plein có thẩm mỹ tệ đến đâu thì chất lượng vẫn không chê vào đâu được.

kẻ ngoại đa fashion chung tử đơn

NTK Philipp Plein trong một diễn dịch cùng diễn viên Chung Tử Đơn. (Ảnh: Matteo Prandoni/BFA.com)

Thời trang ngày nay là một ngành phổ biến và đang trên dòng chảy mang tính bao quát. Điều đó đồng nghĩa công thức thành công không còn quá bó buộc vào nguyên lý mà còn phụ thuộc vào sự khôn khéo trong cách sử dụng truyền thông lẫn thời cơ và sự may mắn.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more