Dù ở đâu, nhà vẫn là điểm tựa

Đăng ngày:

Việc “về nhà” đã không còn là nghĩa vụ, là gánh nặng, mà dần trở thành thói quen, như thể mỗi sáng thức giấc phải vươn vai hít thở không khí trong lành và tự thưởng ly latte nóng thơm nồng.

Chuyến bay quốc tế cuối cùng của tôi trước khi đại dịch bủa vây toàn cầu là vào chiều 29 Tết. Khi máy bay từ từ lăn bánh ra khỏi sân đậu của sân bay quốc tế Nội Bài, tôi bâng quơ nhìn qua cửa sổ, ngoài đó, dưới trời mùa Đông mịt mù và gió lạnh, anh nhân viên kỹ thuật bay sau khi dẫn tàu vào vị trí chuẩn bị cất cánh, đã không ngừng giơ tay vẫy chào phi hành đoàn và các hành khách. Cách anh giơ cao cánh tay phải, đồ nghề kỹ thuật được cầm gọn ở tay còn lại, và vẫy chào, thật chân thành và gần gũi. Có lẽ, ngay lúc đó, anh cũng nở nụ cười thân thiện phía sau lớp mặt nạ bảo hộ. Tôi không biết tổ bay có vẫy tay chào lại anh không, tôi cũng không rõ các hành khách khác có nhìn thấy hành động vô cùng đáng mến và đầy tình người của anh không. Có thể đó là hành động bình thường mỗi ngày của anh nhân viên mặt đất để chúc chuyến bay an toàn, chúc các hành khách thượng lộ bình an, dù là đi hay trở về. Nhưng bất chợt, lòng tôi chùng xuống, có thể sau ca làm việc hôm đó, anh sẽ về nhà, quây quần bên gia đình, đun nồi bánh chưng, dọn gọn phòng khách, chỉnh trang bàn thờ, mua sắm cho mấy ngày Tết sắp tới. Còn tôi, trên chuyến bay đến một phương trời xa lạ, sẽ lang thang cùng em bé nhỏ của mình, để tạm lánh khỏi những ồn ào, tất bật, vội vàng của những ngày giáp Tết…

Chuyến du ngoạn châu Âu hai tuần cuốn tôi đi từ thành phố này qua thành phố khác, sau đó là COVID-19 ập đến, khiến tất cả ngưng lại, những chuyến đi cũng phải hoãn hoặc hủy. Nhưng bất cứ lúc nào, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc vẫy tay chào của anh nhân viên kỹ thuật hàng không xa lạ, lại có một cảm giác “về nhà” thôi thúc tôi. Về nhà không nhất thiết phải chờ một dịp hay lý do cụ thể, hoặc phải đợi đến Tết để có được những ngày nghỉ dài. Về nhà cũng không nhất thiết là sự hiện hữu trong căn nhà của ông bà, cha mẹ. Về nhà, trong cuộc sống bộn bề hiện tại, có thể là cuộc gọi video, để nhìn thấy gia đình đang quây quần xem trận bóng đá của đội tuyển quốc gia, hay thấy ba đang cặm cụi tưới cây ngoài vườn. Về nhà, cũng có thể là tin nhắn cho bà, cho mẹ, nhắn nhủ trời sắp chuyển mùa rồi, bà và mẹ đi tập thể dục sớm nhớ quấn thêm khăn. Về nhà, có khi cũng chỉ là những phút bình lặng một mình bên ly cà phê, nhớ lại thời thơ bé trốn học đi chơi bị ông ngoại phạt úp mặt vào tường, hay khi dì đi chợ mua cho đồng quà tấm bánh.

về nhà sau đại dịch

Tôi đã chọn “về nhà” như thế, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi chút kỷ niệm còn lưu giữ trong tâm trí. Việc “về nhà” đã không còn là nghĩa vụ, là gánh nặng, mà dần trở thành thói quen, như thể mỗi sáng thức giấc phải vươn vai hít thở không khí trong lành và tự thưởng ly latte nóng thơm nồng. Việc “về nhà” đã trở thành điều khiến tôi háo hức xen lẫn tò mò không biết giờ này ở Hà Nội mọi người đang làm gì, hôm nay mẹ đi chợ mua đồ gì về nấu ăn, hay có cậu dì, bà con, hàng xóm nào qua chơi hàn huyên với bà không nhỉ!

Từ khi việc đi lại xuyên quốc gia được nới lỏng sau đại dịch, nhiều người xung quanh đều đinh ninh tôi và em bé nhỏ sẽ đi chu du thường xuyên liên tục, cho bõ những ngày tháng phải đóng đô tại gia. Nhưng Giáng sinh rồi Tết Tây, và sắp tới là Tết ta, chúng tôi cũng không có kế hoạch đi đâu cả. Hôm trước, chồng cũ tôi nhắn tin, đại ý là năm nay ông bà nội ngoại hai bên đều đã lớn tuổi, anh muốn con bé ở nhà ăn Tết với ông bà để biết không khí gia đình. Tôi quay sang hỏi bạn trai mới, vậy Tết mình có đi đâu không nhỉ? Anh từ tốn trả lời: “Ở đâu có em là ở đó có Tết rồi”… Bất chợt, tôi cảm thấy mình như người may mắn nhất trên đời, sau bao năm lưu lạc bốn phương trời, tôi đã tìm được tổ ấm của mình. Tết không còn là lý do duy nhất để tôi được “về nhà”, bởi nhà là điểm tựa, là nơi yêu thương và trái tim thuộc về.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Chi

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more