5 màu sắc thường thấy làm nên thành công của những bộ phim Hàn

Đăng ngày:

Khi thường thức những bộ phim Hàn, khán giả thường rất chú ý đến diễn xuất, diễn biến câu chuyện cũng như lời thoại được thể hiện trên phim. Nhiều năm trở lại đây, khán giả bắt đầu tinh ý hơn và có những cảm thụ sâu sắc về màu sắc được sử dụng trong phim Hàn – một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của một tác phẩm.

Màu sắc vốn có sức truyền tải riêng của nó. Tính chất của màu sắc có thể tác động trực tiếp đến cảm xúc và cảm nhận của người nhìn. Trong phim Hàn, màu sắc được sử dụng vô cùng tinh tế và khéo léo, là chất xúc tác tuyệt vời cho những điểm ngoặt trong cốt truyện. 

Trong đó, phim Hàn cổ trang và phim Hàn dã sử đặc biệt nổi bật với bảng năm màu được sử dụng phổ biến bao gồm: trắng, đen, đỏ, xanh dương và vàng. Nhiều năm gần đây, bảng màu này cũng được biến tấu và kết hợp một cách hiện đại hơn, linh hoạt hơn, đưa chúng trở thành những màu sắc làm nên tên tuổi của vũ trụ phim Hàn. Khán giả rất dễ bắt gặp những sắc màu này trong trang phục và đạo cụ các diễn viên dùng xuyên suốt bộ phim. 

Phổ màu truyền thống của Hàn Quốc 

obangsaek trong phim hàn

Ảnh: Instagram/midnightastronaut

Có một sự thật thú vị là không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim Hàn Quốc sử dụng bảng màu trên vào các tác phẩm của họ. Nguồn gốc của bảng màu trên lấy cảm hứng từ lịch sử và văn hóa Hàn Quốc. Obangsaek là phổ màu truyền thống của Hàn Quốc, đại diện cho 5 hướng: hướng Bắc (đen), hướng Nam (đỏ), hướng Tây (xanh dương), hướng Đông (trắng) và hướng chính diện (vàng). Obangsaek cũng đại diện cho năm nguyên tố cơ bản trong văn hóa Đông Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng: Kim (trắng), Mộc (xanh dương), Thủy (đen), Hỏa (đỏ) và Thổ (vàng). Đây cũng là lý do vì sao bảng màu này thường xuất hiện trong những bộ hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc), tranh vẽ, kiến trúc và cả trong những món ăn. Sở dĩ có điều này là vì người ta tin rằng Obangsaek đại diện cho một cuộc sống mạnh khỏe và thịnh vượng. 

Đây là lý do vì sao những bộ phim cổ trang và dã sử Hàn thường sử dụng bảng màu Obangsaek. Ngày nay, toàn cầu hóa và sự lớn mạnh của làn sóng Hallyu đã ảnh hưởng đến cách phối màu cho những bộ phim Hàn hiện đại. Những bộ phim này cũng bắt đầu áp dụng Obangsaek vào các khung hình, biến tấu chúng theo phong cách đương đại sao cho phù hợp với thị hiếu của khán giả. 

Thông qua việc tìm hiểu ý nghĩa đằng sau các màu sắc của Obangsaek, hãy cùng nhìn lại cách lịch sử và văn hóa của Hàn Quốc đã được lồng ghép và truyền đạt như thế nào trong các bộ phim truyền hình đình đám gần đây của xứ sở Kim Chi. 

Màu trắng

iu trong phim hàn moon lovers người tình ánh trăng

Ảnh: Pinterest

Màu trắng là biểu tượng của sự trong sáng và ngây thơ. Màu trắng còn tượng trưng cho một tâm hồn trong sạch, không tham lam, sự khiêm tốn, tiết độ hay rộng hơn là những tư tưởng Nho Giáo đã thấm nhuần vào đời sống của người dân quốc gia này từ ngàn xưa. Không ít người nước ngoài khi đến Hàn Quốc đã từng gọi người dân ở quốc gia này là “những người mặc áo trắng” không chỉ vì tông da của họ mà còn vì những đức tính cao đẹp mà người Hàn luôn ý thức giữ gìn. 

Điển hình như bộ phim Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo (tựa Việt: Người Tình Ánh Trăng), nữ chính Hae Soo thường xuyên diện những bộ hanbok trắng. Dù ở thời hiện đại hay trong quá khứ, dù bị cuốn vào những mưu tính của thời cuộc, Hae Soo vẫn luôn là một cô gái lương thiện và chân thành. Do đó, những bộ cánh trắng là đại diện hữu hình cho trái tim thuần khiết, ngây thơ của nhân vật này. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được những hàm ý trong việc xây dựng tính cách nhân vật bằng cách sử dụng màu trắng trong Angel’s Last Mission: Love (tựa Việt: Nhiệm Vụ Cuối Cùng Của Thiên Thần). Nhân vật chính của bộ phim – Dan – xuất hiện lần đầu tiên trong trang phục màu trắng bởi hình tượng của nhân vật này là một thiên thần, là hiện thân của những điều thiện lành.

Màu đen

LeeDongWook trong phim Hàn Goblin yêu tinh

Ảnh: Koreaboo

Màu đen thường là biểu tượng của bóng tối, màn đêm và cái chết. Tuy nhiên, trong triều đại Joseon, màu đen được coi là màu đại diện cho sự trang trọng và phẩm giá, được thể hiện qua mũ, quan phục, triều phục thời bấy giờ. Ngày nay, màu đen đại diện cho sự sang trọng, đẳng cấp và tinh tế.

Trong phim Hàn, không khó để khán giả nhận ra “công thức” chung cho việc sử dụng màu đen để nói lên sự quyền quý nhưng cũng ẩn chứa sự bí ẩn và ma mị của nhân vật. Điển hình như hai bộ phim truyền hình Goblin (tựa Việt: Yêu Tinh) và Tomorrow (tựa Việt: Ngày Mai), những nhân vật mặc vest đen là thần chết, hoặc những thế lực tiên thánh ẩn dật trong thế giới phàm trần. Bản thân thần chết là biểu tượng của những điều không may, nhưng trong những tác phẩm phim truyện hiện đại, chúng được kết hợp cùng một số phụ kiện, cách trang điểm… mang đến sự ma mị nhưng vẫn rất sành điệu cho các nhân vật.

Một nhân vật điển hình khác cho thủ thuật sử dụng màu đen để khắc họa tính cách chính là hoàng tử Wang So trong Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo – người đã thể hiện sự biến chuyển từ “bóng tối” sang “ánh sáng” trong tính cách. Lúc đầu, Wang So lúc nào cũng xuất hiện trong những bộ trang phục màu đen với những mảnh vải chồng chéo, có phần rũ rượi, tượng trưng cho hào quang bị chôn vùi, sự đau khổ, lạnh lùng cũng như quá khứ đen tối của anh ta. Nhưng một khi được gỡ bỏ mặt nạ, anh trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn về sự hiện diện của mình trong cung điện, anh trở thành biểu tượng của uy quyền và những phẩm chất nổi trội của thiên tử.

Có thể nói, sử dụng màu sắc như một dạng ngôn ngữ hình ảnh để nói lên tính cách nhân vật là một thành công đáng tán dương của phim Hàn. Chúng ta chắc hẳn không khó nhận ra sự tương phản giữa Hae Soo và Wang So trong phân cảnh che mưa huyền thoại. Ngoài sự tương phản giữa sắc trắng và đen trong trang phục của hai nhân vật, dáng đứng hiên ngang, bờ vai rộng lớn của Wang So dưới lớp áo đen thể hiện sự vững chãi như một bức tường thành, chở che cho Hae Soo – một trái tim nhỏ bé và thuần khiết đang nép mình trong vòng tay của anh. Cũng từ phân cảnh này, tuyến nhân vật chính cũng bắt đầu có những chuyển biến sâu sắc trong tính cách và hành động của họ. Phân cảnh che mưa huyền thoại trong Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo là một trong những cảnh mang tính biểu tượng nhất của việc sử dụng hai màu trắng và đen trong phim Hàn. 

phim hàn moon lovers

Ảnh: Koreaboo


Xem thêm

Điểm danh các nhóm nhạc nữ gen 4 đáng chú ý của Kpop

5 bức tranh màu nước được thực hiện bởi vua Charles III

5 bộ phim Hàn lấy bối cảnh những sự kiện có thật trong lịch sử


Màu đỏ

phim hàn goblin yêu tinh

Ảnh: Koreaboo

Màu đỏ có rất nhiều ý nghĩa và cách giải thích khác nhau trong phim ảnh nói riêng và đời sống thường ngày nói chung. Trong lịch sử Hàn Quốc, màu đỏ là biểu tượng của quyền uy và thuật trừ tà, người dân quốc gia này tin rằng màu đỏ có sức mạnh xua đuổi yêu ma hoặc những điều không may mắn. Từ năm 2002, khi World Cup được đăng cai tại Hàn Quốc và Nhật Bản, màu đỏ đã trở thành màu của đam mê cháy bỏng. Các ý nghĩa khác của màu đỏ được sử dụng trong phim ảnh và truyền thông bao gồm: chiến tranh, bạo lực, tình yêu, sự lãng mạn và khát khao theo đuổi hạnh phúc.

Trong bộ phim truyền hình đình đám Goblin, sắc đỏ được sử dụng rất nhiều lần, đặc biệt là chiếc khăn quàng đỏ của Ji Eun Tak. Chiếc khăn đỏ này truyền tải nhiều ý niệm khác nhau. Một mặt, nó mang ý nghĩa tượng trưng cho những niềm đau khó tả, vì đó là chiếc khăn mà mẹ cô ấy đã mang khi gặp tai nạn và qua đời. Mặt khác, nó là chứng nhân cho mối tình lãng mạn chớm nở của cô với chàng yêu tinh – Kim Shin. Nó cũng là biểu tượng của nhân duyên tiền định vì Eun Tak chính là cô dâu của yêu tinh. Ở một góc độ khác, chiếc khăn đỏ cũng đại diện cho khát khao theo đuổi hạnh phúc, bởi vì sau tất cả những biến cố trong đời, cuối cùng Eun Tak cũng chỉ muốn tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.

Trong một số bộ phim truyền hình cổ trang, nhà vua hoặc hoàng đế thường mặc hanbok màu đỏ tượng trưng cho uy quyền đối với thần dân cùng chiếc mũ màu đen tượng trưng cho phẩm giá của người đứng đầu. Tạo hình này được sử dụng trong nhiều bộ phim cổ trang Hàn Quốc, điển hình như The King’s Affection, Rookie Historian: Goo Hae RyungMoon Embracing The Sun.

phim han quoc

Ảnh: Netflix

Màu xanh dương

phim hàn hospital playlist chuyen doi bac si

Ảnh: kpopmap

Màu xanh là biểu tượng của hy vọng, của sự sống, tuổi trẻ và những phép màu. Xanh dương – sắc màu điển hình của đại dương và bầu trời rộng lớn – mang đến cho người nhìn cảm giác tràn trề sức sống và niềm tin. Trong triết học Đông Á, màu xanh dương còn gắn liền với thiên nhiên huyền diệu. 

Trang phục của các nhân vật chính trong bộ phim truyền hình quốc dân Hospital Playlist (tựa Việt: Chuyện Đời Bác Sĩ), là những bộ trang phục chuyên dụng màu xanh da trời – đại diện cho nghề nghiệp của họ. Mặc dù trên thực tế những bộ đồ scrub này thường có màu xanh lá đậm và một số màu khác, các nhà làm phim vẫn chọn sử dụng màu xanh lam – màu sắc tượng trưng cho cuộc sống và hy vọng. Với mọi bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân cận kề cửa tử, những bác sĩ này chính là tia hy vọng của họ. Chính những vị bác sĩ này cũng mang hy vọng cho nhau không chỉ trong công việc mà còn là cuộc sống riêng của họ. 

phim han Legend-of-the-Blue-Sea huyền thoại biển xanh

Ảnh: Metro Style

Trong bộ phim Legend of The Blue Sea (tựa Việt: Huyền Thoại Biển Xanh), Heo Joon Jae đã sử dụng một chiếc ô xanh màu đến đón Shim Cheong khi anh quyết định không bỏ rơi cô. Hình ảnh Joon Jae dịu dàng đến và dìu cô đi trên con đường mưa tượng trưng cho số phận hẩm hiu của cô người cá dũng cảm với một chút hy vọng đang nhen nhóm trong chuyện tình của cô và Joon Jae. Cơn mưa và con đường quạnh vắng cũng chính là hình ảnh đại diện cho giai đoạn đầu đầy khó khăn của Shim Cheong vì đây là ngày đầu tiên cô đến thế giới loài người. Đối với Shim Cheong, chiếc ô xanh là biểu tượng của hy vọng, rằng có ai đó ngoài kia luôn sẵn sàng giúp đỡ cô. Thế nhưng, trong kế hoạch vĩ đại của số phận, chiếc ô xanh là đại diện cho nhân duyên một lần nữa giúp họ đoàn tụ sau nhiều thế kỷ xa cách. 


Xem thêm

7 bộ phim Hàn Quốc mang đến cảm giác nhẹ nhàng của mùa Thu

4 yếu tố làm nên sức hút của bộ phim The Golden Spoon

5 sự thật thú vị về phim bộ Cheer Up 2022


Màu vàng

phim han business proposal hẹn hò chốn công sở

Ảnh: Netflix

Màu vàng – đại diện của trung tâm và đất – là biểu tượng của sự cao quý, phẩm giá và quyền lực. Vì vàng là màu chính trong phổ màu truyền thống Obangsaek, nó cũng truyền tải ý niệm về sự thịnh vượng và trù phú. Vào thời hiện đại, vàng là màu sắc được dùng chủ yếu cho trẻ em vì nó tượng trưng cho sự tươi sáng. Trong một số trường hợp, màu vàng cũng được dùng với chức năng cảnh báo bởi sự nổi bật, tính dễ bắt sáng của nó. 

Trang phục của vua chúa trong các bộ phim cổ trang không hoàn toàn là màu đỏ mà còn có các hoa văn màu vàng được thêu bằng chỉ óng ánh, nhấn mạnh sự cao quý và uy quyền của nhà vua đối với đất nước. Một bộ phim truyền hình cổ trang điển hình cho hình tượng hoàng đế mặc trang phục màu vàng là Empress Ki (tựa Việt: Hoàng hậu Ki). 

Nếu như chiếc ô xanh trong Legend of The Blue Sea là vật se duyên cho nàng người cá và chàng “hoàng tử” của cô, chiếc ô vàng cũng kể câu chuyện lãng mạn không kém trong vũ trụ phim truyện Hàn Quốc. “Truyền thuyết” kể rằng: những người cùng nhau đứng dưới chiếc ô màu vàng sẽ có một tình yêu sâu sắc đến mức không gì có thể phá vỡ. Những bộ phim truyền hình điển hình với hình ảnh chiếc ô màu vàng có thể kể đến như: Love Rain, At A Distance, Spring Is Green, Are You Human?, Business Proposal

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Tham khảo: Metro Style

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more