Bạn đã sẵn sàng cân bằng lại cuộc sống sau đại dịch?

Đăng ngày:

Khủng hoảng COVID-19 khiến trật tự thế giới xáo trộn, thói quen thay đổi. Nhưng theo các chuyên gia, hãy hình dung thế giới hậu đại dịch chính là chìa khóa trong việc bảo đảm chúng ta phải thay đổi để tốt hơn chứ không tồi tệ hơn.

Các nhà nghiên cứu đang cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra chấn thương cảm xúc kéo dài trên quy mô toàn cầu chưa từng có. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, thị trường chứng khoán sụp đổ, trường học đóng cửa, các doanh nghiệp nhỏ đứng trên bờ vực phá sản, hàng loạt sự kiện thể thao – văn hóa bị hủy bỏ, đường phố vắng tanh, hầu hết mọi hoạt động đều phải diễn ra trong nhà. Chúng ta loay hoay với những kế hoạch đang dang dở và mơ hồ về điều sẽ xảy ra sắp tới.

Tuy nhiên, đã có nhiều người nhìn lại và xem đây là thời điểm để thay đổi mọi thứ trong cuộc sống. Theo chuyên gia Pete Lunn, thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Dublin, Ireland: “Rất nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta là thói quen, nó ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc, chăm sóc gia đình và theo đuổi mục tiêu. Khi buộc phải làm những điều khác biệt, những thói quen mới bắt đầu hình thành”. Vì vậy, ngay bây giờ, hãy tập trung vào những điều bạn có thể làm. Khó khăn giúp chúng ta trưởng thành hơn để thích nghi, tìm lại điểm cân bằng và đưa ra những giải pháp toàn diện hơn.

cuộc sống cân bằng sau mùa dịch

Ảnh: Dzung Yoko

SẮP XẾP THỨ TỰ ƯU TIÊN TRONG CÔNG VIỆC

Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với nhiều áp lực và lo âu về công việc như bây giờ. Mỗi người tùy vào hoàn cảnh lại có những căng thẳng khác nhau. Nhân viên thì lo lắng mất việc, giảm lương. Quản lý hay chủ một doanh nghiệp lại phải đau đầu tính toán về những con số doanh thu, lợi nhuận, chi phí… Mỗi ngày qua, những thông tin tiêu cực khiến niềm tin về con đường sự nghiệp dường như đang lung lay.

Tuy nhiên, hãy nên nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất. Đại dịch quy mô toàn cầu khiến nhiều người trong chúng ta rơi vào tình huống trở về vạch xuất phát. Điều đó cũng có thể xảy ra với những đối thủ cạnh tranh khác. Và khi những cánh cửa mới bắt đầu mở ra, thành công sẽ chỉ đến với những ai nỗ lực, có những chiến lược đúng đắn và biết nắm bắt cơ hội.

Hơn hết, ngay lúc này chúng ta cần phải bình tĩnh và sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên trong công việc, bởi trầm trọng hóa vấn đề cộng thêm cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác trong các quyết định bạn đưa ra.

Hãy đặt ra những câu hỏi, ghi chú lại càng chi tiết càng tốt, suy ngẫm thật thấu đáo và lần lượt trả lời những câu hỏi đó một cách tận tụy nhất. Nhưng đầu tiên, hãy rà soát lại hết quá trình làm việc của bạn. Đây là lúc bạn cần hệ thống và đánh giá lại toàn bộ, từ mục tiêu, nhu cầu, chất lượng, số lượng công việc, những việc đã và chưa làm được… Bạn cần tận dụng thời gian này để quan sát và đánh giá lại nhu cầu thiết yếu của khách hàng, thị trường và những thứ liên quan đến ngành nghề của mình; tìm ra những cơ hội dù mong manh, từ đó vạch ra hướng đi phù hợp, và tất nhiên, thận trọng hơn.

cô gái ngồi uống nước bên cửa sổ

Ảnh: Unsplash

CÂN BẰNG VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG

Nhiều người luôn đặt sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu, quen với guồng quay bận rộn của công việc và rồi cảm thấy hụt hẫng khi đột nhiên mọi thứ bị ngưng trệ. Và ngay khi cuộc sống bắt đầu quay trở lại, họ lao đầu vào công việc với tâm lý làm bù lại khoảng thời gian đã mất. Vô hình trung, áp lực ngày càng đè nặng gây nên sự xáo trộn bất ổn về sức khỏe tâm thần không chỉ cho bản thân mà còn cho đồng nghiệp và những người xung quanh.

Không thể phủ nhận rằng, sự cố có quy mô toàn cầu này đã khiến chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn về tất cả mọi mặt trong cuộc sống và nhận ra đâu mới là giá trị cốt lõi. Những nhu cầu cơ bản nhất lại trở nên quan trọng nhất. Đành rằng, để đạt được chỉ tiêu trong công việc với muôn vàn khó khăn, chúng ta phải cố gắng nhiều lần, nhưng tuyệt đối không thể đánh đổi bằng sức khỏe. Nên nhớ rằng, stress không những làm cho bạn kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và hiệu quả công việc. Đã đến lúc chúng ta không thể mãi chạy theo số lượng mà phải tập trung nâng cao chất lượng và tìm điểm cân bằng.

Trong thời gian làm việc ở nhà vì bệnh dịch, rất nhiều người đã tập thói quen rèn luyện thể thao, thiền định, yoga và những sở thích tích cực khác như nấu ăn, trồng cây, vẽ tranh… Hãy giữ thói quen đó, nghiêm túc đặt ra thời gian cố định và duy trì một trong những việc nhất định phải làm trong ngày.

cô gái ngâm mình dưới nước

Ảnh: Unsplash

QUẢN LÝ THỜI GIAN

Khi đã xác định được tầm quan trọng của sức khỏe bên cạnh sự nghiệp, việc quản lý thời gian một cách hợp lý và thiết thực là bước tiếp theo nên làm. Chúng ta quá bận rộn trong khi một ngày chỉ có 24 tiếng, việc phân bổ công việc một cách khoa học sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Trước tiên, hãy thiết lập một danh sách những việc quan trọng theo thứ tự và cố gắng loại bỏ hoặc giảm tối thiểu những hoạt động không mang lại ý nghĩa cho bạn, chẳng hạn như giảm giờ xem truyền hình hoặc thời gian online mạng xã hội. Có thể một số người đã hình thành sự lệ thuộc quá nhiều vào internet trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần làm hơn là đắm chìm trong những topic vô bổ hoặc bị ảm ảnh bởi những thông tin tiêu cực không được kiểm chứng. Theo Lynn Bufka, Phó giám đốc Nghiên cứu và Chính sách tại Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association), bạn nên giới hạn việc cập nhật tin mới. Ví dụ, ấn định thời gian và số lần cập nhật tin về dịch bệnh là 2 lần một ngày, mỗi lần 15 phút.

Bạn có thể bớt những buổi tiệc tùng bên ngoài, thay vào đó là tăng các bữa ăn cùng gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Đó cũng là một trong những liệu pháp giúp giải tỏa căng thẳng hữu hiệu nhất.

quản lý thời gian

Ảnh: Unsplash

CHỌN LỌC CÁC MỐI QUAN HỆ

Đây là khoảng thời gian để bạn tĩnh tâm và nhìn nhận lại những mối quan hệ của mình một cách nghiêm túc và cởi mở hơn. Bởi vì, với phụ nữ, cảm xúc ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và chất lượng cuộc sống. Một trong những thách thức lớn nhất của con người là đối diện với cô đơn, nhưng chúng ta không vì trám chỗ cô đơn mà chấp nhận những mối quan hệ chỉ mang lại sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến cuộc đời bạn thêm phần phức tạp, phiền não gia tăng. Hãy chậm rãi khi chọn bạn, đồng thời vun đắp xây dựng những mối quan hệ thực sự có ý nghĩa cho cả hai bên.

Mặt khác, đây cũng là dịp để bạn rèn luyện thêm về cách kiểm soát cảm xúc và học cách đồng cảm, thấu hiểu đồng nghiệp. Bởi nếu càng biết nhiều về họ, chúng ta sẽ càng nhìn thấy được tính cách, hành động cũng như cảm thông hơn với những vấn đề mà họ phải xoay chuyển trong cuộc đời. Điều này không những giúp bản thân có cái nhìn sâu sắc, trưởng thành hơn về mặt cảm xúc và trí tuệ, đồng thời tạo sự liên kết tích cực hơn với các đồng nghiệp, cải thiện hiệu quả công việc và chất lượng sống.

hai người bạn thân trong cuộc sống

Ảnh: Unsplash

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG CÔNG NGHỆ

Không thể phủ nhận rằng, đại dịch đã khiến công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là khi phần lớn nhân viên công sở “work from home”. Thế giới chứng kiến các “ông lớn” như Google, Apple, Facebook, PayPal tiếp tục vươn xa hơn bằng tài năng và sự sáng tạo, Zoom nổi lên như một nhân vật đầy tiềm năng và nhiều hứa hẹn. Theo Katherine Mangu-Ward, Tổng biên tập của tạp chí Reason: “Trong khi không phải mọi công việc đều có thể được thực hiện từ xa, nhiều người đang học được rằng, sự khác biệt giữa việc phải đeo cà vạt đi làm trong một giờ hoặc làm việc hiệu quả tại nhà luôn chỉ là khả năng tải xuống một hoặc hai ứng dụng cùng với sự cho phép của sếp”. Tất nhiên, luôn có những mặt hạn chế, chúng ta đồng thời cũng phải ý thức để không hoàn toàn bị phụ thuộc. Chúng ta có thể học hỏi và nâng cấp kỹ năng, phát triển và áp dụng các phần mềm phù hợp để thuận tiện và hiệu quả hơn trong việc quảng bá sản phẩm, thương mại điện tử, quản lý nhân viên, doanh số, đối tác… Ngoài công sở, công nghệ cũng góp phần thay đổi tốt về những mặt khác trong cuộc sống, như ứng dụng đi chợ giúp, ứng dụng thay thế các giao dịch ngân hàng truyền thống…

phát triển kỹ năng công nghệ trong cuộc sống

Ảnh: Unsplash

Nhóm thực hiện

Bài: Q. Hương

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more