Thanh Lam: “Mọi cái đều cần được nuôi dưỡng…”

Đăng ngày:

Một thị trường âm nhạc nghèo thúc đẩy cái mới, những nghệ sĩ lớn có thể làm được gì? Thanh Lam trải lòng cùng bạn đọc.

Chị thừa biết là, thị trường âm nhạc nào dù chuyên nghiệp hay thiếu chuyên nghiệp thì cũng thế thôi: luôn tồn tại song song hai dòng nhạc cao cấp và bình dân, dành cho những đối tượng khán giả khác nhau. Vậy tại sao chị lại không kiên định đi theo con đường của chị?

Ai bảo tôi không kiên định? Có chăng là, trong sự kiên định ấy, tôi chỉ ít nhiều bớt cực đoan hơn thôi! Chẳng hạn như trước đây, chết, tôi cũng không chịu hát nhạc sến. Nhưng vừa đây, nghe Đàm Vĩnh Hưng xúi, tôi đã thử. Và kết quả là: Thanh Lam hát nhạc sến thì phải khác!

Vấn đề là cái hồn cốt âm nhạc mà anh luôn có trong huyết quản, nó sẽ giúp phân biệt anh với người này và người kia! Đúng như bạn nói, thị trường nào thì cũng tồn tại hai dòng nhạc cao cấp và bình dân để chiều lòng những thị hiếu khác nhau. Nhưng đáng nói, cái khác ở đây là ở các nước có nền âm nhạc phát triển, bảng phân màu đó rất rành mạch và sòng phẳng. Rằng, đúng, một bảng thực đơn có thể có rất nhiều món ăn, nhưng không có nghĩa, những món ăn ấy sẽ được đặt trên cùng một bàn.

Chẳng hạn ở nước ngoài, có những nhà hát sang trọng đến nỗi một ngôi sao thuộc dòng nhạc bình dân dù có lượng fan khổng lồ đến đâu thì cũng đừng mơ có ngày được đặt chân vào đấy, và chữ “không” đó được coi là đẳng cấp, thương hiệu và gu thẩm mỹ của nhà hát ấy, không gian âm nhạc ấy. Chứ không thể có chuyện một ca sĩ chuyên dòng nhạc sến như T.V lại có 5 đêm liền cháy vé tại Nhà hát Lớn Hà Nội như ở ta!

Dù đúng, điều không thể phủ nhận là cái tên ấy vẫn giữ được sức hút rất mạnh, với một đối tượng khán giả nhất định. Cũng như, không có gì đáng chê trách ở đây khi mỗi ca sĩ hay mỗi khán giả bỏ tiền ra mua vé đều có quyền đưa ra lựa chọn riêng của mình.

Nhưng vấn đề ở đây là một địa chỉ như Nhà hát Lớn, nơi tôi nghĩ nó cần có riêng một không gian âm nhạc đặc thù, để mỗi nghệ sĩ khi được đặt chân vào đấy đều cảm thấy mình xứng đáng là một phần thuộc về không gian ấy, mình xứng đáng được lựa chọn…

“Canh cửa” Nhà hát Lớn như thế, chưa chắc chị đã bớt cực đoan đâu nhé! Và ăn thua, có thể “canh cửa” Nhà hát Lớn, nhưng làm sao có thể “canh cửa” được khán giả!

Mỗi người một đỉnh núi, một “chìa khóa vào cửa” riêng, đâu ai thay ai làm việc đó được, ngoài khán giả!

 

 

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Tường Minh – Ảnh: Na Sơn 

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more