5 điều cần lưu ý khi bạn muốn chuyển sang đi xe đạp

Đăng ngày:

Trước tình hình giá xăng dầu tăng chóng mặt như hiện tại, rất nhiều sinh viên, học sinh và người đi làm đã chuyển sang sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính. Tuy nhiên, nếu mới bắt đầu chuyển sang đi xe đạp, bạn cần lưu ý những điều sau đây.

Xe máy luôn là phương tiện di chuyển phổ biến nhất ở Việt Nam với nhiều tính chất phù hợp với bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, khoảng gần một tháng trở lại đây, tình trạng giá xăng tăng vọt khiến nhiều người ngán ngẩm và quyết định đạp xe đi học, đi làm hằng ngày. Đây sẽ là một phương án rất hợp lý nếu bạn cân nhắc kỹ càng những lưu ý sau đây.

1. Chọn xe đạp phù hợp

Xe đạp đang được bán trên thị trường với rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Bạn có thể tham khảo từ các hội nhóm trên mạng xã hội về mức giá cũng như ưu và nhược điểm của từng hãng xe. Đầu tiên, hãy quyết định xem mình phù hợp với xe đạp hay xe đạp điện, tùy vào tính chất và tần suất sử dụng. Tiếp đến, nên liệt kê ra những yếu tố mà bạn cần ở chiếc xe của mình như kiểu dáng, màu sắc và những phụ kiện cần thiết kèm theo như giỏ xe, yên sau, chuông xe hay móc gắn bình nước…

xe đạp màu trắng

Ảnh: Barrett Ward/Unsplash

Đặc biệt, bạn đọc ở TP. HCM có thể tham khảo dịch vụ xe đạp công cộng ở 43 trạm trên các tuyến đường quận 1 và dự kiến sẽ triển khai thêm ở quận 3, quận 7 với giá thuê 10.000 đồng mỗi giờ cho một chiếc.

2. Tính toán thời gian đạp xe

xe đạp trên đường

Ảnh: Igor Iypnytskyi/Unsplash

Bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn để tới được điểm đến khi sử dụng xe đạp thay cho xe máy. Vì thế, hãy chạy thử với tốc độ chậm để chắc chắn về khoảng thời gian chênh lệch khi sử dụng hai phương tiện. Từ đó, bạn có thể tìm ra thời điểm xuất phát phù hợp để tới được chỗ học, chỗ làm mà không sợ trễ giờ.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế đi xe đường dài vào những buổi trưa nắng gắt để tránh say nắng hoặc ra nhiều mồ hôi trước những buổi hẹn quan trọng.

3. Chọn lộ trình thích hợp

xe đạp ngoài bãi biển

Ảnh: Hassan Nizam/Unsplash

Xe đạp không chỉ là một phương tiện di chuyển mà còn là một công cụ lý tưởng để rèn luyện sức khỏe. Sẽ tuyệt vời và hứng khởi hơn nếu bạn chọn những cung đường mát mẻ, vắng xe và có nhiều cây xanh để vừa chạy xe vừa tận hưởng cảnh đẹp và bầu không khí trong lành. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra bản đồ và chắc chắn lộ trình mình chọn có làn đường thích hợp dành riêng cho phương tiện này.

4. Tuân thủ luật giao thông

Giao thông an toàn cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn nên lưu tâm khi đạp xe. Hãy quan sát các biển báo giao thông suốt dọc đường để tránh đi nhầm vào làn đường của phương tiện khác, đừng dùng tai nghe khi đang di chuyển cũng như nhớ đưa tay xin đường và quan sát trước sau khi cần rẽ sang đường khác.

xe đạp mặc váy trắng đi xe

Ảnh: Rj Trazona/Unsplash

Mặt khác, nhiều người cũng lầm tưởng rằng sẽ không có nhiều quy tắc khi tham gia giao thông bằng xe đạp. Hãy đọc lại thật kỹ quy định của pháp luật dành cho phương tiện này nhé, tránh phạm phải những lỗi thường gặp như đi ngược chiều, rẽ phải khi không được phép, quay đầu xe trong hầm đường bộ, chạy xe ban đêm mà không có đèn hoặc vật phản quang…

5. Đội mũ bảo hiểm

xe đạp đội mũ bảo hiểm

Ảnh: Coen Van De Broek/Unsplash

Tính tới hiện tại, luật chỉ mới bắt buộc người đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, vì thế, đa phần mọi người vẫn chưa có khái niệm đội mũ khi đạp xe. Tuy nhiên, việc đội mũ bảo hiểm không chỉ có tác dụng chấp hành luật mà còn là tiền đề để bảo vệ và giảm thiểu rủi ro cho tính mạng của bản thân trong trường hợp bất trắc. Vì thế, hãy đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình khi tham gia giao thông dù chỉ với xe đạp nhé.

Mong bạn sẽ có được trải nghiệm đạp xe đầy thú vị với những thông tin trên.

Nhóm thực hiện

Bài: Hiểu Quân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: cycleplan

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more