Bí quyết sống

Làm sao để giữ “cái đầu lạnh” trước biển thông tin về virus corona 2019-nCoV

Giữa luồng thông tin "vàng thau lẫn lộn" về virus corona 2019-nCoV, làm thế nào để giữ được cái đầu lạnh và trái tim nóng khi cập nhật tin tức mỗi ngày? Cùng ELLE tìm hiểu nhé!

Share

Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, các cá nhân, tổ chức, kênh tin tức lá cải cố tình bịa đặt, thổi phồng cũng như phát tán nhiều tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi và gây hoang mang dư luận. Vậy làm thế nào để giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt trong thời buổi nhiễu loạn thông tin như hiện nay? Dưới đây là 3 thao tác cơ bản giúp bạn vượt bão thông tin trong mùa dịch này.

Sự nhiễu loạn thông tin về dịch corona 2019

Dịch corona 2019 là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Sau đó, dịch bệnh này nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc và 26 quốc gia khác. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến 13 giờ chiều ngày 4/2/2020, trên toàn thế giới có 20.629 người mắc, 427 người tử vong (trong đó có 425 người Trung Quốc, 1 người Hồng Kông (Trung Quốc) và 1 người Philippine). Hiện Việt Nam có 10 người bệnh.

Ảnh: Reuters

Quá trình bùng phát mạnh mẽ của dịch corona 2019 dẫn đến sự xuất hiện tràn lan của các tin giả như:

– Virus corona (2019-nCoV) là vũ khí sinh học trong phòng thí nghiệm của Viện virus Vũ Hán.

– Đã có vắc-xin và thuốc đặc trị.

– Có 33 người chết vì virus corona ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng có nhiều bài post bịa đặt, cung cấp những thông tin ngụy khoa học nhằm quảng cáo thuốc.

Rõ ràng, rất nhiều độc giả đang vô cùng hoang mang trước khối lượng thông tin “thật giả bất phân” khổng lồ về virus corona 2019-nCoV trong thời gian qua. Đã đến lúc chúng ta cần cập nhật tin tức một cách tỉnh táo hơn. Bởi niềm tin mù quáng vào tin giả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất – tinh thần và làm méo mó nhận thức của cộng đồng.

Ảnh: Unsplash

Cách vượt “bão thông tin” trong mùa dịch corona 2019

Trước dòng chảy thông tin ồ ạt của thời hiện đại, mỗi độc giả cần tự rèn luyện thói quen tư duy tốt để có thể giải mã và thẩm định thông tin. Nếu bạn giữ được sự điềm tĩnh khi cập nhật tin tức, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Sau đây là 3 thao tác hữu ích giúp bạn trở thành một độc giả thông minh trong mùa dịch corona 2019.

THAO TÁC 1: Phân biệt tin tức với ý kiến

Trước một bài viết, bạn cần xác định rõ đó là tin tức hay ý kiến. Bởi 2 thể loại này rất khác nhau:

Đối với ý kiến, người viết có thể trích nguồn rõ ràng hoặc không nhưng tất nhiên, họ sẽ không chỉ chia sẻ thông tin thuần túy mà còn thể hiện quan điểm cá nhân. Do đó, trong một chừng mực nhất định, ý kiến vẫn ít nhiều mang màu sắc chủ quan. Độc giả nên đặt mình trong tâm thế tham khảo, không nên hoàn toàn tin tưởng vào nội dung bài viết cùng các bình luận liên quan.

Đối với tin tức, nếu tác giả ghi rõ họ tên, chức vụ, cơ quan của bản thân và nguồn tin thì có thể bài viết đáng tin hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần kiểm tra kỹ mức độ chính xác, khách quan dựa trên những lợi ích liên đới với tác giả và nguồn tin, đồng thời cảnh giác trước những chiêu trò PR trá hình. Ví dụ, lợi dụng mối quan ngại sâu sắc của cộng đồng về virus corona 2019-nCoV, nhiều cá nhân, website, tờ báo tìm cách giật tít, câu view để bán thuốc.

Ảnh: Unsplash

THAO TÁC 2: Đánh giá THÔNG TIN

Khi đọc tin tức, chúng ta nên cẩn thận với những bài viết dẫn nguồn chung chung như: “theo giới chuyên môn”, “các nhà khoa học cho biết”, “một nghiên cứu chỉ ra rằng”… Cách tường thuật thông tin kiểu này được gọi là hội chứng “quên mất gốc tích” (source amnesia). Những thông tin đó khá giống tin đồn (không xác định được thời gian, địa điểm, đối tượng cụ thể) và không đáng tin.

Đối với những bài viết đề cập đến vấn đề sức khỏe như dịch corona 2019, chúng ta nên xem xét tính xác thực theo 4 tiêu chí:

1. Nội dung bài viết

Tài liệu tham khảo

– Một bài viết uy tín phải liệt kê, dẫn link rõ ràng, cụ thể các tài liệu tham khảo để độc giả tiện tra cứu khi muốn kiểm chứng hoặc tìm hiểu vấn đề sâu hơn.

– Tác giả phải sử dụng tài liệu tham khảo từ những nguồn tin chính thống và độc lập.

Từ ngữ của bài viết

Phân tích cách sử dụng từ ngữ, chúng ta sẽ có thêm căn cứ để thẩm định chất lượng tin tức. Nếu người viết dùng quá nhiều tính từ thì hãy cảnh giác nhé! Đừng để cảm xúc và hành vi của bạn bị chi phối bởi văn phong của họ.

Thêm vào đó, muốn tránh mắc bẫy định kiến khi theo dõi tin tức, chúng ta cần đặt thêm nghi vấn cũng như đọc nhiều nguồn để so sánh, đối chiếu thông tin. Bạn nên theo dõi ít nhất 5 – 10 nguồn tin khác nhau trong cùng lĩnh vực để có được góc nhìn khách quan và thực tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thông tin liên quan đến y tế, sức khỏe.

SỰ phù hợp với kiến thức TỔNG QUÁT

Kiến thức tổng quát là kết quả quá trình nghiên cứu và kiểm chứng lâu dài của nhân loại. Vì vậy, nếu có bất kỳ thông tin nào đối lập, phản bác hoặc phủ nhận những hiểu biết này thì chúng ta phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

2. Tác giả

– Tác giả là ai?

– Họ có chuyên môn trong lĩnh vực y học – sức khỏe không?

– Họ tên, học hàm, học vị, nơi công tác của tác giả có được ghi chú rõ ràng, cẩn thận ở đầu hoặc cuối bài viết không?

3. NƠI ĐĂNG TẢI BÀI VIẾT

– Nguồn này do ai quản lý và mục đích hoạt động là gì?

Chúng ta có thể tìm đọc thông tin trên trong phần “Về chúng tôi” hoặc “About us”. Bên cạnh đó, đôi khi, bạn có thể đánh giá được mức độ tin cậy và hữu ích của nơi đăng tải bài viết thông qua tên miền website.

  • .gov là cơ quan của chính phủ
  • .edu là cơ sở giáo dục
  • .org thường là tổ chức phi lợi nhuận, nhóm nghiên cứu xã hội, nhóm chuyên gia…

– Website này có thường xuyên cập nhật thông tin không?

– Thông tin liên lạc của website có cụ thể, chính xác không?

4. Ngày tháng cập nhật

Khi đánh giá độ xác thực của thông tin, người đọc cần chú ý đến thời gian bài viết được đăng tải hoặc chỉnh sửa. Dịch corona 2019 nói riêng và các sự kiện kinh tế – chính trị – xã hội nói chung luôn diễn biến khó lường. Do đó, các số liệu về tình hình thực tế sẽ thay đổi theo thời gian và cần được theo dõi liên tục.

THAO TÁC 3: Chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm

Khi chia sẻ một bài viết/bài báo trên mạng xã hội nghĩa là bạn đã dùng uy tín cá nhân để giới thiệu thông tin với bạn bè, người thân của mình. Rất có thể họ sẽ tin tưởng và hành động theo sự chỉ dẫn của bạn (người trực tiếp cung cấp thông tin).

Nếu thông tin chia sẻ không chính xác hoặc thậm chí sai lệch nghiêm trọng, chúng ta đang vô tình làm tổn hại đến sức khỏe, thể chất, tinh thần của chính những người thân thương. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người dễ dàng đồng tình và lan truyền tin đồn thất thiệt? Tác động của hiệu ứng domino trong truyền thông rất lớn. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật nghiêm túc và thấu đáo trước khi chia sẻ thông tin nhé!

Ảnh: Freepik

Một số kênh thông tin tin cậy về dịch corona 2019

Trước bối cảnh nhiễu loạn thông tin về dịch corona hiện nay, Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng thuộc Bộ Y tế khuyến nghị người dân theo dõi các kênh thông tin chính thống sau:

– Website Bộ Y tế: https://www.moh.gov.vn/

– Website Cục Y tế dự phòng: http://vncdc.gov.vn/

– Báo Sức khỏe Đời sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế: https://suckhoedoisong.vn/

Bên cạnh đó, chúng ta có thể liên lạc trực tiếp với Bộ Y tế để xác định thông tin qua đường dây nóng: 1900.3228 và 1900.9095.

Ngoài ra, bạn cũng có thể theo dõi:

– Báo cáo tình hình theo ngày của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại: https://cutt.ly/KrI7y7T

– Bản đồ dữ liệu bệnh từ Đại học Johns Hopkins cung cấp thông tin cập nhật về số ca nhiễm và tử vong: https://cutt.ly/prI7aur

– Trung tâm Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ: https://www.cdc.gov/

– Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh châu Âu: https://www.ecdc.europa.eu/en/home

– Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc: http://www.nhc.gov.cn/

Ảnh: Unsplash

Thẩm định thông tin là một kỹ năng rất quan trọng và cần thiết trong thời đại ngày nay. Bởi chỉ khi tiếp cận những thông tin chính xác, khách quan, bạn mới xây dựng được thái độ đúng đắn và có cách hành xử phù hợp. Đừng để bản thân bị thao túng bởi những nỗi sợ vô cớ đến từ tin giả hay thuyết âm mưu, đặc biệt là trong thời kỳ bùng phát dữ dội của dịch virus corona 2019-nCoV. ELLE hy vọng bài viết này đã cung cấp những gợi ý thiết thực và hữu ích, giúp bạn trở thành một độc giả tỉnh táo và thông minh.

Bài viết mới nhất

Parfois Vincom Center Đồng Khởi – Nơi sở hữu phong cách thời trang chiếm lĩnh Châu Âu

Không chỉ được giới trẻ sành điệu Châu u yêu thích săn đón, Parfois còn…

50 mins ago

Đắm chìm trong mẫu váy hồng kẹo ngọt của Rosé (BLACKPINK) tại New York

Sáng ngày 3/5, Rosé (BLACKPINK) đã khiến người hâm mộ say mê với vẻ ngoài…

2 hours ago

Những sản phẩm dành cho da hỗn hợp không thể bỏ lỡ trong đợt sale 5/5

Việc xác định loại da sẽ giúp bạn nâng cấp chu trình chăm da hiệu…

2 hours ago

Những sự thật thú vị về nữ chính Queen of tears Kim Ji Won

Nếu là fan hâm mộ của các bộ phim Hàn, chắc hẳn bạn không thể…

3 hours ago

Gợi ý những sản phẩm máy pha cà phê chất lượng bạn nên trang bị trong căn bếp của mình

Với những ai yêu thích hương vị đậm đà của cà phê và xem thức…

3 hours ago

Tiffany & Co. hợp tác với Pharrell Williams ra mắt Tiffany Titan

Dàn sao quốc tế có mặt tại The Landmark để chòn dó bộ sưu tập…

4 hours ago